Cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” của Tô Hải do Tiếng Quê Hương ở Virginia phát hành, ra mắt độc giả ở hải ngoại vào tháng 5/2009, nay đã tái bản nhiều lần mà vẫn không còn tìm thấy ở các nhà sách lớn. Điều này chứng tỏ cuốn hồi ký này đã được độc giả đón nhận một cách nồng hậu. Tô Hải là một là văn chuyên nghiệp, đã trình bày câu chuyện một cách khoa học và biết lựa chọn những sự kiện độc đáo có thể thu hút độc giả để nói lên bản chất thật của chế độ và thân phận của mình, nên ông đã thành công. Tuy nhiên, vì đang sống dưới sự kềm kẹp của chế độ, nên khi viết ông cũng phải “lách” để tránh bị phiền hà. Bây giờ Tô Hải đang sống với những ngày cuối cùng của cuộc đời, nên dù có chuyện gì xẩy ra cho ông đi nữa cũng không có gì đáng tiếc, nên ông mới dám viết như vậy. Chúng tôi biết chắc còn rất nhiều sự kiện, nhiều điều “cấm kỵ” mà ông biết, nhưng ông chưa thể viết ra. Phải đợi hoàn cảnh và thời gian cho phép mới có thể viết được. Đó là cái khó chung của người cầm bút, không phải chỉ đối với những người cầm bút ở trong nước, mà cả những người cầm bút ở hải ngoại. Nhà văn và nhà báo không thể tự do nói lên sự thật khi “công an cộng sản” hay “công an chống cộng” luôn tìm cách bắt phải đi đúng “lề đường bên phải”! NHỮNG LÝ DO TẠI SAO Có người đã hỏi chúng tôi: Sách lịch sử, hồi ký, truyện, phim ảnh... của các tác giả VNCH ở hải ngoại nói về chiến tranh Việt Nam và chế độ CSVN khá nhiều, tại sao các nhà xuất bản Mỹ hay Pháp không chọn để dịch ra ngoại ngữ, mà chỉ chọn tác phẩm của các tác giả ở trong nước, chẳng hạn như: Dương Thu Hương có 6 tác phẩm (truyện) được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Đặc biệt, cuốn “Chốn Vắng” của bà đã được đưa lên truyền hình Pháp TF1. Đây có lẽ là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của bà, nằm trong danh sách đề cử giải Femina và đã nhận Giải Thưởng Lớn Đọc Giả Tạp Chí Elle (Grand prix des lectrices de Elle) năm 2007. Nguyễn Chí Thiện có hai tác phẩm: “Hoa Lo, Ha Noi Hilton Stories”, được Yale University xuất bản lần đầu tiên năm 1984, và “Flowers From Hell” (Hoa Địa Ngục), được giải Rotterdam International Poetry năm 1985. Câu trả lời có lẽ không có gì khó khăn: Có hai lý do chính: (1) Các sử gia, các nhà nghiên cứu, các nhà báo, các độc giả Tây phương cũng như giới trẻ Việt Nam ở hải ngoại thường chỉ tìm đọc những sự kiện họ chưa hề biết đến chứ không thích đọc những câu chuyện mà gần như ai cũng biết hay được viết theo cảm tính, theo “định hướng chống cộng”, cứ được nhai đi nhai lại. (2) Khi đọc sách hay xem phim, người đọc hay xem thường chỉ muốn biết chuyện gì đã thực sự xẩy ra, chứ không muốn đọc hay nghe những lời chửi bới, lên án hay nói về cái tôi. Điều đáng tiếc là nhiều tác giả Việt Nam ở hải ngoại, khi viết lịch sử, hồi ký, bình luận, làm phim... thay vì trình bày những sự kiện đã xẩy ra một cách khách quan, lại thường chỉ trình bày theo cảm tính, theo “lề đường bên phải”, rồi dùng những lời lẻ chửi bới, lên án để thay thế các sự kiện đã thật sự xẩy xẩy ra... làm cho tác phẩm trở nên nghèo nàn và không phản ánh đúng sự thật. Có những cuốn sử, cuốn hồi ký, cuốn phim hay bài bình luận... trong đó những lời chửi bới hay lên án đã chiếm đến 3/4! Sách, bản tin và bài bình luận nhiều khi đã trở thành những truyền đơn hay tuyên ngôn tuyên cáo. Đó là một tập quán khó bỏ được, một phần vì kiến thức và khả năng có giới hạn của người viết, nhưng phần lớn là vì sở thích và “áp lực chống cộng” đang bao vây chung quanh nên người viết phải chạy theo. Lối viết và trình bày như trên là lối tuyên truyền kém hiệu năng, đã được xử dụng trong suốt 34 năm nhưng không làm lay chuyển được đối phương. Các nhà nghiên cứu, các giáo sư đại học và các ký giả Tây phương thường coi đó là những tài liệu tố cộng chứ không phải tài liệu lịch sử, nên không dùng vì cho rằng thiếu khách quan. Nước Cambodia nhỏ bé và lạc hậu hơn Việt Nam nhiều. Cộng đồng Cambodia ở Mỹ chỉ có khoảng 150.000 người, hiện sống rải rác trong vùng Long Beach, Los Angeles hay Stockton ở California, Lowell ở Massachusetts và một số thành phố khác. Nhưng người Cambodia đã có một tác phẩm nổi tiếng nói lên tội ác của Khmer Đỏ, đó là tác phẩm “The Killing Fields” của ký giả Dith Pran. Tác phẩm này đã được đóng thành phim năm 1984 cùng tên, gây được tiếng vang lớn trên thế giới. Cuốn phim đã được 3 giải thưởng Academy Awards. Sau này, người Cambodia có thêm cuốn hồi ký mang tên “When Broken Glass Floats - Growing Up Under The Khmer Rouge” (Khi mảnh chai vỡ – lớn lên dưới Khmer Đỏ) của Chanrithy Him do Norton and Company xuất bản, cũng đã làm thế giới bàng hoàng, vì tác giả đã đưa thêm nhiều bằng chứng cụ thể về tội ác Khmer Đỏ. Khối Quân Sử thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH có biên soạn cuốn “Tổng Công Kích – Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968”, khổ lớn, dày 400 trang, viết và trình bày rất công phu, trong đó đã tường thuật đầy đủ các trận đánh đã xẩy ra trong năm Mậu Thân với những hình ảnh cụ thể, nhưng nó không gây được tiếng vang, vì đã được viết theo định hướng “ta thắng địch thua” và không phản ánh được những thảm cảnh mà Cộng Sản gây ra tại nhiều nơi, nhất là ở Huế, trong biến cố Tết Mậu Thân. Như vậy, lối viết của người Cambodia có hiệu quả hơn và rõ ràng đã vượt lên trên người Việt chống cộng. BỊ BIẾN THÀNH “THẰNG HÈN” 1.- Làm thằng hèn của nước Mỹ Trong một buổi thuyết trình tại Câu Lạc Bộ Báo Chí New York. ký giả John Swinton, cựu chủ nhiệm của tờ báo nổi tiếng nhất ở Mỹ, đó là tờ New York Times, đã nói: “Không phải một trong các qúy vị dám viết những ý kiến trung thực của mình, và nếu qúy vị có viết, qúy vị phải biết trước rằng nó sẽ không bao giờ được in ra. Hàng tuần, tôi đã được trả tiền để bỏ đi ý kiến trung thực của tôi ra khỏi tờ báo mà tôi có quan hệ.” (There is not one of you who dares to write your honest opinions, and if you did, you know beforehand that it would never appear in print. I am paid weekly for keeping my honest opinion out of the paper I am connected with). Ở nước Mỹ này, cũng có những điều “cấm kỵ” mà các thế lực tư bản đứng đàng sau hậu trường không muốn những cơ quan truyền thông lớn nói lên vì phương hại đến quyền lợi của họ. Có rất nhiều cơ quan tuyên truyền lớn ở Mỹ là công cụ của họ, được lập ra để phục vụ quyền lợi của họ. Cứ nhìn lại những chiến dịch mà báo chí Mỹ đã làm khi tập đoàn tư bản Mỹ muốn đưa quân vào Việt Nam và rút quân ra khỏi Việt Nam, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Trong cuộc chiến tranh Iraq, hành động này đã được lặp lại. Hôm 16/7, Paul Krugman, bình luận gia của tờ New York Times, đã viết trong mục Diễn Đàn Thông Tin Quốc Tế rằng đã có một kế hoạch cố tình làm sai lệch các thông tin tình báo nhằm phục vụ cho chiến tranh Iraq. Trong những trường hợp này, nhiều ký giả, bình luận gia và cơ quan truyền thông của Mỹ đã bị biến thành những “thằng hèn”. 2.- Làm thằng hèn ở trong nước Ở Việt Nam, thân phận của các nhà văn, nhà báo và nghệ sĩ bi thảm hơn, vì mạng sống và cuộc sống của họ cũng như gia đình bị gắn liền với “sứ mạng” đã được Đảng và Nhà nước giao phó. Làm khác đi là đời tàn. Ở Mỹ, những bình gia và ký giả nổi tiếng được trả tiền để đứng nói ra những ý kiến trung thực của mình, còn ở Việt Nam có ý kiến khác là không còn đường sống. Ở trong nước hiện nay, Đảng CSVN có Ban Tư Tưởng - Văn Hoá Trung Ương Đảng lãnh đạo cách viết lách và trình diễn của những người làm văn hoá và văn nghệ. Trưởng Ban là một Ủy Viên Bộ Chính Trị, trước đây là Nguyễn Khoa Điềm, nay là Tô Huy Rứa. Nhưng người nắm quyền lực thật sự là Nguyễn Hồng Vinh, Phó Trưởng Ban, Ủy Viên Trung Ương Đảng. Đây là người nắm quyền sinh sát hệ thống truyền thông ở trong nước, quyết định ai vào chức vụ nào và cất chức ai. Với cuốn “Hồi ký của một thằng hèn”, Tô Hải đã cho chúng ta biết khá tỉ mĩ cuộc sống tủi nhục của một kẻ làm văn hoá và văn nghệ trong chế độ cộng sản. Những sự cố gắng vùng dậy của nhiều người đã trở thành tuyệt vọng, nên hầu hết đành chấp nhận thân phận của những kẻ làm bồi bút, làm công cụ cho chế độ để được sống qua ngày, và đến cuối đời mới dám bộc lộ một vài tâm tư của mình, như trường hợp của Tô Hải và Chế Lan Viên. Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20.10.1920, quê ở Cam Lộ, Quảng Trị. Sau 1954, ông nằm trong Ban Lãnh Đạo Hội Nhà Văn Việt Nam, là đại biểu Quốc Hội. Khi làm bồi bút, ông cũng đã làm nhiều bài thơ ca tụng đường lối của đảng và Hồ Chí Minh, chẳng hạn như: Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi Kìa! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai. Nhưng trong những ngày cuối đời, sau khi chứng kiến những thực tế phủ phàng, ông đã làm những câu thơ rất đau xót: Chung quanh bọn tham ô Xây biệt thự lớn, nhỏ Còn lên lớp cho thơ: “Cần chịu đựng gian khổ” (!) Sáng, ta viết ngoài sân Nhờ cây cho bóng mát Trưa, ăn cơm dưới thềm Mồ hôi có gió quạt Dầu vậy vẫn khoái trí Được nhiều người cực hơn Khen: “Anh mà còn thế, Việc quái gì em buồn”. Những câu thơ như thế đã nói lên thân phận thật sự của những “thằng hèn” ở trong nước. Chế Lan Viên đã qua đời tại Tân Bình, Sài Gòn, ngày 19.6.1989 khi các chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên Sô đang trên đà sụp đổ. 3.- Làm thằng hèn trong cộng đồng người Việt hải ngoại Ở hải ngoại, không có Ban Tư Tưởng – Văn Hoá Trung Ương để điều khiển các cơ quan truyền thông và các ký giả, nhưng một số người đã tự coi họ như là những “công an chống cộng”, có nhiệm vụ thi hành công tác của ban này. Họ không có súng, không có dùi cui, không có lựu đạn cay, không có quyền bắt bớ ai... nhưng họ có một kho “nón cối” gần như vô tận, họ có cái điện thoại, có truyền đơn, có email để phổ biến lệnh cấm và nón cối trên các diễn đàn Internet, có đài phát thanh Võ Cự Long muốn nói gì và nói bao lâu cũng được, họ dọa lực lượng này lực lượng kia sẽ đến biểu tình mỗi khi báo chí hay ký giả không đi đúng “lề đường bên phải” mà họ đã tự ý vạch ra. Những áp này đã đẩy một số cơ quan truyền thông và đoàn thể đấu tranh chính trị đi vào ngỏ cụt: a) Hậu quả đối với các cơ quan truyền thông: Mọi bài viết hay bình luận về Việt Nam được viết hay đọc trên các cơ quan truyền thông của người Việt hải ngoại đều phải đi đúng “lề đường bên phải”. Nói khác đi là bị lên án “tay sai cộng sản”. Ngoài ra, mỗi lần có biến cố gì xẩy ra, ít ai chịu nghiên cừu vấn đề để biết rõ đâu là sự thật. Đa số chỉ nhìn vào hiện tượng rồi đánh, nên thường đánh vào hư cấu, hay đánh chỉ để biểu dương khí thế, không cần kết quả. Kinh nghiệm của 34 năm đấu tranh cho thấy lối tuyên truyền và “tác chiến” nói trên không có hiệu quả: (1) Độc giả nhiều khi chỉ nhìn cái đề hay đọc vài hàng đầu là biết tác giả muốn nói gì nên không đọc nữa. (2) Địch và đồng minh cũng chẳng quan tâm gì đến người Việt chống Cộng đang nói gì. Chỉ có các chính khứa cần phiếu là quan tâm, vuốt đuôi để kiếm phiếu. Muốn “tác chiến” có hiệu quả, phải có tối thiểu hai điều kiện: Điều kiện thứ nhất là phải đánh trúng “huyệt”. Điều kiện thứ hai là tiếng nói phải được nhà cầm quyền trong nước quan tâm như tiếng nói của đài BBC hay RFA. Mình lớn giọng mà đối phương không đọc hay không nghe thì cũng chẳng ích lợi gì. Chúng tôi nhớ lại vào tháng 6 vừa qua, khi cơ quan an ninh CSVN đưa ra nhiều bằng cớ chứng minh Luật sư Lê Quang Định đã có những hành vi chống lại chính quyền nên đã bị bắt, trong đó có hai hành vi bị coi là nặng nhất, đó là đến Thái Lan họp với Đảng Việt Tân và nhóm Nguyễn Sĩ Bình để tổ chức lật đổ chính phủ. Chúng tôi đã mở cuộc điều tra và khám phá ra là hai cuộc họp này đều giả tạo do Công An và Cục Tình Báo Hải Ngoại dựng lên để gài bắt Lê Công Định. Đảng Việt Tân lên tiếng xác nhận họ không hề tổ chức một cuộc “huấn luyện” nào như thế. Sau khi bài “Thủ đoạn chính trị” của chúng tôi đưa ra ánh sáng những sự bịp bợm này và được gởi về trong nước, nhà cầm quyền đã cho rút xuống khỏi các websites của họ tất cả những bài viết về Lê Công Định, chỉ giữ lại bài Lê Công Định nhận tội mà thôi! b) Hậu quả đối với các cơ quan đấu tranh: Hiện nay, ở hải ngoại có rất nhiều đoàn thể đấu tranh, nhưng hầu hết chỉ là tổ chức khung. Chỉ còn hai đoàn thể cố tổ chức và có khả năng hoạt động, đó là Đảng Việt Tân và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên của nhóm Nguyễn Gia Kiểng. Nhưng “Tập đoàn công an chống cộng” đang tìm cách vô hiệu hóa hoạt động của hai tổ chức này: Đảng Việt Tân làm gì cũng bị tố cáo là tay sai Cộng Sản, còn Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bị cho là có chủ trương “hoà hợp hòa giải với Cộng Sản”. Vì thế, hai tổ chức này đang gặp khó khăn khi mở rộng hoạt động. Giải thích gì cũng vô ích. Khi ông Nguyễn Gia Kiểng và một số anh em trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đến Washington tổ chức một cuộc họp để nói về đường lối của tập thể. Có người đã chất vấn tại sao không chào cờ. Ông Nguyễn Gia Kiểng giải thích đại khái rằng ông rất tôn trọng biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt tỵ nạn, tuy nhiên tập thể của ông quy tụ nhiều thành phần chưa hề làm việc hay chiến đấu dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ hay công nhận lá cờ đó, nhưng họ muốn đứng chung với chúng ta để hợp lực trong việc giải thể chế độ cộng sản ở trong nước, Vì thế, không thể bắt họ phải chào cờ VNCH. Một số người bỏ phòng họp đi ra để phản đối, sau đó viết nhiều bài lên án. Rõ ràng là có một số người có chủ trương bắt buộc mọi người phải công nhận biểu tượng cờ vàng ba sọc đỏ mới được phép chống cộng. Chủ trương cực đoan này đã gây trở ngại rất lớn cho việc kết hợp trong ngoài để đấu tranh và thu hút các sinh viên Việt Nam du học muốn đấu tranh đến với chúng ta. Trong khi đó, Cục Tình Báo Hải Ngoại của CSVN đã cho thành lập một số tổ chức tranh đấu giả rồi dụ các thành phần này vào và bắt. Trường hợp Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung là những thí dụ điển hình. Ngày nay, sự khủng bố các cơ quan truyền thông và ký giả của “Tập đoàn công an chống cộng” gần như không còn hiệu quả nữa. Bằng chứng cụ thể là cuộc biểu tình trước báo Người Việt kéo dài cả năm dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chẳng đem lại kết quả gì. Nhưng nhiều cơ quan truyền thông và ký giả vẫn còn “SỢ”, tiếp tục đi theo đường cũ. TỰ NÓI LÊN CÁI HÈN CỦA MÌNH Như chúng tôi đã nói từ đầu, cuốn “Hồi ký của một thằng hèn” của Tô Hải đã nói lên được thân phận của các nhà văn và nhà báo trong nước và một số tội ác của chế độ chưa được đưa ra đầy đủ trước ánh sáng. Hôm nay, chúng tôi xin mời đọc một đoạn trong chương nói về “CUỘC ĐỜI TỦI NHỤC CỦA NHỮNG TÊN BỒI BÚT” trong cuốn hồi ký nói trên. Tô Hải viết: “Một ngày kia, “cuộc cách mạng long trời lở đất” có tên Cải Cách Ruộng Đất nổ ra! Nó được mang từ bên Tàu sang, nổ súng vào toàn dân Việt Nam, tạo một vết nhơ trong lịch sử dân tộc, thay đổi toàn bộ nhận thức, tình cảm của tôi về cái đảng mà tôi đã chẳng may rơi vào đó. “Chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt cán bộ chủ chốt từ tham mưu trưởng đến tỉnh đội trưởng, thậm chí cả tư lệnh trưởng đều phải nhận “tội” trước các đoàn ủy, đội ủy cải cách ruộng đất. Hàng loạt chi bộ đảng Lao Động đều biến thành Quốc Dân Đảng (?!), thậm chí thành tổ chức phản động? Không ít người bị đánh gãy chân, què tay và vất xác trôi sông hoặc tự tử. Lý lịch được mang ra phê phán. Có người vì muốn thoát chết đành gọi bố mình là “thằng Việt gian” chỉ vì thời Tây, bố đã làm công chức cho Pháp. “Ở ngoài dân chúng thì sao? Một cảnh tượng ghê rợn bao trùm khắp làng xóm nơi chúng tôi đóng quân. Người ta bắt “kẻ thù giai cấp” — 99% là bị vu oan — quỳ cả tiếng đồng hồ, hai tay trói giật cánh khuỷu để các ông bà nông dân xỉa xói vào mặt kể tội. Điều ngược đời là ai có nhiều công nuôi cán bộ, đóng góp tiền bạc, thóc gạo cho bộ đội đều bị gán cho tội...“mua chuộc cán bộ”! Con phải đấu cha, vợ phải đấu chồng, thậm chí quan hệ riêng tư trong gia đình, vợ cả, vợ lẽ, nàng hầu, con ở, cũng thành trọng tội mà kẻ bị xử bị đem bắn ngay trong đêm... “Những gì tôi chứng kiến trong “cuộc cách mạng long trời lở đất này” có viết hàng nghìn trang cũng không thể hết. Đó là một cuộc cách mạng vô lý, vô luân, vô đạo đức, tàn bạo nhất được các đoàn chuyên gia giết người, diệt chủng Mao-ít đưa sang Việt Nam để huỷ diệt dân tộc ta. Cũng cần phải nói thêm sở dĩ những người làm văn nghệ ít bị chết — theo nghĩa đen — trong đợt cải cách ruộng đất này là nhờ hai lẽ sau: “— 1/ Hầu hết chúng tôi đều không thuộc cơ sở nông thôn nào. Người thì sinh hoạt ở các tổ chức phi nông nghiệp, người thì ở tổ chức tuyên huấn văn hóa cấp tỉnh, cấp khu hoặc trung ương. Một số sinh hoạt không thuộc Nhà Nước thì làm nghề tự do như dạy học, dạy nhạc, thậm chí bán phở, mở cửa hàng ăn... nên có muốn “đôn” lên địa chủ cường hào, kẻ thù giai cấp cũng khó. Tuy vậy, một số do gia đình ở địa phương bị quy là địa chủ cũng bị dẫn độ về để tố khổ bố mẹ, ông bà mình. Một số kẻ “siêu hèn” đã phải kể “tội” bố mẹ để thoát chết. Vài tên sau này thành tay sai đắc lực, và với tôi, đến chết tôi không bao giờ muốn nhìn mặt. Một số, do được đánh giá là “chưa thực sự cải tạo tư tưởng” thì về đến đơn vị mất tuốt tuồn tuột từ Đảng đến chức vụ luôn. Một số khá hơn được cho xuống đơn vị làm lính cho đến khi bỏ xác nơi chiến trường. “— 2/ Loại thứ hai, trong đó có tôi, được “trên” huy động đi tuyên truyền, cổ võ cho phong trào đấu tranh quần chúng trong Cải Cách Ruộng Đất, trở thành cán bộ của Cải Cách Ruộng Đất. Thế là...thoát! Một cuộc vận động sáng tác lớn từ trung ương tới địa phương được tổ chức, khuyến khích văn nghệ sĩ “lập công dâng đảng”. Tất cả, để tránh tai bay vạ gió, để tồn tại, gần như ai cũng cúi đầu dấn thân vào con đường hèn hạ: góp sức quảng cáo cho cuộc diệt chủng ghê gớm, bẩn thỉu nhất trong lịch sử. “Tôi rất lạ vì cho tới nay vẫn còn một số văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ thống kê các sáng tác trong thời kỳ diệt chủng này vào thành tựu của đời mình! Riêng tôi, kỷ niệm 70 tuổi, nhân người ta đưa tôi lên tivi, tôi đã công khai tuyên bố: “Tôi không có nhiều tác phẩm thật sự là tác phẩm! Nhiều lắm chỉ là 20 đến 25 chứ không dám 500, 1000 như các nhạc sĩ khác...” Hành động ấy còn xa mới sánh được với họa sĩ Dương Bích Liên: Sau khi tuyên bố ra đảng, ông đã đốt hết tác phẩm của minh, rồi đóng cửa... tự tử! “Trở lại với những ngày đầy máu và nước mắt của cuộc “đấu tranh long trời lở đất” những năm 1953-1954, tôi, một nhạc sĩ đảng viên, dù thấy tận mắt các tội ác gớm ghiếc mà Đảng của tôi gây ra, nhưng vì... Hèn, Quá Hèn, Sợ, Quá Sợ nên không còn đường nào khác, đành nhắn mắt lao vào cuộc tàn sát…bằng âm nhạc! “Qua hai, ba đợt đi cải cách, qua thực tế thâm nhập đời sống nông dân, tôi đã thấy rõ bộ mặt thật của cuộc cướp của giết người không gớm tay đó! Vậy mà tôi vẫn cố nặn ra nhiều bài được Đảng đánh giá là “Tốt! tốt! tốt!... ” VINH QUANG NHƯNG NGHIỆT NGÃ Ngày 9.4.2009, Tổ chức Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) đã cho công bố bản báo cáo, nhấn mạnh mức độ nguy hiểm của nghề phóng viên tại các “điểm nóng” trên thế giới. Báo cáo cho biết chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2009 đã có 26 ký giả thiệt mạng khi đang thực thi nghiệp vụ, một con số kỷ lục so với 16 nạn nhân cùng kỳ của năm 2008, cụ thể là 15 người tử vong trong tháng 1 và 11 người trong tháng 2. Địa bàn có số phóng viên thiệt mạng nhiều nhất là Dải Gaza ở Trung Đông với 4 nạn nhân; con số tương tự cũng đã xảy ra tại Pakistan. Kể từ khi Chiến tranh Iraq bắt đầu cho đến nay đã có trên 200 nhà báo bị giết. Trong suốt Thế Chiến I chỉ có 2 người, Thế Chiến II, 68 người; Chiến tranh VN, 77 người; và Chiến tranh vùng Balkans, 36 người. Thông cáo của Hiệp Hội Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) có trụ sở ở Paris cho biết còn ít nhất 807 ký giả bị bắt giữ, trên 1.300 người khác bị tấn công hay đe dọa và 1.000 cơ quan truyền thông bị trừng phạt trong năm 2005. Gần 1/3 dân thế giới sống trong những nước không có quyền tự do báo chí. Tình trạng đáng lo ngại nhất là tại Cận Đông, Á châu và Phi châu. Tại Việt Nam, vào tháng 4/2008, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) và Việt Chiến (Báo Thanh Niên) bị bắt vì loan các tin liên quan đến vụ PMU18, v.v. Thực tế cho thấy người làm báo nhiều khi đã đưa tới những thay đổi quan trọng trong cộng đồng, trong quốc gia hay trên thế giới, những cũng phải chịu nhiều tang thương do hoạt động nghề nghiệp. Đáng buốn nhất là khi phải chấp nhận làm những “thằng hèn” để sống qua kiếp người. (ngày 4.8.2009)
|