Viết cho ngày Quân Lực 19-6 |
Tác Giả: Đào Vũ Anh Hùng | |||||
Thứ Năm, 18 Tháng 6 Năm 2009 22:51 | |||||
Canh bạc chưa chơi mà hết vốn Sau 30 tháng 4, những người cựu chiến binh VNCH lại có ngày Quân Lực 19 tháng 6 để buồn rầu hoài niệm và suy tư, tiếc nhớ một thời đã góp phần tích cực trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Nam, tiếc nhớ một đời đã đem tuổi thanh xuân hiến dâng cho lý tưởng quốc gia, dân tộc. Thế hệ chúng ta đã đi những bước truân chuyên trên con đường quá khổ và quá nhọc nhằn mong đem lại thanh bình, hạnh phúc cho dân Việt nhưng vì vận số hẩm hiu đất nước, chúng ta cặm cụi đi hoài vẫn không tới đích và cuối cùng, đem thân phiêu bạt... Bình luận gia quá cố Phạm Kim Vinh cho rằng “Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến kéo dài, đẫm máu và tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại”. Cuộc chiến mang nhiều tính chất bi thảm và hài hước, cho tới bây giờ vẫn được nói tới và gây nhiều tranh cãi sôi nổi. Nó bi thảm, bởi thế giới có ý muốn phủ nhận chính nghĩa cuộc chiến đấu để tự vệ của nhân dân Nam Việt Nam. Nó hài hước, bởi sau khi cộng sản đánh chiếm miền Nam, cái đám nhân loại khiếp nhược đó đã cúi đầu trước bạo lực, phụ hoạ với cộng sản, bôi nhọ VNCH, quốc gia đã từng được họ tuyên dương là “Tiền Đồn Chống Cộng” của Thế giới Tự do. Dư luận đó đã nhục mạ Quân lực VNCH hèn nhát không chịu chiến đấu, VNCH hoàn toàn lệ thuộc nơi người Mỹ nên miền Nam mới sụp đổ dễ dàng và nhanh chóng như vậy..! Đây là thứ dư luận ngu xuẩn, thiếu lương tri, vô trách nhiệm và đầy ác ý. Họ đã nhắm mắt, cố tình không chịu tìm hiểu tường tận sự hy sinh cùng khả năng chiến đấu tuyệt vời của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, không chịu hiểu một điều giản dị, rằng “Nếu quân lực VNCH nhát hèn, không chịu chiến đấu, thì ai, sức mạnh nào, binh lực nào, phép mầu nào đã giữ được miền Nam trong bao nhiêu năm đất nước sôi bỏng bởi chiến tranh tàn khốc, từ 1954 tới 1975?” Trong suốt hơn hai mươi năm dài đó, nếu không có sự chiến đấu dũng cảm, khắc khổ và kiên trì của người lính VNCH, chắc chắn miền Nam Việt Nam đã bị cộng sản thôn tính từ lâu rồi, ngay từ cái gọi là “tổng công kích, tổng khởi nghĩa” Tết Mậu Thân 1968, hay từ những trận đánh khốc liệt làm rúng động thế giới vào mùa hè binh biến 1972. Nếu không có sự chiến đấu đầy dũng cảm, hữu hiệu và kiên trì của người lính VNCH, làm sao quân đội Mỹ có thể rút ra khỏi cái gọi là “vũng lầy Việt Nam” một cách dễ dàng và an toàn như vậy?”.
Trong lịch sử Việt Nam cũng như trong lịch sử nhân loại cũng đã có những cuộc nội chiến. Nhưng không có cuộc tương tàn nào kéo dài quá lâu, liên tục và đẫm máu, cường độ tàn phá khốc liệt cùng sự tổn thất về nhân mạng cho cả hai miền lên đến con số kinh khủng như chiến tranh Việt Nam. Kể cả trong hai kỳ thế chiến, chưa một thời đại nào trong lịch sử, người dân Việt nam ở cả hai miền Nam Bắc phải nhận chịu những nỗi đau thương bất hạnh như trong cuộc chiến vừa qua. Chúng ta, những người lính VNCH đã từng trực tiếp lăn mình vào binh lửa, những người lính đã thực sự cầm súng và chiến đấu, đều có thể khẳng định rằng, quân lực chúng ta không hề thua vì kém tinh thần chiến đấu. Sự sụp đổ về quân sự là do những quyết định sai lầm và suy yếu về chính trị. Nếu gọi là “thua”, chúng ta đã thua trận từ những nguyên nhân sâu ẩn khác. Chúng ta đã bị cái đám nhân loại hèn nhát và ngu xuẩn đó bất công trút đổ lên đầu chúng ta trách nhiệm. Những nguyên nhân khởi từ sau hai cuộc thế chiến, toàn thế giới run rẩy phục hồi, bắt tay xây dựng lại những công trình bị tàn phá. Thế giới từ ngày đó, mệt mỏi và sợ hãi chiến tranh, sợ bị nhiễm vi trùng cộng sản, đã trở nên ươn hèn, ích kỷ, ve vuốt cộng sản, đối xử bất công, nhòm ngó, dè bỉu, chê trách, quy kết tất cả mọi lỗi lầm về phía chúng ta, trút đổ tất cả gánh nặng lên đôi vai người lính VNCH, bắt chúng ta phải trách nhiệm ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản. Trong khi đó, nước Việt Nam bất hạnh đã nẩy sinh ra gã họ Hồ, một thứ “nhân tài chết tiệt” của dân tộc, cuồng tín và tàn độc, tham vọng và mưu mô, bất lương và hiếu sát, vong bản và phi nhân, vô luân và vọng ngoại, tận tụy tôn thờ chủ nghĩa của gã Mác, gã Lê, xô đẩy dân tộc Việt Nam vào cuộc tương tàn thảm khốc. Từ cái thời điểm phải ghi nhớ và đáng nguyền rủa đó, nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đã phải còng lưng chịu đựng, không ngóc đầu lên được để thấy ánh mặt trời, để đi và đứng song hàng, hưởng cơn gió lành thịnh vượng cùng mọi dân tộc tự do trên thế giới. Dân tộc Việt Nam là nạn nhân thảm khổ trong cuộc chiến tranh phá-hoại-tận-tình-và-tuyệt-kỹ của bọn người ngu dốt. “Chính vì sự cương-quyết-ngu-dốt và ngu-dốt-kiên-trì mà chúng đã bán đứng đất nước, bán đứng cả linh hồn đất nước”, như cách nói của nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Nhà văn Phan Nhật Nam cũng đã kêu lên tiếng kêu ai oán, “Chiến tranh nào cũng đem lại những đổ vỡ, tan hoang, gieo mầm độc ác và gây nên bao sự hủy diệt. Nhưng đây là cuộc chiến thê thảm, tồi tệ và tủi hổ nhất của dân tộc Việt Nam”. Trong cuộc chiến vô nghĩa, dai dẳng và tàn bạo tột độ này, người lính VNCH đã gánh chịu trọn vẹn cái phần nặng nề, bất công, thua thiệt và đau đớn nhất. Cuộc tương tranh rõ ràng không đồng cân đồng sức và bị bội phản trắng trợn nhưng người lính Việt Nam vẫn thản nhiên chấp nhận. Những đời trai trẻ quên bỏ hạnh phúc, tình yêu, tương lai, sự nghiệp cùng những thú vui riêng để bước vào chốn cùng hung cực hiểm, đầy rẫy gian lao khổ nhọc và bị vô ơn, bạc đãi nhưng họ vẫn lầm lì chịu đựng và dũng cảm xông pha trận mạc, trực diện kẻ thù, đổ mồ hôi, xương máu, lao thẳng vào lửa đạn, phóng mình vào nỗi chết cho giải đất miền Nam được tồn tại và người dân miền Nam được sống còn. Lính và vợ con lính. Vợ con lính và những người lính VNCH là hiện thân của những hy sinh quá sức lớn lao. Lòng quả cảm và những hy sinh kỳ vĩ đó chứng minh được bằng những chiến thắng cụ thể, nhiệm mầu, vượt cao, vượt xa và ở trên tất cả mọi suy nghĩ tầm thường của những con người không có chiều dài lịch sử bốn ngàn năm để hiểu thế nào là tình yêu thương đất nước cùng mối tự hào dân tộc. Như Mậu Thân ở Huế. Một đại đội Hắc Báo quân số 270 người, còn lại vỏn vẹn 19 người sau nhiều ngày giao tranh, đã anh dũng chiếm lại Kỳ Đài, đưa lá cờ vàng ngạo nghễ tung bay trên đỉnh ngọn. Như An Lộc, với 52 ngày tử thủ, thịt da đất nước từng phân vuông quằn quại nẩy tung dưới cơn mưa pháo, ngày và đêm. Không một nơi nào trên thế giới nhận chịu một cuộc tấn công ác liệt, kinh hoàng như An Lộc. Chỉ trong đêm 11 rạng 12 tháng 5, 1972, từ 3 giờ đến 6 giờ sáng, An Lộc co quắp run rẩy hứng chịu liên tục 8 ngàn trái pháo và hỏa tiển của cộng sản… Thế mà An Lộc vẫn đứng vững, vẫn tồn tại. Cái quận lỵ nhỏ bé đó đã dược ghi danh trong quân sử Việt Nam và trong chiến sử Thế giới. Vào những giờ phút hấp hối của miền Nam, trận chiến cuối cùng ở Xuân Lộc cũng là một kỳ tích để nhân loại ngưỡng phục. Sư đoàn 18 Bộ Binh, một Sư đoàn được coi là không mấy xuất sắc của quân lực, đã anh dũng giữ vững tuyến phòng ngự, chặn đứng được sự tấn công ào ạt của 5 sư đoàn cộng sản với xe tăng và đại pháo 130 ly hùng hậu. Nhưng biển người của Văn Tiến Dũng đã phải đứng khựng lại, phải bỏ rơi Xuân Lộc, đi đường khác vòng về Saigon, để lại hàng ngàn xác chết. Jean Lacouture, một nhà báo Pháp có lương tâm đã nhỏ rơi nước mắt khi tường thuật trận Xuân Lộc và thảng thốt kêu lên, “Cái Quân lực đó quả thật là gan dạ và anh hùng. Họ chiến đấu vô cùng ngoạn mục và tôi thật lòng kính phục”. Nhiều ký giả Tây phương cũng hết lời ca ngợi những cuộc chiến đấu đơn lẻ, tạo nên thiên anh hùng ca bi tráng trong ngày cuối cùng của Tháng Tư Đen. Như cuộc chống cự của Thiếu Sinh Quân ở Vũng Tầu. Của những đơn vị Nhảy Dù ở khu Lăng Cha Cả. Của anh em Biệt Kích 81 ở Bộ Tổng Tham Mưu. Của các chiến sĩ Biệt Động Quân ở dốc Cầu Xa Lộ. Của những Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt trong quân phục đại lễ nơi một góc phố thủ đô… rất nhiều sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ QLVNCH và Cảnh sát Quốc gia đã tự sát tập thể vì tuyệt vọng và phẫn nộ trước cuộc đầu hàng nhục nhã của Dương Văn Minh. Chưa kể đến sự tuẫn tiết của các tướng Nguyễn Khoa Nam, tướng Lê Văn Hưng, tướng Phạm Văn Phú, tướng Trần Văn Hai, tướng Lê Nguyên Vỹ và những sĩ quan chỉ huy các đơn vị tác chiến khác. Ba mươi bốn năm đã trôi qua. Người ta nói hoài đến con số 58 ngàn lính Mỹ chết và mất tích trên chiến trường Việt Nam. Việt cộng đưa ra con số tổn thất nhân mạng là một triệu 400 ngàn bộ đội của chúng. Phía Việt Nam Cộng Hòa, không ai truy cứu để đưa ra một con số chính xác, bao nhiêu binh sĩ của chúng ta tử trận, bao nhiêu đồng bào, cán bộ chính quyền của chúng ta bị sát hại trong cuộc chiến? Chúng ta bị thế giới cố tình bỏ quên. Bị cộng sản đê tiện trả thù, đầy đọa người sống trong trại tù cải tạo và quật mồ người chết để thỏa mãn cái tâm địa man rợ của loài lang sói. Nhân kỷ niệm Ngày Quân Lực, chúng ta, những người lính chiến VNCH cũ, hãy cùng nhau chiêm nghiệm, không phải để “tự cho mình là những người mất nước tìm cách phục quốc, hay để tự nhận là những người thất trận tìm cách trả thù, phục hận...” Và càng không thể là “những người Quốc gia đã được “điều kiện hóa” để xem chống cộng là cứu cánh…” như một số người trong chính hàng ngũ chúng ta – đau đớn thay – đã hòa nhịp với kẻ địch, công khai sỉ nhục quân đội. Chúng ta hãy dõng dạc nói thẳng cho những con người đó, thù cũng như bạn, biết rằng lý tưởng và cứu cánh của người lính chúng ta không phải là thù và oán. Lý tưởng Quốc gia Dân tộc là một tình cảm tự nhiên, thiêng liêng cao cả trong trong trái tim con người, không thể đem “điều kiện hóa” như thí nghiệm vào loài chó của Palov, như thủ đoạn tẩy não phi nhân của cộng sản. Lý tưởng và cứu cánh đó bao giờ cũng là chu toàn ước vọng đem lại đời sống thanh bình an lạc, đem lại tự do dân chủ, no ấm và hạnh phúc cho toàn dân. Kẻ nào xâm phạm đến phúc lợi và ước vọng đó của dân tộc, chúng ta có bổn phận ngăn chặn, dù đó là cộng sản hay bất cứ một thế lực nào khác. Chúng ta, những người lính VNCH sống còn sau cuộc chiến và thoát khỏi bàn tay đê tiện của kẻ thù, xin hãy nghĩ nhớ đến anh em đồng đội, hồi niệm và tri ơn những người đã nằm xuống cho chúng ta được sống. Hãy cùng nhau đốt lên một ngọn lửa, soi sáng một niềm tin, giữ vững tinh thần và ý chí, làm sáng danh Quân lực, làm rõ ràng Chính nghĩa Quốc gia và hãy vẽ lại chân dung đích thực của người lính VNCH, những người con yêu của đất nước, dù đã đi vào miền Vĩnh cửu nhưng hình ảnh cùng những chiến công vẫn hằng hằng sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam ta. Chúng ta hãy cùng nhau chiêu niệm quê hương, chiêu niệm hồn tiên liệt và khí thiêng sông núi, cầu mong sớm có một ngày vinh hiển trở về nhìn lại quê cha đất tổ, như trong lời Hịch Bình Ngô: Giang sơn từ nay mở hội
|