Obama và hơn thế nữa… |
Tác Giả: Đào Hiếu | |||
Thứ Năm, 23 Tháng 4 Năm 2009 23:12 | |||
Sân khấu chính trị Mỹ đang quay cuồng trong điệu rock man rợ, chợt im tiếng. Có một người da đen mảnh khảnh bước lên bục diễn với cây kèn trompette. Và điệu Blue trầm lắng vang lên. Đó là Obama. Nhưng chàng không chỉ đến với điệu Blue, chàng mang cả một thế giới mới lạ được phối màu trầm của contrebasse, kèn gỗ và chất giọng khàn đục của Louis Armstrong xập xình lắc lư… Chàng mang lại sự hòa dịu, êm ái. Điệu Blue của chàng đã làm nhiều người khóc, có cả những người da trắng. Obama là một người hùng biện, dễ mến và có chiến lược tranh cử hợp lý. Ông là sự chọn lựa của nhân dân Hoa Kỳ nhưng trước hết ông là sự chọn lựa của các thế lực tài phiệt Mỹ. Sự đắc cử của Obama đồng nghĩa với sự thay đổi chiến lược toàn cầu của các tập đoàn kinh tế ấy. Bọn họ đã lắp Obama trên cánh cung và bắn đi. Obama là chiếc nỏ thần của Thục An Dương Vương. Cái mũi tên màu sô-cô-la hiền hòa ấy một lúc đã bắn trúng nhiều con chim: sự hiếu chiến, sự phân biệt chủng tộc, chiến tranh Iraq, Hồi giáo, lá chắn tên lửa… Obama là điều kỳ diệu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Là chọn lựa đẹp nhất, khôn ngoan nhất của giới tài phiệt Hoa Kỳ. Obama sẽ làm được những gì, điều đó thời gian sẽ trả lời, nhưng trước hết Obama đã thay đổi được hình ảnh nước Mỹ trong con mắt của thế giới. Đó là điều trước đây chưa ai làm được. * Sự có mặt của Obama tại Nhà Trắng còn có ý nghĩa rất lớn rằng: kể cả kẻ ngạo mạn nhất, hung hăng nhất, giàu mạnh nhất như Mỹ rốt cuộc cũng phải xét lại mình, phải tìm cách thay đổi. Cái đó Marx gọi là “biện chứng”. Nhưng tiếc thay những người tự nhận là marxiste như đảng cộng sản Việt Nam, như đám cầm quyền “ăn vạ” ở Bắc Triều Tiên hiện nay, như các nhà lãnh đạo còm cõi quá đát ở Cu Ba… lại không hiểu cái phép biện chứng ấy. Đúng ra là họ rất sợ sức mạnh của quy luật biện chứng và tìm mọi cách để ngăn cản sự phát triển của quy luật ấy. Thực chất, nói theo ngôn ngữ Mác-xít, họ là những kẻ phản động. Họ ít học, lại hẹp hòi, tiểu nhân, độc ác. Miệng họ nói “hòa giải, hòa hợp dân tộc” nhưng tay họ cầm súng dí vào lưng, cầm còng số 8 khóa vào tay, cầm dây thòng lọng tròng vào cổ những người Việt Nam đã bại trận, đã bị tước vũ khí, đã bị lột sạch, trần trụi… Họ không có kiến thức và lòng nhân ái để hiểu rằng tháng 4 năm 1994 khi Nelson Mandela, người bị giam giữ hơn hai thập niên trong nhà tù, lên làm tổng thống Nam Phi đã không tìm cách trả thù những kẻ đã đàn áp nòi giống mình suốt 300 năm. Ở Nam Phi lúc ấy chẳng những đã không có “học tập cải tạo”, không có dí súng vào lưng, treo cổ hay đày đoạ đối phương trong lao dịch như ở Việt Nam mà chính quyền của Mandela gần như giữ nguyên trạng bộ máy hành chính và cả bộ máy cảnh sát. Các đảng phái chính trị vẫn hoạt động tự do bình thường. Tất nhiên vẫn có những phiên tòa xử các tội phạm phân biệt chủng tộc trong chế độ Apartheid nhưng không kể đến màu da, đảng phái, cũ mới. Các chánh án và luật sư phần lớn là người da trắng từng hành nghề trong chế độ cũ vì họ có kiến thức và hiểu biết luật pháp. “Khi ông Mandela rút khỏi chính trường, nhiều người lo ngại sẽ có phân biệt chủng tộc ngược của người da mầu. Nhưng Thabo Mbeky, người kế tục sự nghiêp của Mandela vẫn tiếp tục chính sách hòa giải dân tộc, và về nhiều mặt, nhất là kinh tế, còn rộng mở hơn người tiền nhiệm.” (trích bài ‘Nhìn Nam Phi ngẫm đến Việt Nam’ của Oldmovie 13) * Mùa đông năm 1997, tôi có dịp sang Đức, ngụ tại Potsdam. Buổi sáng tôi gặp một ông già người Đức ngồi ăn phở tại quán của người bạn tôi. Với vốn liếng tiếng Anh không lấy gì làm lưu loát lắm ông khoe ông là đại tá phi công của chính quyền Đông Đức cũ. Tôi hỏi: - Thế khi nước Đức thống nhất bác có phải đi học tập cải tạo không? Ông già tỏ vẻ ngạc nhiên và nói rằng chẳng những không có “cải tạo” mà ông còn được chính quyền mới trả lương hưu nữa. Nhưng ngoạn mục nhất là sự xuất hiện của nữ thủ tướng Angela Merkel. Bà sinh ở Đông Đức, từng là sinh viên của trường đại học Leipzig, đậu tiến sĩ vật lý năm 1986, từng là đại biểu quốc hội của chính quyền cộng sản Đông Đức. Thế mà khi nước Đức thống nhất bà lại được thủ tướng Helmut Kohl bổ nhiệm làm bộ trưởng phụ trách về phụ nữ và thanh thiếu niên. Ngày 23/11/2005 bà đắc cử chức Thủ tướng Chính phủ Đức. Sự đắc cử của bà Angela Merkel cũng ngoạn mục không kém gì thắng lợi của Obama. Rõ ràng là những người cầm quyền ở Âu Mỹ (và cả Nam Phi) dù bị mang tiếng là thực dân, đế quốc… nhưng khi cần cao thượng họ là những người cao thượng, khi cần nhân ái họ là những người nhân ái, khi cần lẽ phải họ là những người rất tôn trọng lẽ phải. Còn Việt Nam chúng ta, suốt trong chiều dài lịch sử từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, Tây Sơn… chỉ thấy trả thù, trả thù, trả thù, chỉ thấy những trò hèn hạ như tứ mã phanh thây, đào mồ cuốc mả cho lính đái vào đầu lâu, tru di tam tộc, cửu tộc, chém ngang lưng, chôn sống tập thể, đấu tố, thủ tiêu, ám sát… Đó là lỗi của ai vậy? Có phải tại cái “gen” của nói giống Lạc Hồng? Xin thưa, không phải đâu. Bởi vì Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Pôl Pôt, Hitler, Staline… đều thế cả. Đó là lỗi của bọn cầm quyền. Nếu chúng dã man hoặc theo những học thuyết dã man, chúng sẽ đẩy cả dân tộc vào sự man rợ. Nhân dân không có lỗi gì cả. Sự xuất hiện của Angela Merkel, Barack Obama, Nelson Mandela, Thabo Mbeky… là thành quả của sự hối lỗi, sự điều chỉnh, sự xét lại của Quyền Lực tại các nước ấy.
|