April 2,2009 Kế hoạch cứu nguy kinh tế đã được phổ biến và bắt đầu thi hành từng chi tiết, tuần này mặt trận đối ngoại của Mỹ có những biến chuyển nổi bật. Sau hai tháng tựu chức, Tổng Thống Barack Obama lần đầu tiên xuất ngoại đi Âu châu, trước hết đến dự hội nghị G-20 tại London với các cường quốc kinh tế, rồi đến Pháp dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập khối NATO (Liên minh Bắc Đại Tây Dương chống Liên Sô), kế đó đến Prague, thủ đô Tiệp Khắc để đọc diễn văn về vấn đề lan truyền vũ khí, và sau hết đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, một nước đông dân Hồi giáo đứng hàng thứ 5 trên thế giới. Cùng thời điểm, vào thứ ba tuần này, Ngoại trưởng Hillary Clinton đến The Hague, thủ đô Hòa Lan, dự cuộc hội nghị quốc tế về vấn đề hòa bình cho Afghanistan. Mặt trận đột ngột bành ra quá rộng, nên tuần này tôi muốn nhìn đến cuộc họp ở Hòa Lan trước, vì đây là một cuộc họp dị thường có quy mô rất lớn. Hội nghị này do Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Ngoại trưởng Hòa Lan Maxime Verhagen và Tổng Thống Hamid Karzai của Afghanistan đồng chủ tọa, có đại diện của 80 nước và các tổ chức phi-chính phủ (NGO) tham dự, được mệnh danh là Hội nghị quốc tế mưu cầu hòa bình cho Afghanistan. Quân đội Mỹ và một số đồng minh NATO đang lâm chiến tại nước này, bởi thế việc tổ chức một cuộc họp như vậy có thể đã làm Bộ Ngọai giao Mỹ phải chuẩn bị cấp tốc cả tháng trời. Điểm đặc biệt của cuộc họp này là có Thứ trưởng Ngoại giao của Iran Medhi Akhundzadeh tham dự. Với sự hiện diện của bà Clinton và phái đoàn Mỹ, người ta dự đoán sẽ có biến chuyển mới trong mối quan hệ giữa hai nước. Mối quan hệ này đã bị đứt đoạn từ 30 năm qua. Đầu năm 1979, tổ chức Hồi giáo Shi-a của Đạo trưởng Khomeini đã làm cách mạng lật đổ Quốc Vương Pahlavi khiến vị vua này và gia đình phải chạy qua Mỹ. Khomeini thiết lập chế độ thần quyền, quân Shi-a chiếm tòa Đại sứ Mỹ ở Teheran vào cuối năm 1979, bắt 52 nhân viên Sứ quán làm con tin, gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế, đến năm 1980 nhờ áp lực của Hội Đồng Bảo An LHQ, các con tin Mỹ mới được phóng thích, từ đó hai bên đoạn giao. Năm 2001 sau vụ khủng bố đánh Mỹ, trong bài diễn văn về Tình trạng Liên Bang, Tổng Thống George W. Bush liệt ba nước Iran, Iraq và Bắc Hàn vào cái “Trục” Tam Ác và thề sẽ tiêu diệt hết. Khi Mỹ đánh Iraq, Iran vốn có thù với Saddam Hussein nên âm thầm mừng rỡ. Nhưng đến khi Mỹ bị kẹt vì khủng bố al-Qaida len lỏi đến liên minh với tàn quân Sun-ni của Hussein, Iran ngấm ngầm tiếp tế vũ khí cho dân Iraq theo hệ Shi-a gây ra các vụ tấn công Mỹ, đồng thời tàn sát những người gốc Sun-ni. Ở Iraq chỉ có 32% dân theo hệ Sun-ni, nhưng họ được Saddam Hussein (Sun-ni) nâng đỡ chiếm quyền độc đoán, gây hận thù với đa số dân theo hệ Shi-a khoảng 65%. Mối hận thù giữa Shi-a và Sun-ni ngày càng gay gắt ở Iraq. Bây giờ trong cuộc họp ở Hòa Lan về vụ mưu cầu hòa bình cho Afghanistan, Mỹ muốn gì ở một nước Iran mà đa số là dân Shi-a? Theo thống kê năm 2006, trên toàn thế giới dân Hồi giáo Sun-ni chiếm 80%, còn dân theo hệ Shi-a chỉ có 20%. Hôm thứ ba 31-3, Gordon Duguid, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Người Iran không hề đóng một vai trò hữu ích nào ở Afghanistan”. Nhưng ông tỏ ý hy vọng sự hiện diện của các đại biểu Iran trong cuộc Hội nghị có nghĩa là tình thế sẽ thay đổi. Tổng thư ký NATO Jaap de Hoop Scheffer đã thôi thúc Mỹ và các nước hội viên khác của khối liên minh này khích lệ Iran tấn công bọn Taliban ở Afghanistan. Ông cũng nói Nga không muốn thấy có sự trỗi dậy trở lại của Hồi giáo duy căn ở Afghanistan. Năm 1989, Hồng quân Sô Viết đã phải bỏ Afghanistan chạỵ về nước vị bị du kích Hồi giáo đánh phá dữ dội. Đại đa số dân Iran là Shi-a đã từ lâu chống lại bọn Taliban ở Afghanistan vốn là dân Sun-ni duy căn cũng như trùm khủng bố Osama bin Laden. Cho đến nay Iran đã cho phép một số lớn dân tị nạn Afghanistan vượt biên chạy qua lãnh thổ Iran. Teheran cũng đang chiến đấu chống nạn buôn lậu nha phiến từ Afghanistan đang tràn vào Iran qua đường biên giới phía Tây dài đến 930 cây số. Tuần trước Tổng Thống Obama đã nói đến một chiến lược mới chống bọn Taliban ở Afghanistan. Hiện nay NATO có khoảng 70,000 quân ở Afghnistan, trong đó khoảng một nửa là quân Mỹ. TT Obama đã từng nói sẽ tăng thêm quân Mỹ ở đây để lên tới khoảng 60,000 người. Ông cũng dự liệu cho hàng trăm chuyên gia dân sự và gia tăng viện trợ phát triển cho nước này. Ở đây có một điều trùng hợp với ước nguyện của Iran. Để cắt đứt nguồn tài trợ cho phiến loạn Taliban và bọn al-Qaida, các giới chức Mỹ đã đặt kế hoạch mở một chiến dịch mới tiễu trừ nạn trồng trọt và buôn bán nha phiến tại Afghanistan, muốn tràn qua cả Iran. Chính vì thế ngay trong buổi họp đầu của hội nghị quốc tế The Hague, ông Mohammad Akhoundzadeh tuyên bố Iran sẽ giúp nước Afghanistan tiễu trừ nạn buôn bán và trồng ma túy, cũng như giúp đất nước nghèo khổ này xây dựng lại. Đây là dấu hiệu khả quan cho thấy sẽ có nhũng bước tiến để cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Iran. Mặt khác TT Obama cũng quan tâm đến tình hình ở Pakistan (Hồi Quốc), đa số theo hệ Sun-ni ở biên giới phía Đông Afghanistan. Tại đây nạn khủng bố đã bùng nổ dữ dội trong tuần qua cho đến đầu tuần này. Dư đảng của Taliban đã chiếm một vùng thắng cảnh du lịch ở Tây Bắc Hồi. Gần vùng này là những bộ tộc thiểu số sống gần như độc lập, từ lâu các giới chức Mỹ nghi bin Laden và bộ hạ lẩn trốn ở vùng này. Dẹp loạn Taliban ở Afghanistan là tiễu trừ được bọn Taliban đang gây rối ở Hồi, từ đó ổn định Hồi Quốc để truy lùng bọn đầu não khủng bố. Tại The Hague, Ngoại trưởng Hòa Lan Maxime Verhagen nói nước ông có khoảng 1,600 quân ở Uruzgan, một tỉnh ở miền Nam Afghanistan. Trong một cuộc họp báo, ông nói Hội nghị quốc tế ở đây không chỉ bàn đến chiến phí hay quân số ở Afghanistan, mà đặt nặng vấn đề chiến lược để đem lại hòa bình và ổn định cho nước này. Tôi thấy sự chuyển hướng đó rất có ý nghĩa. Thay vì nói đến chống khủng bố hoài hoài đến mỏi mồm, hãy nói đến hòa bình và ổn định, tức đem lại an bình cho dân Áp-Ga. Kẻ nào chống lại sự an bình đó, kể cả khủng bố, đều là kẻ thù của thế giới chớ không phải của riêng một nước nào nào hay một dân tộc nào. Vậy cả thế giới đều có bổn phận góp sức chống kẻ thù chung đó.
|