Cách mạng ăn thịt người
Cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hoà Hồi giáo Iran sẽ đưa xứ này về đâu? Từ trị sang loạn... sang trị, rồi loạn hơn? Khó ai biết được, Thượng đế Allah vốn chẳng nói gì! Nhưng ta không nên lạc quan nếu nhìn lại ba chục năm lịch sử của cuộc cách mạng thường trực này. Từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đến nay, Iran có tất cả sáu vị Tổng thống. Bốn người còn lại ngày nay thì đang ở hai phe đối nghịch. Hai người kia thì một người bị... cách mạng ám sát chết sau hai tuần cầm quyền. Người sau cùng thì thoát chết nhờ đi trốn rồi lưu vong ra ngoài, sau khi gia đình và cộng sự viên bị cách mạng thủ tiêu hoặc giam cầm rồi tra tấn... Đây là ta chưa nói tới nhiều Giáo chủ và cả Đại giáo chủ đã bị truất bãi và sát hại... Danh sách dài lắm! Trước hết, Cách mạng Hồi giáo Iran là một sự ngộ nhận lớn. Vì chán ghét chế độ của Quốc vương Reza Pahlavi, một chế độ quân chủ thân Tây phương bị mang tiếng là tay sai của Mỹ, các lực lượng đối lập đã nổi dậy lật đổ chính quyền năm 1979. Trên đại thể, đó là phe quốc gia bảo thủ, muốn xứ sở độc lập và xã hội được hiện đại hóa theo ước mơ của họ. Bên kia là phe tả thân cộng, muốn xứ sở canh tân theo con đường xã hội chủ nghĩa của một chế độ thế quyền. Phe thứ ba là các Giáo chủ muốn phục hồi và phát huy Hồi giáo như lực lượng tinh thần chỉ đạo và thực sự cầm quyền trên cả nước thống nhất, để đưa Hồi giáo lên tư thế "lãnh đạo từ Maroc tới Mã Lai Á" như Đại giáo chủ Rurollah Khomeini đã chỉ thị. Sinh năm 1902, đang lưu vong tại Pháp, Giáo chủ Khomeini là người đưa phe Hồi giáo cực đoan tới chiến thắng của cuộc cách mạng sau khi tiêu diệt hai phe kia. Quốc cộng gì thì cũng chết, vì ông phán rằng Thượng đế muốn vậy! Ngay sau khi Quốc vương Iran đào thoát vào tháng Hai năm 1979, Iran đã trải qua một hỗn loạn lớn vì không có ai cầm quyền mà lại có rất nhiều thế lực tranh quyền. Chính quyền Cách mạng Lâm thời chỉ lãnh đạo trong chân không, vì không có chân tay, cán bộ hay bộ máy hành chánh hoạt động ở dưới. Đấy là thời của các "ủy ban cách mạng tôn giáo", một thứ "xô viết" hay "công xã" của Allah hay "ủy ban cứu nguy tổ quốc" kiểu Robespierre xuất hiện, với toà án tôn giáo và máy chém là khí cụ. Đấy cũng là lúc hình thành một lực lượng võ trang tôn giáo có nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng Hồi giáo, là Vệ binh Cách mạng ngày nay. Các sĩ quan của chế độ cũ hay lực lượng đặc công thiên tả đều bị đẩy lui, quân đội chính quy trở thành bóng mờ... Lồng trong các biến động cách mạng này là vụ bắt giữ 55 nhân viên ngoại giao trong Toà Đại sứ Mỹ làm con tin, một quyết định đã gây rất nhiều mâu thuẫn trong nội nộ, và cuộc chiến chống Iraq, kéo dài suốt tám năm, từ 1981 tới 1988 khiến cả triệu người mất mạng với phản ứng dội ngược vào trong. Bây giờ, ta hãy điểm danh các Tổng thống của Cách mạng Iran... Một năm sau cuộc Cách mạng, tháng Hai năm 1980, một đệ tử của Khomeini và lãnh tụ thiên tả được bầu lên làm Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hoà. Đó là Abolhassan Bani Sadr, một khuôn mặt trí thức mộng mị. Tháng Sáu năm sau, Bani Sadr bị bãi nhiệm, gia đình và ban tham mưu bị ám sát hay cầm tù hết sạch. Ông phải đi trốn, hai tuần sau mới lọt qua xứ Turkey để bắt đầu cuộc đời lưu vong. Sinh năm 1933, Bani Sadr hiện đang sống tại Pháp, lâu lâu viết báo ngậm ngùi về lý tưởng ông dành cho cách mạng và sư phụ Khomeini! Dù sao, ông còn may mắn hơn người kế nhiệm. Sau khi Bani Sadr bị truất phế, Mohammad Ali Rajai được bầu lên làm Tổng thống và chỉ cầm quyền từ mùng hai cho đến cuối tháng Tám năm 1981 (vì vậy mà báo chí chỉ nói đến năm đời tổng thống). Ngày 30 tháng Tám, cả nội các của ông bị đánh bom trong khi đang họp. Đâu đó 70 người mất mạng và nay tự hỏi về Thánh ý của Allah khi họ bị sát hại bởi lực lượng xưng danh "Nhân dân Thánh chiến Iran" (MEK), một nhóm đặc công khi ấy nằm dưới trướng của Giáo chủ Khomeini. Sau hai vị Tổng thống của thời "lập quốc", bốn tổng thống về sau đều có phúc hơn... cho tới hôm nay. Giáo chủ Ali Khamenei làm Tổng thống từ tháng 10 năm 1981 đến tháng Tám năm 1989 sau khi tái đắc cử năm 1985. Không là nhân vật thông thái nhất trong các Giáo chủ đầy quyền uy, Khamenei vẫn khéo lách lên vị trí cao nhất và hiện là Lãnh tụ Tối cao của Iran. Hôm Thứ Sáu 19 vừa qua, ông hết luồn lách hoặc cố dung hoà các phe đối nghịch như trước mà hoàn toàn ủng hộ đệ tử của mình là đương kim Tổng thống Mahmoud Admadinejad. Qua quyết định này, Khamenei có thể là người tiêu diệt cách mạng hoặc gây ra biển máu nếu phong trào chống đối tiếp tục và lan rộng. Người mà Khamenei e ngại nhất là Giáo chủ Ali Akbar Hashemi Rafsanjani, Tổng thống Iran qua hai nhiệm kỳ, từ tháng Tám năm 1989 đến tháng Tám năm 1997. Là người có uy quyền và ảnh hưởng vì lãnh đạo hai trong bảy cơ chế quyền lực nhất của Iran, kể cả Hội đồng Chuyên gia là định chế có thẩm quyền đề cử, đàn hặc hay truất phế Lãnh tụ Tối cao, Rafsanjani khéo giữ im lặng trong suốt một tuần biến động vừa qua. Nhưng ai cũng biết là ông không ưa Ahmadinejad. Năm 2005, ông ra tái tranh cử tổng thống và dẫn trước Ahamdinejad với hơn 21% số phiếu, nhưng qua vòng hai lại bị thua - vì lá phiếu của Allah? Trong cuộc bầu cử lần này, Rafsanjani tránh lên tiếng. Nhhưng con gái của ông là Faezeh Hashemi Rafsanjani đi tranh cử cho nguyên Thủ tướng Mir Hossein Mousavi. Hôm Chủ Nhật 21, thông tấn xã quốc doanh Fars News Agency loan tin Faezeh cùng bốn người trong họ đã bị bắt giam hôm 20 vì tội biểu tình ủng hộ ứng cử viên Mousavi. Sau đó, có tin là họ đã được thả - trừ Faezeh. Sinh năm 1962, Faezeh là Dân biểu nổi tiếng tranh đấu cho nữ quyền trước khi bị loại ra khỏi danh sách tái tranh cử và cũng là con dâu của một Giáo chủ thông thái bị... cách mạng cầm tù rồi chết trong cải tạo, như nhiều Giáo chủ ôn hoà khác. Trước đấy, từ hôm 18, đã có tin là cả gia đình không được phép xuất ngoại. Rafsanjani là đối thủ mà cả Khamenei và Ahmadinejad đều phải gờm: ông mà bước qua lằn ranh do Khamenei vạch ra hôm Thứ Sáu 19, Cộng hoà Hồi giáo Iran có khi loạn to! Ngoài Rafsanjani, người ta còn chú ý đến Giáo chủ áo nâu (và cũng vấn khăn đen như Giáo chủ Khamenei, dấu hiệu là hậu duệ con cháu của Thiên sứ Muhammad) Hachemi Khatami. Thuộc thành phần thông thái uyên bác nhất, Giáo chủ Khatami làm Tổng thống từ tháng Tám năm 1997 đến tháng Tám năm 2005 và là người có tư tưởng cởi mở nhất vì vậy không được các Giáo chủ bảo thủ tin cậy. Trong cuộc bầu cử năm nay, Khatami được giới trí thức yêu cầu ra tái tranh cử, đến tháng Ba thì ông tuyên bố rút lui để ủng hộ ứng cử viên Mousavi mà ông tin là có hy vọng đem lại thay đổi tốt đẹp hơn cho Iran. Sau khi Lãnh tụ Tối cao Khamenei ra tối hậu thư hôm Thứ Sáu 19 và dân chúng vẫn biểu tình phản đối hôm Thứ Bảy, nhiều người đã bị giết - con số có thể là từ 15 đến vài chục - Giáo chủ Khatami liền cảnh báo là việc cấm đoán người dân phát biểu ý kiến một cách ôn hoà sẽ gây ra hậu quả tai hại! Qua lời phát biểu ấy, Khatami cũng đã vạch ra lằn ranh cho mình. Tổng thống thứ sáu và gây nhiều tai tiếng nhất là Mahmoud Ahmadinejad, nhậm chức từ tháng Tám năm 2005 sau một cuộc bầu cử có gian lận. Sinh năm 1956 trong một gia đình nông dân nghèo và sùng tín, Ahmadinejad là sinh viên đã tham gia cụ tấn công sứ quán Mỹ năm 1979 và được chú ý ở lập trường rất cực đoan. Có lẽ nhờ vậy mà ông được cất nhắc vào đại học rồi hoạt động trong nhiều nhóm dân quân quá khích trước khi được đưa lên làm Đô trưởng Tehran và từ đó ra tranh cử Tổng thống. Nhờ hậu thuẫn của Lãnh tụ Tối cao và các Giáo chủ bảo thủ nhất, Ahmadinejad là người hâm nóng tinh thần Cách mạng Hồi giáo nguyên thủy của Khomeini -bằng mọi giá... Điểm lại danh sách các Tổng thống của Iran trong ba chục năm qua, người ta thấy ngay là cuộc cách mạng này... cũng thèm máu và bốn tổng thống nay đang chia làm hai phe có uy quyền và ảnh hưởng ngang ngửa. Nhưng ba chục năm đã qua rồi, đại đa số tới hơn 60% dân chúng ngày nay đều sinh sau cách mạng. Họ khát khao một cuộc sống cởi mở hơn trong một xã hội bình thường hơn của một quốc gia được thế giới nể trọng không nhờ khả năng bạo lực. Bảo rằng phe ôn hòa gồm các nhân vật bảo thủ thực tiễn như Rafsanjani hay Mousavi, hoặc có tinh thần cải cách như Khatami và nhiều giáo chủ khác, là những người đấu tranh cho dân chủ thì có lẽ chúng ta quá lạc quan. Cũng vậy, nói rằng quần chúng của họ là một thiểu số trung lưu giàu có và có học nên mới đòi hỏi tự do dân chủ theo Tây phương, người ta có thể hiểu sai dân Iran. Cuộc đấu tranh của thành phần đổi mới này có thể dẫn tới dân chủ sau khá nhiều hỗn loạn, nếu quần chúng mong muốn và dám đấu tranh cho mục tiêu ấy. Nhưng nó cũng có thể dẫn tới biển máu vì phe bảo thủ cực đoan không từ nan bạo lực để bảo vệ "thành quả cách mạng". Một thí dụ lạnh mình là việc ngôi đền thờ Giáo chủ Khomeini bỗng bị đánh bom tự sát hôm Thứ Bảy 20. Kiến trúc này nằm trong khu vực được Vệ binh cách mạng bảo vệ chặt chẽ tại phía Nam của thủ đô mà lại bị khủng bố tấn công chỉ một ngày sau khi Lãnh tụ Tối cao Khamenei cảnh báo rằng hỗn loạn do đám biểu tình gây ra có thể tạo cơ hội cho khủng bố tấn công! "Khi ấy, ai sẽ chịu trách nhiệm?" Một sự trùng hợp ly kỳ... mà chỉ Allah mới có thể biết được. Trong khi chờ đợi, ứng cử viên Mousavi hay hai lãnh tụ kín đáo ở đằng sau là Rafsanjani và Khatami không xuất hiện cùng đám biểu tình. Nhưng Mousavi vẫn lên tiếng trên website của mình, rằng ông sẵn sàng hy sinh và nếu mà bị bắt giữ thì toàn quốc sẽ đình công. Quần chúng có nghe ông không, ta chưa biết, và tình hình hôm Chủ Nhật 21 đã có vẻ lắng dịu hơn. Một sự im ắng như khi viên đạn đại bác vừa ra khỏi nòng - trước khi nổ lớn...
|