Toàn cầu hóa thoái lui: Những hậu quả địa chính trị xa hơn của khủng hoảng tài chính |
Tác Giả: Trường Sơn (dịch) | |||
Thứ Năm, 23 Tháng 7 Năm 2009 22:43 | |||
“Bong bóng” thị trường nhà đất ở Mỹ NDĐT - Giờ đây rõ ràng là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ sâu sắc và kéo dài và nó sẽ gây ra những hậu quả địa chính trị sâu rộng. Hành trình trong thời gian dài hướng tới tự do hóa thị trường đã phải ngừng lại và một giai đoạn mới của sự can thiệp nhà nước, sự tái điều tiết và bảo hộ từng bước đã bắt đầu. Đó là nội dung bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 7 - 8/2009 của Roger C. Altman, Cựu Thứ trưởng Tài chính Mỹ và hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Evercore Partners. Thực ra chính toàn cầu hóa đang đảo chiều. Triết lý đã có từ lâu là mọi người đều thắng trong một thị trường thế giới duy nhất đã bắt đầu bị xói mòn. Thương mại toàn cầu, các dòng vốn và lao động nhập cư đang suy giảm. Cũng phải nói đến là các quốc gia với những hệ thống tài chính được bảo vệ như Trung Quốc và Ấn Độ, đến nay bị thiệt hại kinh tế ít nhất. Hơn nữa, sự chi phối toàn cầu và sự điều phối giữa các quốc gia sẽ ít đi. G-7 (nhóm các nuớc công nghiệp pháp triển) và G-20 (nhóm các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) đã không thể đưa ra biện pháp đối phó một cách hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng này, ngoài việc mở rộng Quỹ Tiền tệ quốc tế. Mỹ cũng bị suy giảm khả năng trong việc giúp các định chế này vận hành hiệu quả và trong tương lai vừa, nước Mỹ sẽ ít có ưu thế hơn. Điều này trùng với xu hướng thoát khỏi một thế giới đơn cực, một thế giới mà sự suy giảm kinh tế đang gia tăng. Giờ đây, Mỹ sẽ tập trung vào hướng nội và bị tác động bởi áp lực tài chính và thất nghiệp. Nhiều nước trên thế giới cho rằng sự thâm hụt ngân sách quá mức của Mỹ là một nguyên nhân dẫn đến suy thoái toàn cầu hiện nay. Điều này đã khiến cho mô hình thị trường tự do của Mỹ không còn được ưa chuộng nữa. Thiện cảm dành cho Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ giúp giảm nhẹ phần nào những sức ép này, chứ không phải tất cả. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng cũng đã phơi bày những điểm yếu trong Liên minh châu Âu (EU). Sự bất đồng về kinh tế đang gia tăng khi ba quốc gia mạnh nhất EU là Pháp, Đức và Anh đã không đạt được thỏa thuận trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng này và đã khước từ những lời kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp của các nước Đông Âu. Sự thiếu vắng một đồng tiền chung đích thực đã lộ rõ sự hạn chế của khối này. Và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tỏ ra thận trọng hơn và cho thấy ít sức mạnh hơn so với sự kỳ vọng của nhiều nguời. Việc thiếu sức mạnh và đoàn kết như vậy ở phương Tây không hề thích hợp chút nào vào lúc này bởi vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ làm gia tăng sự bất ổn về địa chính trị. Những quốc gia đã thu lợi lớn nhờ giá dầu tăng mạnh như Iran và Nga nay sẽ bị sức ép lớn về kinh tế. Những nền kinh tế vốn đã bất ổn như Pakistan có thể sẽ bị suy sụp. Và tỷ lệ nghèo đói sẽ tăng mạnh ở nhiều nước châu Phi. Tất cả điều này ngụ ý về một thế giới ít cố kết hơn. Một nước giành thắng lợi rõ ràng là Trung Quốc. Mô hình kinh tế chính trị của riêng nước này đã phát triển “bình ôn vô sự”. Tất nhiên, điều này sẽ giúp gia tăng vị thế của Trung Quốc. Tuy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có chậm lại nhưng nó vẫn diễn ra với tốc độ đáng ghen tị. Và xét về dự trữ tài chính, Trung Quốc là quốc gia giàu nhất thế giới. Ban lãnh đạo tài ba của Trung Quốc đang có những đầu tư chiến lược. Tình trạng nghiêm trọng dự kiến diễn ra trong thời gian dài của cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay là yếu tố trung tâm để hiểu được những ảnh hưởng về địa chính trị chắc chắn sẽ xảy ra. Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, EU và Nhật Bản sẽ không thể tạo ra một sự hồi phục thông thường theo chu kỳ. Sự thiệt hại sâu rộng về tài chính sẽ ngăn cản sự hồi phục này. Hậu quả là, các quốc gia phụ thuộc vào những thị trường này để tăng trưởng, chẳng hạn như những quốc gia ở Đông Âu, cũng sẽ phải đối mặt với khả năng phải mất một thời gian dài nền kinh tế của họ mới hồi phục. Nhiều nước đang phát triển phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài đã bị ảnh hưởng nặng nhất. “Giải phẫu” một cuộc khủng hoảng Hãy bắt đầu từ Mỹ nơi mà GDP vẫn cao gần gấp đôi so với GDP của bất kỳ nước nào khác. Trái với hầu hết các cuộc suy thoái đều bắt đầu theo một thứ tự là sức ép lạm phát gia tăng, thắt chặt tiền tệ để kiềm chế những sức ép này và sự suy giảm kinh tế diễn ra do tăng lãi suất, lần này là một cuộc suy thoái do cán cân thanh toán gây ra. Nó có gốc rễ từ sự thiệt hại về tài chính của các hộ gia đình và ngân hàng sau sự sụp đổ của thị trường tín dụng và nhà đất. Các hộ gia đình Mỹ mất 20% giá trị ròng của họ chỉ trong 18 tháng, giảm từ mức đỉnh 64.400 tỷ USD vào giữa tháng 7 - 2007 xuống còn 51.500 tỷ USD vào cuối năm 2008. Khoảng 2/3 phần sụt giảm này là do giá trị tài sản tài chính của họ bị giảm đi và một phần ba còn lại là do giá nhà giảm. Đây là sự suy giảm lớn khi tính tới thu nhập trung bình của một hộ gia đình trung lưu ở Mỹ hiện nay là 50.000 USD/năm (mức thu nhập này đã giảm trên thực tế từ năm 2000 trở lại đây) và tỷ lệ nợ của hộ gia đình cao kỷ lục (tới 130% thu nhập trong năm 2008). Nợ của hộ gia đình Mỹ tăng vọt bởi vì người Mỹ chi tiêu nhiều hơn so với tiềm lực của họ. Điều này đã cho thấy "hiệu ứng của cải” - các hộ gia đình cảm thấy giàu hơn khi giá trị tài sản của họ tăng và do vậy chi tiêu nhiều hơn. Nhưng người tiêu dùng Mỹ giờ đây đang bị “sốc” và do vậy hiệu ứng này đã bị đảo ngược. Chi tiêu của hộ gia đình giảm, dẫn đến sự tăng mạnh bất thường về tỷ lệ tiết kiệm cá nhân mà giờ đây đã rõ ràng. Đó là lý do chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân đã giảm với tốc độ kỷ lục trong quý 4 năm 2008. Nhưng chi tiêu cho tiêu dùng vẫn là phần lớn nhất trong nền kinh tế Mỹ (chiếm 70% GDP). Câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là khi nào chi tiêu cho tiêu dùng có thể lấy lại được sự gia tăng theo mức thông thường mang tính chu kỳ? Vớí giá nhà đất vẫn đang giảm và giá cổ phiếu vẫn thấp hơn 45% so với mức đỉnh vào năm 2007 thì câu trả lời là không thể sớm hồi phục. Một vấn đề chủ chốt khác hiện nay là ngành tài chính. Kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, các định chế tài chính toàn cầu (hầu hết là các định chế tài chính phương Tây) đã thông báo bị thua lỗ 1.000 tỷ USD các khoản đầu tư vào các tài sản tài chính có nguồn gốc từ Mỹ. Và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây ước tính các khoản thua lỗ tối đa sẽ lên tới mức gây kinh ngạc 2.700 tỷ USD. Các khoản thua lỗ này trực tiếp làm giảm vốn của các ngân hàng và do vậy làm giảm khả năng cho vay của họ. Điều này giải thích tại sao lượng tiền cho vay của Mỹ tiếp tục giảm và tại sao mức cho vay cần thiết để hỗ trợ việc hồi phục theo chu kỳ là không thể có được. Hồi phục khó nhọc Sự phục hồi ở châu Âu thậm chí sẽ yếu hơn. Mặc dù, nhiều chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ tăng trưởng nhẹ vào năm 2010 - hãng Goldman Sachs dự đoán tăng trưởng 1,2% - kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể lại bị suy giảm, dự đoán là giảm 0,3%. Điều này phản ánh những hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương hơn của châu Âu, những nhân tố lịch sử và những chính sách yếu kém hơn của khu vực này. Châu Âu đã bước vào suy thoái muộn hơn Mỹ và về mặt logic, khu vực này sẽ thoát khỏi suy thoái sau Mỹ. “Bong bóng” thị trường tín dụng và nhà đất bị “vỡ” ở Mỹ và sau đó tình trạng này lan sang phía đông. Chẳng hạn như châu Âu vẫn tăng trưởng vào đầu năm 2008 nhưng vào lúc đó Mỹ không tăng trưởng. Hệ thống ngân hàng của châu Âu lớn hơn của Mỹ, và các ngân hàng của châu Âu dễ bị “tổn thương” hơn trước sự suy yếu đi của các thị trường mới nổi ở Đông Âu và Mỹ la-tinh. Nhưng cho tới nay, các ngân hàng châu Âu mới ghi nhận một tỷ lệ thấp hơn những khoản nợ khó đòi gây thua lỗ (những khoản nợ khó đòi được bút toán xóa bỏ bằng cách ghi chúng vào tài khoản nợ khó đòi và sau đó đưa chúng vào bản kết toán lỗ - lãi như một khoản làm giảm số lãi) trên tổng những khoản nợ khó đòi có khả năng xảy ra thuộc loại này thấp hơn so với tại Mỹ. Hơn nữa, phản ứng chính sách của các ngân hàng châu Âu là yếu hơn nhiều. Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế 787 tỷ USD (bao gồm việc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu ngân sách), bằng 5% GDP. Gói kích thích này dự kiến sẽ giúp tăng nâng GDP của Mỹ trong năm 2009 lên thêm 2% so với mức nếu không thực hiện gói kích thích này. Trái lại, Kế hoạch Phục hồi Kinh tế châu Âu đặt mục tiêu đưa ra một gói kích thích kinh tế chỉ bằng khoảng 1,5% GDP của EU. Do vậy, tác dụng kích thích kinh tế mà nó mang lại sẽ nhỏ hơn. Về chính sách tiền tệ, cũng đã có một sự khác biệt tương tự. Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã giảm lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay qua đêm xuống còn 0% cách đây sáu tháng. Cùng với Bộ Tài chính Mỹ và Công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã đưa ra khoản hỗ trợ gây bất ngờ, tới 13.000 tỷ USD cho hệ thống tài chính, trong đó có việc bảo lãnh cho các thương phiếu, các khoản đầu tư của quỹ đầu tư thị trường vốn ngắn hạn, các nhóm tài sản ngân hàng cụ thể. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã chậm chạp hơn trong việc giảm lãi suất, chỉ giảm xuống còn 1,25% vào tháng 4 - 2009. Về hỗ trợ tín dụng, Châu Âu đã “bơm” 115 tỷ euro cho các ngân hàng và 217 tỷ euro để bảo lãnh cho vay. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với khoản hỗ trợ của Mỹ. Có nhiều lý do cho sự phản ứng yếu ớt hơn của châu Âu nói trên. Trong đó có lý do các mạng lưới an sinh xã hội mạnh hơn ở hầu khắp các nước châu Âu và sự ác cảm có liên quan đến quá khứ đối với những biện pháp dễ dẫn tới hậu quả xảy ra lạm phát. Và cũng có sự khó khăn cố hữu trong việc đạt được sự thỏa thuận giữa nhiều nước. Tất cả điều này cho thấy sự hồi phục ở châu Âu sẽ chậm hơn ở Mỹ. Sự quyết tâm của Nhật Bản thậm chí còn yếu hơn. Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, nhưng GDP của nước này có nhiều khả năng sẽ giảm 6,6% trong năm nay và lại giảm tiếp vào năm 2010, chủ yếu là do lĩnh vực xuất khẩu của nước này suy giảm. Nhật Bản cũng có tiềm năng hạn chế để đưa ra các gói kích thích tài chính và tiền tệ, bởi vì nợ quốc gia của Nhật Bản là rất cao và chính sách tiền tệ của nước này là khá thoáng trong nhiều năm, tức là cho phép dễ dàng tiếp cận các khoản tín dụng. Các nước đang phát triển bị tác động mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các dòng đầu tư và tài trợ đã sụt giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu rất thấp và giá hàng hóa đang trên đường giảm. Các quốc gia ở Trung Âu và Đông Âu là những nạn nhân rõ ràng, bởi vì cán cân thanh toán của họ bị thâm hụt lớn và họ buộc phải vay của nước ngoài để bù đắp cho khoản thâm hụt này. Một số quốc gia, trong đó có Hungary và Ba Lan đã phải trông cậy vào những khoản cho vay khẩn cấp của IMF. Trong khi đó, dòng vốn đổ vào châu Âu gần như đã ngưng lại. Bức tranh kinh tế chung của toàn cầu là một bức tranh ảm đạm: một sự suy giảm mang tính bất ổn, sâu sắc trên toàn cầu, với GDP toàn thế giới lần đầu tiên giảm trong giai đoạn sau chiến tranh. Với dân số gia tăng, một sự suy giảm kinh tế trên diện rộng như vậy đang gây choáng váng. Đến nay, sự suy giảm có thể đã tới đáy, nhưng ba năm tới tốc độ tăng trưởng sẽ rất chậm. Những hậu quả về địa chính trị của cuộc khủng hoảng kinh tế này giờ đây đang được xem xét và những hậu quả này sẽ sâu rộng - Roger C. Altman. Sau toàn cầu hóa Trước hết, kỷ nguyên của thị trường tự do đã chấm dứt. Trong 30 năm qua, mô hình Anglo-Saxon về một thị trường tự do đã lan ra toàn cầu. Vai trò của nhà nước bị suy giảm và sự phi điều tiết hóa, tư nhân hóa và mở cửa biên giới cho các dòng vốn và hàng hóa đã gia tăng. Phần lớn các nước Trung Âu và Đông Âu đã áp dụng mô hình này, và nhiều nước Đông Á và một loạt các nước khác từ Ireland tới Mexico cũng đã áp dụng mô hình này. Động thái này đã phản ánh tính ưu việt về kinh tế của Mỹ. Tăng trưởng của nước này, mức sống tăng vọt và các chính sách kinh tế thủ cựu đã được nhiều người ngưỡng mộ. Rất nhiều các tổ chức và cá nhân thích áp dụng mô hình này và ủng hộ những chính phủ mà tán thành việc áp dụng mô hình này. Những mô hình lấy Nhà nước làm trung tâm như những mô hình của Pháp và Đức đã bị lép vế. Giờ đây đã sang một trang mới. Mô hình tài chính Anglo-Saxon bị coi như đã thất bại. Chính sự thất bại này bị cho là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm kinh tế toàn cầu và đã để lại hậu quả đối với người dân. Trên toàn thế giới, kể cả ở Mỹ, điều này đã khiến trào lưu chính trị chuyển theo một hướng mới. Vai trò của nhà nước lại đang được mở rộng đi cùng với sự tái điều tiết các thị trường. Trào lưu này được thể hiện rõ tại Mỹ, nơi Tổng thống Barack Obama đã chuyển hướng sang một chính phủ có vai trò lớn hơn và năng động hơn. Việc gần như là quốc hữu hóa ngành ngân hàng và sản xuất ô-tô cùng với cải cách sắp tới về hệ thống tài chính đã làm rõ sự chuyển hướng này. Điều này cũng có thể thấy rõ tại Ireland, Anh và ở những nơi khác, nơi việc quốc hữu hóa đã diễn ra thậm chí còn nhiều hơn. Và cũng có thể thấy rõ điều này qua những tuyên bố của các nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người gần đây đã ca ngợi “sự trở lại của nhà nước” và “sự chấm dứt tư tưởng khu vực công không có sức mạnh” - Roger C. Altman. Thứ hai, toàn cấu hóa đang thu hẹp, cả về khái niệm và trên thực tế. Phần lớn các nước trên thế giới hiện coi toàn cầu hóa là có hại. Các quốc gia này, đặc biệt là các nước đang phát triển mà đã tiếp nhận các dòng vốn hàng hóa từ bên ngoài ngày càng nhiều, đã và đang bị tổn thương nặng. Những nước tự bảo vệ mình trước những dòng vốn và hàng hóa này, như Ấn Độ chẳng hạn, thì ít bị ảnh hưởng hơn. Sự lan rộng của vốn, hàng hóa và lao động trên toàn cầu đang đảo chiều. Xuẩt khẩu trên toàn cầu đã giảm mạnh. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, Nga và Mỹ giảm ít nhất 25% trong năm tính đến tháng 2-2009. Các dòng vốn cũng đang giảm mạnh. Dự kiến, các thị trường đang nổi lên sẽ chỉ nhận 165 tỷ USD lượng vốn ròng (lượng vốn vào các thị trường này trừ đi lượng vốn từ thị trường này đầu tư ra bên ngoài) trong năm nay, giảm so với mức 461 tỷ USD vào năm 2008. Hơn nữa, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và tài chính đang lan rộng. Cả Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới gần đây đã thông báo về một xu hướng các nước tăng thuế nhập khẩu, mở rộng các rào cản phi thuế và gia tăng các hành động chống bán phá giá nhằm bảo vệ việc làm trong nước. Brazil, Ấn Độ, Nga và nhiều nước khác đã được hai tổ chức này dẫn làm thí dụ. Bên cạnh đó, các kế hoạch kích thích kinh tế của nhiều nước bao gồm cả việc trợ cấp cho các nhà xuất khẩu và các quy định “mua hàng sản xuất trong nước”. Hành động phân biệt đối xử đối với lao động nước ngoài đang lan rộng. Các công nhân nhập cư, những nguời là nạn nhân của cuộc khủng hoảng này, đang lũ lượt về nước. Nhật Bản và Tây Ban Nha đang đề nghị công nhân nhập cư nhận tiền mặt để hồi hương trong khi đó Malaysia đang buộc công nhân nhập cư phải rời khỏi nước này. Thứ ba là, thế giới có thể đang bước vào một giai đoạn toàn cầu mới, ít điều phối hơn và ít gắn kết hơn. Thế giới đang rời khỏi sự đơn cực và cuộc khủng hoảng kinh tế đã đẩy nhanh tiến trình này. Mỹ cũng đã chuyển hướng tập trung vào các vấn đề trong nước, lo lắng trước tình trạng thất nghiệp nghiêm trọng và các sức ép tài chính. Mô hình kinh tế của Mỹ giờ đây cũng không được ưa chuộng nữa. Tổng thống Obama đã có một chuyến công du nước ngoài thành công và giành được thiện cảm ở nhiều nơi. Nhưng sự quan tâm và vốn liếng chính trị của ông phải được chuyển vào những vấn đề trong nước như ổn định ngành ngân hàng, xử lý thâm hụt ngân sách và cải cách chăm sóc y tế. Các quốc gia khác đang nổi lên, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy khả năng dẫn đầu của Mỹ giờ đây đã suy giảm và sẽ tiếp tục suy giảm trong trung hạn, nhưng chẳng có quốc gia nào trong số các quốc gia đang nổi lên có khả năng hoàn toàn dẫn đầu. Triển vọng có những tiếp cận đa phương hiệu quả cũng chưa rõ ràng. G-7 và G-20 khá là không hiệu quả như có thể thấy rõ qua hội nghị thượng đỉnh gần đây tại Luân Đôn. Đúng là quy mô của IMF đã được mở rộng tại cuộc họp này và điều đó là quan trọng, nhưng nếu xét tới những vấn đề thách thức hơn như phối hợp đưa ra gói kích thích kinh tế trên toàn cầu, giám sát tài chính toàn cầu và vấn đề Afghanistan thì hội nghị thượng đình này đã thất bại. Về cơ bản, G-7 đã lỗi thời - Trung Quốc không phải là một thành viên của nhóm này - và G-20 thì quá lớn. Đối với những vấn đề chính trị cấp bách như Iran và cuộc xung đột A-rập - Israel, chủ nghĩa đa phuơng đang bị thu hẹp. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện đang đòi hỏi hầu hết các quốc gia, trong đó có Mỹ tập trung vào các vấn đề trong nước. Cũng do vậy, các nước đã không hưởng ứng những sáng kiến của Mỹ. Có thể lấy vấn đề Pakistan làm thí dụ: một quốc gia bất ổn mà lại có các vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa nhiều quốc gia khác, tuy nhiên chỉ có hoạt động ngoại giao của Mỹ là hoàn toàn công hiệu tại đây. Thứ tư là cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ làm gia tăng sụ bất ổn về địa chính trị. Ông Dennis Blair, Giám đốc CIA vừa cho rằng sự suy giảm kinh tế đã gây ra bất ổn ở một phần tư thế giới. IMF cũng vừa cảnh báo rằng hàng triệu người sẽ bị thất nghiệp, nghèo đói và bất ổn xã hội gia tăng hoặc thậm chí là chiến tranh. Các quốc gia có lợi thế về nguồn nguyên nhiên liệu như Iran và Nga, đã thu lợi từ sự “bùng nổ” giá dầu và giá nguyên liệu và theo đó sức mạnh địa chính trị của họ cũng gia tăng. Nhưng giờ đây, họ đang chịu những sức ép lớn về kinh tế. Năm nay, dự đoán tỷ lệ thất nghiệp cùa Nga sẽ lên tới 12% và năm triệu người Nga chắc chắn sẽ lâm vào cảnh nghèo đói. Gần một nửa nguồn dự trữ tiền tệ của Nga, tuy vẫn dư dật, đã và đang được chi tiêu vào việc ổn định đồng ruble và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước. Doanh thu dầu khí của Iran năm nay sẽ giảm xuống còn 33 tỷ USD, giảm so với mức 82 tỷ USD vào năm 2007. Với giá dầu thế giới hiện nay, Iran đang rơi vào thâm hụt tài khoản vãng lai. Tỷ lệ lạm phát của nước này là 20% và Iran không chắc sẽ có được tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 và 2010. Các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và sự bất ổn chắc chắn sẽ gia tăng tại đó. Khủng hoảng kinh tế đã làm những vấn đề xã hội tại các quốc gia bất ổn như Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Trung Phi trở nên sâu sắc hơn. Dự trữ ngoại tệ ở khu vực này đã bị thu hẹp. Chẳng bao lâu nữa, Chính phủ Congo sẽ không thể nhập khẩu những hàng hóa thiết yếu như lương thực và nhiên liệu. Cộng hòa Trung Phi đã không thể trả lưong cho công chức. Năm 2007, các quốc gia châu Phi đã huy động 6,5 tỷ USD thông qua bán trái phiếu trên thị trường quốc tế. Năm nay, con số này sẽ là 0. Các dòng vốn tư nhân có thể giảm gần 90% và Viện Phát triển Hải ngoại - Cơ quan nghiên cứu về phát triển quốc tế độc lập hàng đầu có trụ sở tại Luân Đôn - dự đoán viện trợ nước ngoài chính thức cho châu Phi sẽ giảm 20 tỷ USD, do các nhà tài trợ hạn chế chi tiêu. Giá hàng hóa giảm mạnh cùng với sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, dòng vốn tư nhân và viện trợ nước ngoài đã kéo thặng dư tài khoản vãng lai chung 4% của châu lục này xuống mức thâm hụt 6% chỉ trong vòng hai năm. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ước tính 53 triệu người đang sống ở các thị trường đang nổi lên sẽ lại lâm vào cảnh nghèo đói trong năm nay. Đáng lo ngại hơn, có thêm 400 nghìn trẻ em nữa sẽ chết mỗi năm đến năm 2015 do ảnh hưởng cuộc cuộc khủng hoảng kinh tế này. Mô hình Trung Quốc Chỉ có Trung Quốc là thắng thế. Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm nhưng giờ đây có thể đang tăng trở lại. Gần đây, tiêu dùng điện năng, vận tải hàng hóa và doanh thu ô-tô ở Trung Quốc đều đã tăng. Hệ thống tài chính của nước này được bảo đảm và gần như không có đầu cơ vay nợ, do vậy hầu như không bị ảnh hưởng. Điều này đã tạo điều kiện để Trung Quốc gia tăng mạnh cho vay vì mục đích kích thích nền kinh tế. Mô hình phát triển riêng biệt của Trung Quốc dường như đang giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế một cách hiệu quả. Và xét về dự trữ ngoại hối ước tính 2.300 tỷ USD của nước này thì không nước nào giàu hơn. Tất cả các yếu tố này đang làm tăng vị thế địa chính trị của Trung Quốc. Phương Tây đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng được coi là do chính nó tạo ra, trong khi đó Trung Quốc thì không. Ban lãnh đạo của Trung Quốc nhận thức rõ lợi thế tương đối này, cho dù những ưu tiên của nước này luôn tập trung vào trong nước. Ngoài nguyên liệu than, Trung Quốc là quốc gia nghèo về nguồn lực. Nhưng gần đây nước này đang đầu tư ra nước ngoài vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như mua nguồn cung cấp dầu tương lai từ Nga và Venezuela. Ngày càng rõ ràng là quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ nổi lên như mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới. Cả hai nước đều không muốn Iran có được vũ khí hạt nhân hoặc Pakistan trở thành một quốc gia bất ổn và hai nước đều có quan điểm chung về một số vấn đề khác. Do đó không có lý do gì để mối quan hệ này không phải là mối quan hệ hợp tác và mang tính ổn định toàn cầu. Khủng hoảng kinh tế là một sự kiện gây chấn động toàn cầu. Thị trường tự do, toàn cầu hóa và phi điều tiết đã phát triển trên toàn cầu trong 30 năm qua, thời đại đó nay đã chấm dứt và một thời đại mới đã đến. Hội nhập tài chính và kinh tế toàn cầu đang đảo chiều. Vai trò của nhà nước cùng với việc bảo hộ thương mại và tài chính đang gia tăng. Trường Sơn (dịch)
|