Home Tin Tức Bình Luận Hấp hối vinh, chết nhục, ngắc ngoải thơm tho (phần 1)

Hấp hối vinh, chết nhục, ngắc ngoải thơm tho (phần 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Vương văn Quang   
Thứ Năm, 10 Tháng 9 Năm 2009 15:29

 Buổi sáng hôm tôi nghe tin Lê Công Định bị bắt, chưa hiểu đầu cua tai nheo nó ra hình thù gì,

  chỉ biết rằng một tình cảm lập tức ùa vào ngập tràn hồn tôi: đó là sự bàng hoàng! Bàng hoàng đền rã rời. Ngũ chi cùng đổ đốt. Trời ơi, tại sao, tại sao, tại sao… Tại sao người ta lại có thể táng tận lương tâm đầy ải con người như vậy vào chốn lao tù? Một con người ưu tú, một đại diện của giới “intelligentsia” trẻ, một con người rất, rất có thể là một nhân tố thúc đẩy đất nước này sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Hồ Chủ tịch dậy thiếu niên nhi đồng năm xưa kia chứ!?

Đấy là những ý nghĩ rối bời và tức thời ban đầu, nhưng chỉ sau ba khắc, bình tĩnh lại, tôi chợt nhớ tới lời của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Bọn làm chính trị là lũ giả hình, chúng nhân danh lương tâm, nhân danh trật tự ổn định xã hội, đạo đức, mỹ học, thậm chí chúng nhân danh cả dân tộc nữa”. “Còn điều này, đã nói thì nói cho xong. Thời loạn dứt khoát phải có một nền chính trị bá đạo. Còn thời bình, đường lối chính trị bá đạo sẽ đưa dân tộc tới thảm họa. Thời bình thì chỉ một nền chính trị dân chủ, tín nghiã, đạo đức văn minh mới có thể làm cho dân tộc, đất nước phồn vinh”(1).

Nhưng đấy là ông Thiệp đang nói tới thứ chính trị của lũ ăn trên ngồi trốc, lũ phe phẩy chính trị, làm ăn chính trị, đầu cơ chính trị, mánh mung chính trị để vinh thân phì gia và cai trị đồng thời hút máu một đám đông bầy đàn con dân mông muội.

Chính trị, về bản chất không thối tha như người ta vẫn nghĩ. Nó không phải và không thể như vậy nếu được vận hành trong một xã hội tốt, cơ chế tốt. Hiểu chính trị như vậy là mới hiểu chính trị một vế. Một nền chính trị, mà nói theo nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là nền chính trị bá đạo. Cái thứ chính trị đó không giúp gì cho xã hội mà ngược lại, nó tàn phá xã hội, nó kéo lùi bánh quay của lịch sử, nó phá phách mọi giá trị nhân văn tốt đẹp của con người. Nó là thứ chính trị biến người với người thành chó sói.  Đấy là thứ chính trị ở những xã hội mông muội lạc hậu, những xã hội mà ở đó con người chưa tiến xa loài khỉ là mấy. Chưa phải xã hội của “homo sapiens”

Ở những xã hội văn minh, dân trí cao, họ - dân tình, được thụ hưởng một nền giáo dục tốt đẹp mang tính sáng tạo do nền chính trị tốt đẹp mang lại, hay nói cách khác, giáo dục chính là con đẻ của chính trị. Cha mẹ sao con cái vậy. Nền giáo dục sinh ra từ nền chính trị tốt đẹp không có đất cho mầm mống giáo dục giáo điều & nhồi sọ, và như vậy, xã hội sẽ tiến lên, con người trở nên người hơn, nhân văn, nhân bản hơn. Và người dân sẽ ý thức rằng, đời sống chính là chính trị, hay nói cách khác, chính trị và đời sống luôn liên quan khắng khít với nhau. Thậm chí có chính trị gia còn nói vui rằng thắt cravat sao cho ngay hay đậy nắp bồn cầu thế nào cũng là một thái độ chính trị kia mà!

Như vậy, một điều như chân lí hiển nhiên rằng: Chính trị không phải món dành riêng cho tầng lớp cai trị, mà chính trị là của mọi người, của toàn dân. Càng quan tâm tới chính trị, càng chứng tỏ anh có một tấm lòng với đất nước.

Tôi sinh ra là người, anh sinh ra là người, chị sinh ra là người. Con người chúng ta đều có ngũ quan để cảm nhận thế giới, đều có khối óc để tổ chức, tận hưởng cuộc sống. Hà cớ gì anh định hướng cho tôi đi; chị áp đặt những chuẩn mực để rồi buộc tôi theo; chú đòi đương nhiên có quyền lãnh đạo tôi và cả cộng đồng tôi chỉ vì một lí do xa xôi, mơ hồ và vớ vẩn nào đó? Có quyền sinh quyền sát tôi bằng những chuẩn mực chủ quan của các anh, các chị một cách vô lối, vô lý, vô tổ chức? Đại khái là như thế.

Thủa hồng hoang, con người giải quyết các vấn đề, các áp đặt đơn giản bằng sức mạnh, giờ đây, khi sức mạnh cơ bắp chỉ còn là trò giải trí thì sức mạnh tri thức thức trở thành quyết định. Người ta vận dụng sức mạnh trí não, (có thể hiểu một phần là sức mạnh tri thức) một cách vô cùng biến báo, muôn hính vạn trạng.  Người ta dùng mưu mô (cũng là sức mạnh), sức mạnh ma giáo, thứ sức mạnh của quỉ dữ để áp đặt đè nén kẻ yếu. Qui luật xem ra cũng đơn giản, dễ hiểu! Bởi nó cũng tương tự qui luật cá lớn nuốt cá bé.

Nhưng thực tế nó lại chẳng đơn giản và dễ hiểu đến mức khiến ai cũng nhìn ra, khi quan hệ xã hội mỗi ngày một phức tạp. Các ý thức hệ, hệ tư tưởng lừa phỉnh chằng chéo xiên xẹo, những chân lí từ “đẹp” đến “đểu” rồi “ma bùn” sinh ra từng ngày từng giờ, thì sự phức tạp sẽ tăng theo cấp số nhân. Sự rắc rối tăng lên bội phần. Từ đây, một nghịch lí nảy sinh: Dường như con người trở nên ngu dốt và yếu đuối hơn thủa hồng hoang ăn lông ở lỗ!

Ngẫm xem, ngẫm cho kĩ xem có phải vậy không? Và điều này có phải là thậm… thậm vô lí?


Một bầy người lầm lũi bước đi, chợt một kẻ dừng lại, tách ra và suy nghĩ. Suy nghĩ giản đơn chứ chẳng cao siêu gì, chỉ cần đứng lại và ngẫm nghĩ KHÁC đi một chút, như tại sao ta lại đi theo hướng này, với tốc độ này? Và vấn đề bắt đầu nẩy sinh. Một số điều tất yếu sẽ xẩy ra. Người chợt thắc mắc, chợt đứng lại và nghĩ xâu xa hơn thế nữa, chút chút thôi, đó chính là mầm mống của con-người-phản-biện. Mầm mống của sự tiến bộ.

Ở đây tôi sẽ nói thật vắn tắt. Văn tắt, tối giản có thể.

Nếu một số người làm giống hắn, cũng đứng lại, và đưa ra câu hỏi, vậy là một xã hội có tính cách mạng ra đời. Kèm theo nó, sự phản - biện cũng manh nha xuất hiện. Và, mọi điều đó, đều tốt.

Đây là những hành vi gây nguy cơ cho thể chế độc tài.

Những có một số người, họ không muốn ai hỏi han, thắc mắc. Họ chỉ muốn đoàn người lầm lũi đều bước. Từ đây sẽ nẩy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa con người-phản-biện (tiến bộ) và con-người-nguyên-tắc (bảo thủ).

Như đã nói, những người tách khỏi đầy đàn đầu tiên, nhìn và suy nghĩ, đó chính là những con-người-phản-biện (tiến bộ). Họ sẽ phản biện với ai? Tất nhiên là những đầu lãnh, tộc trưởng… nôm na là họ sẽ góp ý cho lãnh đạo. Họ phản đối đi theo đường thẳng vì phía trước có vực sâu, họ yêu cầu tìm hang trú ẩn vì một cơn bão lớn đang tới …v.v. Họ không làm chính trị bằng cách cai quản một tập thể. Nhưng họ quan tâm và làm chính trị bằng cách phản biện với lớp cai trị, lớp lãnh đạo. Họ không làm chính trị, họ không có tham vọng làm đầu lãnh, tộc trưởng, nhưng họ quan tâm một cách sâu sắc tới lợi ích của đoàn người, quan tâm từ đời sống cộng đồng ấy cho tới những hành vi của các đầu lãnh, tộc trưởng, tức là họ đang quan tâm vô cùng sâu sắc tới mọi mặt đời sống chính trị.

Khi xuất hiện một nhóm người không làm chính trị, không có tham vọng làm lãnh đạo, nhưng họ luôn quan tâm một cách rất sâu sắc (trách nhiệm) tới cộng đồng, và họ cũng quan tâm tới nhóm, tầng lớp cai trị, lãnh đạo với tinh thần tương tự như thế.

Như vậy, một xã hội có càng nhiều con-người-phản–biện, tức những con người quan tâm tới chính trị, xã hội ðó sẽ là xã hội tốt đẹp. Tất nhiên phải kèm theo điều kiện: Nhà nước ấy có tạo điều kiện để lớp người ưu tú này phát huy khả năng (ở đây là khả năng phản biện, giám sát), hay là nhà nước ấy, với công cụ là công an, mật thám trong tay, dùng đủ mọi mưu ma chước quỉ để tiêu diệt lớp người ấy!

Với con-người-phản-biện, bất kể hình thức nhà nước nào cũng là đối tượng phản biện của họ. Bởi loài người chưa tìm ra một mô hình nhà nước tối ưu. Chưa có thiên đàng trên mặt đất, nên ngài thủ tướng “xì gà” Sir Winson Churchill, đã phát biểu một câu đầy chất hài hước, nhưng vô cùng chính xác: “Dân chủ là một hình thức chính quyền tồi, nhưng các hình thức chính quyền khác mà nhân loại đã từng nghĩ ra và thử nghiệm còn tồi tệ hơn nhiều”.

Một xã hội văn minh, một xã hội phát triển ở trình độ cao là một xã hội mà người dân trong đó tuyệt đại đa số là những người luôn túc trực ý thức phản-biện. Những công-dân-phản-biện. Và cái nhà nước của xã hội ấy, cũng luôn tự giác, tạo điều kiện tối đa cho họ phản biện

Đây là những công dân lý tưởng cho những xã hội dân chủ, văn minh; nhưng lại là tai họa cho những thể chế độc tài.

Chính chàng lùn người Đức gốc Áo, Adolf Hitler phải hoan hỉ nhận xét: “Thật may phước cho nhà cầm quyền nào có người dân không biết suy nghĩ!”

Vậy mà đau đớn thay, chỉ gần đâu đây thôi, người ta tỉnh bơ ra một thông tư hay sắc lệnh gì đó “cấm phản biện” (2). “Người ta” ở đây chính là chính quyền nước Việt Nam “giầu đẹp” của chúng ta chứ không phải những bộ tộc săm trổ đầy mình, vẽ mặt, cởi truồng sống trong rừng sâu Amazon

Ấy vậy mà có một vị giáo sư “quốc doanh” hùng hồn tuyên bố (ông Tô Duy Hợp), rằng một nhà nước mạnh, tự tin, “nắm chánh nghĩa sáng ngời” (3) thì không có lí do gì e ngại đối thoại với mọi tầng lớp nhân nhân, kể cả tầng lớp ưu tú nhất, và kể cả những ý kiến trái chiều.

Ta nghĩ về lời phát biểu của ngài giáo sư, rồi liên hệ sang cái thông tư nghị định tươi roi rói giẫy đành đạch mà không khỏi băn khoăn. Và thật khó để không đặt câu hỏi: logic là ở đâu?

Đến cách thức suy nghĩ về chính trị của một nhà văn lớn còn đơn sơ như vậy, trách gì trên vầng trán ngắn của hơn tám mươi sáu triệu dân Việt ta hằn sâu hai chữ “Latin”: Le NoLe.

Có lẽ chẳng còn là quá sớm khi mà một nhóm hay một vài nhóm, mà tốt hơn là thật nhiều nhóm elite, celeb cần dừng lại, tách ra khỏi bầy đàn, suy nghĩ, đặt câu hỏi, như là ta đang đi về đâu, phía trước kia có gì mà ta đi về đó …v.v. Vậy là chúng ta đã tập tành phản biện đi (hay gọi là cãi giả cho dễ hiểu, nhỉ?), là vừa, nếu không nói là đã quá muộn. Còn lại tám sáu triệu dân, gồm tôi, anh, chị, ông, bà, tất tật cũng nên đã tới lúc đừng lầm lũi bước đi nữa, mà cần ngừng lại một giây, một phút và tự vấn, ta đã thật sự phải con người, ta đã thật sự được sống một chút nào với những phẩm chất cao đẹp cũa con người mà Đấng tối cao ban tặng cho chúng ta chưa? Và cái dấu bằng tiếng “Latin”: Le Nole trên trán chúng ta, thực chất có ý nghĩa gì?

Chúng ta có nên dùng công nghệ lade để vứt bỏ nó đi chưa? Có cần phải nghĩ rằng, phải “quán triệt sâu sắc” rằng, mình là người, mà đời sống con người phải gắn liền với chính trị! Chúng ta không lật đổ ai, chúng ta không xách động bạo loạn, chúng ta không chém giết tranh giành, chúng ta phản đối và ghê tởm chiến tranh, nhưng chúng ta nhất quyết vứt bỏ dấu ấn trên trán chúng ta, bằng mọi giá. Làm được điều đó, chúng ta là những con người tự do đích thực. Nhưng lại cần nói ngược lên một chút, rằng chúng ta đã thực sự có nhu cầu vứt bỏ dấu ấn ấy chưa?

Tự do nhất định sẽ đến, nếu chúng ta có nhu cầu, chúng ta khao khát nó.

Chúng ta phản biện nhà nước là chúng ta hoàn thiện cho chính chúng ta, và hơn hết, chúng ta là những con người đầy trách nhiệm và đầy lòng yêu nước. Những luận điệu mà nhà cầm quyền lâu nay tuyên truyền, nhồi sọ cho chúng ta, như Đảng thiên tài sáng suốt, mọi việc đã có Đảng, chống Đảng, chống chủ nghĩa Mark, chống XHCN là phản động vân vân và vân vân, không thể nói khác hơn, đó là những luận điệu tuyên truyền, lòe bịp, mị dân. Vậy mà đau đớn thay, tám mươi sáu triệu dân ta, phần lớn vẫn còn tin vào điều đó. Chính vì vậy, ta cần những Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung …v.v hơn bao giờ hết. Chúng ta cần họ không phải cần những “minh chủ”, mà chúng ta cần họ, hy vọng vào tri thức, đức độ, tài năng của họ đánh thức được đám đông u tối vẫn đang lầm lũi bước di trên con đường vạch sẵn mà chưa một lần hỏi tại sao (chứ đừng nói chuyện đứng lại).

Yêu nước không phải là ngoan ngoãn nghe lời lãnh đạo. Trung thành với lãnh đạo - Quân xử thần tử thần bất tử bất trung - Yêu nước không phải là vote cho rừng Cúc Phương, Vịnh Hạ Long, cho người đẹp, hoa hậu trên mạng. Yêu nước không phải treo quốc kì trên Avatar mỗi dịp quốc khánh, yêu nước không phải quấn quốc kì vào người rồi nẹt pô chạy xe lạng lách hết tốc độ trên đường sau mỗi kì bóng đá.

Và, nếu yêu nước là như vậy, thì động từ “Yêu nước” là động từ đáng ghét nhất. Một hot blogger với nick name Bulldog (từ thời blog Yahoo360) từng viết một entry khá dài về tình yêu nước, trong đó có đoạn:

“…Động từ "yêu nước" sẽ thật đáng ghét khi người ta nhân danh nó, lợi dụng nó để biện minh, tuyên truyền cho những việc khuất tất không hề liên quan gì tới tình yêu nước.

Thật đáng ghét khi mồm hô yêu nước mà tay bòn rút của công!

Thật đáng khinh khi luôn cho rằng mình yêu nước hơn người khác, và những người có tư tưởng khác mình là không yêu nước.

Thật đáng ghê tởm và phỉ nhổ khi chém giết đồng loại nhân danh yêu nước”.


Một đảng viên đảng Cộng sản Đức, ông Rosa Luxemburg (1871-1919), ðã tuyên bố thế này: “Tự do, nếu dành riêng cho những ai ủng hộ chính phủ hay dành riêng cho đảng viên của một đảng – dù đảng ấy đông đảo đến mấy – thì ðó không phải là Tự do. Tự do luôn phải là Tự do của những người bất đồng chính kiến”. Trong trường hợp chúng ta ngày hôm nay, chúng ta coi “những người bất đồng chính kiến” của Rosa Luxemburg chính là những con người phản biện. Nói cho vuông vắn, nhanh nhẩu, đó chính là những người dân thường chúng ta – những thường dân biết nhận thức.

Một danh nhân sống vào thế kỉ 18, ngài Claude Audrien Helvétius (1715–1771) phán rằng: “Hạn chế tự do báo chí tức là lăng mạ toàn thể quốc dân. Cấm đoán những cuốn sách này nọ chẳng khác nào tuyên bố rằng nhân dân hoặc là ngu si hoặc chỉ là một bầy nô lệ”. Vâng, chúng ta đâu có hạn chế báo chí, chúng ta chỉ hạn chế tổng biên tập thôi (hơn 700 tờ báo chỉ với 1 tổng biên tập) Còn việc cấm cuốn sách này, ngãn cuốn sách kia thì rõ ràng, hiển nhiên là (nhà nước) chúng ta vô cùng chăm chỉ. Tại sao tới giờ này, đầu thế kỉ XXI rồi mà người dân Việt Nam vẫn bị lãng mạ, vẫn bị coi là một bầy nô lệ? Chao ôi! Ðau đớn thay!

Vậy là không còn nghi ngờ gì, nếu không thay đổi ngay, đứng ra khỏi hàng và suy nghĩ ngay mà vẫn cặm cụi ở cái lề bên phải (dù biết nhưng sợ, hay hoàn toàn không biết) thì ý nghĩa của dòng chữ “Latin” trên trán tám mươi sáu triệu đồng bào: Le Nole! Vẫn mờ mờ nhân ảnh.

Và nếu chúng ta đồng lòng đi sang lề trái, đi ra giữa đường, đi bất kể đâu chúng ta muốn, coi cái lề phải chỉ là cái đinh mục, miễn là tách khỏi hàng và đi tứ tung, vừa đi vừa suy nghĩ với niềm hân hoan thơ thới cực độ. Làm được như vậy, chúng ta sẽ khá lên rất nhanh. Và quan trong hơn, trong cõi đời ngắn ngủi này, chúng ta sẽ thực sự được làm người. Và đương nhiên, dòng chữ  “Latin” cổ kia sẽ tự nhiên biến mất mà không cần nhờ tới công nghệ lade.

--------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú:

[1] Trích truyện ngắn Những bài học nông thôn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - trích theo trí nhớ nên có thể chỉ chính xác tới 95% về câu chữ. Nhưng chắc chắn đúng 100 % về ý tứ.
[2] Dân Luận
[3] Lời ông Nguyễn Minh Triết nhân dịp thành lập 50 năm ngành ngoại giao VN