Chủ nghĩa Đại Hán với cuộc bạo động Tân Cương |
Tác Giả: Nhị Khê | |||
Thứ Sáu, 17 Tháng 7 Năm 2009 06:33 | |||
Thủ phủ Tân Cương Urumqi là thành phố xa bờ biển hơn bất cứ thành phố nào trên thế giới. Đây là thành phố của các dân tộc thiểu số Hồi, Uighur, Kazakh... nhưng người Hán lại chiếm hơn 75% dân số. Ngày 05/07/2009 thành phố này xảy ra cuộc bạo động khiến cho 156 người chết, 1085 người bị thương, trên ngàn người bị bắt, vài ba trăm chiếc xe và nhiều cửa hàng bị đốt cháy và đập phá, chứng tỏ cuộc bạo loạn vô cùng ác liệt. Tuy nhiên, đó chỉ là con số do nhà cầm quyền Trung Cộng công bố. Những người chứng kiến cho biết số người chết phải lên tới 400. Có thể nói cuộc bạo động này vượt qua các cuộc nổi dậy ở Tây Tạng trong dịp Bắc Kinh tổ chức Thế Vận Hội 2008, hay các cuộc nổi dậy của người dân Trung Quốc vùng lên chống lại sự đàn áp của nhà cầm quyền Trung Cộng địa phương. Trong các cuộc nổi dậy đó, tuy hàng chục ngàn người tham dự, số người chết và bị thương vẫn không đáng kể. Điều đó chứng tỏ nhà cầm quyền Trung Cộng đã thẳng tay đàn áp khi xảy ra cuộc bạo động này. Không những thế, còn lan sang Kashgar, thành phố lớn thứ hai Tân Cương nằm sát cạnh biên giới Pakistan, và hai thị trấn khác là Yili và Aksu, được coi là các cổng nối quan trọng dọc theo Con Đường Tơ Lụa dẫn tới Địa Trung Hải, nên được toàn thế giới chăm chú theo dõi. Nguyên nhân xảy ra cuộc bạo động này có nhiều cách giải thích khác nhau: Người nói do cuộc xung đột giữa công nhân người Hán và công nhân người Uighur ở tỉnh Quảng Đông khiến cho 2 người Uighur tử vong, nhà cầm quyền Trung Cộng địa phương xét xử không thỏa đáng, người Uighur ở thành phố Urumqi mới bất mãn xuống đường biểu tình. Người đổ lỗi cho bà Rebiya Kadeer, lãnh tụ "Nghị hội Thế giới Uighur" (World Uyghur Congress), một tổ chức của người Uighur sinh sống trên thế giới, là kẻ xúi giục gây ra cuộc bạo động này. Tuy nhiên, những diễn biến trong cuộc bạo động này đã khiến cho tình hình vô cùng phức tạp. Khởi đầu người Uighur đánh người Hán, sau đó người Hán quay lại đánh người Uighur. Nhà cầm quyền Trung Cộng cho quân cảnh, công an và binh lính đàn áp người Uighur, tất nhiên khi người Hán quấy rối phải quay sang trừng trị. Cuối cùng thủ phạm giết người chính là... Trung Cộng. Theo điều tra dân số năm 2005, Urumqi có 2.3 triệu người có hộ khẩu. Tuy là thành phố của khu tự trị Tân Cương, nhưng người Hán chiếm 75,3%, người Uighur chỉ có 12,8%, người Hồi 8,03% và 2,34% là người Kazakh. Tính ra người các dân tộc thiểu số chỉ chiếm dưới 25% dân số của thành phố này. Theo thống kê của địa phương, ngoài 2.3 triệu người có hộ khẩu, còn có khoảng 2.7 triệu người tạm trú, đa số vẫn là người Hán. Căn cứ vào kết cấu dân số ở Urumqi, cuộc bạo loạn này có thể quy kết từ chia rẽ dân tộc diễn biến thành xung đột dân tộc, gây nhiều rắc rối cho việc xử lý khi dẹp loạn và phiền phức đối với việc ổn định. Sau khi xảy ra bạo động ở Tân Cương, Hồ Cẩm Đào đến Ý Đại Lợi tham dự Hội nghị G8 phải "tẩu vi thượng sách", trở về Bắc Kinh "điều binh khiển tướng", họp hội nghị Bộ Chính trị khẩn cấp, chứng tỏ cuộc bạo loạn này vô cùng trầm trọng. Ai là thủ phạm? Chiều tối ngày 05/07, lửa bốc nghi ngút, khói đen bay lên tận trời xanh, súng nổ dồn dập, đạn bay tứ tung, máu chảy lênh láng khắp thành phố Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương. Như thường lệ, nhà cầm quyền Trung Cộng đổ hết trách nhiệm, nguyên nhân gây ra vụ bạo loạn, mọi hành động tàn bạo lên đầu người Uighur. Theo công bố của nhà cầm quyền Trung Cộng, chỉ trong một đêm bạo loạn có ít nhất 156 người chết, trong đó có 27 phụ nữ, 1,080 bị thương và 1,434 người bị bắt, hàng trăm xe hơi và cửa hàng bị đập phá hay đốt cháy. Bạo loạn khởi sự khi có khoảng từ 1,000 đến 3,000 người Uighur tập trung tại quảng trường Nhân Dân phản đối vụ hai công nhân người Uighur bị sát hại hồi cuối tháng 6 trong cuộc ẩu đả với người Hán tại một nhà máy ở Quảng Đông. Với con số vài ba ngàn người tham gia bạo loạn mà trên một trăm năm chục người bỏ mạng (theo công bố của nhà cầm quyền), hơn ngàn người bị thương, ngàn người khác bị bắt... quả thật là kinh người. Tổ chức Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và toàn thế giới "vô cùng kinh hoàng" khi biết số người tử vong và bị thương trong vụ bạo động này. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra tại thành phố Urumqi trong đêm 05/07? Nếu chỉ xung đột giữa người Hán và người Uighur, tại sao trong mấy tiếng đồng hồ lại có nhiều người chết và bị thương như vậy? Đó là điều không sao hiểu nổi. Như vậy, nhà cầm quyền Trung Cộng phải chịu trách nhiệm trước hàng trăm vong hồn, trên ngàn người đau đớn nằm trong các nhà thương, hàng ngàn người sống trong cảnh đau đớn, nhất là hàng ngàn phụ nữ đang đau khổ vì chồng, con và người thân vừa qua đời, bị thương hay đang chịu đủ mọi cực hình trong lao tù cộng sản. Nếu cuộc bạo động này do người Uighur gây ra, chắc chắn phải có nhiều người Hán chết. Tuy nhiên, người Uighur ở hải ngoại cho biết đa số người bị thương và tử vong là người Uighur. Trước những lời cảnh cáo nghiêm khắc đó, nhà cầm quyền Trung Cộng miệng câm như hến, không dám công bố người chết thuộc dân tộc nào. Nếu người Uighur cầm gậy gộc, súng ống chống lại nhà cầm quyền Trung Cộng, người chết phải là quân đội, quân cảnh hay công an, nhưng sự thực không phải như vậy. Có thể khẳng định quân cảnh và lính Trung Cộng nổ súng bắn vào đám biểu tình không phải với mục đích tự bảo vệ mình. Nếu người Hán gây sự, giết chết nhiều người Uighur như vậy, khi truy xét nhà cầm quyền phải kết tội người Hán, nhưng họ không làm như vậy, trong khi đó có tới 1434 người Uighur bị bắt bỏ tù. Nếu kết luận chủ mưu gây ra vụ bạo động này không phải là cuộc đụng độ giữa dân với dân, không phải do người Uighur gây ra, không phải là cuộc khởi nghĩa của dân tộc Uighur, cũng không phải do người Hán gây ra, chắc chắn là kết quả của sự đàn áp bằng súng đạn của quân cảnh, công an và binh lính Trung Cộng. Sau khi xảy ra bạo loạn, Trung Cộng buộc tội những người gây sự đã "phạm tội đánh đập, cướp phá, đốt cháy...", họ không nói đã "phạm tội đánh đập, giết người, cướp phá, đốt cháy...". Lời buộc tội trên giúp chúng ta hiểu rằng không phải người dân tộc Uighur gây ra vụ bạo động này, bởi vì nếu dân Uighur là thủ phạm, chắc chắn không thể thiếu 2 chữ "giết người". Qua đó có thể thấy rõ quân cảnh, công an, binh lính Trung Cộng chính là thủ phạm. Nguyên nhân chỉ vì Chủ nghĩa Đại Hán đang bành trướng ở Tân Cương. Tám triệu người Uighur ở Trung Quốc lâu nay vẫn than phiền về việc người Hán ồ ạt kéo về khu vực đồi núi và sa mạc họ vẫn coi là quê hương yêu dấu của mình nằm sát biên giới Trung Á. Trên cơ sở đó có thể rút ra kết luận: Nhà cầm quyền Trung Cộng đã gây ra vụ bạo động ngày 05/07 ở thành phố Urumqi và một số nơi khác. Không những thế, người Uighur hải ngoại cũng đổ lỗi cho nhà cầm quyền Trung Quốc đã gây ra tình trạng bạo động ngày 05/07. Theo họ cuộc biểu tình của người Uighur vốn diễn ra ôn hòa cho tới khi công an và quân cảnh phản ứng quá đà bắn vào đám đông. Đó là vụ Trung Cộng đàn áp giết người xảy ra sau vụ học sinh sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn, Bắc Kinh, và hai vụ ở Tây Tạng trong năm 1988 và 2008. Tuy số người chết ở Tân Cương lần này ít hơn vụ Thiên An Môn năm 1989, nhưng tính theo tỷ lệ người tham gia thì số người chết lần này nghiêm trọng không kém gì năm 1989. Như những lần trước, từ lãnh đạo đến những cái loa truyền thông quốc doanh Trung Cộng đều "cả vú lấp miệng em" nói như đinh đóng cột: "Đây là vụ bạo động do người Uighur sinh sống ở hải ngoại giật dây, điều khiển từ xa". Họ còn vạch mặt chỉ tên "Cuộc bạo động do một phụ nữ gốc Uighur hiện sống ở Hoa Kỳ - bà Rebiya Kadeer - cùng những người trong nhóm của bà ở ngoại quốc xúi giục". Tuy nhiên, Bà Kadeer đã bác bỏ những lời tố cáo này và nhiều người Uighur tại Urumqi cũng bác bỏ ý nghĩ cho rằng họ bị các nhóm tranh đấu ở ngoại quốc sai khiến. Thực ra nguyên nhân khiến cho người Uighur ở thành phố Urumqi xuống đường biểu tình trong ngày 05/07 vô cùng đơn giản. Họ bực bội nhà cầm quyền tỉnh Quảng Đông xử lý quá thiên vị về vụ ẩu đả giữa công nhân người Hán và công nhân người Uighur khiến cho 2 người Uighur chết, nên đã xuống đường biểu tình ôn hòa yêu cầu nhà cầm quyền xử lý vụ án này công bằng hơn, không nên vì Chủ nghĩa Đại Hán bênh vực người Hán. Họ yêu cầu nhà cầm quyền bảo vệ quyền lợi của người Uighur cũng như người Hán. Tuy đơn giản như vậy, nhưng nhà cầm quyền địa phương đã huy động quân cảnh, công an và binh lính xua đuổi, bắn giết và bắt bỏ tù người biểu tình. Chuyện này không khó hiểu vì nó phù hợp với bản tính của nhà cầm quyền Trung Cộng, phù hợp với thần kinh quá nhạy cảm, phản ứng quá mức của Trung Cộng. Người Uighur hải ngoại cho rằng nhà cầm quyền Trung Cộng chính là thủ phạm gây ra tình trạng bạo loạn trong ngày 05/07. Theo họ, cuộc biểu tình ngày 05/07 của người Uighur lúc đầu diễn ra trong tình trạng ôn hòa cho tới khi công an và quân cảnh có phản ứng quá đà bắn vào đám đông, chưa chắc đã không phù hợp với sự thực. Bởi vì tại sao chỉ trong mấy tiếng đồng hồ số người tử vong và bị thương nhiều như vậy? Nói rằng nhà cầm quyền Trung Cộng bênh vực người Hán, chưa chắc phù hợp với thực tế Trung Quốc. Người Hán cũng nên hiểu rằng, chính họ cũng bị Trung Cộng đàn áp. Kể từ 1949, trong 60 năm qua, họ đã bị Trung Cộng đàn áp không thua gì người Tây Tạng hoặc người Uighur. Là tầng lớp thống trị hủ bại, Trung Cộng chính là kẻ gây ra muôn vàn tai họa cho người dân Trung Quốc: Cải cách ruộng đất, chống phái hữu, cách mạng văn hóa vô sản, cải tạo tư sản và nhiều cuộc vận động giết chết hàng triệu người. Trung Cộng không những là kẻ thù của người Uighur, người Tây Tạng, mà còn là kẻ thù của người Hán. Là kẻ thù chung của 56 dân tộc sống trên lãnh thổ Trung Hoa. Cả vú lấp miệng em Ngày 07/07/2009, trong cuộc họp báo với sự có mặt của ký giả trong và ngoài nước, Tần Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng, khi trả lời những câu hỏi của ký giả ngoại quốc về vụ bạo động ở thành phố Uighur Tân Cương đã "cả vú lấp miệng em" đổ lỗi cho người Uighur ở ngoại quốc xúi giục. Nghe ông ta trả lời, nhiều người đã thất vọng. Thứ nhất liên quan đến chuyện nổ súng bắn vào người biểu tình. Trung Cộng tuyên bố, cuộc bạo động xảy ra vào tối 05/07 tại thành phố Urumqi đã giết chết 156 người, 1080 người bị thương. Nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao chỉ trong thời gian 5, 6 tiếng đồng hồ số người chết và bị thương nhiều như vậy?" Chưa kể con số những người tận mắt nhìn thấy là 400 người chết, trên ngàn người bị thương. Trong cuộc họp báo hôm đó, có ký giả hỏi, người Uighur xuống đường biểu tình với thái độ ôn hòa, quân cảnh nổ súng trước mới gây ra bạo loạn, liệu nhà cầm quyền Trung Cộng ở Tân Cương có điều tra chuyện này hay không? Tần Cương bực bội trả lời, không lẽ bạo loạn như vậy còn gọi là "biểu tình ôn hòa" hay sao? Riêng chuyện cảnh sát hay quân đội có nổ súng hay không, thì miệng ông ta câm như hến. Tần Cương không nói nhưng nhiều công bố của những cái loa truyền thanh quốc doanh cho thấy: "Nhiều người tham gia vào cuộc bạo động này đã cầm đá, cầm dao con, gậy gộc...". Điều này khiến cho người nghe vô cùng kinh ngạc. Với những "vũ khí" thô sơ như vậy có thể giết chết 400 người, khiến cho trên ngàn người bị thương phải vào nằm bệnh viện hay sao? Điều đó đã khiến cho toàn thế giới khẳng định Trung Cộng chính là thủ phạm giết chết và làm bị thương những người đó. Thứ hai, trong số những người chết và bị thương, người Hán nhiều hay người Uighur nhiều hơn? Hiện nay có 2 cách giải thích: Một là quân cảnh nổ súng bắn vào người Uighur, khiến cho trên 100 người Uighur chết. Cách nói khác là người Uighur tấn công vào người Hán, khiến cho trên 100 người Hán chết. Nghe qua hai lời giải thích đó, ký giả hỏi Tần Cương: "Đài truyền hình Trung Quốc nói rằng người Uighur dùng gậy gộc, dao búa đánh người Hán nên mới xảy ra bạo loạn như vậy, đồng thời công bố số người chết và bị thương, nhưng không nói rõ người dân tộc nào. Ông có thể cho chúng tôi biết số lượng người Hán và người Uighur chết và bị thương hay không? Hoặc nói rõ phải chăng đa số người chết và bị thương là người Hán? Có người Uighur chết và bị thương do xung đột với quân cảnh hay không?" Tần Cương trả lời vòng vo quanh co. Trong 3 câu trả lời chỉ có một câu liên quan chút xíu đến câu hỏi: "Tôi tin sẽ có ngành liên quan điều tra con số ông vừa hỏi". Muốn phân biệt những người đã chết là người Hán hay người Uighur cũng không khó lắm. Nét mặt người Hán và người Uighur khác nhau xa, thoáng nhìn một cái có thể biết ngay. Tại sao chuyện đã xảy ra vài ba hôm rồi vẫn có người điều tra? Cũng trong buổi họp báo ngày 07/07, Tần Cương át giọng: Cuộc nổi loạn ở thành phố Urumqi do người Uighur hải ngoại giật dây, người Uighur trong nước thực hiện. Những lời nói hoang đường của bà Rebiya Kadeer không lường gạt nổi cộng đồng quốc tế. Bà là kẻ phạm tội đang chịu bản án hình sự, xuất phát từ lòng nhân đạo, chính phủ Trung Quốc cho phép bà xuất ngoại chữa bệnh. Bà từng tuyên bố không làm gì nguy hại đến an ninh Trung Quốc, song những hoạt động gần đây của bà chứng minh bà đang lường gạt cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo tại Hoa Thịnh Đốn, bà Rebiya Kadeer, lãnh tụ "Nghị hội Thế giới Uighur" (World Uyghur Congress), đã phản kích lại những lời vu khống của nhà cầm quyền Trung Cộng đối với bà. Bà nói kiểu mạt sát vu khống người bất đồng chính kiến như vậy là thủ đoạn của Trung Cộng, ai cũng biết điều đó.
|