Từ ngàn xưa, chính trị vẫn chi phối toàn bộ cuộc sống của một dân tộc hoặc toàn thể nhân loại. Dân tộc thịnh/suy đều tùy thuộc vào cách làm chính trị đúng/sai. Cộng đồng nhân loại sống trong khói lửa binh đao, oán thù chất ngất hay cùng nhau phát triển trong cảnh thanh bình cũng do chính trị mà ra. Gần 1/5 nhân loại đã bị vó ngựa Mông Cổ của Hốt Tất Liệt giẫm nát, sát hại 60 triệu người. Châu Âu và hải ngoại đã bị quân đội Napoleon Bonaparte dày xéo làm chết 6 triệu người. Chủ nghĩa dân tộc thượng đẳng của Đức đã gây ra 2 cuộc thế chiến cướp đi 25 triệu và 72 triệu sinh mệnh. Các chế độ cộng sản khắp thế giới khoát bộ áo nhân bản (chống người bóc lột người; bình đẳng cho mọi người, mọi giới tính, kiến tạo thế giới đại đồng). Nhưng, trên bước đường xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, các đảng cộng sản đã làm chết trên 100 triệu sinh linh bằng hành động dã man, tàn ác mà chưa có chế độ nào trong lịch sử nhân loại đạt tới. Chủ nghĩa Đại Nga, chủ nghĩa Đại Hán giáng xuống biết bao tai ương cho các dân tộc láng giềng nhỏ bé. Tình trạng buôn bán nô lệ công khai và hợp pháp trên hành tinh của chúng ta đã dìm con người xuống hàng súc vật chỉ chấm dứt khi các hệ thống chính trị đặt chế độ buôn người ra ngoài vòng pháp luật. Thể chế dân chủ ra đời đã lần lượt trả lại quyền cho mỗi con người vốn hiện hữu tự nhiên kể từ lúc bước chân vào thế giới. Giống như các lĩnh vực khác của cuộc sống, chính trị có xấu/tốt, hay/dở, đúng/sai; trung thành/phản bội, thù hận/thương yêu. Nhưng, trách nhiệm của chính trị không ngoài mục đích tổ chức quốc gia thành một khối thống nhất để bảo vệ giang sơn gấm vóc và dân tộc trường tồn. Đồng thời, còn phải khuyến khích hoạt động ích quốc lợi dân và ngăn ngừa các hành vi phản dân, hại nước. Gán hết tội lỗi cho giới chính trị chẳng nông cạn lắm sao trong khi các hành vi buôn thần bán thánh, suy đồi đạo đức trong giới tôn giáo không hiếm; các thủ đoạn lừa đảo, gian lận, vi phạm luật pháp diễn ra hà rầm trong giới kinh doanh; những chuyện buồn nôn trong giới làm văn hóa cũng đếm không xuể? Làm chính trị nên được hiểu theo nghĩa rộng như tham gia các hoạt động quyết định thể chế chính trị, bầu cử, ứng cử, xây dựng xã hội dân sự, đấu tranh cho quyền con người. Một dân tộc không làm chính trị ắt phải rơi vào tình trạng “bị làm chính trị”. Sự hờ hững đối với chính trị khiến cho nhiều dân tộc bị các nhóm chính khách hoạt đầu lừa gạt đến thất điên bát đảo và phải trả giá quá đắt. Chẳng lưu tâm đến lĩnh vực chính trị nên lắm người không hiểu rõ dã tâm của các nhóm hoạt đầu mà cứ kê vai làm bàn đạp cho tới lúc bị chúng ngồi lên đầu. Khi đã bị nắm tóc, các dân tộc cứ phải công kênh bọn chính trị hoạt đầu suốt tháng ngày, thậm chí nhiều thập niên mà nuốt đắng cay. Không đi bỏ phiếu, từ chối hiến tài sản, cãi lại, bày tỏ ý kiến bất đồng ... đều bị những kẻ do mình đội lên ghép tội chống dân tộc. Ngớ người trước các bản án tày trời nên chỉ còn biết than “Giá mà đừng nuôi dưỡng, ủng hộ lúc chúng chưa cầm quyền! Giá mà biết rõ!”. Đã muộn rồi khi con sói hết đội lốt cừu! Vì xa lánh chính trị nên phải bầu cho những kẻ được chỉ định, bị tước đoạt tài sản vẫn nói/viết “tôi tình nguyện hiến” tài sản do mồ hôi nước mắt của cha ông gầy dựng, chỉ có thể phát biểu những điều được phép, bất chấp đúng/sai. Có những dân tộc không chịu nuốt nhục, cương quyết sửa chữa những sai lầm trong quá khứ như Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Đông Đức... nên mới thoát khỏi ngục tù tư tưởng, không bị ngược đãi trong xã hội. Trái lại, các dân tộc Trung Quốc, Việt Nam, Cuba... chưa thấy tận cùng nỗi nhục khi được phong làm “ông chủ” mà cứ khúm núm, mắt la mày lét, gọi dạ bảo vâng trước những tên “đầy tớ” hống hách, kênh kiệu. Theo năm dài tháng rộng, các dân tộc đó cứ hót như con sáo bị lột lưỡi và hớn hở đón nghe lời dạy bảo phải ghét ai, thương ai. Dưới chế độ độc tài thì ai cũng đều “bị làm chính trị” trong môi trường súc vật. Quyền tư duy độc lập, tự do tư tưởng mà Tạo Hóa duy nhất ban cho con người trong số muôn loài trên quả địa cầu đã bị nhóm cầm quyền tước đoạt. Không ít dân tộc đã đổ máu, mất nhiều năm, thậm chí hàng thế kỷ mới kiến tạo và hoàn thiện được thể chế chính trị nhân bản với những cơ quan bảo vệ hữu hiệu quyền con người được tự do phát triển trí tuệ, thể chất trong khuôn khổ luật pháp. Luật pháp ban hành nhằm bảo vệ an toàn cho xã hội mà không sử dụng để đàn áp dân chúng. Kể từ lúc lập quốc, người Mỹ đã liên tục hoàn thiện chế độ dân chủ, hủy bỏ các di sản sai lầm như chế độ nô lệ; hạn chế quyền tự do bầu cử, ứng cử; phân biệt chủng tộc để mỗi người dân tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xây dựng xã hội công dân. Thể chế hợp lý, guồng máy cai trị hữu hiệu do cử tri chọn lựa mang lại phúc lợi, niềm hãnh diện và hạnh phúc cho mọi người. Nhưng, Hoa Kỳ cũng không tránh khỏi các giai đoạn suy thoái buộc dân chúng phải chống đỡ và tái kiến tạo theo quy luật tuần hoàn của tạo hóa. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã có công giành độc lập vào năm 1947 bằng cuộc đấu tranh bất-bạo-động và duy trì sinh hoạt dân chủ cho 1.2 tỉ cư dân suốt 62 năm ròng. Cơ quan Tình báo của Economist đã xếp hạng dân chủ cho Ấn Độ 35/176 quốc gia được khảo sát trong năm 2008. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Ấn Độ đã phạm sai lầm nghiêm trọng vì du nhập mô hình kinh tế tập trung kiểu Liên Xô trong 3 thập niên từ 1950 khiến cho đất nước cứ bì bõm trong thế giới đang phát triển. Sực tỉnh, Ấn Độ vội nhảy lên chuyến xe lửa tốc hành của nền kinh tế thị trường tự do từ năm 1991 mà xã hội vẫn không bị xáo trộn nhờ dân chúng tích cực tham gia sinh hoạt chính trị. Kết quả bầu cử Hạ viện giữa tháng 5/09 đã loại bỏ bớt ảnh hưởng của các đảng nhỏ đại diện cho quyền lợi cục bộ và tăng cường quyền lực cho Đảng Quốc Đại vốn đại diện cho quyền lợi dân tộc rộng lớn hơn. Hơn 20% cử tri trẻ đã tham gia bầu cử và 147 Dân biểu dưới 45 tuổi trong số 543 ghế Quốc hội có thể thổi một luồng sinh khí mới cho Ấn Độ. Lần đầu tiên trong lịch sử Kuwait, 4 phụ nữ tốt nghiệp cấp tiến sĩ ở Hoa Kỳ đã được bầu trong số 50 ghế Quốc hội hôm 16/05/09 sau nhiều năm tích cực vận động cho quyền đầu phiếu của phụ nữ. Phe Hồi giáo Sunni thường khắc khe với giới tính và xã hội cởi mở đã mất gần nữa số ghế Quốc hội trong kỳ này. Sự tích cực tham gia sinh hoạt chính trị của dân tộc Ấn Độ và Kuwait đã cải thiện môi trường dân chủ trong xã hội vốn chất chứa vô số dị biệt và quan niệm cổ hủ. Nền dân chủ phải do mọi người cùng nhau xây dựng và hoàn thiện. Nếu do cá nhân hoặc một đảng duy nhất áp đặt thì dân tộc sẽ rơi vào tình trạng bị làm chính trị dưới ngọn roi chỉ đạo của Nhà nước. Vậy, chẳng có gì đáng hãnh diện khi bị làm chính trị, một hình thức làm tay sai cho cường quyền, và cũng không nên vô-trách-nhiệm đối với xã hội qua thái độ “Tôi không làm chính trị”.
|