Viêt Nam, Món Hàng Trao Đổi Trong Quan Hệ Quốc Tế |
Tác Giả: GS Trần Gia Phụng | |||
Thứ Ba, 19 Tháng 5 Năm 2009 05:20 | |||
(Phần 1)
Về địa lý chính trị Việt Nam, có hai điểm đáng chú ý: Thứ nhất, Việt Nam nằm ở sát biên giới phía nam Trung Hoa. Việt Nam rộng khoảng 330,000 km2. Trung Hoa rộng khoảng 9,500,000 km2. Như thế, nước Trung Hoa rộng khoảng gấp 28 lần nước Việt Nam. Dân số Trung Hoa chắc chắn đông hơn rất nhiều so với dân số Việt Nam vào bất cứ thời đại nào. Thứ hai, Việt Nam nằm ở phía đông nam đại lục Âu Á, trên thủy lộ từ bắc xuống nam và từ đông sang tây, trên đường từ Nga, Nhật Bản, Trung Hoa xuống các nước Đông Nam Á, Úc Châu (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand), cũng như trên đường biển từ các nước Âu Châu theo eo biển Malacca qua Trung Hoa, Nhật Bản. Như thế vị trí địa lý Việt Nam khá quan trọng trên đường hàng hải quốc tế. Trước đây, do phương tiện giao thông thô sơ, nước Việt chỉ giao thiệp với các nước trong khu vực như Trung Hoa, Chiêm Thành (Champa) Chân Lạp (tức Cambodia), Xiêm La (đổi thành Thái Lan năm 1939). Trung Hoa nhiều lần tấn công Việt Nam để tìm đường xuống Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa, thường cho rằng Việt Nam là một nước phụ thuộc Trung Hoa. Năm 1939, Mao Trạch Đông đã viết rằng Việt Nam là một nước phụ thuộc Trung Quốc. (Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, không đề tên tác giả, 1979, tr. 16.) Vào thế kỷ 19, sau cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Âu Châu, phương tiện giao thông phát triển do sự phát kiến tàu thủy chạy bằng hơi nước. Các nước Âu Châu đổ xô đi tìm thuộc địa. Pháp chậm chân hơn các nước Hòa Lan, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Trên đường hải hành qua Á Châu, Pháp cần tìm kiếm một trạm trung chuyển để tàu bè nghỉ ngơi, sửa chữa. Lúc đầu các sĩ quan hải quân Pháp chú ý đến đảo Basilan, thuộc quần đảo Soulou, giữa Mindanao và Borneo. Tiểu vương quần đảo Soulou đã chịu ký nhượng Basilan cho Pháp, nhưng Pháp lại sợ gây bất hòa với Tây Ban Nha, nên chính phủ Paris bác bỏ thỏa thuận với tiểu vương Soulou tháng 8-1845. (Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nguyễn Đình Đầu dịch, TpHCM: Ban Khoa học Xã hội Thành uỷ, 1990, tr. 97.) Vì vậy, các sĩ quan hải quân Pháp chuyển sự chú ý đến Việt Nam. Dựa vào lý do triều đình nhà Nguyễn (Việt Nam) đàn áp tôn giáo, Pháp tấn công Việt Nam từ năm 1857 và bảo hộ Việt Nam năm 1884. Từ đó, Việt Nam bắt đầu bước vào dòng sinh hoạt bang giao quốc tế, nhưng do yếu thế, Việt Nam trở thành món hàng trao đổi giữa các cường quốc trên thế giới. 1.- CHIA CHÁC GIỮA PHÁP VÀ TRUNG HOA LẦN THỨ NHẤT Khi Pháp tấn công Bắc Kỳ lần thứ hai vào tháng 4-1882, Hoàng Diệu tuẫn tiết. Pháp chiếm Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhà Thanh (Trung Hoa) đưa quân qua Bắc Kỳ can thiệp và cho Pháp biết rằng Việt Nam là thuộc quốc của Trung Hoa, đồng thời yêu cầu Pháp rút quân khỏi Bắc Kỳ để duy trì tình hữu nghị Hoa Pháp. Pháp vẫn cương quyết tiến hành việc đánh chiếm Việt Nam. Vào đầu tháng 11-1882, Lý Hồng Chương (Li Hongzhang hay Li-Hung-Tchang) , đại diện nhà Thanh đề nghị với đại sứ Pháp tại Bắc Kinh rằng Trung Hoa và Pháp chia nhau bảo hộ Bắc Kỳ. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn 1883-1945, tập 1, Houston: Văn Hóa, 1999, tr. 291) Ngày 20-12-1882, tại Thiên Tân (Tianjin hay Tientsin), đại sứ Pháp tại Bắc Kinh là Bourée và Lý Hồng Chương ký Tạm ước về Bắc Kỳ, theo đó Trung Hoa chiếm phía bắc sông Hồng (vùng núi non và hầm mỏ), và Pháp chiếm phía nam sông Hồng (vùng châu thổ, sản xuất nông phẩm). Lào Cai được xem là một thương cảng Trung Hoa, nhưng người Pháp được quyền tự do buôn bán với Vân Nam. (Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH, Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945), Quân sử III, Sài Gòn: 1971, tr. 164). Tuy nhiên, sau đó ở Pháp có sự thay đổi chính phủ. Chính phủ mới cho rằng Tạm ước Thiên Tân mà Bourée ký với Lý Hồng Chương đã giành cho Trung Hoa quá nhiều quyền lợi ở Bắc Kỳ, nên quyết định bãi bỏ Tạm ước và báo cho Trung Hoa biết ngày 5-3-1883. Thế là sự chia chác lần thứ nhất giữa Pháp và Trung Hoa về vấn đề Việt Nam bất thành. 2.- TRAO ĐỔI GIỮA PHÁP VÀ TRUNG HOA LẦN THỨ HAI Hai chính phủ Pháp Hoa tranh cãi không dứt về vấn đề Bắc Kỳ. Pháp muốn độc quyền tại miền bắc Việt Nam, trong khi Trung Hoa muốn chia một phần Bắc Kỳ cho Trung Hoa, và bảo đảm an toàn biên giới Việt Hoa. Cuối cùng, tại Bắc Kỳ, Pháp đã đánh đuổi quân Trung Hoa và quân Cờ đen chạy lên miền biên giới năm 1884, làm chủ tình hình Bắc Kỳ. Lúc đó, Trung Hoa lại lo ngại Pháp sẽ tiến chiếm Đài Loan hay Hải Nam để đòi chiến phí. Vì vậy, Trung Hoa bắt đầu thay đổi chính sách. Đầu tiên, Lý Hồng Chương, nhờ một thân hữu tên là Detring, người Đức, công chức cao cấp trong ngành thương chánh Trung Hoa và đã phục vụ 20 năm ở Quảng Châu, thường hay liên lạc với Paris, vận động với chính phủ Pháp. Vào tháng 4-1884, Detring đem việc nầy thảo luận với một người bạn là trung tá Ernest François Fournier, hạm trưởng tuần dương hạm Volta, đang đóng ở Quảng Đông. Fournier cũng quen biết với Lý Hồng Chương. Fournier trình bày lại ý định của Lý Hồng Chương với cấp chỉ huy là phó đô đốc Lespès, tư lệnh hạm đội Pháp tại Trung Hoa và Nhật Bản. Một mặt, Lespès thuận cho Fournier nói chuyện với Lý Hồng Chương, một mặt Lespès trình về Paris. Với sự uỷ nhiệm của phó đô đốc Lespès, Fournier đến Thiên Tân (Tianjin hay Tientsin), gặp Lý Hồng Chương để nghị hòa. Hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Ngày 11-5-1884, Lý Hồng Chương và Fournier ký hiệp ước gồm năm khoản, thường được gọi là hiệp ước Fournier hay hiệp ước Thiên Tân, đại để các điều như sau: Pháp hứa tôn trọng biên giới Việt Hoa (điều 1). Trung Hoa cam kết rút quân khỏi Bắc Kỳ và tôn trọng những hòa ước ký kết giữa Pháp và Việt Nam (điều 2). Hủy bỏ những hiệp ước trước đây giữa Trung Hoa và Việt Nam, và Pháp cam kết không làm tổn hại thể diện Trung Hoa (điều 4). Vấn đề ngoại giao với Trung Hoa xem như tạm ổn, chính phủ Jules Ferry ra lệnh cho Jules Patenôtre, đại sứ mới của Pháp tại Trung Hoa, trên đường qua Bắc Kinh nhậm chức, ghé lại Huế để thương lượng. Patenôtre ký hiệp ước với đại diện triều đình Huế ngày 6-6-1884, đặt Việt Nam dưới sự bảo hộ của Pháp. Tuy hiệp ước Thiên Tân đã được ký kết, phái chủ chiến trong triều đình Trung Hoa không chấp nhận, vẫn gởi quân chiến đấu sang Bắc Kỳ. Chiến tranh tái diễn khốc liệt ở Bắc Kỳ. Chính phủ Pháp ra lệnh cho phó đô đốc Lespès tấn công eo biển Đài Loan đầu tháng 8-1884 và phó đề đốc Courbet tấn công Phúc Châu (Fou-Tchéou), thủ phủ tỉnh Phúc Kiến (Fukien) vào gần cuối tháng 8-1884. Cuối cùng, hai bên đồng ý ký kết Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và thương mại ngày 9-6-1885 cũng tại Thiên Tân, theo đó Trung Hoa rút quân về nước, nhìn nhận Pháp bảo hộ Việt Nam, Pháp đồng ý rút quân khỏi Đài Loan, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán về một hiệp định thương mại giữa hai nước, về biên giới Việt-Hoa… Như thế là Pháp qua mặt Trung Hoa, một mình độc quyền chiếm lĩnh Việt Nam. 3.- CÁC HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ VIỆT NAM SAU THẾ CHIẾN HAI HỘI NGHỊ YALTA (4-2 đến 14-2-1945): Tại Âu Châu, trước khi Đức đầu hàng, đại diện ba cường quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô họp thượng đỉnh tại Yalta, một thành phố nghỉ mát ở Crimea, phía tây nam Liên Xô từ 4-2 đến 14-2-1945. Tại đây, Winston Churchill (thủ tướng Anh), Franklin Roosevelt (tổng thống Hoa Kỳ), và Joseph Stalin (bí thư thứ nhất đảng CS Liên Xô), bàn về việc phân chia vùng ảnh hưởng tại Âu Châu (chính là phân chia Đức và các nước chịu ảnh hưởng của Đức), việc thành lập Liên Hiệp Quốc (LHQ) và việc Liên Xô tham chiến chống Nhật Bản ở Á Châu, vì lúc đó Liên Xô chưa tuyên chiến với Nhật Bản. Riêng về vấn đề Đông Dương, thuộc địa cũ của Pháp, ngoại trưởng Hoa Kỳ là Edward Reilly Stettinius chính thức trình bày kế hoạch Quốc tế quản trị (International trusteeship) cho Đông Dương trong phiên họp ngày 9-2-1945 tại hội nghị Yalta. Theo kế hoạch nầy, sau khi Nhật Bản đầu hàng, Đông Dương sẽ được đặt dưới quyền của một Hội đồng quản trị quốc tế gồm đại diện Hoa Kỳ, Trung Hoa, Pháp, Liên Xô, các nước Đông Dương và Phi Luật Tân. Hội đồng quản trị sẽ hoạt động trong vòng năm mươi (50) năm cho người Đông Dương đủ sức tự trị, rồi mới giao trả độc lập cho các nước Đông Dương, giống như kinh nghiệm nước Phi Luật Tân. Thủ tướng Anh W. Churchill cực lực phản đối kế hoạch International trusteeship. (W. A. Williams, T. McCormick, L. L. Gardner, W. LaFerber, America in Vietnam, W. W. Norton, New York, 1989, tr. 31.) Theo F. Roosevelt, tại Yalta lãnh tụ Liên Xô là J. Stalin đồng ý kế hoạch nầy.(Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A, Houston: Nxb. Văn Hóa: 1996, tr. 204.) Tuy nhiên, sau đó ngoại trưởng Liên Xô là M. Molotov lại phủ nhận.( Đặng Phong, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập I: 1945-1954, Nxb. Khoa Học Xã Hội, 2002, tr. 221.) Tổng thống Roosevelt từ trần ngày 12-4-1945 (trong nhiệm kỳ), phó tổng thống Harry Truman lên thay, và thay luôn chính sách Hoa Kỳ về Đông Dương. Từ thời Truman, Hoa Kỳ chủ trương tôn trọng chủ quyền Pháp ở Đông Dương.(Spencer C. Tucker chủ biên, Encyclopedia of the Vietnam War, a Political, Social, and Military History, Vol. 3, Santa Barbara, California, 1998, tr. 888.) Đây là một thay đổi quan trọng trong chính sách Hoa Kỳ đối với Đông Dương. HỘI NGHỊ POTSDAM (17-7 đến 2-8-1945): Sau khi Đức thất trận và đầu hàng ngày 7-5-1945, đại diện Hoa Kỳ là tổng thống Harry Truman, đại diện nước Anh lúc đầu là thủ tướng Winston Churchill, sau là Clement Attlee (lãnh tụ đảng Lao Động, thắng cử ngày 25-7, lên làm thủ tướng thế Churchill), đại diện Liên Xô là Joseph Stalin, bí thư thứ nhất đảng CSLX, cùng họp hội nghị thượng đỉnh tại thị trấn Potsdam, cách 17 dặm về phía tây nam Berlin (Đức), từ ngày 17-7 đến 2-8-1945. Hội nghị có mục đích bàn về các vấn đề hậu chiến tại Đức, chung quanh việc phân chia các khu vực chiếm đóng, việc tái thiết nước Đức và các điều kiện đưa ra cho nước Đức thất trận. Bên cạnh đó, cũng tại Potsdam, đại diện các nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa (tổng thống Tưởng Giới Thạch không họp, nhưng đồng ý qua truyền thanh), không tham khảo ý kiến của Pháp, cùng gởi một tối hậu thư cho Nhật Bản ngày 26-7-1945. Lúc đó, Nhật Bản còn tiếp tục chiến đấu ở Á Châu. Liên Xô không tham dự vào tối hậu thư vì Liên Xô chưa tham chiến ở Á Châu và chưa tuyên chiến với Nhật Bản. Tối hậu thư nầy, thường được gọi là tối hậu thư Potsdam, buộc Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện, chấp nhận những điều kiện của Đồng minh, như chấm dứt quân phiệt, giải giới quân đội, từ bỏ đế quốc… Riêng về Đông Dương, quân Nhật sẽ bị giải giới do quân Trung Hoa ở bắc và do quân Anh ở nam vĩ tuyến 16. Tối hậu thư Potsdam không đề cập đến ai sẽ cai trị Đông Dương sau khi quân đội Nhật bị giải giới và rút về nước, nghĩa là không đưa ra một giải pháp chính trị cho tương lai Đông Dương. Điều nầy sẽ tạo ra một khoảng trống hành chánh và chính trị tại Đông Dương một khi những quyết định trong tối hậu thư Potsdam được thi hành, vì nếu Nhật đầu hàng, chính phủ Trần Trọng Kim do Nhật bảo trợ, sẽ sụp đổ, thì ai sẽ là người có thẩm quyền tại Đông Dương? Phải chăng Anh và Hoa Kỳ cố tình bỏ ngỏ khoảng trống chính trị để tạo điều kiện cho Pháp trở lại Đông Dương? Như thế, các cường quốc trên thế giới quyết định về số phận Việt Nam sau thế chiến thứ hai mà hoàn toàn không tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, không cần tham khảo ý kiến của người Việt Nam. 4.- SỰ THỎA THUẬN GIỮA ANH VÀ PHÁP TẠI MIỀN NAM Ngày 6-9-1945, toán đầu tiên trong phái bộ quân sự Anh đến Sài Gòn để giải giới quân đội Nhật. Việc trước hết, người Anh lo di tản khỏi Sài Gòn tù binh Anh Mỹ được người Nhật thả ra. Từ ngày 12-9, quân Đồng minh liên tiếp đến Tân Sơn Nhất, đa số là quân Anh và quân Ấn (thuộc Anh). Số quân nầy lên đến 1,800 người. Tướng Douglas Gracey, chỉ huy lực lượng Anh, phụ trách việc giải giới quân Nhật ở phía Nam, ra lệnh chiếm trụ sở của Lâm uỷ Hành chánh Nam Bộ Việt Minh. Việt Minh kêu gọi dân chúng biểu tình chống Anh, tố cáo Anh và Pháp vi phạm nền độc lập của Việt Nam. Ngày 21-9-1945, tướng Gracey thả và trang bị võ khí cho 1,400 tù binh Pháp còn bị giam giữ. Nhân cơ hội nầy, binh sĩ Pháp khiêu khích, tấn công người Việt. Đại tá Cédile, chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn, cướp chính quyền ở Sài Gòn đêm 22 rạng 23-9-1945, chiếm các đồn cảnh sát, công an, ngân khố, tòa đô chánh. Lâm uỷ Hành chánh Nam bộ (gồm đa số là VM) bỏ trốn. Cũng trong ngày 23-9-1945, VM thành lập Uỷ ban Kháng chiến Nam bộ do Trần Văn Giàu làm chủ tịch, và Uỷ ban Kháng chiến Sài Gòn Chợ Lớn do Nguyễn Văn Tư làm chủ tịch. Tài liệu đảng CSVN gọi ngày 23-9-1945 là ngày “Nam bộ kháng chiến”. Hai bên Pháp Việt Minh tiếp tục thương thuyết, nhưng không đạt kết quả. Pháp càng ngày càng đổ thêm quân vào miền Nam Việt Nam. Ngày 5-10-1945, trung tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque (Leclerc) đến Sài Gòn, đóng bản doanh ở dinh toàn quyền. Từ tháng 10 đến tháng 12-1945, bảy thương thuyền Hoa Kỳ đã chở từ 14,000 đến 24,000 binh sĩ Pháp đến Việt Nam, nghĩa là khoảng 40% lực lượng Pháp ở Việt Nam lúc đó. (Patricia K. Lane, “Éléments sur la mise en oeuvre de la politique américaine envers l’Indochine, 1940-1945”, đăng trong Les Cahiers de l’Institut D’Histoire Du Temps Présent, Charles-Robert Ageron và Philippe Devillers chủ biên, số 34, tháng 6-1996, tr. 33.) Trong lúc đó, tại London, thủ đô Anh, hai đại diện chính phủ Anh và Pháp gặp nhau ngày 8-10-1945, ký Tạm ước hành chánh và tư pháp phía nam vĩ tuyến 16 ở Việt Nam. Ngày hôm sau (9-10-1945), chính phủ Anh tuyên bố: 1) Yểm trợ Pháp tái chiếm Việt Nam. 2) Chấp nhận chính quyền Pháp ở Sài Gòn. 3) Giao quyền cai trị Nam vĩ tuyến 16 cho Pháp. (Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A tt. 275-276.) Tại Việt Nam, quân Pháp dần dần đánh chiếm các tỉnh thành phía nam vĩ tuyến 16. Ngày 5-2-1946, Leclerc tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Sài Gòn là đã hoàn tất tái chiếm Nam Kỳ và nam Trung Kỳ. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 176.) Từ ngày 9-10-1945, bộ Ngoại giao Anh thảo luận với đại sứ Pháp tại Anh để bàn chuyện chuyển giao chính quyền ở Nam Đông Dương, vì chính phủ đảng Lao Động mới cầm quyền ở Anh, muốn rút quân ra khỏi Đông Dương. Ngày 28-1-1946, tướng Gracey chính thức bàn giao thẩm quyền cho các giới chức Pháp, và quân lính Anh chính thức chấm dứt nhiệm vụ kể từ không (0) giờ ngày 5-3-1946, để lại nhiều trang thiết bị cho quân Pháp. (Còn tiếp) (Toronto 7-5-2009)
|