Lê Công Định và Báo Chí Việt Nam |
Tác Giả: Trịnh Hội | |||
Thứ Hai, 15 Tháng 6 Năm 2009 23:07 | |||
Cali Today News - Sáng nay vừa mới thức giấc thì tôi đã được một anh bạn thân điện thoại cho biết là một người bạn khác của tôi vừa phải vào vòng tù tội. Ở Việt Nam, ngay tại thành phố Sài Gòn nơi mà tôi và anh đã gặp nhau ăn trưa chung trước khi tôi về lại Mỹ cách đây gần một năm về trước. Từ đó đến nay tôi chưa có dịp trở lại Việt Nam. Bởi thế tôi cũng không gặp lại anh được để chia xẽ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Thành tâm mà nói tôi cũng không biết nhiều về những gì anh đang làm trong cuộc sống riêng tư của anh trong thời gian vừa qua. Vì vậy tôi đã vội vã lên mạng và cố tìm các tin tức liên quan đến Lê Công Định và việc anh bị công an Việt Nam bắt trưa hôm qua ngày 13 tháng 6 theo Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam vì ‘tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam’. Nhưng than ôi, từ báo điện tử VnExpress cho đến Thanh Niên hay Tuổi Trẻ, tất cả đều chỉ đăng một bản tin ngắn gọn với những lời cáo buộc tương tự như trên được thông tin từ chính… Bộ Công An. Ngoài ra tôi không tìm được bất kỳ một lời phản bác nào từ người bị cáo hoặc nếu không thì cũng từ bạn bè hoặc những người thân trong gia đình. Một lời bình không thiên vị, không mang tích cách cáo buộc tôi tìm mãi nhưng chẳng thấy. Là những tờ báo lớn nhất, bán chạy nhất trong nước với một lực lượng phóng viên trẻ hùng hậu, có học, có lòng, rất chuyên môn và cũng rất nhanh nhẹn trong việc nắm bắt thông tin, nhưng hình như đối với những vấn đề ‘nhạy cảm’ như thế này, tất cả đều đã chọn giải pháp im lặng. Tất cả đều phải tạm thời gạt bỏ lương tâm nghề nghiệp sang một bên để cuộc sống không gặp nhiều khó khăn, xáo trộn. Làm tin về Hoa Hậu này sửa mũi lúc nào, hoặc anh tài tử nọ bỏ vợ để cặp kè với ai thì eo ôi ngày nào tôi cũng thấy. Nhưng khi đụng đến những vấn đề căn bản nhất, quan trọng nhất về quyền lợi quốc gia, của chính mình, của tổ quốc thì tất cả đều chọn giải pháp cuối đầu im lặng, giả điếc, giả câm. Nhưng như đã nói ở trên tôi thông cảm với điều này. Nếu tôi ở Việt nam, gia đình tôi ở đó, việc làm, miếng cơm manh áo cũng từ nơi đó mà ra thì cũng có thể tôi sẽ chọn một giải pháp tương tự. Nhưng trong trường hợp này tôi tự hỏi có cần thiết lắm không khi tất cả cùng hùa vào với một lực lượng công an khổng lồ để kết tội một công dân đang đơn thân độc mã nằm trong tù không có gì trong tay để chống trả? Chúng ta chưa biết Định thật sự có làm những việc anh bị cáo buộc hay không. Chúng ta cũng chẳng biết việc anh làm có phạm luật hay không. Hoặc điều luật này có vi hiến hay không. Bất kể. Chỉ cần kẻ cáo buộc cho là vậy thì chúng ta cứ y như thế in thành văn, viết thành bài. Biết là im lặng thường có nghĩa là đồng lõa nhưng trong những trường hợp như thế này, tôi tự hỏi tại sao các báo chí trong nước, các phóng viên, nhà báo có học, có lòng không làm được như vậy và chọn giải pháp im lặng? Tại sao tất cả phải hùa vào cáo buộc một người cùng nòi giống, cùng trang lứa, cũng có học, có lòng và suy cho cùng, chỉ vì anh đang trăn trở, đang cố gắng đi tìm một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước? Cái buồn của tôi về đất nước Việt nam là ở đó. Và về thân phận của trí thức Việt nam cũng là ở chổ đó. Ngày xưa trong những thập niên đầu thế kỷ 20, ít nhất ra trí thức Việt nam cũng được phép chính quyền thực dân Pháp cho ra báo độc lập với chủ trương … bài Pháp, chống thực dân. Thế nhưng 100 năm sau, trí thức Việt nam làm được những gì? Tôi ước chi tôi về lại được Việt nam để thăm bạn tôi và nếu có thể, giúp anh trong cơn hoạn nạn. Nhưng đó là một điều hoang tưởng. Bài viết này sẽ làm cho con đường tôi đến Việt nam ngày càng xa hơn, chứ không phải là gần hơn. Mặc dù đó là con đường mà tôi luôn mong được yêu thương, ôm ấp. Và trở về với hiện tại thì tôi đang ở quá xa để có thể làm được điều gì thiết thực cho Định. Vì thế tôi chỉ mong là trong những ngày sắp tới tôi sẽ đọc được hoặc nghe được những ý kiến hay, những việc làm thiết thực từ các bạn đọc xa gần cho biết làm thế nào để chúng ta có thể giúp Định sớm thoát khỏi cảnh cô đơn, tù ngục. Thời phải thế. Thế thời phải thế. Cuối cùng chỉ có chính chúng ta là người phải mỗi ngày đối mặt với tấm gương của lương tâm và lẽ phải.
|