Home Tin Tức Bình Luận Sổ Tay Thượng Đỉnh

Sổ Tay Thượng Đỉnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Hai, 06 Tháng 4 Năm 2009 01:11

...Obama thủ vai Lỗ Túc để dung hoà quan điểm của Ngô và Thục...
G20 và Những Hứa Hẹn
Trước khi Thượng đỉnh nhóm họp, truyền thông quốc tế nói nhiều đến dị biệt quan điểm của các vị lãnh đạo về nghị trình hay ưu tiên, đặc biệt là giữa Pháp-Đức với Anh Mỹ, cho nên dư luận có thể hoài nghi về kết quả. Những phát biểu ấy đều muốn tác động vào dư luận để chuẩn bị cho việc thảo luận bên trong.
Chứ vào hội nghị thì họ cũng biết nhượng bộ và đưa ra một số đề nghị cấp thiết trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Vì vậy, nếu có kết luận là quốc gia nào cũng đạt thắng lợi trong hội nghị này thì cũng không sai vì không lẽ người ta "đi không rồi lại về không"?
Điểm son được truyền thông Âu Châu nói tới là sự nhũn nhặn dún dường nhất của Tổng thống Barack Obama trong hơn hai chục lãnh tụ có mặt.
Về thực tế của những điều thoả thuận, Thượng đỉnh G20 này có ảnh hưởng tích cực và lâu dài hơn kỳ trước vào ngày 15 tháng 11 tại Thủ đô Hoa Kỳ. Nhưng bảo rằng thế giới đã tiến tới một "trật tự mới" như Thủ tướng Gordon Brown của Anh đã nói thì có lẽ vẫn lạc quan. May lắm thì Thượng đỉnh sẽ đem lại một số lợi thế cho ông Brown trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nội dung của những thoả thuận ấy là gì?
***
Thượng đỉnh G20 trình bày kết quả trong 29 điểm của bản tuyên bố chung, có thể tập trung vào bốn đề mục chính. Thứ nhất là gấp rút cứu nguy kinh tế toàn cầu; thứ hai chấn chỉnh hệ thống tài chánh quốc tế để phục hoạt thị trường tín dụng và đầu tư; thứ ba kiện toàn luật lệ và tăng cường kiểm soát để một vụ khủng hoảng tài chánh tương tự sẽ không tái diễn; và thứ tư, đảm bảo tinh thần liên đới giữa các quốc gia để vừa nâng đỡ các nước đang phát triển vừa đẩy lui phản ứng bảo hộ mậu dịch. Ngoài ra còn vài ba tiêu chí khác, như ủng hộ kỹ nghệ bảo vệ môi sinh (công nghệ xanh) và chia sẻ thành quả phát triển đồng đều giữa các nước...
Đấy là về đại thể.
Về thực tế, Thượng đỉnh đã có hai loại quyết định chính là tung ra một lượng tài nguyên tương đương với ngàn tỷ Mỹ kim để kéo kinh tế thế giới ra khỏi suy thoái và, thứ hai, nghiên cứu việc thiết lập một hệ thống luật lệ toàn cầu để ngăn ngừa tái diễn tai họa tài chánh hiện nay.
Hãy nói về tiền.
Thế giới đang có một định chế cứu nguy tài chính và điều tiết sinh hoạt kinh tế quốc tế là Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Định chế ấy hiện chỉ có chừng 250 tỷ đô la lại đang phải cấp cứu gần hai chục quốc gia trong đó hơn phân nửa ở tại Âu Châu. Bây giờ, lập tức IMF sẽ có thêm 750 tỷ, tức là tăng nguồn tài trợ thêm ba lần. Trước hết là nhận 250 tỷ và nếu cần thì còn nhận thêm 250 tỷ nữa. Ngoài Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên Âu sẽ góp mỗi khối 100 tỷ thì chưa rõ các xứ khác sẽ châm thêm bao nhiêu cho con số 500 tỷ ấy. Trung Quốc có hứa hẹn mà chưa gật đầu, Quốc vương Saudi Arabia thì được mọi người ngó nhìn chờ đợi mà ông cứ lửng lơ ngó lên trời.
Ngoài việc châm thêm 500 tỷ, các nước trong nhóm G20 còn cấp thêm 250 tỷ cho IMF để nâng mức "đặc trích" - tức là "quyền trích xuất đặc biệt" (Special Drawing Righst) của các hội viên. Quyền đặc trích này là một loại ngoại tệ dự trữ nên có thể được chuyển thành tiền cho vay để khai thông ách tắc tín dụng cho nhiều nước đang bị kẹt.
Rất đáng chú ý là G20 không thay đổi định mức góp vốn của các hội viên IMF (quotas): là các nước giàu tiền chưa thể gia tăng ảnh hưởng của mình trong định chế này bằng cách hùn thêm vốn cho IMF. Hoa Kỳ vẫn đóng chốt!
Ra khỏi khuôn khổ IMF, Thượng đỉnh G20 cũng quyết định cấp thêm 100 tỷ cho Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển cấp vùng. Vì loại tiền này dùng để tài trợ các dự án phát triển ở các nước nghèo nên chưa có kết quả cứu nguy kinh tế lập tức. Ngoài ra, G20 cũng hứa đưa thêm 250 tỷ để tài trợ ngoại thương toàn cầu qua các ngân hàng phát triển hay các cơ sở tín dụng.
***
Bây giờ, về kiểm soát và luật lệ.
G20 sẽ lập ra một Hội đồng Ổn định Tài chính, Financial Stabilization Board, gọi tắt là FSB, để tăng cường khả năng theo dõi và cảnh báo mọi nguy cơ tài chính trong tương lai. Hội đồng này chủ yếu là do khối Âu Châu nghiên cứu và điều hành bên cạnh IMF với một số nhiệm vụ kiểm soát gắt gao hơn. Việc kiểm soát ấy khá mở rộng và sẽ chi phối thị trường tài chính ngân hàng thế giới, từ các quỹ đối xung hay hedge fund, đến lương và bổng của doanh gia, tới phẩm chất của các công ty thẩm định giá trị trái phiếu như Standard & Poor's hay Moody's. Trên nguyên tắc thì sau này, các ngân hàng từ thương mại đến đầu tư sẽ bị thanh tra chặt chẽ hơn, khó vay mượn ầu tả để kinh doanh với quá nhiều rủi ro, hoặc che giấu nghiệp vụ hay lý lịch thân chủ, v.v...
Đây là loại quyết định táo bạo có thể thu hẹp phạm vi kinh doanh của các công ty tài chính hay ngân hàng nên gặp sự phản đối mạnh nhất từ doanh trường Hoa Kỳ. Trong thực tế, đây là loại "trật tự mới" rất biểu kiến, tức là hình thức mà chưa thể có ảnh hưởng.
Lý do là Hội đồng FSB này thay thế một cơ chế tương tự là Diễn đàn Ổn định Tài chính FSF có sẵn từ 1999 (với thành viên là nhóm G7 cộng thêm xứ Hoà Lan". Lần này, FSB là FSF được tái sinh, có 20 thành viên của nhóm G20, cộng thêm xứ Tây Ban Nha và Ủy hội Âu Châu, tức là Hành pháp của Liên Âu. FSB sẽ nghiên cứu hệ thống luật lệ mới cho G20 ban hành sau này.
Nhưng, hãy tưởng tượng ra hơn hai chục đầu bếp cùng chuẩn bị một thực đơn phải hợp khẩu vị của hơn hai chục ông bà chủ! Chỉ cần một quốc gia không đồng ý là đề nghị sẽ bị chìm xuồng ở dưới nên không được đưa lên trên và biểu quyết thành luật lệ có giá trị cưỡng hành cho cả thế giới. Ta có thể sớm thấy ra điều ấy khi Hội đồng này trình bày báo cáo đầu tiên cho các Tổng trưởng Tài chính của nhóm G20 tại hội nghị tháng 11 ở bên Scotland, ta hay gọi là Tô Cách Lan.
***
Đáng chú ý trong loạt sáng kiến về kiểm soát tài chánh là việc giải trừ các hầm trốn thuế, các "thiên đường thuế". Hầm trốn thuế là những khu vực mà có luật lệ thuế khoá rất mềm để đón nhận doanh nghiệp quốc tế lập hội sở hầu tránh được gánh nặng thuế khoá ở nhà.
Đấy là một sáng kiến do Pháp đưa ra căn cứ trên phúc trình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, hay gọi tắt là OECD. Quyết định này khó trở thành văn kiện có giá trị cưỡng hành về luật pháp vì nhiều xứ có thể trục lợi khi lập ra hầm trốn thuế cho doanh nghiệp xứ khác, kể cả Thụy Sĩ, Trung Quốc, Liechtenstein hay Malaysia và thậm chí Ireland hoặc các đảo quốc của Anh.... Các thành viên G20 chỉ có thể có những cam kết bán chính thức với nhau là sẽ hạn chế dần chuyện ấy mà thôi.
Điểm lý thú là chính Tổng thống Obama lại đỡ đòn cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi Tổng thống Sarkozy nêu đích danh hai hầm trốn thuế vĩ đại là Hong Kong và Ma Cao và đòi đưa phúc trình của OECD vào văn kiện chính thức của G20. Obama thủ vai Lỗ Túc để dung hoà quan điểm của Ngô và Thục!
Khi các đại gia còn bao che cho nhau như vậy thì làm sao bắt Malaysia, Philippines hay Uruguay hoặc Singapore tôn trọng? Dù sao, nhờ G20 nêu vấn đề trong tuyên bố chung, các nước bị thiệt sẽ có thêm lý cớ kiện cáo tưng bừng và đây là một điều hay. Nhưng chưa chắc đã có hậu quả rộng lớn.
***
Tổng kết lại thì trong trận đánh G20, Pháp Đức đứng chung trận tuyến, Anh-Mỹ đứng phía bên kia, với sự biểu đồng tình của Nhật - và sự im lặng giám trận của Trung Quốc, Nga cùng các nước khác.
Pháp và Đức chú trọng tới nguyên nhân khủng hoảng tài chánh và thay vì tăng chi thì đòi vừa châm tiền cho IMF vừa tăng cường kiểm soát hệ thống tài chánh và ngân hàng. Anh và Mỹ - Gordon Brown và Barack Obama - thì chú trọng tới cứu nguy kinh tế bằng biện pháp tăng chi để kích cầu. Và gặp phản ứng mạnh từ các xứ khác.
Vào Thượng đỉnh và các hội nghị song phương, Obama ráo riết thoái bộ, còn khẳng định rằng Mỹ chỉ là một quốc gia như mọi quốc gia khác mà thôi... Nên được mọi người ngợi khen.
Vì vậy, ai cũng có thể nói rằng mình đã thắng. Thật ra, thắng lớn là IMF, các nước Âu Châu sắp được cấp cứu, và ở đằng sau là Pháp và Đức. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đạt thành quả biểu kiến vì là người riết róng ồn ào nhất. Nhưng, lầm lỳ và khốc liệt chính là Thủ tướng Đức Angela Merkel: Đức đang kín đáo nói "Không!" với Mỹ.
Đây mới là chuyện đáng chú ý nhất trong loạt Thượng đỉnh này.