Tháng Tư, nghĩ đến những người đã chết |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Thứ Hai, 27 Tháng 4 Năm 2009 01:34 | |||
Ta nợ những người chết sông chết biển Nợ những người ở lại để ta đi. Sau ngày 30 Tháng Tư 1975, cả miền Nam vấn khăn tang. Trên bàn thờ của mỗi gia đình, ngoài ông bà, cha mẹ chết vì tuổi già, đã có những khuôn mặt trẻ, những người mặc quân phục chết trận hay bà con mất tích trong những ngày di tản hỗn loạn, trên tất cả bờ biển của miền Trung, không những trên tỉnh lộ 7B từ Phú Bổn về đến Ninh Hòa mà còn trên tất cả mọi nẻo đường của đất nước. Tất cả người chết đều là những người miền Nam đang cầm súng chống lại Cộng Sản hay tháo chạy hỗn loạn vì nghe tin Cộng Sản sắp đến. Phần lớn những người chết đều bị chết vùi dập với cỏ cây, đất đá, trong bom đạn không ai còn lo được cho ai. Không những chúng ta chỉ có những vị tướng đã tự sát để giữ tròn khí tiết, mà còn có hàng nghìn chiến sĩ vô danh chết trong giờ phút tàn cuộc vì không chịu nỗi nhục đầu hàng với lựu đạn nổ trong tay hay viên đạn bắn vào đầu, trong bước đường cùng. Chúng ta có biết hay còn nhớ đến những người như thế không? Bây giờ đã 34 năm rồi, chúng ta còn phải đọc những bản tin tìm người thân mất tích trong những ngày cuối Tháng Tư năm đó. Họ nằm lại trên bãi biển, bên cánh rừng, trên một con đường đất đỏ, thân thể như vươn chuồi về phía trước, bỏ lại nỗi ghê sợ đuổi sát đến sau lưng, nỗi ghê sợ cái ác, cái tàn bạo mà chỉ mới nghe đến người ta đã rùng mình bỏ chạy. Cái ác đó là những chuyện đấu tố ở nông thôn, những vụ chôn tập thể của Mậu Thân, của những lối bắn giết tàn bạo trong những vùng tranh tối tranh sáng mang tên Việt Cộng. Cái ác đó là nỗi ám ảnh từ những năm của 45-50, với những tiếng chó sủa trong đêm, để buổi sáng thấy xác người trôi sông hay những người bị giết đêm qua, đang được đắp tạm một mảnh chiếu trên đường làng, giữa chợ huyện, mang tên Việt Minh. Cái ác đó là chủ trương bất di dịch, người ta dùng để khủng bố và tạo ra cường quyền, để trấn áp những người bất đồng chính kiến. Cái ác đó kéo dài cho đến thời kỳ gọi là văn minh, hiện đại. Khi miền Nam sụp đổ và Saigon đầu hàng, không như chủ trương kêu gọi hòa hợp hòa giải qua thông báo của cái gọi là Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam và sau đó là của các Ủy Ban Quân Quản địa phương, binh lính và sĩ quan “ngụy” được về quê làm ăn, Cộng Sản bắt đầu một chiến dịch trả thù tàn độc. Tránh né một chiến dịch “tắm máu” to lớn, Cộng Sản tìm cách trả thù bằng cách giết lẻ. Tại Ðại An, Biên Hòa, ba toán thám sát của Biệt Kích Dù 81, sau khi buông súng đầu hàng ngày 5 Tháng Năm 1975 tại địa phương, mười tám anh em bị Việt Cộng bắt giam, bỏ đói, sau đó bị bắn chết rồi thả trôi sông. Những xác của anh em sau đó bị sình thối nên Việt Cộng bắt dân vớt lên chôn dọc theo bờ sông Ðồng Nai, còn 8 xác anh em khác đã bị chôn tập thể trong một cái giếng bỏ hoang. Hai thám sát khác cũng đã bị đánh chết sau khi đã vào nhà tù. Người dân địa phương đã chứng kiến nhưng không dám nói ra, và không ai dám xây mộ hay đặt bia kỷ niệm, chỉ còn một điều: chế độ Cộng Sản sụp đổ trước khi các nhân chứng qua đời. Tại Quảng Ngãi, nhiều đảng viên một đảng chính trị đã bị bắt, thay vì đưa đi “tập trung cải tạo” như chiêu bài, họ bị đưa về phía biển và bị chôn sống. Nhiều thân nhân theo dõi, đã đánh dấu vùng chôn người này, nhưng nếu họ tiết lộ, vùng đất này sẽ bị san bằng và con cháu những nạn nhân sẽ không bao giờ tìm được nắm xương của những người đã khuất, nên đành nín lặng. Nhiều nhân viên cảnh sát đặc biệt hay viên chức địa phương, người nhà biết ngày giờ đi trình diện “học tập”, nhưng không bao giờ có tin tức để thăm nuôi, và cố nhiên là không bao giờ có ngày về. Ðó là chủ trương “đánh người chạy đi, nhưng phải giết người chạy lại”. Ðối với những người chống đối sau ngày 30 Tháng Tư 1975, Cộng Sản thẳng tay đàn áp dùng án tử hình để đè bẹp ý chí của những người tranh đấu. Hội Tù Nhân Chính Trị & Tôn Giáo Việt Nam đang có danh sách 300 tù nhân miền Nam bị án tử hình, trong đó những tên tuổi chúng ta không thể quên như các L.M. Nguyễn Hữu Nghị, Trần Học Hiệu hay như hai phụ nữ là chị Trương Ánh Loan chiến sĩ Phục Quốc bị xử tử tại hãng thuốc Bastos Khánh Hội Tháng Năm 1975, chị Trần Thị Lan bị xử tử hình trong lúc có thai tháng đúng vào ngày Vu Lan! Cựu Thiếu Tá Nhảy Dù Nguyễn Văn Viên, đã anh dũng bước tới pháp trường, người anh là L.M. Nguyễn Văn Vàng bị kết án chung thân và chết trong xà lim của trại tù “thung lũng tử thần” Xuân Phước. Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Võ Vàng, Thiếu Tá Nguyễn Ðức Xích, Ðại Úy Quách Dược Thanh... đều là nạn nhân của chính sách trả thù man rợ của Cộng Sản. Chúng ta không thể kể hết những tên tuổi quá lớn này. Chúng ta có biết bao người yêu nước đã chết trong những trại tập trung mang danh “cải tạo” của Cộng Sản dựng lên cả ở hai miền Nam Bắc vì đói rét, bệnh tật, kiệt sức, mà hiện nay nhiều anh em, nắm xương tàn còn lưu lạc trong những vùng rừng núi xa xôi, chưa về được với gia đình. Vì không thể sống với chế độ Cộng Sản, hàng trăm nghìn người đã tìm cách vượt biển, vượt biên giới để ra đi, nhưng hai phần ba đã không bao giờ đến được bến bờ tự do. Trong mỗi gia đình chúng ta, gia đình nào lại không có bà con ruột thịt xa gần bị vùi thây trên biển cả hay giữa núi rừng. Nhiều gia đình đã chết trọn cha mẹ, con cái, anh em trên một chiếc thuyền mỏng manh giữa biển khơi. Có gia đình mất hết con. Người mất anh, kẻ mất chị. Có tìm hiểu chuyện trò dần dần chúng ta mới thấy những mất mát, những niềm đau bị giấu kín, ít khi muốn phơi bày. Cuộc sống xô đẩy mọi gia đình cuốn trôi theo dòng đời, tang tóc thường được giấu kín sau những nụ cười từ hơn ba mươi năm nay, từ ngày miền Nam được gọi là “giải phóng”: chỉ có “đế quốc Mỹ là thua, còn chúng ta không kể Nam hay Bắc đều là anh em, những người thắng trận” như giọng nói nhân nghĩa của kẻ thống trị. Cái ác đã thắng và điều thiện đã thua, nhưng đời đời lịch sử sẽ không ngưng nguyền rủa. Quả thật, sau khi Cộng Sản tiến chiếm miền Nam không có việc “tắm máu”, những quả thật người miền Nam đã chết dần chết mòn trong sự trả thù tinh vi từ trại tập trung đến việc xô đẩy hằng trăm nghìn người ra biển khơi. Chúng ta chưa hề có được một con số thống kê về những người đã chết vì chế độ Cộng Sản. Tượng đài kỷ niệm nạn nhân Cộng Sản có thể đã được dựng lên ở một nơi nào đó trên trái đất, nhưng trong mỗi gia đình người Việt đều đã có một tượng đài. Chẳng qua rồi con người chóng quên, để những hình ảnh này phai nhạt cùng năm tháng, như những chiếc khung ảnh người quá cố phủ bụi thời gian trên bàn thờ của mỗi gia đình. Ba mươi bốn năm đã trôi qua, những người già lưu lạc đã chết đi mang niềm tuyệt vọng chưa có một ngày về cố hương, những đứa trẻ lớn lên gần như không biết gì đến dĩ vãng. Những người đã chết sẽ không chết uổng, khi những người còn sống có cuộc đời đáng sống. Chúng ta không những nợ những người đã chết mà còn nợ những người đang sống, đó là những thương binh miền Nam thương tật ở quê nhà, những gia đình mất cha, mất chồng, mất anh em trong cuộc chiến để cho chúng ta có được ngày hôm nay. Mong anh em, bạn bè, sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho đất nước qua cơn đại nạn.
|