Tinh Thần Trách Nhiệm |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh. | |||
Thứ Sáu, 17 Tháng 4 Năm 2009 00:39 | |||
Thuyền trưởng Richard Phillips đã được giải cứu chủ nhật vừa qua, kết thúc một tấn kịch gay go kéo dài trong bốn ngày sau khi chiếc tầu hàng Maersk Alabama của Mỹ bị hải tặc xông lên tầu ở ngoài khơi Somalia. Cả nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã hồi hộp theo dõi biến cố này từ cuối tuần qua và đã thở dài nhẹ nhõm khi thấy 3 hải tặc bị bắn chết, 1 tên đầu hàng, Thuyền trưởng Phillips được cứu sống trong một hoàn cảnh thật éo le. Tấn kịch đã chấm dứt và cùng lúc tôi có cảm tưởng như có mấy chữ sáng ngời hiện ra trong tâm tư và trí tuệ con người. Đó là là bốn chữ “Tinh thần trách nhiệm”. Chiều thứ sáu tuần trước khi 4 tên hải tặc vũ trang đầy đủ kể cả súng bắn phi đạn, xông lên tầu chĩa súng hăm dọa. Thuyền trưởng Phillips, đứng trước giơ tay yêu cầu cho tất cả 19 thủy thủ và Phó thuyền trưởng lui về phía phòng lái để ông tiếp chuyện. Ở đây khi thấy cái ca-nô có mái úp kín chạy đến, trên tầu đã biết đó là hải tặc, vì vùng này đã xẩy ra hàng trăm vụ hải tặc từ năm 2007, mà không có nước nào can thiệp, chỉ để các công ty bảo hiểm nộp tiền chuộc rồi lấy tầu về. Phillips biết bọn này chỉ muốn đòi tiền chuộc, nên ông xin nộp mình làm con tin và yêu cầu thả 19 người và chiếc tầu để chạy về hải cảng nước Kenya kế đó. 4 hải tặc đồng ý, chĩa súng buộc Phillips xuống chiếc ca-nô của chúng. Sự đồng ý mau lẹ cũng có lý do đặc biệt, vì ngay khi tầu bị hải tặc chặn lại, nhân viên trên tầu đã gửi tín hiệu cấp cứu đến các chiến hạm Mỹ đang tuần tiễu trong vùng Ấn độ dương. Quả nhiên tầu Maersk vừa đuợc rời khỏi đó, khi Phillips đang nói chuyện với hải tặc, chiến hạm Mỹ đã ập đến, cả trực thăng bay trên không. Nhưng đến cũng để chờ xem mà thôi, vì Phillips đang ở trước họng súng của địch, nếu chiến hạm Mỹ tấn công, kẻ chết trước tiên sẽ là Phillips. Trước tình thế đó các thủy trên tầu Maersk chưa đến bến ở Kenya, nghẹn ngào biết ơn vị Thuyền trưởng của họ đã hy sinh nộp mình cho giặc để cứu thủy thủ đoàn và chiếc tầu. Phillips đã trở thành người anh hùng của họ và nước Mỹ. Toàn thế giới cũng đã thấy sự quả cảm đó, bộc lộ một tinh thần trách nhiệm đến cao độ của một cấp chỉ huy. Chuyện hải tặc không phải là chuyện lạ ở vùng này. Năm 2007 có 41 vụ cướp tầu ở đây và qua năm 2008, các vụ hải tặc ở ngoài khơi Somalia đã lên đến 111 vụ. Hiện nay hải tặc còn giam giữ hơn một chục tầu hàng và khoảng 200 thủy thủ của các nước. Somalia là một nước nằm trên một giải đất ở phía Bắc Đông Phi gọi là Sừng Phi Châu. Ở khúc trên đối diện với Yemen, oe biển thóp lại, tạo thành cửa ngõ duy nhất thông qua từ Ấn Độ Dương vào Hồng Hải. Ở phía Bắc Hồng Hải là kênh đào Suez, cửa ngõ duy nhất thông ra Địa Trung Hải đến các nước Âu châu, đường vận tải hàng hóa giữa Âu và Á. Nước Somalia rộng lớn 637 ngàn cây số vuông, nhưng chỉ có khoảng 8 triệu ruỡi dân, phần lớn theo Hồi giáo, vốn là một nước luôn luôn loạn ly từ năm 1991 đến nay. Chính quyền Somalia là một nhóm có vũ trang rất mạnh nhưng chỉ cố thủ ở thủ đô Mogadishu gần bờ biển còn dân chúng nghèo khổ làm nghề đánh cá ở ven bờ biển, vì trong nội địa phần lớn là núi non và sa mạc. Hải tặc phát sinh ra từ dân nghèo khổ đánh cá phần lớn là những kẻ trẻ tuổi thất học, nhưng các nhóm hải tặc đều có liên lạc ngầm với giới chính quyền ở Mogadishu. Bốn tên hải tặc cầm giữ Thuyền trưởng Phillips ở ngoài khơi Somalia cách bờ biển chừng 300 hải lý, trong khi các chiến hạm Mỹ liên lạc với kẻ trung gian ở đất liền để mở cuộc điều đình với hải tặc ngay từ chiều thứ sáu. Trong số các nhân viên dân sự đến chiến hạm Mỹ có cả nhân viên FBI, cơ quan cảnh sát liên bang chỉ hoạt động trong nước, nhưng FBI vốn có một ban gọi là “ban thương thuyết” để điều đình với những kẻ bắt con tin. Dù vậy nhân viên FBI không phải chỉ là những người đi mặc cả tiền bạc, thật ra họ là những tay điêu luyện về điều tra, tìm cách nói chuyện dằng dai để dò xem tung tích, trình độ của của 4 tên hải tặc. Tối thứ bẩy theo giờ dịa phương, chiếc ca-nô của hải tặc hết nhiên liệu và thực phẩm, Phillips đề nghị hải tặc dòng dây nối ca-nô của chúng qua chiến hạm Bainbridge của Mỹ cột cho chặt để cho ca-nô khỏi trôi dạt vì sóng lớn và cũng để tiếp tế thực phẩm cho chúng. Vào khuya đêm thứ bẩy, một toán Biệt kích Hải quân Mỹ đã lừng danh từ Thế kỷ trước gọi là SEALs (ta vẫn dịch là Người Nhái) được trực thăng chở đến chiến hạm Bainbridge. Vài giờ sau đó có tin: Thuyền trưởng Phillips đã được nguời nhái giải cứu, ông khỏe mạnh tuy bị hải tặc trói ghim vào ghế, 3 tên hải tặc bị bắn chết. Còn một tên trước đó bị thương tích ở tay nên đã xin lên chiến hạm Mỹ chữa vết thương, thật ra để đầu hàng. Cuộc giải cứu diễn ra trong chớp nhoáng vào lúc trời mới mờ mờ sáng chủ nhật, ly kỳ như một đoạn phim movie. Chiếc ca-nô dòng dây chỉ cách phía sau tầu Bainbridge khoảng 30 mét. Tại đây 3 tay thiện xạ SEALs chuyên nghiệp đã núp sẵn. Khi thủy thủ trên chiến hạm Mỹ ra hiệu chở thực phẩm đến, một tên hải tặc đứng lên mở một cái khung trên mui, nâng lên như ta mở cửa hầm. Vào đúng lúc mở nắp mui ca-nô, các tay thiện xạ nhìn thấy rõ có hai hải tặc nhô đầu lên nhìn về phía tầu Mỹ, Phillips đang bị trói cột vào ghế ngồi quay lưng lại, tên hải tặc thứ ba đứng trước Phillips tay cầm súng chĩa vào người ông như sẵn sàng lẩy cò. Đây là một khoảng khắc rất ngắn ngủi để bắn hạ địch cứu người. Vậy ai đã ra lệnh bắn? Một câu hỏi thật nghiêm trọng. Vì nếu bắn mà không trúng địch lại trúng người người cần cứu, hoặc nếu bắn địch không chết ngay mà để chúng còn có đủ sức và thời gian lẩy cò vào nạn nhân ở trước mặt chúng là cả một tai họa khủng khiếp vào lúc Phillips đã trở thành một vị anh hùng, một thần tượng của Hải Lục Không quân Mỹ. Chính Tổng Thống Obama tự gánh trách nhiệm và đã ra lệnh bắn. Ba thiện xạ SEALs lẩy cò, ba viên đạn bay cùng một lúc, chính xác đến nỗi hai viên trúng vào trán hai tên hải tặc quay mặt về phía các thiên xạ, còn viên thứ ba ghim đúng ngực tên đứng trước ghế trói Phillips. Cả ba ngã vật xuống chết ngay tức khắc. Tinh thần trách nhiệm đã lên đến cao độ trong suốt vụ này từ đầu đến cuối. Ngay sau vụ này, bọn hải tặc thề trả thù và đã bắt giữ luôn thêm 4 tầu biển khác gồm 2 tầu Ai cập, 1 tầu Lebanon và 1 tầu Hy lạp. Nhưng các nước khác trên thế giới theo gương Mỹ đã nhìn thấy rõ trách nhiệm của họ nên 16 nước, trong đó có tầu Mỹ, NATO, Ấn Độ, Pháp, Trung Quốc và Iran, đã gửi ngay chiến hạm đến vùng hải tặc ngoài khơi Somalia. Tôi nghĩ tinh thần trách nhiệm đó sẽ còn lan rộng trên khắp các lãnh vực hoạt động của chính phủ Mỹ, từ đối nội cho đến đối ngoại, kể cả ở hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan. Thế kỷ 21 mới được 9 năm, nhưng một kỷ nguyên của tinh thần trách nhiệm quốc tế đã ra đời. Kỷ nguyên Obama.
|