Home Tin Tức Bình Luận Vấn Đề Trung Quốc... Của Bắc Kinh

Vấn Đề Trung Quốc... Của Bắc Kinh PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Bảy, 30 Tháng 5 Năm 2009 09:36

 5/30/2009

Hãy đọc lại... chuyện Tam Quốc hay Lục Triều...

Sau loạt bài liên tục trên cột báo này về Trung Quốc, từ vấn đề Trung Quốc của Việt Nam (nằm tại Hà Nội, mà vụ bauxite chỉ là mặt nổi) tới vấn đề Trung Quốc của các nước (Ấn Độ, Nhật Bản, Liên bang Nga hay Úc Đại Lợi), ta hãy trở lại Hoa lục, cùng nhìn vào vấn đề Trung Quốc của Trung Quốc.
Nếu hiểu ra nỗi lo của lãnh đạo Bắc Kinh, may ra chúng ta sẽ có một cái nhìn khác với lãnh đạo Hà Nội. Và tự chuẩn bị cho những tình huống khác.
Xin hay đi từ chuyện gần tới chuyện xa, từ tin tức thời sự tới địa dư chính trị của một con rồng giấy.
***
KÍCH CẦU KINH TẾ
Từ tháng Chín năm ngoái, cả thế giới lên cơn sốt về vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ sau khi tổ hợp Lehman Brothers bị phá sản. Khủng hoảng tài chánh lan rộng đã dẫn tới nạn suy trầm hay suy thoái kinh tế tại các nước khác. Hai đầu máy kinh tế mạnh nhất thế giới là Hoa Kỳ (330 triệu dân sản xuất ra 14.000 đô la một năm và Âu Châu với 500 triệu dân, sản xuất ra 15.000 đô la) đều suy sụp làm các nước xuất cảng cho thị trường Âu-Mỹ bị họa lây.
Đứng đầu trong số này là Trung Quốc.
Ngay từ tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh bắn tiếng là sẽ tung ra kế hoạch kích thích kinh tế trị giá bốn ngàn tỷ đồng Nguyên (hay Nhân dân tệ - Renminbi), tương đương với 586 tỷ đô la Mỹ. Các nhà quan sát Tây phương đều trầm trồ ngợi khen phản ứng bén nhạy đó và thêu dệt về khả năng ứng phó của một cường quốc kinh tế có hai ngàn tỷ đô la dự trữ và đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
Họ quan sát từ một giác độ lệch lạc!
Lý do là chưa ai rõ Bắc Kinh sẽ sử dụng gần 600 tỷ ấy như thế nào để khôi phục sản xuất và chỉ biết thêm, khá chậm, sau này, vì chính Bắc Kinh chưa quyết định nổi khi lãnh đạo vẫn còn tranh luận về hai mục tiêu gần như mâu thuẫn, là cấp thời nâng số cầu để kích thích kinh tế hay đầu tư vào các khu vực kém phát triển để đối phó với những thất quân bình kinh tế bên trong.
Bắc Kinh cũng chưa giải quyết được bài toán sơ đẳng đầu tiên là lấy tiền đâu, để đưa về đâu? Từ ngân sách trung ương hay các ngân sách địa phương qua phát hành công khố phiếu, hay từ hệ thống ngân hàng sẽ ồ ạt bơm tiền vào kinh tế mà bất kể lời lỗ?... Dù sao mặc lòng, Trung Quốc vẫn loan báo kinh tế sẽ sớm phục hồi, và dư luận Tây phương lại vỗ tay cổ võ.
Họ không biết đếm.
Đầu tháng Năm vừa qua, Tổng cục Thống kê Bắc Kinh loan tin là trong Quý I (tam cá nguyệt thứ nhất, hay Q1) của năm 2009 này, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 6,1%, nếu so với đà tăng trưởng của quý trước (Q4/2008) là 6,8% thì có giảm đôi chút. Truyền thông cận thị của Mỹ - hai chữ này đôi khi đồng nghĩa - lập tức kết luận là trong khi đà tăng trưởng tổng sản lượng GDP của Hoa Kỳ giảm 6,1% thì vào cùng một quý Hoa lục đạt tốc độ 6,1%.
Tính nhẩm thì khác biệt tới 12,2% lận! Mà là tính sai - tương tự như so sánh nhiệt độ Celsius với Fahrenheit!
Lối tính của Hoa Kỳ là sự khác biệt từ quý trước qua quý này; lối tính của Trung Quốc là quy ra toàn năm, từ Q1 năm ngoái so với Q1 năm nay. Nếu áp dụng cùng phương pháp thống kê của Mỹ thì đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý bốn năm ngoái đã tuột đến số không, và tiếp tục chìm sâu hơn trong quý một năm nay! Chuyện này, ít ai nói tới.
Thứ nữa, nếu căn cứ trên lối tính của Bắc Kinh thì trong 6,1% tăng trưởng, có tới hai phần ba (4%) là do quyết định bơm tiền vào kinh tế. Chứ tốc độ tăng trưởng thuần chỉ có 2%. Mà thói thường, các cấp địa phương vẫn thổi phồng báo cáo ít ra là 2-3%, nên đà tăng trưởng thuần đó (2%) có khi chỉ là số ảo. Hay số âm! Khi ấy, ta không quên rằng với lãnh đạo Bắc Kinh, nền kinh tế xứ này là "kinh tế xe đạp" - xe không lăn bánh là đổ.
Tốc độ tối thiểu để xe khỏi đổ vì thất nghiệp và nổi loạn là 7-8%.
Thế rồi, ngày 22 tháng này, cơ quan tối cao về lãnh đạo kinh tế Trung Quốc trong Bộ Chính trị, là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, công bố quyết định là một phần tư của ngân khoản kích cầu 586 tỷ đô la sẽ bơm vào tỉnh Tứ Xuyên. Khi ấy, ta mới ngẩn người, vì Tứ Xuyên bị động đất từ ngày 12 tháng Năm... năm ngoái, khiến ít ra bảy vạn người thiệt mạng, trong số này có cả vạn học sinh bị vùi dưới các trường học đã bị rút ruột trong loại dự án mềm như tàu hủ.
"Dự án tầu hủ" là chữ của nguyên Tổng lý Chu Dung Cơ của Quốc vụ viện (Thủ tướng) phát minh từ hơn 10 năm trước để nói về nạn tham nhũng bên trong chế độ.
Xin hãy đọc lại: tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh nói tới gần 600 tỷ kích cầu, sáu tháng sau mới cho biết là 150 tỷ trong số này sẽ dùng để tái thiết một tỉnh trọng yếu bị địa chấn nặng từ 12 tháng trước! Trong cả năm đó, Tứ Xuyên xoay trở ra sao? Hãy nghĩ tới New Orleans sau trận Katrina và những tai họa chính trị đã rơi lên đầu ông Bush từ tháng Chín năm 2005 chì vì mấy ngày chậm trễ trong cách ứng phó!
Khỏi cần lật ngược sổ sách kế toán để nói tới vụ khủng hoảng tài chánh sắp tới khi các ngân hàng sẽ sụp dưới núi nợ khó đòi sẽ thối, làm dân chúng mất tiền ký thác - và biểu tình nổi loạn - ta có thể mường tượng ra những lúng túng và bất cập của Bắc Kinh trong các vấn đề kinh tế sinh tử của họ.
Không là một mẫu mực cho Hà Nội!
***
AN NINH XÃ HỘI
Vẫn trong phạm vi thời sự, chúng ta chú ý đến một hiện tượng đang nổi cộm, các "Thành quản Chấp pháp", mà Trung Quốc gọi tắt là "Thành quản" - cheng guan.
Ngày 26 vừa qua, hàng loạt cán bộ Thành quản thuộc tỉnh An Huy đã bị cách chức vì tội say rượu sách nhiễu dân chúng và còn... xung đột với cảnh sát.
Được thành lập từ năm 2000, dưới quyền quản lý của "Cục Thành quản Chấp pháp" nằm tại Bắc Kinh, đây chỉ là lực lượng bảo vệ trật tự thành thị. Các cán bộ sống sát với dân nghèo, lo việc thu thuế hoa chi hoặc kiểm soát sinh hoạt chợ búa vặt vãnh, và không có quyền hạn như cảnh sát, hay công an. Vậy mà đám trật tự tép riu ấy cũng thành cường hào ác bá và gây loạn trong xã hội mà trung ương tại Bắc Kinh không bảo được vì được địa phương bao che.
Thành quản cấp địa phương, của các tỉnh, thành, hay thị xã ở quận huyện, là một lũ sai nha được tái sinh từ thời phong kiến.
Và mỗi nơi lại chơi một cách!
Khi kinh tế sa sút, đời sống dân cư địa phương ngày càng bấp bênh, lực lượng trưng thu địa phương càng tung hoành mạnh và đụng độ với dân chúng. Bây giờ còn đụng tới cảnh sát và công an nên trung ương Bắc Kinh phải nhảy vào chấn chỉnh hầu phủ dụ người dân và tập trung lại quyền lực.
Loại tin tức xã hội ấy nằm rất xa các mối nguy chính trị như Pháp luân công hay phong trào tưởng niệm vụ Thảm sát Thiên an môn xảy ra ngày bốn tháng Sáu cách đây 20 năm. Cũng rất xa những vụ bạo động giữa nông dân mất đất hay công nhân mất việc với cảnh sát vọ trang, hoặc chống xu hướng tự trị - ôn hoà tại Tây Tạng hay khủng bố tại Tân Cương...
Kết hợp chuyện "kích cầu", mà hóa ra là đầu tư vào hạ tầng của những tỉnh bị khóa trong lục địa hầu san bằng những thất quân bình trong ruột gan chế độ, với chuyện cường hào ác bá nảy sinh từ guồng máy công quyền, người ta cần trở lại chuyện địa dư hình thể và kinh tế Trung Quốc.
Và hiểu ra nguy cơ tan rã theo kiểu ngũ đại thập quốc.
***
CÁI THẾ TAM PHÂN
Với diện tích khoảng chín triệu 600 ngàn cây số vuông cho gần một tỷ 400 triệu người, Trung Quốc là một xứ... nghèo trong một lãnh thổ bát ngát. Nghèo vì địa dư hình thể rất lạ.
Cho dễ nhớ, ta tạm chia làm ba khu vực từ Đông sang Tây, từ ngoài biển vào lục địa.
Lấy từ điểm cực Bắc của biên giới với Miến Điện kéo qua thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên tới Bắc Kinh và phân nửa miền Đông của Mãn Châu, người ta có khu vực tạm gọi là "duyên hải" hay miền Đông.
Tại hướng Đông của đường tuyến này ra tới biển, khí hậu có độ ẩm đủ cao (trung bình khoảng 37 phân nước mưa trở lên trong một năm) cho việc trồng trọt nên đây là nơi xuất phát ra nền văn minh Trung Hoa, với ba con sông lớn là Hoàng hà, Dương tử và Châu giang (của Quảng Đông). Khu vực rộng lớn ấy tập trung người Hán (tộc Hán chiếm hơn 90% dân số) nhưng thật ra lại rất hẹp, với diện tích canh tác chỉ bằng một phần ba của trung bình thế giới. Diện tích này còn thu hẹp dần vì môi sinh bị hủy hoại và vì những bất cập lẫn tham ô trong tiến trình kỹ nghệ hoá và đô thị hoá.
Đây là vùng đất có mật độ dân số cao nhất và mức tăng trưởng kinh tế khá nhất nhờ mở ra buôn bán với thế giới bên ngoài sau thời cải cách của Đặng Tiểu Bình. Dân cư và lãnh đạo khu vực này cũng có tinh thần "hướng ngoại" vì muốn hội nhập vào luồng trao đổi của thế giới. Họ đang hành xử như công dân thế giới, với chủ trương... duy tân và muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bằng mọi giá - giá đó ai sẽ trả thì lại là chuyện khác!
Tại hướng Tây của đường đẳng cao tuyến này là các tỉnh bị khoá trong lục địa, không có ngả thông thương với bên ngoài. Khu vực "nội địa" này rất rộng lớn, có địa dư hiểm trở, giao thông khó khăn và khí hậu khô cằn nên là vùng đất lạc hậu. Mà lại là nơi sinh sống của rất nhiều dân nghèo. Từ 800 tới 900 triệu người đang sinh hoạt trong một vùng đất hoang vu bát ngát ấy và có cảm tưởng như bị bỏ quên khi không thể chảy qua miền Đông kiếm sống.
Mà họ bị bỏ quên thật vì không có hạ tầng cơ sở phát triển, không có thành tích hiện đại hóa để thế giới trầm trồ ngợi khen về sự kỳ diệu Trung Hoa hay phép lạ Đặng Tiểu Bình.
Truyền thông Tây phương không mấy chú ý đến khu vực đó và càng ít biết là trong lịch sử, biển người đói rách này đã nhiều lần "Đông tiến", vào làm giặc hay cách mạng tại Trường An hay Bắc Kinh. Mao Trạch Đông mà phải 'vạn lý trường chinh' cũng để vét được đoàn quân chân đất ấy! Đổng Trác mà vào tranh hùng với Viên Thiệu hay Tào Tháo thì cũng từ vùng đất bên trong, với sự tham gia của nhiều dị tộc. Xa hơn nữa, Tần Vương Chính của "rợ Tần" có trở thành Tần Thủy Hoàng Đế để gồm thâu lục quốc thì cũng từ miền Tây đổ xuống!
Lãnh đạo Trung Quốc trong lịch sử đều ý thức được cái thế bất cân giữa Đông và Tây. Nhiều người dựng lên nghiệp đế là nhờ nương theo địa dư hình thể. Nhưng họ còn sợ một chuyện xa hơn nữa, là bị các dị tộc tấn công rồi làm chủ Trung Nguyên, như đã thấy nhiều lần trong lịch sử.
Vì vậy, phản ứng sinh tồn từ thời Chiến quốc qua đến Tần Hán và mãi mai sau này là phải kiểm soát được khu vực thứ ba, khu vực phiên trấn, được đoàn ngũ hoá thành một vùng trái độn để bảo vệ Trung Nguyên.
Khu vực phiên trấn ấy còn nằm sâu hơn trong nội địa và tiếp cận với các nước khác.
Theo chiều kim đồng hồ, đó là Cao nguyên Thanh Tạng tiếp giáp với Nam Á, là Tân Cương tiếp cận với Trung Á, là Nội Mông tiếp giáp với Mông Cổ và Đại Nga, và là Mãn Châu, kề cận nước Nga, bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trong quá khứ, vùng núi rừng và thảo nguyên hiểm yếu này từng là bàn đạp cho các thế lực bên ngoài tấn công và làm chủ Trung Nguyên. Vì vậy, trước khi đại thắng. Mao Trạch Đông đã đưa quân kiểm soát Tân Cương và vừa làm chủ Hoa lục đã lập tức chiếm đóng Tây Tạng.
Ngày nay, vùng đất ấy cũng đang rung chuyển sau khi Liên Xô tan rã và khủnh bố Hồi giáo khiến Hoa Kỳ đã vào tới Trung Á và Nam Á, ngay ở sân sau của Trung Quốc.
Cả một chuỗi lịch sử đằng đẵng của xứ này là nỗi lo sợ sẽ bị tấn công từ bên trong.
Kỳ tích xuất phát từ nỗi lo truyền thống ấy là Vạn lý Trường thành, được ba nước Tề, Yên và Triệu xây dựng từ thời Chiến quốc, trước khi được Tần Thủy Hoảng Đế mở rộng để chống rợ Hung Nô, và sau này, được triều Minh xây thêm, trở thành vĩ đại để chống lại quân Mông Cổ. Mà không xong!
Vì vậy, chúng ta không nên quên một sự thật là nền văn minh Trung Hoa có một thuộc tính là sự sợ hãi, một sự khiếp sợ có thể nhìn thấy từ mặt trăng. Nhưng, dù xoay mặt vào trong để phòng thủ, Trung Quốc lại bị vỗ lưng... từ bên ngoài.
Mà bị vỗ nhiều lần.
Trước là Anh quốc rồi Liệt cường Tây phương đã tiến vào như vậy trong thế kỷ 19, sau là Nhật Bản, cũng đã tấn công từ ngoài biển vào từ thế kỷ 20. Và các nước đều kêu gọi các tỉnh duyên hải cùng... duy tân để theo kịp thế giới, dưới sự lãnh đạo, chỉ dẫn hay yểm trợ của nước ngoài, của "hải ngoại". Nhà Đại Thanh đã sụp đổ cũng vì yếu tố hải ngoại đó!
Vì mối lo sẽ bị phanh thây, nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã nhất quyết bế môn toả cảng, đóng cửa không giao tiếp với bên ngoài. Bên trong là nền kinh tế tự cung tự cấp. Người cuối cùng là Mao Trạch Đông, làm Trung Quốc lụn bại dần. Người đảo ngược chuyện ấy mà chủ trương mở cửa là Đặng Tiểu Bình, khiến Trung Quốc bỗng dưng lệ thuộc vào thế giới để có nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất và lúa gạo cho miệng ăn, có thị trường quốc tế cho xuất cảng.
Ba chục năm sau, là năm nay, chuyện mở cửa ấy đã kéo khu vực duyên hải vào thế kỷ 21, nhờ đầu tư và sự cổ võ của các nước Tây phương và Đông Á. Nhưng, khu vực nội địa thì bất mãn vì vẫn ì ạch trong thế kỷ 19 và muốn nổi loạn. Trong khi khu vực phiên trấn thì rung rinh vì rợ... Hồi ở Tân Cương, đức Đạt Lai Lạt Ma đang lưu vong tại Ấn Độ hay Hoa Kỳ tại A Phú Hãn và Pakistan!
Lãnh đạo Bắc Kinh sẽ làm gì?
***
TAM PHÂN VÀ TOÀN CẦU HÓA
Chuyện tam phân của Trung Quốc không là lý luận của người... ghiền truyện Tam Quốc.
Lối nhìn nền văn hoá khoa trương mà khiếp nhược cũng này không xuất phát từ những giai thoại thời Xuân Thu Chiến Quốc hay chuyện Trương Khiên, Trịnh Hoà của các đời Hán, Tống.
Nó là thực tế của toàn cầu hoá!
Địa dư hình thể và kinh tế xã hội học Trung Quốc chỉ ra ba khu vực có ba định mệnh khác nhau. Xứ này chỉ có hy vọng thống nhất trong một nền dân chủ theo thể chế liên bang như tại các quốc gia đông dân trên một lãnh thổ lớn và có nhiều quá dị biệt. Chuyện ấy không thành vì đảng Cộng sản Trung Quốc không dám chuyển hoá.
Bây giờ, thực tế toàn cầu hoá với ảnh hưởng rất mạnh từ biển Đông vào đang nhồi thêm nhiều động lực ly tâm mà Bắc Kinh không thể ngăn ngừa, hoặc đảo ngược được.
Một cách đại lược thì 11 tỉnh (và thành phố) duyên hải Trung Quốc đang sản xuất ra chừng 64% tổng sản lượng nội địa làm truyền thông quốc tế hết lời ngợi ca. Họ quên mất tám tỉnh bên trong chỉ sản xuất có một phần tư sản lượng toàn quốc và vẫn là vùng đất nghèo (đó là Sơn Tây, Cát Lâm, Hắc Long Giang, An Huy, Hà Nam, Hồ Bắc và Hồ Nam - quê hương Mao Trạch Đông!) Mà nghèo hơn cả là 12 tỉnh khó thông thương với bên ngoài - trừ phi qua chiến tranh - như Nội Mông, Quảng Tây và Vân Nam láng giềng của... Việt Nam, Tứ Xuyên (bên trong có Trùng Khánh), Quý Châu, Tây Tạng, Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải, Ninh Hạ và Tân Cương. Khu vực bát ngát này chỉ đóng góp 19% tổng sản lượng và cần nguồn yểm trợ của trung ương!
Nói tới phép lạ Trung Quốc - làm Hà Nội thèm thuồng - thế giới không bới ra nạn hủy diệt môi sinh của quốc sách vô trách nhiệm để tính vào phần mất mát.
Nói tới cái được sau cái mất, người ta cũng quên chuyện ai mất để cho ai được: Trung Quốc có tỷ lệ bất công cao nhất trong các nước tân hưng, còn hơn cả bọn tư bản Âu-Mỹ xấu xa: lợi tức đồng niên của một người dân Thượng Hải cao gấp tám đồng bào của họ ở tỉnh Quý Châu. Dùng tiêu chuẩn khác là hệ số dị biệt lợi tức trong phân phối thì cao gần gấp đôi nước Mỹ tham lam, và hơn hẳn dân chúng trong khu vực Euro.
Đã thế, khi cơn chấn động kinh tế toàn cầu dội vào Hoa lục, tai họa lại xảy ra mỗi khu vực mỗi khác. Các tỉnh duyên hải sống nhờ xuất cảng (Chiết Giang, Phúc Kiến và thành phố Thượng Hải) hay các tỉnh nội địa chuyên sản xuất nguyên vật liệu (Sơn Tây, Ninh Hạ hay Thanh Hải) bị thiệt hại nặng nhất. Họ phải tác động vào trung ương để đòi hỏi giúp đỡ, nếu không thì bị loạn.
Nhưng trung ương không biết xoay trở thế nào.
Từ khi lên cầm quyền vào năm 2003, thế hệ lãnh đạo thứ tư đã thấy những bất toàn cùa chiến lược mở cửa kiểu Đặng Tiểu Bình - được Giang Trạch Dân tiếp tục. Đó là sự khác biệt về lợi tức và nhận thức khiến Trung Quốc có thể tách đôi theo lằn ranh trong/ngoài, Tây/Đông. Vì vậy họ muốn chủ động nâng đỡ các tỉnh bên trong bằng giảm thuế, tăng đầu tư và tái phân lợi tức cho nông dân và thị trường nội địa.
Nhưng việc thu hẹp dị biệt trong/ngoài như vậy lại đụng vào tranh chấp trên/dưới.
Các đảng bộ địa phương không yên tâm với việc trung ương tập quyền và chia chác lợi tức cho tỉnh khác. Trong cuộc tranh luận về chánh sách, các đảng bộ duyên hải chủ trương phải giữ tốc độ tăng trưởng thật cao với hối suất thập thấp để duy trì sản xuất và việc làm, dù là sản xuất lỗ lã. Trong khi trung ương thì chú ý đến phẩm hơn lượng và dồn thêm tài nguyên cho các tỉnh nghèo để khỏi bị động loạn!
Nạn suy thoái toàn cầu hiện nay đánh mạnh nhất vào các tỉnh duyên hải vì thị trường xuất cảng bị thu hẹp nên lãnh đạo địa phương càng cưỡng chống chủ trương cải cách của trung ương. Vì vậy, việc phân bố 586 tỷ mới gây tranh luận, và kết quả là 150 tỷ sẽ được trút vào Tứ Xuyên để tránh loạn.
Mà cuộc tranh luận hay tranh chấp này không sớm có giải pháp vì có thể kéo dài tới thế hệ lãn đạo thứ năm, sẽ lên cầm quyền năm 2012 này.
Có hy vọng lên thay Hồ Cẩm Đào, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình là nhân vật của "thái tử đảng", con cháu các lão đồng chí thời cách mạng, và thành danh nhờ học trường lớn và phục vụ các tỉnh đã vươn thành rồng cọp ngoài duyên hải. Hồ Cẩm Đào thì thiên về Phó Thủ tướng Lý Khắc Cương, thuộc "đoàn phái" như mình - chuyên gia xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản - và đã như mình, phục vụ trong các tỉnh nghèo nhất bị khoá sâu trong lục địa.
May lắm thì Lý Khắc Cương sẽ lên làm Thủ tướng thay Ôn Gia Bảo, nhưng từ nay đến đó, dị biệt về trọng điểm trong/ngoài có thể còn gây nhiều bất ngờ cho việc tranh đoạt quyền bính.
Trong khi ấy, các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, cũng không thụ động ngồi chờ ngày Trung Quốc đứng dậy thành siêu cường hải dương để bắt bí thiên hạ. Việc thi đua võ trang và đầu tư vào năng lượng, vận chuyển hay thương phẩm của các nước (Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ) vào Hoa Lục sẽ đào sâu những dị biệt bên trong. Bắc Kinh càng hung hăng thì các vùng phiên trấn như Tân Cương Trung Á, hay Mông Cổ và Mãn Châu càng được các nước chú ý. Và khai thác...
Khi hữu sự, các tỉnh duyên hải sẽ ngả về Đông hay Tây? Sẽ "duy tân" hay trở về bảo vệ bản sắc dân tộc? Trong lịch sử, mỗi lần có cuộc tranh luận như vậy thì phe bảo thủ đều thắng, và quay lưng ra biển, quay đầu vào núi...
***
Vì những yếu tố rắc rối ấy, khi nói về Trung Quốc và thái độ ươn hèn của Hà Nội, người ta cũng nên nhìn rộng ra ngoài, nhìn vào phản ứng của các nước đang quan tâm đến sự bành trướng đầy chất bá quyền của Bắc Kinh. Sau đó là nhìn vào ruột gan của chế độ và những vấn đề sinh tử của một quốc gia chưa biết cách sống hài hòa trong một thế giới văn minh.
May ra mình sẽ tìm ra giải pháp khác cho Việt Nam.
Nói về Việt Nam, khi Trung Quốc bị loạn là ta giành lại được quyền tự chủ - như thời Ngô Quyền và nhà Nam Hán. Nhưng ta cũng có thể bị đánh phủ đầu theo kiểu "nhân giặc ngoài mà dẹp thù trong" - như nhà Lý vào đời Tống. Thời ấy, Thái úy Lý Thường Kiệt đã đánh thẳng vào lãnh thổ Trung Quốc khiến tác giả "biến pháp" là Vương An Thạch bị bay chức! Vấn đề là lãnh đạo phải có đởm lược và không hãi sợ. Nhất là người dân không chấp nhận sự khống chế của phương Bắc.
Việt Nam càng không nên hãi sợ khi thế giới hết là không gian hai chiều Nam/Bắc như trong cả ngàn năm mà đã thành toàn cầu hóa. Và Trung Quốc không chỉ là vấn đề cho Việt Nam...