Chế độ toàn trị đã lung lay |
Tác Giả: Thông Luận | |||
Chúa Nhật, 17 Tháng 5 Năm 2009 07:44 | |||
“...Từ hơn ba thập niên qua đã diễn ra một cuộc giằng co giữa một bên là xã hội Việt Nam vùng vẫy để cố cởi trói và một bên là đảng cộng sản cố siết lại để giữ nguyên chế độ toàn trị ; cán cân lực lượng đã không ngừng biến đổi thuận lợi cho xã hội Việt Nam và giờ đây chúng ta đã đến gần điểm đoạn tuyệt...” Vụ bauxit Tây Nguyên đánh dấu sự lung lay của chế độ toàn trị. Khi công bố quyết định khai thác bauxit tại Tây Nguyên, ông Nguyễn Tấn Dũng đã quả quyết đó là một quyết định không thể thay đổi vì là một chủ trương lớn đã được xác nhận qua hai đại hội 9 và 10 của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Dũng đã nói như người phát ngôn của một lực lượng chiếm đóng: đảng đã quyết định, như thế là xong, không ai được chống lại, dân tộc Việt Nam không có chủ quyền. Nhưng rồi xã hội Việt Nam vẫn phản ứng, và trước làn sóng phản đối mạnh mẽ, bộ chính trị đảng cộng sản đã phải ra thông báo rà soát lại dự án, đặc biệt là đình chỉ việc khai thác bauxit tại Nhân Cơ. Việc xét lại này trên thực tế chỉ là một bước chuẩn bị để hủy bỏ dự án. Nhân Cơ quan trọng hơn nhiều so với Tân Rai, bỏ Nhân cơ thì việc khai thác bauxit Tây Nguyên trở thành vô nghĩa. Những yếu tố mà bộ chính trị sẽ xét lại - đảm bảo môi trường và sự đồng tình của các sắc tộc Tây Nguyên, lợi ích kỹ thuật và kinh tế của dự án, đại bộ phận công nhân phải là người Việt, chuẩn bị trước nguồn năng lượng v.v. - đều là những lý do để hủy bỏ dự án ; sở dĩ người ta không tuyên bố ngay quyết định hủy bỏ chỉ vì, một mặt, muốn tránh đụng chạm nặng đối với Trung Quốc và, mặt khác, muốn gỡ thể diện cho đảng. Nhưng thể diện nào? Làm sao một chủ trương lớn được thông qua bởi hai đại hội đảng lại không biết đến những yếu tố rất sơ đẳng này ? Trí tuệ của những người lãnh đạo đảng ở đâu? Chắc chắn là nhượng bộ này, nhượng bộ đầu tiên của đảng cộng sản trước một phản kháng trực diện đến từ xã hội, đã chỉ có được nhờ sự tiếp tay, thậm chí khuyến khích và thúc đẩy, của một thành phần trong đảng nhưng nó vẫn chứng tỏ xã hội Việt Nam đã đủ mạnh để những khuynh hướng tranh chấp nhau trong đảng phải cố gắng vận dụng để chiếm phần thắng. Chúng ta đang ở trong giai đoạn cuối của một tiến trình. Đảng cộng sản không còn toàn quyền quyết định mọi vấn đề của đất nước được nữa. Từ hơn ba thập niên qua đã diễn ra một cuộc giằng co giữa một bên là xã hội Việt Nam vùng vẫy để cố cởi trói và một bên là đảng cộng sản cố siết lại để giữ nguyên chế độ toàn trị ; cán cân lực lượng đã không ngừng biến đổi thuận lợi cho xã hội Việt Nam và giờ đây chúng ta đã đến gần điểm đoạn tuyệt. Đất nước đã thay đổi. Nhượng bộ này chỉ mở đường cho những nhượng bộ khác. Tình trạng này đến vào đến vào lúc mà đảng cộng sản đang phải chuẩn bị cho đại hội 11, một đại hội đặc biệt khó khăn. Trước đây luôn luôn có một đảng cầm quyền trong đảng - do Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, rồi Đỗ Mười và Lê Đức Anh cầm đầu - giữ trật tự trong đảng, khống chế đảng và dùng đảng để khống chế đất nước. Chính nhờ vậy mà chế độ đã tồn tại được dù đã phạm những sai lầm lớn. Nhưng hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh đã già đi mà không có người thay thế, đảng cộng sản không còn ban trật tự, và tất cả có thể xảy ra. Trước đây những người lãnh đạo còn có chút uy tín trong đảng nhờ thành tích chiến đấu hoặc được sự đỡ đầu của những người có thành tích; nhân sự lãnh đạo xuất phát từ đại hội 11 sẽ chỉ gồm những người không hề chứng tỏ một khả năng và nhân cách nào và cũng không có thành tích nào ngoài thành tích tham nhũng. Một chế độ độc tài không thể duy trì được với những người lãnh đạo như thế. Một cơ hội dân chủ hóa lớn đang ló dạng. Những người dân chủ phải chuẩn bị đội ngũ để đúng hẹn với lịch sử.
|