Vốn Chính Trị |
Tác Giả: Nguyễn Đình Thắng | ||||
Thứ Ba, 30 Tháng 6 Năm 2009 04:57 | ||||
Hiểu cách nôm na, vốn chính trị có thể xem như một trương mục nơi mà chúng ta tích luỹ vốn để sử dụng sau này. Khi cần một món hàng chính trị, chúng ta phải trích quỹ để mua. Trị giá của món hàng càng cao, chúng ta càng phải chi nhiều từ quỹ. Khi quỹ vơi đi, chúng ta phải tích luỹ cho đầy trợ lại để chi dùng lần sau. Hiểu như vậy, khi vận động cho một vấn đề nào đó, chúng ta phải tự hỏi rằng vốn chính trị của mình có là bao để “mua” sự ủng hộ ấy. Nếu quỹ quá thấp, chúng ta chỉ ở tư thế xin xỏ và hầu như vô hiệu. Để vận động có hiệu quả, chúng ta phải lập một quỹ riêng cho từng đối tượng vận động và liên tục bồi đắp cho quỹ ấy. Cách tích luỹ vốn chính trị thay đổi tuỳ theo đối tượng. Chẳng hạn, đối với các vị dân cử, chúng ta tích luỹ vốn chính trị bằng lá phiếu, bằng tiền bạc đóng góp cho quỹ tranh cử, bằng sự tiếp tay vận động tranh cử, bằng cách giúp đưa vị dân cử đến với cử tri qua phương tiện truyền thông, bằng sự đổ công nghiên cứu một vấn đề mà vị dân cử quan tâm nhưng không đủ nhân lực để nghiên cứu, và bằng nhiều cách khác. Còn đối với một giới chức hành pháp, tích luỹ vốn chính trị có thể bằng cách vận động cho việc bổ nhiệm giới chức ấy vào chức vụ mới, hỗ trợ để giới chức ấy chu toàn nhiệm vụ chấp pháp, vận động lập pháp yểm trợ cho hoạt động của giới chức ấy, v.v. Dù đối tượng nào, vốn chính trị luôn luôn khởi đầu bằng chữ tín và phải được duy trì bằng tình thân. Tình thân giữa con người với con người là chất keo sơn để giữ vốn trong quỹ không bị “bốc hơi” với tháng năm. Giống như tiền tệ, vốn chính trị có thể chuyển từ quỹ này sang quỹ khác. Chẳng hạn, khi chúng ta vận động một vị dân cử yểm trợ cho dự luật của một vị dân cử khác thì chúng ta rút vốn từ quỹ dành cho vị dân cử này để chuyển vào quỹ dành cho vị dân cử kia. Chúng ta cũng có thể góp vốn với nhau để “mua” một món hàng chính trị mà trị giá vượt quá mức vốn trong quỹ của riêng mỗi người. Khi có quỹ rồi, chúng ta cần biết cách chi tiêu cho đích đáng thay vì tiêu phí. Chúng ta phải nhắm vào kết quả cụ thể thay vì những lời tuyên bố suông. Muốn có kết quả cụ thể thì một vị dân cử hay một giới chức hành pháp phải chi tiêu phần vốn chính trị của riêng họ. Chẳng hạn, khi đưa ra một dự luật, tác giả của dự luật phải chi vốn chính trị để đánh đổi sự yểm trợ của các đồng viện cho dự luật ấy. Có những vị dân cử Hoa Kỳ thực tâm nên đã chi vốn chính trị của họ cho các đạo luật về nhân quyền, tự do tôn giáo, chống buôn người… hay đã tận tình thúc ép hành pháp phải đạt những nhượng bộ cụ thể từ chính quyền Việt Nam. Họ xứng đáng để chúng ta dồn vốn chính trị nhằm đáp lại tấm lòng của họ. Cũng có những vị dân cử chỉ yểm trợ bằng lời nói; họ chỉ muốn lấy mà không muốn cho, chỉ muốn vay mà không muốn trả. Họ chỉ nói cho vừa lòng chúng ta, nhưng cuối ngày nhìn lại thì chẳng thấy một kết quả cụ thể nào. Người Việt có câu “lời nói không mất tiền mua” là vậy. Nếu không biết cách đòi, e rằng chúng ta không những bị thiệt thòi mà còn bị xem thường là ngây thơ, non nớt về chính trị. Khái niệm “vốn chính trị” giúp chúng ta tăng hiệu quả trong vận động chính sách. Trước hết, chúng ta cần liên tục đầu tư để có vốn chính trị nhằm sử dụng cho cuộc vận động. Thứ hai, chúng ta cần nhận diện được những ai có sẵn vốn liếng để hợp tác nhằm tăng sức mạnh chính trị cho cuộc vận động. Và cuối cùng, khi vận động chúng ta phải nhắm vào thành quả cụ thể thay vì những lời ủng hộ chung chung.
|