Bảo vệ ngư dân ở Biển Đông |
Tác Giả: BBC News | |||||
Thứ Tư, 10 Tháng 6 Năm 2009 22:05 | |||||
Nhiều ngư dân Việt Nam nói họ 'không dám' ra biển vì lệnh cấm của Trung Quốc Mới đây đại sứ Việt Nam ở Mỹ viết thư cho các dân biểu Hoa Kỳ để cá tra và cá basa của Việt Nam có thể được vào thị trường Mỹ mà không chịu chế độ kiểm tra ngặt nghèo. Nay Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị đại sứ Trung Quốc để cho ngư dân Việt Nam được quyền đánh cá trong vùng biển 'của Việt Nam'. Báo Mỹ, The New York Times, hồi đầu tháng này cũng nhắc tới tranh chấp trên 'Biển Nam Trung Hoa' và coi đây là điều nguy hiểm hơn cả vấn đề Bắc Triều Tiên ở vùng Đông Bắc Á. Họ nhắc chuyện Việt Nam bỏ ra hơn hai tỷ đô la để mua sáu tàu ngầm và 12 máy bay chiến đấu SU-30 của một nước lớn khác là Nga, và bình luận: ''Điều này cho thấy bất chấp nhu cầu có quan hệ kinh tế tốt với Trung Quốc, Việt Nam không có ý định để mặc những tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc'' Cơm áo gạo tiền Nhưng đối với người dân Việt Nam, cái nhìn đơn giản hơn những quan điểm địa chính trị. Nhiều ngư dân than phiền với truyền thông trong nước và nước ngoài rằng họ mất miếng cơm manh áo khi Trung Quốc cấm đánh cá vào đúng mùa cá. Một số người nói họ vẫn ra biển bất chấp nguy cơ bị đuổi bắt hoặc xử phạt. Một chủ tàu nói với báo Thanh Niên: ''...Ở nhà thì lấy gì mà trang trải cuộc sống! Chúng tôi vẫn phải ra biển, cũng phải đánh bắt thôi, tới đâu hay tới đó.'' Một nữ chủ tàu khác nói, vẫn với Thanh Niên: ''Mỗi chuyến ra biển của chúng tôi hiện nay chỉ mong đủ tiền mua gạo là may rồi...lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc khiến chúng tôi khó khăn thêm.'' Nói chuyện với BBC hôm 8/06, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản của Việt Nam, ông Chu Tiến Vĩnh nói: ''Cục có đưa ra khuyến cáo với bà con ngư dân, thứ nhất là việc Trung Quốc tuyên bố như vậy là vi phạm chủ quyền của Việt Nam ''Thứ hai là vùng biển Việt Nam quản lý bà con ngư dân vẫn khai thác bình thường, không vấn đề gì.'' Ranh giới Bất cứ người Việt Nam nào cũng biết cả, biết là quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Tuy nhiên ông Chu Tiến Vĩnh cũng cảnh báo ngư dân 'lưu ý ở vùng giáp ranh', những nơi mà tàu thuyền có thể vì sóng, gió trôi dạt sang bên ''mà bạn quản lý''. Cách gọi "bạn" của ông khi nhắc đến Trung Quốc phản ánh một sự thực nữa là quan hệ hai đảng cầm quyền vẫn là tình đồng chí. Báo Việt Nam nói Trung Quốc cấm đánh cá từ ngày 16 tháng Năm tới ngày 1 tháng Tám tại vùng biển ''kéo dài từ 12 độ vĩ Bắc lên trên 20 độ vĩ Bắc, tức từ vùng biển Trường Sa, Hoàng sa của Việt Nam đến đảo Hải Nam của Trung Quốc''. Khi được hỏi liệu các ngư dân có biết đâu là ranh giới giữa vùng biển của Việt Nam và Trung Quốc không, ông Vĩnh nói: ''Sao họ không biết được, từ xưa tới nay họ biết cả...chủ quyền Việt Nam bất cứ người Việt Nam nào cũng biết cả, biết là quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.'' Nhưng ông Vĩnh thừa nhận cũng ''có thể vi phạm lẫn nhau'' ở đường phân định giáp ranh nhưng ông nói đây là "chuyện bình thường". Việc quan chức nhà nước cố làm nhẹ đi chủ đề lãnh hải với Trung Quốc như khác với những gì dư luận trong và ngoài nước, kể cả một phần báo chí chính thức của Việt Nam sục sôi bàn thảo. Vị cục trưởng cũng giải thích trong vùng biển Việt Nam có luồng hàng hải quốc tế và trong quá khứ đã có những lần tàu đánh cá Việt Nam bị tàu 'nước ngoài' đâm. Ông nói Việt Nam khuyến cáo người dân báo cho các cơ quan chức năng biết đặc điểm nhận dạng của tàu nước ngoài trong trường hợp xảy ra sự cố để có thể tìm tung tích. Lực bất tòng tâm? Ngay từ khi Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm cách đây hơn một tháng, Việt Nam đã lên tiếng phản đối. Nhưng trong khi Bắc Kinh đưa những tàu lớn tới giám sát việc thực thi lệnh cấm trên cả vùng biển mà Việt Nam nói là thuộc chủ quyền của họ, Hà Nội không có vẻ có hành động đi kèm với những tuyên bố phản đối. Cục trưởng Cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Chu Tiến Vĩnh thừa nhận: ''Điều kiện của Việt Nam khó khăn hơn Trung Quốc cho nên lực lượng ra không thể tương đồng được''. Các ngư dân cũng nói với báo trong nước ''dường như chúng tôi chỉ thấy tàu lạ của các nước canh chừng, chẳng may khi xảy ra sự cố gì đó, cần tàu cứu hộ của ta giúp, thì cũng tốn khá nhiều thời gian.'' Ngư dân Trần Anh Dũng nói với Thanh Niên: ''Cũng vì sự hiện diện quá hiếm hoi của lực lượng tuần tra, bảo vệ của Việt Nam nên đôi khi tàu nước ngoài có những hành động thái quá như sách nhiễu khi kiểm tra, đánh đập ngư dân,... thậm chí còn bắt người, thu giữ sản phẩm, phương tiện một cách trái phép.'' Vụ bị Trung Quốc cấm đánh cá đặt ra câu hỏi về mối liên hệ giữa quyền lợi của ngư dân và chủ quyền của Việt Nam với cách nhà nước nhìn nhận vị trí thực sự của mối quan hệ với Trung Quốc.
|