Tổng thống Obama và Ba Tư |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa | |||
Thứ Năm, 26 Tháng 3 Năm 2009 01:01 | |||
Võ công Ba Tư và Tổng thống Mỹ... Đánh dấu năm mới của lịch số Ba Tư, hôm Thứ Sáu 20 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gửi lời chúc mừng Iran bằng một băng hình video. Có lẽ để chứng tỏ rằng Hoa Kỳ nay đã hoàn toàn đổi mới trong đối sách với Tehran, Chính quyền Obama còn vận động được Tổng thống Israel là Shimon Perez cũng gửi lời chúc tới "dân tộc Iran cao quý" - một chuyện hy hữu từ một lãnh tụ Do Thái. Cử chỉ đó không được Tehran đón nhận với sự lịch sự tối thiểu. Giáo chủ Ali Khamenei lập tức trả lời rằng băng hình chưa chứng tỏ là Hoa Kỳ đã thay đổi thái độ thù nghịch với Iran. Không ai nên ngạc nhiên về phản ứng đó. Lãnh đạo Iran và Hoa Kỳ vẫn đang chờn vờn múa thiệu, trước khi thực sự đi vào đối thoại... Múa thiệu là biểu diễn một bài quyền và có thể làm chuyển động không khí mà không mất một sợi lông chân - và chưa làm chết một ai. Chúng ta có thể đã biết là Tổng thống Obama muốn gì với Iran, nhưng bây giờ thì nên xem lại rằng các Giáo chủ Ba Tư muốn gì với nước Mỹ. *** Từ khi tranh cử và trong hai tháng qua, ông Obama đã nhiều lần trình bày quan điểm của mình về Iran trong một thế giới quan mới, một chủ trương mới của Chính quyền ông về thiên hạ sự. Khi tranh cử, ông Obama đả kích Chính quyền George W. Bush là ngang ngược không thèm nghe hoặc chẳng chịu đối thoại với cả đồng minh lẫn đối thủ. Thái độ ấy khiến Hoa Kỳ không được lòng thế giới và bị các nước nghi ngờ. Khi nhậm chức, ông muốn làm thay đổi tình trạng đó, và việc ông lên đài truyền hình phê bình là Hoa Kỳ có bất công với khối Hồi giáo, hoặc gửi lời chúc mừng tới Iran nằm trong sự thay đổi này. Ấn tượng thì đã có, thực chất ra sao thì còn tùy. Còn về phía Chính quyền Israel của người Do Thái, việc gửi lời mừng tới dân Iran cũng chỉ là cử chỉ xã giao với... Mỹ, rằng Israel không là kỳ đà cản mũi nếu đồng minh Hoa Kỳ muốn nói chuyện với đối thủ Iran. Sau này, nếu như viêc đối thoại ấy không thành, thì cũng chẳng thể trách được Israel là thiếu thiện chí. Vả lại, một lời chúc rất ngoại giao như vậy thì cũng chẳng đi tới đâu! Từ ngày lập quốc, khi Obama chưa ra đời, thì Israel không thiếu kinh nghiệm trong trò múa thiệu và đánh võ thật với các nước Hồi giáo. Phản ứng của Tehran chỉ là điều hợp lý. Các Giáo chủ Iran đều tin là Hoa Kỳ nêu ra hai đòi hỏi và một điều kiện. Đòi hỏi thứ nhất là Tehran phải ngưng kế hoạch chế tạo võ khí nguyên tử, và thứ hai phải chấm dứt viêc yểm trợ các nhóm khủng bố như lực lượng Hezbollah tại Lebanon hay Hamas tại Dải Gaza, và các thành phần Shia cực đoan tại Iraq. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ kêu gọi chấm dứt việc trừng phạt Iran. Với Iran, phần thưởng ấy quá nhỏ - và khôi hài - so với hai đòi hỏi kia. Hoa Kỳ và một số đồng minh Âu Châu đã và chỉ nói về việc trừng phạt, hoặc cấm vận kinh tế, mà không thể làm cho ra hồn. Chỉ vì trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Tehran có hai đồng minh là hội viên thường trực. Liên bang Nga và Trung Quốc có quyền biểu quyết để bác bỏ mọi nghị quyết trừng phạt Iran! Hãy cứ để bọn đốt nhà chạy chơi, cho lính cứu hoả Mỹ chạy theo rập lửa trên toàn cầu... Kinh tế Iran thật ra đang bị khó khăn nhưng vì lý do nội hộ hơn là vì lệnh phong toả của Mỹ. Cho nên, nhường hai chuyện lớn để lấy chuyện nhỏ - và không có hiệu quả thực tế - là điều.. chỉ có Obama tin là có giá trị! Lắc là phải! Đấy là cục diện sơ khởi của trận đấu trí giữa Iran và Hoa Kỳ trong những tháng đầu của Chính quyền Obama, nhất là khi ông Obama cần cả Iran lẫn Liên bang Nga góp phần giải quyết một hồ sơ nóng của Mỹ là chiến trường Afghanistan (A Phú Hãn). Bây giờ, ta mới xem thế nào là "Võ công Ba Tư", những gì Iran muốn - và có thể làm được. Từ đó, suy ngược ra hy vọng thành công của Obama. *** Từ đã lâu, các Giáo chủ Ba Tư đã học võ Bắc Hàn. Hãy cứ chuẩn bị một kế hoạch nguyên tử là Hoa Kỳ rét run. Nhờ kế hoạch nguyên tử ấy - đi cùng việc chế tạo hoả tiễn - Bình Nhưỡng đã gây ra nỗi sợ cho siêu cường Mỹ. Rằng có ngày Bắc Hàn sẽ có võ khí nguyên tử và có cái thế bắt bí cả Hoa Kỳ lẫn các đồng minh Đông Bắc Á là Nhật Bản và Nam Hàn. Từ khi thực hiện chương trình nguyên tử - với lý do cao cả là "năng lượng phụng sự hoà bình" - cho tới ngày có được võ khí nguyên tử rồi phóng qua xứ khác, là một khoảng thời gian rất dài. Trong khoảng thời gian ấy, Mỹ không thể coi thường mình được! Và hết xoi mói về những chuyện "vặt" như chà đạp nhân quyền hay đàn áp tôn giáo. Có khi còn phải viện trợ cho dân mình khỏi bị đói.... (Nhân vụ này, xin mở ngoặc đơn về chuyện... bốc-xít tại Việt Nam: có ai để ý tới sự việc là năm xưa, Nguyên tử lực cuộc của Việt Nam Cộng Hoà lại nằm ở Đà Lạt không? Biết đâu chừng, Hà Nội cũng học võ Bắc Hàn, được Bắc Kinh hà hơi nên muốn chơi bạo cho đẹp lòng phương Bắc. Khi ấy, vấn đề hết là môi sinh - mà ra sinh tử. Xin đóng ngoặc đơn...) Vì tính toán như vậy, Bắc Hàn cứ úp úp mở mở để hăm dọa vừa đủ mà kế hoạch không bị bóp chết trong trứng nước, lò nguyên tử không bị dập trước khi hoàn thành bước cuối là làm ra võ khí. Các Giáo chủ Ba Tư có thể cũng tính như vậy nên ăn nói nước đôi, khi có khi không về khả năng chế tạo võ khí nguyên tử, vừa đủ để cả Hoa Kỳ và Israel đều sợ, mà không quá để vì đối thủ quá sợ mà mình bị lãnh đòn như Saddam Hussein đã từng bị khi lò Osirak bị Israel phá hủy năm 1981. Trong khi ấy, Iran vẫn tiếp tục chế tạo hỏa tiễn có tầm bắn ngày một xa hơn, và đàm phán trên thế mạnh. Đàm phán trên thế mạnh về ảnh hưởng chính đáng của mình trong thế giới Hồi giáo, tại Trung Đông, Iraq và tại A Phú Hãn. *** Từ ba chục năm nay, một phần là nhờ nụ cười Jimmy Carter, Iran đã giành lấy lá cờ Cách mạng Hồi giáo chống Tây phương và trở thành lãnh tụ có thế giá trong khối Hồi giáo, hơn hẳn hệ phái đa số của dân Sunni. Vụ khủng bố 9-11 tại Hoa Kỳ, do Al-Qaeda thực hiện với cùng mục tiêu là lãnh đạo thế giới Hồi giáo nhưng theo hệ phái Sunni, đã đảo lộn tình hình. Trong cùng một thế giới Hồi giáo cực đoan, bỗng dưng lại có hai lực lượng nổi lên giành quyền bá chủ, từ hai góc Sunni và Shia. Và đều muốn lập thành tích chống Mỹ. Hoa Kỳ thời Bush đã nhảy vào cuộc và nhổ bớt cái gai Sunni tại A Phú Hãn rồi Iraq. Nhổ bớt cho các Giáo chủ Shia tại Tehran. Vì vậy, Iran đã kín đáo giúp Mỹ trên chiến trường A Phú Hãn ngay từ những ngày đầu của tháng 10 năm 2001. Khi ấy, Tehran còn đề nghị cho Hoa Kỳ mượn căn cứ quân sự làm bàn đạp tiến vào nước láng giềng là A Phú Hãn, để lật đổ chế độ Taliban và tiêu diệt Al-Qaeda. Tại Iraq, Tehran có thể đã cung cấp tin tức tình báo - có dụng ý - nhằm giúp Hoa Kỳ lật độ chế độ Saddam Hussein và đảng Baath, thuộc hệ phái Sunni. Đổi lại, Iran muốn có ảnh hưởng tại hai quốc gia này, là điều mà Hoa Kỳ cho là bất khả. Ngày nay, nhìn từ Tehran, Hoa Kỳ thời Obama vẫn lại tráo trở như dưới thời Bush: đã nói chuyện với lực lượng Sunni - đối thủ của Iran - tại Iraq nay lại muốn nói chuyện với lực lượng Taliban tại A Phú Hãn! Lại còn muốn mượn đường tiếp vận của Iran hay các nước Trung Á dưới ảnh hưởng của Liên bang Nga để tiến vào A Phú Hãn thực hiện chuyện vừa đánh vừa đàm với Taliban! Tổng thống Obama muốn bắt cá hai tay, vừa hoà giải với Iran vừa đối thoại trên thế mạnh với các phần tử "ôn hoà" của lực lượng Taliban để tháo chạy khỏi A Phú Hãn. Hai tay đó sẽ... vả vào nhau vì Iran và Taliban là hai lực lượng không đội trời chung! Nếu hiểu ra lối suy nghĩ đầy hoài nghi - và khinh miệt - của các Giáo chủ Tehran với chiến lược mới của Obama thì ta hiểu ra phản ứng của họ và nỗi khó của Hoa Kỳ. *** Thật ra, khi đưa lời chúc Tết, Barack Obama cũng vẫn chỉ gây ấn tượng rằng Chính quyền mới có thiện chí ôn hoà cởi mở hơn, chứ về thực chất, lập trường của Hoa Kỳ chưa có gì đổi khác so với thời Bush nên Tehran cũng chưa cần đổi giọng. Sau này cơ. Ban tham mưu đối ngoại của Obama có thể nghĩ rằng họ đa mưu. Nhân dịp đầu năm, bắn ra tín hiệu hòa dịu, Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Sáu, với ý hướng khích lệ phe "ôn hoà" tại Tehran. Iran thì hiểu chuyện ấy từ khi Obama còn đi học. Từ mấy thập niên rồi, mỗi khi Iran có bầu cử thì Hoa Kỳ đều muốn chi phối theo lối vừa dọa vừa dụ. Huống hồ bây giờ, khi xứ này tràn ngập khó khăn kinh tế vì dầu thô sụt giá sau nhiều năm quản trị rất kém. Nhu cầu cải thiện kinh tế có thể khiến các xu hướng thực tiễn - ôn hoà với Mỹ - chấp nhận một số nhượng bộ về an ninh. Nhưng ban tham mưu của Obama đã đánh giá sai tình hình. Phe "ôn hoà" tại Iran nay có ba ứng cử viên nên sẽ chia phiếu, khiến nhân vật khật khùng là Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad vẫn có thể thắng cử. Thứ nữa, dù thuộc bất cứ phe nào, không lãnh tụ nào tại Iran lại chấp nhận hoà dịu với Mỹ và mất thế mạnh tại Iraq. Làm như vậy là tất nhiên thất cử. Và ngần ấy phe đều vẫn do Giáo chủ Khamenei và cơ chế tôn giáo của ông điều động ở bên trong. Thành thử, vấn đề không thể là sẽ có lực lượng chính trị Iran sẵn sàng đổi súng lấy gạo theo kiểu suy nghĩ duy lý và lý tài của nhiều người Mỹ. Ngược lại, các Giáo chủ Tehran cũng biết tương kế tựu kế: nhân khi Obama mót đối thoại, vì sao ta không nói thách? Tehran đã lắc đầu với phần thưởng kinh tế hay việc Mỹ sẽ vận động bãi bỏ cấm vận. Nếu Obama muốn nói chuyện thì vì sao không nói về "chính nghĩa" của việc Iran yểm trợ Hezbollah hay Hamas? Nếu thèm nói thì vì sao không nói về vai trò của Iran tại Iraq và Afghanistan? Và trả giá thế nào cho việc Tehran chấm dứt kế hoạch nguyên tử? Sau khi nhậm chức, Tổng thống Barack Obama muốn gây ấn tượng - y hệt như khi tranh cử - là ông mới là người đem lại hy vọng đổi mới. Ấn tượng ấy chỉ lòe được những kẻ nhẹ dạ cả tin tại Mỹ, những người bị "Hội chứng Ôbamê", mà không làm Tehran mảy may xúc động. Ngược lại, các Giáo chủ Iran còn nhân cơ hội đòi hỏi Obama nhượng bộ nhiều hơn - trước khi nói chuyện. Họ tin là sẽ đạt được kết quả ấy sau khi thấy Chính quyền Obama nhượng bộ Liên bang Nga rất nhiều tại Âu Châu, từ việc bỏ rơi Georgia, đình hoãn kế hoạch thiết lập lá chắn BMD tại Ba Lan và Cộng hoà Tiệp, tới việc sẵn sàng đàm phán với Nga về Thòa ước Tài giảm Võ khí Chiến lược START hay về vai trò của Moscow đối với an ninh Âu Châu. Một quốc gia duy nhất có thể phần nào cản được Iran, đó là Liên bang Nga. Đang trên đà thắng lợi nên Moscow chẳng có nhu cầu giúp Hoa Kỳ kềm chế Tehran. Các Giáo chủ Iran vì vậy vẫn còn khả năng nói thách. Là người thông minh, ông Obama sớm thấy ra điều ấy. Hôm Chủ Nhật 22, trong dịp tranh cử trên chương trình truyền hình "60 Minutes", vị Tổng thống khoác áo cứu tinh vĩ đại đã nói về mục tiêu của ông tại A Phú Hãn: "ngăn cản Al-Qaeda sẽ lại tấn công lãnh thổ, quyền lợi hay các đồng minh của Hoa Kỳ". Như sợ dân chúng chưa hiểu, ông nhắc thêm là sau vụ khủng bố 9-11, mục tiêu chiến lược của Mỹ chỉ là Al-Qeada. Và nhá cho dư luận thấy rằng giải pháp quân sự không thể thành công tại A Phú Hãn. Nghĩa là phải nghĩ tới giải pháp chính trị, hay con đường triệt thoái. Ông gọi đó là "exit strategy"! Khi tranh cử, ứng cử viên Barack Obama hứa hẹn rất nhiều, kể cả việc dồn thêm quân vào chiến trường A Phú Hãn. Hai tháng sau, ông hoàn thành phân nửa những gì đã muốn, đó là bỏ rơi ngần ấy đồng minh của Hoa Kỳ tại Âu Châu. Nay đang hoàn thành phân nửa còn lại, là nhượng bộ các đối thủ của Mỹ, như Liên bang Nga hay Iran. Vì vậy, các Giáo chủ Iran cứ khoanh tay ngồi đợi. Tổng thống Obama đã chìa tay xin bắt, mà chẳng bắt được gì. Nên chỉ là xin!
|