Lại một dự thảo ngớ ngẩn |
Tác Giả: Văn Quang | |||
Thứ Tư, 01 Tháng 4 Năm 2009 01:23 | |||
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam vừa đưa ra một "sáng kiến" khá kỳ cục, tạm gọi tắt là "Dự thảo hành nghề xe ôm". Tất nhiên, khi đưa ra một dự thảo ở cấp Bộ và có ảnh hưởng sâu rộng đến người dân cả nước như thế, các "chuyên gia" đã phải mất nhiều công sức nghiên cứu, tìm tòi từ thực tế đến luật pháp và những điều kiện phù hợp với đời sống của người dân. Nhưng tiếc rằng dự thảo vừa đưa ra đã bị dư luận phản đối gay gắt. Bởi không những nó đã vô lý mà còn làm cho người dân bực mình vì những trói buộc phiền hà vốn đã có đầy rẫy trong cuộc sống hiện nay. "Tháo gỡ" chưa hết, nay lại trói buộc thêm. Đủ thứ phiền hà "hành" dân Văn bản mà Bộ GTVT đang xây dựng có tên đầy đủ là "Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, môtô hai bánh, môtô 3 bánh và các loại xe tương tự để vận tải hành khách và hàng hóa". Có thể hiểu rằng đây là quy định nhằm vào loại "xe ôm", mà người dân quen dùng. Trong đó có cả những loại xe 3 bánh như xích-lô máy, xe tự chế 2-3 bánh, nhưng những loại xe xích-lô máy và 3 bánh tự chế hầu như sắp "tuyệt chủng", nên dự thảo này chỉ nhắm vào thành phần xe ôm. Theo dự thảo này thì sắp tới những người hành nghề "xe ôm" sẽ phải làm đơn xin tham gia vận chuyển hành khách, có giấy đăng ký hành nghề, có phù hiệu, đồng phục, phải nộp phí đăng ký theo quy định... Cụ thể, người hành nghề phải làm đơn gửi lên phường, xã, thị trấn hoặc bến tàu, bến xe, bến cảng để đăng ký hành nghề và được xác nhận cho phép thì mới được hoạt động. Phức tạp hơn, không chỉ làm đơn mà phải xuất trình hộ khẩu, giấy tạm trú. Trường hợp xe gắn máy dưới 50cm3 phải có giấy chứng nhận đã học tập Luật Giao Thông do ngành GTVT cấp. Sau khi được cho phép kinh doanh "xe ôm", các bác tài phải tập trung thành tổ, đội hoặc do doanh nghiệp, hợp tác xã, tư nhân tổ chức kinh doanh. Các đơn vị hành nghề xe ôm này phải sử dụng phù hiệu, mũ, đồng phục do sở GTVT hướng dẫn. Người muốn hành nghề "xe ôm" sẽ phải trải qua một quy trình chứng nhận đơn quá phiền hà. Ngoài đơn từ ra, cá nhân đi đăng ký còn phải xuất trình bản sao giấy chứng minh nhân dân, các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, có tổ đội, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, có giấy mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, thậm chí còn phải có hồ sơ lao động, hợp đồng lao động và quản lý lao động lái xe theo quy định. Khi đơn được chấp thuận chỉ có hiệu lực trong vòng một năm đối với người có hộ khẩu thường trú, doanh nghiệp, hợp tác xã và 6 tháng đối với người có hộ khẩu tạm trú. Thông tư cũng quy định lái xe ôm chỉ được đứng đón khách tại các điểm đỗ mà cơ quan chức năng công bố. Với hàng loạt giấy tờ và quy định khắt khe như thế, có thể khẳng định không một người lái xe ôm nào muốn chạy xe ôm nữa, và cũng chẳng ai có thể kiểm soát được ai là người chạy xe ôm, ai chở bà con, anh bạn bè của họ. Thế nên dự thảo sẽ chẳng mang lại lợi ích gì thiết thực cho cả người chạy xe ôm và người đi xe ôm. Có lẽ những "chuyên gia" là những vị chỉ quen đi xe hơi, ở nhà lầu nên chưa thể nhìn rõ người lái xe ôm là ai, hành nghề như thế nào... Dự thảo mới toanh nhưng... toàn là đồ bỏ xó Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ông chưa nhận được bản dự thảo này, tuy nhiên, ông hoàn toàn bất ngờ khi biết nội dung này qua báo chí. Ông Linh nói, hơn 10 năm trước, Sở GTVT cũng đã giao Thanh tra Sở GTVT siết chặt quản lý hoạt động xe ôm tại các bến xe, nhà ga bằng việc thành lập các đội xe ôm tự quản, có đăng ký với thanh tra sở, được sở này chấp thuận và cấp phép. Tuy nhiên, đến năm 2000, khi có Quyết định số 19/2000 của chính phủ cùng Nghị định số 02/2000 về hướng dẫn đăng ký kinh doanh, trong đó có việc loại bỏ trên 100 "giấy phép con" gây phiền hà cho doanh nghiệp, thì Sở GTVT Hà Nội cũng đã "buông" quản lý hoạt động xe ôm từ ngày đó. Cũng theo ông Linh, năm 2002, Bộ GTVT từng có Thông tư 03 về quy chế quản lý xe ôm, trong đó cũng nêu những điều kiện tương tự bắt buộc, nhưng không có điều kiện là phải có giấy phép kinh doanh như bây giờ. Song, thông tư này cũng bị phản đối và không đi vào cuộc sống. Ông Linh nói: "Nhưng không hiểu sao, sau 7 năm, những nội dung ấy lại được bê nguyên gần như hoàn toàn và nói là "dự thảo lần 3". Hóa ra dự thảo này chỉ là sự sao chép lại một dự thảo đã bị bỏ xó từ gần chục năm qua, nay... buồn tình mang ra xào lại?! Cũng có thêm một tí cho phải phép, đó là thêm quy định phải có giấy phép kinh doanh cho khác với nguyên bản 7 năm trước. Các "chuyên viên" thông minh và bằng cấp đầy mình của Bộ GTVT quả là khôn khéo thật. Làm việc cật lực mà thật ra chẳng phải làm gì cả. Xin bái phục và nên truyền kinh nghiệm... gãi ghẻ này cho cho các đồng nghiệp khác. Người lái xe ôm là ai? Ở Việt Nam ngày nay, đi bất cứ nơi nào, từ đầu làng cuối xã đến khắp hang cùng ngõ hẻm ở tỉnh thành, bạn cũng gặp xe ôm. Ngoài những người hành nghề xe ôm "chuyên nghiệp" còn có thể là bất cứ ai, muốn kiếm thêm chút đỉnh cho bản thân và gia đình mình. Muốn chạy xe ôm chỉ cần có xe, tìm góc đường "không đụng hàng" là hành nghề. Bất cứ lúc nào, từ học sinh, sinh viên, công nhân viên đến người lớn tuổi, về hưu, thất nghiệp... đều dễ dàng ra đường làm vài cuốc xe kiếm thêm thu nhập. Thậm chí ngay cả phụ nữ cũng chạy xe ôm. Hôm nay họ chạy ở đây, mai họ nghỉ, ngày kia chạy chỗ khác, quản lý họ khác nào trói cẳng chim trời. Họ có mặt ở khắp nơi. Muốn "nhận dạng" người nào chạy xe ôm bạn chỉ cần nhìn ở một góc phố, đầu đường và ngay cả giữa đường, một anh nào đó ngoài mũ bảo hiểm của mình còn đeo thêm một chiếc mũ bảo hiểm bên hông xe là đúng "chỉ số". Tuy nhiên, đôi khi cũng có một vài người đeo thêm chiếc mũ để đón người thân hoặc con cái đến nơi nào đó không tiện mang theo mũ bảo hiểm. Bạn có lỡ tay vẫy xe cũng sẽ được chủ nhân thông cảm bỏ qua. Nhưng nếu "đúng người đúng việc" bạn sẽ được chào đón rất nồng nhiệt. Một vài "tệ nạn" khi đi xe ôm Hầu hết trước khi bước lên xe, bạn sẽ phải "thành thật khai báo" lộ trình, nơi cần đến và giá cả. Không bao giờ có sự giống nhau về giá cả, bình thường chỉ khác nhau vài ba ngàn đồng. Nhưng gặp đoạn đường vắng, khó kiếm xe, hoặc bạn quên không "mặc cả", có thể bị "chặt chém" đến bất ngờ. Do đó tình trạng xe ôm ở Việt Nam khá lộn xộn. Đâu cũng là bến bãi, giá cả bất thường gây ra nhiều cuộc tranh cãi giữa chủ và khách. Và nạn "đầu gấu" chiếm lãnh một khu "làm của riêng", chỉ có nhóm của "anh hùng cát cứ" này mới được quyền đón khách. Các anh xe ôm loạng quạng vào khu vực này là ăn đòn dễ như chơi. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh những anh xe ôm bắt khách ở đầu hẻm bị các "đầu gấu" hoạnh họe muốn xơi tái đồng nghiệp của mình. Trong trường hợp đó, tôi đành phải "chứng nhận" là người nhà của bác tài xe ôm. Nhưng tất nhiên là chỉ được lần đó thôi, anh xe ôm sẽ chẳng bao giờ dám lai vãng đến nơi đó nữa. Nếu muốn được tham gia vào băng nhóm này anh tài xe ôm phải đóng tiền "bảo kê". Tại không ít các bến bãi, tình trạng tranh khách rồi đánh, cãi, chửi nhau xảy ra khá nhiều. Hiện tượng bắt chẹt, lừa đảo hành khách gây mất trật tự xã hội cũng không hiếm... Đặc biệt, nếu theo các quy định hiện hành thì gần như 100% người hành nghề "xe ôm"... vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, họ không có quyền đứng bắt khách ở vỉa hè, lòng đường. Chính vì sự lộn xộn này mà cần phải có một số quy định để sắp xếp việc đưa đón xe ôm có trật tự hơn, đỡ gây tranh chấp phiền hà cho cả người hành nghề và khách. Nếu có một bến xe ôm, khách cứ việc ra đó là yên tâm. Tuy nhiên, quy định phải thực tế mới thực hiện được. Ví dụ như thỏa thuận giá cước không quá giá trần do UBND tỉnh, thành phố quy định là không thực hiện được. Bởi giá cả cho mỗi cuốc xe thì không ai có thể xác định được chắc chắn là bao nhiêu vì tùy theo nhu cầu của khách đi xe. Có khi khách đến một con phố nhưng đầu phố và cuối phố cách nhau một đoạn đường dài hàng cây số, có khi khách còn yêu cầu đưa vào những con hẻm vòng vèo bé tí tẹo thì đường đi và giá cả lại khác nhau hoàn toàn. Thí dụ như đến khu Nhiêu Tứ ở Phường 7 Quận Phú Nhuận, vào nhà ông Nguyễn Thuỵ Long, phải chạy lòng vòng qua năm bảy lối rẽ ngang dọc, đường sá mấp mô, hỏi thăm vài lần mới tìm thấy nhà. Không ai có thể định được giá cả cho cuốc xe này. Cho nên mọi thứ bạn cần phải "mặc cả" cho rõ để tránh phiền phức khi xuống xe. Vì vậy quy định giá cả cho xe ôm như bản dự thảo đã đưa ra là chẳng hiểu gì về xe ôm. Sự tiện dụng của xe ôm Ngày nay, bất cứ một bác tài xe ôm nào cũng có một cái điện thoại di động. Bạn ở trong bất cứ ngõ hẻm nào cũng có thể gọi xe ôm đến tận nơi đưa đón vào bất kỳ giờ giấc nào, có khi ngay cả trong đêm. Cho nên các gia đình, các bà nội trợ, thường có sẵn vài số di động của vài bác xe ôm cho tiện công việc, vừa là chỗ quen biết bảo đảm an ninh, vừa được tính giá phải chăng. Các bác tài thường gọi là "mối" của họ. Bạn cũng có thể giao phó cho bác tài xe ôm "mối" đó làm những công việc riêng giúp bạn như đi đóng tiền điện thoại, điện nước, đi giao hàng, nhận hàng của người quen hoặc thân hơn thì hằng ngày đưa đón con cái đi học... Do đó, xe ôm đã đi vào cuộc sống thiết thực hằng ngày của người dân. Thực tế đây là loại hình dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách. Hình thức này vài năm gần đây phát triển nhanh, đáp ứng rất đông nhu cầu của người dân. Có một số ông bạn Việt kiều của tôi về Sài Gòn không dám đi xe ôm vì sợ tai nạn, nhảy lên taxi thường xuyên, cố quên rằng mình bị chặt chém vô tội vạ. Nghĩ thế cũng đúng, đi xe ôm gặp anh tài trẻ chạy thục mạng rất dễ xảy ra tai nạn. Nhưng còn một điều nữa là đi taxi ở Sài Gòn bao giờ cũng lâu hơn đi xe gắn máy vì bị kẹt đường, nơi nào cũng có lô cốt là taxi chạy ì ạch, thua cả xe đạp. Nếu bạn đi xe ôm, các bác tài đã quá quen nên chọn đường ít kẹt và phóng lên hè chạy thoát lô cốt nhanh như sóc. Vì giá cả cuốc xe ôm đã được thỏa thuận rõ ràng, có chạy lâu là tài xế thiệt, nên phải chọn đường ngắn nhất. Khác với taxi, đi đến đâu trả tiền đến đó, có kẹt xe, phải đi vòng, có mất thì giờ thì khách phải trả thêm tiền. Thế nên trong tháng vừa qua, ông Ngọc Toét từ San Jose về Sài Gòn chơi, suốt ngày chỉ "cưỡi" xe ôm cho tiện việc sổ sách. Xét cho cùng, xe ôm cũng là dịch vụ, có mức độ ảnh hưởng lớn tới xã hội thì nên có sự quản lý. Sự quản lý này trước hết tập trung vào việc tạo hành lang pháp lý cho người hành nghề xe ôm hoạt động có trật tự, tuân thủ các quy định mang lại dễ dàng, ổn định trong công việc của họ. Ý nghĩa này quan trọng hơn là việc trói buộc hay xử phạt người hành nghề. Có một quan niệm hết sức ấu trĩ mà những người có chức có quyền thường mắc phải mỗi khi cần chấn chỉnh một hoạt động nào là làm không được thì tìm cách phạt, tìm lý do để cấm. Thí dụ như việc không thể làm giảm áp lực giao thông thì cấm đăng ký xe, tìm mọi cách để ngăn chặn quyền tự do đi lại, mua sắm của người dân. Và khôi hài hơn, cách đây vài năm không kiểm soát được các nhân viên thu tiền phí qua trạm của các loại xe, các quan trên bèn bắt nhân viên thu tiền phải khâu kín túi áo ngực... Những dự thảo quy định như thế chỉ làm tốn thêm công sức và là một trò khôi hài. Thế mà các chuyên viên thông minh lỗi lạc cũng đẻ ra được. Vậy quản lý cách nào cho hợp lý, hợp tình, hợp pháp mới là điều đáng làm. Không hợp pháp, không hiệu quả Theo TS Nguyễn Đình Cung, Trưởng Ban Vĩ mô Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Nếu dự thảo này được ban hành sẽ là một văn bản không hiệu lực và không hợp pháp. Không hiệu lực vì hoạt động xe ôm là loại hình không cố định, không có bến bãi, điểm trả khách, đón khách thì không thể quản lý theo cách Bộ GTVT dự tính. Như vậy, tại mỗi phường phải cử hẳn một nhân viên chuyên đi theo dõi, quản lý người chạy xe ôm. Không hợp pháp, vì cấp bộ không có quyền đặt yêu cầu về giấy phép, thẩm quyền này là của Thủ tướng Chính phủ. Quy định đơn đăng ký hoạt động xe ôm như dự thảo thông tư chính là một loại giấy phép con, áp đặt điều kiện cho dân. Ông Nguyễn Đình Cung cũng tỏ ra lo lắng khi cho rằng tại thời điểm kinh tế khó khăn này, cơ quan quản lý không nên đưa ra những quy định không hợp pháp, không có hiệu lực, tác động không tốt đến lòng tin của người dân. Ông Cung cho rằng bất kỳ quy định nào của Nhà nước cũng phải bảo đảm mang lại lợi ích cho người dân thuộc đối tượng điều chỉnh và xã hội nói chung. Chạy xe ôm thực chất là để mưu sinh chứ không phải một nghề có thu nhập ổn định. Với quy định này, người chạy xe ôm không những không được lợi ích gì mà còn bị tăng thêm gánh nặng mưu sinh không cần thiết. "Còn lâu mới phạt được" Hầu hết cánh xe ôm khi được hỏi đều cho rằng chỉ có thể quản lý lực lượng xe ôm ở các bến phà, bến xe... nơi có số hành khách đông đúc. Riêng lực lượng xe ôm ở góc đường, hẻm, hè phố, chính quyền địa phương muốn quản lý sẽ là nhiệm vụ... bất khả thi bởi xe ôm là nghề tự do, tự phát, rất khó quản lý. Một bác xe ôm mỉm cười phê phán: "Nếu muốn quản lý xe ôm mỗi phường phải cử ra một vài anh cảnh sát, dân phòng suốt ngày chạy vòng vòng quanh phường xem hôm nay có người nào mới ra chạy xe ôm hay không?" Anh Nguyễn Văn Hải chạy xe ôm cho biết: "Quan trọng là nói cho chúng tôi biết chúng tôi được gì, như có bến bãi, có khách ổn định thì chúng tôi đi đăng ký, chứ phạt à?" Còn lâu! Tôi cứ ăn mặc chỉnh tề, chở khách ra bến có khác gì chở con gái ra bến xe, hoặc ăn mặc chỉnh tề rồi đứng ở bến thì khác gì chờ đón người nhà ở cổng bến?!". Thử đặt vấn đề, tại TP. Sài Gòn, hàng triệu lượt xe máy chạy qua lại trên các đường phố, đố ai biết được người nào chạy xe ôm đang "kinh doanh". Lực lượng đâu để kiểm tra giấy phép hành nghề của họ? Nếu hỏi giấy phép, người lái "xe ôm" không nhận là mình lái "xe ôm" thì sao? Nhiều người là giáo viên, sinh viên, công nhân viên, công nhân sau khi tan ca, hết giờ làm việc, họ chạy thêm một cuốc "xe ôm" kiếm thêm tiền mua ký gạo, họ không muốn vào tổ, đội, không muốn mặc đồng phục thì làm gì được họ? Chưa kể, trong thời gian qua, việc loại bỏ quy định về hộ khẩu ra khỏi một số thủ tục hành chánh để giảm bớt sự phiền hà cho dân, nay thông tư này lại dùng hộ khẩu để cấp phép kinh doanh cho người hành nghề "xe ôm". Đúng là trái khoáy, quy định này đá quy định kia. Một thanh tra viên thuộc Thanh tra Sở GTVT TP. Sài Gòn cũng đồng tình với ý kiến này, ông nói: "Việc quản lý, kiểm tra, xử phạt đối với những người chạy xe ôm chưa được cấp phép như dự thảo là hết sức khó khăn, thậm chí là không kiểm tra, xử phạt được. Bởi, nếu quan sát trên đường khó phát hiện ai làm nghề "xe ôm", ai đang chở bạn bè, người thân... để kiểm tra. Hoặc cho dù lực lượng kiểm tra có tước đơn kinh doanh thì cũng không thể buộc họ phải từ bỏ nghề. Không làm chỗ này họ đi làm chỗ khác. Lúc đó sẽ còn phức tạp hơn. Luật lệ sẽ không còn ý nghĩa gì. Tóm lại, dự thảo mới toanh và cũng là cũ xì của Bộ GTVT vừa trình làng đã bị phản ứng gay gắt. Dự thảo về quy định muốn hành nghề "xe ôm" phải xin phép và được cấp phép kinh doanh là chuyện vô lý. Việc này chẳng khác nào đẻ ra thêm các thủ tục rườm rà, gây khó đối với người chạy "xe ôm". Bộ GTVT cần phải xem xét lại những "chuyên viên" của mình đã đẻ ra thứ luật lệ quá phi lý này. Có nhiều đêm tôi đi về khuya, trời khá lạnh, chợt thấy ở góc ngã tư, một bác xe ôm ngồi buồn hiu hắt dưới ánh đèn vàng vọt, con đường lộng gió đã vắng tanh. Hình ảnh cô đơn và kiên trì đó khiến tôi bùi ngùi, đôi lúc chỉ muốn nhảy xuống đi cho bác xe ôm một cuốc để bác có thể về nhà với gia đình. Nếu bạn về Sài Gòn, một đêm nào thử quan sát xem, cái cảnh ấy nơi nào cũng có. Xin chuyển sang một hiện tượng khác của xã hội hiện nay Những tin nhắn rác gây phiền lụy Ở Việt Nam hiện nay, số người dùng Điện thoại di động (ĐTDĐ) tăng vọt. Như tôi đã có lần tường trình với bạn đọc, hầu như ai cũng có ĐTDĐ. Loại ĐTDĐ khuyến mãi trả trước, chỉ cần mua một cái ĐTDĐ vài trăm ngàn là khách hàng sẽ có ngay một cái sim và một số tiền hơn thế để gọi thoải mái mà không cần ghi tên tuổi địa chỉ. Khách hàng muốn gọi cho ai, nhắn tin gì cũng được, chẳng ai biết người gửi là ai. Khi gọi lại số đó thì bị khóa máy ò í e. Gọi hết, mua một cái sim khác, lại thoải mái chơi trò ném đá giấu tay rồi lại quăng mua cái khác. Những người bán và kinh doanh điện thoại không cần biết đến những hệ luỵ do sản phẩm của mình mang tới. ĐTDĐ mang lại nhiều tiện ích cho mọi người, nhưng đồng thời nó cũng mang đến nhiều phiền luỵ. Tất cả các mạng di động cũng thường hay nhắn tin để quảng bá về các chương trình khuyến mãi như: tặng 100% khi nạp tiền bằng thẻ trả trước, miễn phí tin nhắn, quay số trúng thưởng... Vì thế, nhiều khách hàng khi nhận được các tin nhắn mời gọi gửi tin nhắn tới tổng đài nào đó, để nhận nhạc chuông, bộ sưu tập hình ảnh hotgirl... miễn phí thì cũng tưởng đó là các thông tin khuyến mãi mình vẫn được nhận và... bị lừa. Đây là chưa kể đến nội dung thông tin của các tin nhắn này còn được gửi đi bởi những thù oán cá nhân, vu vơ hoặc nhắm tới một lợi ích khác. Trò nhắn tin tha hồ hoành hành, tán tỉnh, lừa lọc, chửi bới, vu cáo, quấy hôi, bôi nhọ người khác là chuyện thường thấy. Người đàng hoàng không ai gửi tin thư nặc danh cả. Hầu hết những tin nhắn ấy do những kẻ thiếu đạo đức, thiếu tư cách gây ra. Nhưng với những "nạn nhân" gặp trường hợp này, nếu vững tin vào chính mình thì chỉ nên coi đó chỉ là một trò hèn hạ. Thông tin từ 3 mạng di động lớn là MobiFone, Viettel, VinaPhone cho biết: hằng ngày, Call Center của các mạng di động này đều phải nhận hàng ngàn cuộc gọi khiếu nại của khách hàng về tình trạng spam tin nhắn mời sử dụng các dịch vụ gia tăng, tin nhắn lừa... Một lãnh đạo Call Center của Viettel tiết lộ, mỗi ngày, Call Center của Viettel nhận được khoảng 5.000 cuộc gọi như vậy. Vị này cũng nhận xét, con số khách hàng thực tế bị gửi tin nhắn rác, tin nhắn lừa, lớn hơn gấp nhiều lần số cuộc gọi khiếu nại bởi hàng chục người bị nhận tin nhắn rác, tin nhắn nhảm nhí, mới có một người gọi điện khiếu nại mà thôi. Các mạng di động đều biết rất rõ hiện tượng bùng phát tin nhắn rác, tin nhắn lừa do các nhà cung cấp dịch vụ nội dung gây ra. Tại sao các mạng này vẫn không tiến hành các biện pháp ngăn chặn kịp thời? Điên đầu vì gần 5.000 tin nhắn khủng bố Nhà khai thác di động MobiFone vừa tiếp nhận trường hợp hi hữu - một khách hàng ở Hà Nội đã nhận được liên tiếp hơn 5.000 tin nhắn dạng spam gạ tình xen lẫn chửi rủa từ nhiều số máy khác nhau. Nạn nhân của hàng ngàn tin nhắn này là một doanh nhân khá thành đạt tại Hà Nội và là chủ thuê bao 093xxxxx88. Không muốn bị làm phiền, anh đề nghị MobiFone âm thầm giải quyết và không nêu tên khách hàng. Phía hãng MobiFone xác nhận: "Hệ thống của chúng tôi ghi nhận được, lượng tin nhắn gửi tới số máy của vị khách hàng kia lên tới con số 5.000 bản tin, trong đó có khoảng 3.000 tin nhắn chửi bới, gạ gẫm. Chúng tôi đành phải mượn máy điện thoại của khách một ngày để nghiên cứu xử lý". Lợi dụng các chương trình khuyến mãi, giảm cước, những tin nhắn dạng spam trúng thưởng rởm, tặng quà ảo hay bói toán, tư vấn tình cảm ngày một nở rộ, gây phẫn nộ cho không ít khách hàng. Phạt kẻ gửi tin nhắn "rác" 7,5 triệu đồng Tuy khó tìm ra dấu vết những kẻ ném đá giấu tay, nhưng ngày 13-3 vừa qua, Thanh tra Sở Thông Tin và Truyền Thông (TTTT) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về dùng điện thoại di động gửi tin nhắn "rác". Từ ngày 1-12 đến ngày 6-12-2008, ông Nguyễn Đăng Toàn đã nhận được 4 tin nhắn và 3 cuộc điện thoại có nội dung chửi bới, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng từ số máy +841262286084. Sau khi nhận được tin nhắn và các cuộc điện thoại có nội dung trên, ông Toàn và gia đình rất lo sợ, nên ngày 9-12-2008 ông Toàn có đơn gửi Phòng An ninh Kinh tế (CA TP Hà Nội) trình báo và đề nghị được giúp đỡ. Phòng An ninh Kinh tế đã điều tra, làm rõ người sử dụng số máy +841262286084 để nhắn tin, gọi điện đe dọa ông Toàn là Phạm Đức Hiếu - SN 1977, tạm trú tại nhà 25, ngách 10, ngõ 860 đường Bạch Đằng, Hà Nội là cộng tác viên của Cty tư vấn ĐH Xây dựng. Thanh tra Sở TTTT đã phạt Phạm Đức Hiếu 7.500.000 đồng. Phó Chánh thanh tra Sở Nội vụ gửi tin nhắn kích động? Thời gian gần đây, nhiều quan chức lãnh đạo tỉnh Nghệ An và cán bộ các huyện, thành thị, đều nhận được tin nhắn có nội dung kích động, bôi nhọ những người đứng đầu ở tỉnh Nghệ An. Nội dung các tin nhắn này rất nguy hiểm, nó gây nên sự nghi kỵ, hiểu nhầm lẫn nhau. Xét thấy mức độ nguy hiểm của các tin nhắn này là rất nghiêm trọng, công an đã vào cuộc điều tra. Theo cơ quan điều tra, các tin nhắn có nội dung trên được phát đi từ máy điện thoại của ông Tô Viết Sáu - Phó Chánh Thanh tra Sở Nội vụ Nghệ An. Theo thông tin ban đầu, các tin nhắn này được phát đi bằng nhiều sim điện thoại khác nhau nhưng lại từ một máy điện thoại của ông Sáu. Ông này đã được gọi làm việc và có tường trình cho rằng, có ai đó nghịch máy mình nên có các tin nhắn như thế. Tuy nhiên, dư luận ở Nghệ An không chấp nhận lời giải thích trên mà cho rằng đây là hành vi phá hoại hết sức nguy hiểm, là việc gắp lửa bỏ tay người, cần phải nhanh chóng làm rõ để nghiêm trị trước pháp luật. Dọa đặt bom trường học Gần đây nhất, khoảng 10g sáng ngày 17-3, trường Trung học Lê Thanh Liêm (xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) nhận được cú điện thoại giọng nam đứng tuổi với nội dung "Yêu cầu trường giải tán học sinh ngay. Có 2 quả bom trong trường", và cúp máy. Khoảng 700 học sinh đã được nhà trường thông báo cho nghỉ học. Chiều 17-3, toàn thể giáo viên, nhân viên cùng Công an xã Phước Đồng tìm khắp trường, nhưng không thấy bom. Tối cùng ngày, Thành đội Nha Trang đem máy dò mìn xuống tìm, nhưng vẫn không thấy gì. Học sinh đã trở lại trường từ ngày 19-3. Trên đây chỉ là vài trường hợp đặc biệt, chỉ có hai trường hợp được điều tra đến nơi đến chốn. Còn đến bao giờ mới loại trừ hoàn toàn được những loại tin nhắn lảm nhảm này thì chưa thấy hãng điện thoại nào cam kết. Khách hàng vẫn cứ phải... ráng chịu cho quen! Rất nhiều khách hàng đều cho rằng giải pháp tốt nhất vẫn là buộc những người mua sim điện thoại, bất cứ số nào, trả trước hay trả sau cũng đều phải có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng như điện thoại để bàn tại nhà. Cấm bán những loại sim "trôi nổi". Cương quyết điều tra ra những kẻ quấy rối đời sống riêng tư của người khác, vi phạm tự do cá nhân. Phạt thật nặng những kẻ khai man và gây phiền luỵ cho những người khác. Như thế chỉ một thời gian ngắn hy vọng sẽ trị được hết những loại tin nhắn nặc danh tai hại kia.
|