Ðiều lo nhất về Trung Quốc |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Tư, 16 Tháng 9 Năm 2009 13:10 | |||
Tuesday, September 15, 2009 khai thác bô xít (bauxite). Người Việt ở trong và ngoài nước đều lo lắng về vụ này. Không biết đến lúc nào những người chủ trương mạng lưới đó sẽ bị bắt, như các ông Ðiếu Cầy và Người Buôn Gió. Người Việt Nam cũng lo lắng về chủ trương bành trướng của Trung Quốc ở biển Ðông. Tờ Tuổi Trẻ tại Sài Gòn mới thuật lại cuộc chiến đấu của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống quân Trung Quốc chiếm Hoàng Sa vào Tháng Chín năm 1974. Trên các mạng lưới đang truyền nhau những tin tức về việc Trung Quốc phát triển hải quân và so sánh lực lượng giữa nước này với nước Mỹ ở vùng Á Ðông. Các hiện tượng trên cho thấy hai mối lo lớn của người Việt trước mối đe dọa của nước láng giềng phía Bắc. Một là Trung Quốc đang củng cố sức mạnh quân sự, họ có thể tái diễn những cuộc xâm lăng Việt Nam như vào thế kỷ 15 và 18 hay chăng? Hai là một “diễn biến hòa bình,” đang biến nước Việt Nam thành mảnh đất cho người Trung Quốc khai thác mà không cần phải xâm chiếm. Họ chỉ cần nắm đầu được một đảng độc tài là có thể sai bảo cả công an lẫn quân đội để dẹp tan những đám dân Việt phản đối. Nhưng thực sự đâu là mối lo lâu dài và lớn nhất của dân tộc Việt Nam trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh? Một người bạn tôi mới trở về Mỹ sau nhiều chuyến đi Tầu có một nhận định khác. Theo anh, những vụ Hoàng Sa, Trường Sa và Bô xít chỉ là chuyện trước mắt và ngắn hạn. Mối lo dài hạn cần chú ý là trong lúc người Trung Hoa đang quyết tâm tiến tới trên con đường cải tổ để bước vào thế kỷ 21 thì người Việt Nam vẫn bị lúng túng không thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu còn rơi rớt từ thế kỷ 19. Cứ như vậy thì trong một hai thế hệ nữa người mình sẽ trở thành lệ thuộc, nếu không phải là “nô lệ” cho người Trung Hoa; dù họ không đem quân chiếm nước mình, dù mình vẫn còn tên nước Việt Nam, vẫn có một chính phủ người Việt cai trị dân Việt. Trung Quốc sẽ làm chủ, người Việt làm công, và điều đáng buồn là cả thế giới coi đó là chuyện tự nhiên không cần can thiệp. Vì trong thế cạnh tranh sinh tồn hiện nay, dân tộc nào yếu thì sẽ đóng vai làm công cho dân tộc mạnh. Tại sao có thể xẩy ra tình trạng đó? Anh Trần là người quốc tịch Mỹ, công ty anh đang đầu tư ở Trung Quốc làm một sản phẩm mới, sản phẩm này đang thông dụng rồi sẽ tràn ngập khắp thế giới trong vài chục năm nữa, chúng tôi xin phép không nói rõ hơn để khỏi làm phiền cho bản thân anh. Những cuộc gặp gỡ với quan chức và cán bộ quản lý kinh doanh ở Trung Quốc làm cho một người Việt như anh phải thấy sợ. Người Trung Quốc họ làm việc ào ào, mở rộng cửa đón tư bản nước ngoài để tiếp nhận các kỹ thuật mới, học cách tấn công các thị trường mới. Anh Trần so sánh giới quan chức, cán bộ Trung Quốc khác những người ở Việt Nam: Họ có ăn nhưng cũng có làm việc. Trong khi ở nước mình thì không lo công việc mà chỉ biết ăn. Công ty của anh đã thăm dò việc đầu tư ở Việt Nam mấy năm trước đây; nhưng phải bỏ ý định đó vì cả guồng máy cai trị từ trên xuống dưới vẫn coi người ngoài quốc đến nước mình đầu tư là đến “xin ân huệ” chứ không phải đem đến cho dân mình kỹ thuật mới, mở mang cho nước mình những ngành hoạt động mới. Có lẽ họ coi thường đồng bào người Việt mà chỉ biết kính trọng các ông chủ ngoại quốc. Nhưng họ vẫn giữ một thói quen: Chỉ lo bòn rút cho bản thân mình, không cần đến công việc. Ở Trung Quốc thì khác. Từ trung ương đến các tỉnh, thành phố, họ chiều đãi các công ty ngoại quốc đến đầu tư. Họ sẵn sàng cung cấp đất để mở cơ xưởng mà không lấy tiền thuê đất trong nhiều năm. Họ sẵn sàng góp một phần vốn nhỏ hơn 50% và người ngoại quốc đầu tư có quyền mua lại số cổ phần đó trong tương lai. Nghĩa là nếu công việc thất bại thì người ngoại quốc chỉ mất ít, là phần vốn đã bỏ vô dưới 100%; mà nếu thành công thì vẫn có hy vọng hưởng nhiều hơn bằng cách mua lại các cổ phần của người Trung Quốc. Một viên chức trẻ tuổi ở Bắc Kinh nói thẳng rằng anh ta có một quỹ đầu tư hàng tỷ Mỹ kim, lấy trong số ngoại tệ dự trữ hơn 2,000 tỷ của ngân hàng trung ương; và anh ta có quyền chi vào các dự án đầu tư với người nước ngoài. Họ có tham nhũng hay không? Anh Trần thấy chắc là phải có. Thế nào họ cũng chấm mút khi được quyền sử dụng những món tiền lớn như vậy. Cứ xem cách ăn ở, giao dịch của họ thì biết. Nhưng có một điều là họ có làm, làm việc thực sự, một dự án nhà máy được hai bên đồng ý và chấp thuận rồi, ba tháng sau nhà máy đã được khánh thành. Họ chạy hối hả, và họ biết rõ đang muốn gì: Sản xuất đến xuất cảng. Du nhập kỹ thuật mới, phương pháp quản lý mới, phương pháp mới để chinh phục thị trường thế giới như các công ty Mỹ đang làm. Sang năm 2010 hội chợ Thượng Hải sẽ trưng bầy những sản phẩm mới cho cả thế giới thấy, trong đó sẽ có những sản phẩm của công ty anh Trần đang làm. Họ coi anh Trần là người Mỹ, và nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên lúc đầu khi anh tự giới thiệu là gốc người Việt Nam. Họ tỏ ra lễ phép với anh, nhưng không ngần ngại cho thấy là họ coi thường người Việt Nam. Ðây là một điều đau lòng, nhưng anh phải nói thật: Người Trung Hoa vẫn còn nhắc đến vụ đảng Cộng Sản Việt Nam “vô ơn bạc nghĩa” khi sau năm 1975 quay theo Nga để chống Tầu. Họ nhắc lại sự kiện này như để giải thích thái độ của họ: Khinh thường người Việt Nam! Chúng ta có thể thấy trong những mạng lưới bên Tầu khi họ công khai phổ biến những tài liệu chứng tỏ nếu không có quân đội Tầu giúp thì người Việt Nam không chống nổi Pháp mà cũng không đánh nổi Mỹ! Họ không ngần ngại sẵn sàng nói những lời miệt thị tất cả giới lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam, dù trước mặt một người Việt như anh Trần họ vẫn tỏ ra lịch sự, tôn kính. Ngay bây giờ, nhiều người Trung Hoa ở lục địa nói thẳng, các công ty Trung Quốc vẫn còn chú ý đến thị trường Việt Nam một chút. Vì họ coi đó là một nơi để “đổ rác,” tức là những sản phẩm thiếu tiêu chuẩn không được thị trường thế giới chấp nhận. Chính người Trung Hoa có tiền cũng không muốn mua những sản phẩm tiêu chuẩn thấp đó. Các xí nghiệp Trung Quốc sẵn sàng bán đổ bán tháo (dumping) những món hàng này sang Việt Nam, vì nếu không cũng vứt bỏ đi. Vì vậy, bán giá nào cũng được; mà người Việt Nam thấy rẻ thì vẫn ham mua. Nhưng đối với Trung Quốc, Việt Nam không đáng quan tâm. Họ lo chinh phục cả thế giới, và chỉ tôn trọng những nước có lực, có tiền! Nhưng điều anh Trần lo lắng muốn chia sẻ với chúng tôi khi anh trở về Mỹ sau nhiều chuyến đi Tầu lo công việc, là người Trung Hoa họ quyết tâm tiến bộ thật, trong khi nước mình vẫn lúng lúng vì cả guồng máy cai trị tham nhũng và bất lực. Anh nhắc lại nhiều lần: Chúng nó cũng ăn, nhưng chúng nó có làm việc thật. Quan chức Việt Nam thì chỉ lo ăn mà không cần làm! Trong vài chục năm nữa, trong nửa thế kỷ nữa, người Tầu sẽ tiến xa, khoảng cách phát triển giữa hai dân tộc sẽ càng ngày càng rộng. Và lúc đó mình sẽ hoàn toàn đóng vai một nước phụ thuộc, nếu không nói là lệ thuộc, biến thành một thị trường và người làm công cho cường quốc kinh tế lớn nhất nhì thế giới ở ngay bên láng giềng! Hiện nay người Việt chúng ta coi việc khai thác Bô xít ở Tây nguyên là một cuộc xâm lăng kinh tế đe dọa chủ quyền đất nước. Nhưng đối với người Trung Hoa ở lục địa thì đó cũng chỉ là một dự án nhỏ trong hàng ngàn dự án đầu tư để khai thác tài nguyên khắp thế giới, từ Á Châu sang Phi Châu và Châu Mỹ La Tinh. Họ cũng sang Congo, sang Sudan khai thác quặng mỏ. Họ đầu tư vào dầu khí ở các nước Trung Á, ở Canada. Các công ty Trung Quốc đang đi mua cổ phần của các công ty tiên tiến nhất từ Âu Châu sang Mỹ Châu, dù chỉ một phần nhỏ. Một vụ nổi tiếng là dự án của Chinalco tính bỏ ra 19 tỷ rưỡi để tăng gấp đôi phần hùn trong công ty Rio Tinto ở Úc lên 18%, đã bàn cãi cả năm và mới bị Úc gạt bỏ vào Tháng Sáu vừa qua. Trung Quốc là thị trường lớn nhất mua quặng mỏ của Úc. Nhưng chính phủ Úc vẫn không cảm thấy sợ sệt lo làm vui lòng chính quyền Trung Quốc. Ông thủ tướng Úc nói tiếng Tầu thông thạo, nhưng không ngần ngại tỏ ra bất cần trước những áp lực của Bắc Kinh. Trước khi ông Nguyễn Minh Triết sang Úc, một người đã được dân Úc tiếp đón là bà Rebiya Kadeer, một người gốc Uighur đang sống ở Mỹ và đang bị bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh mô tả là người thúc đẩy dân Uighur ở Tân Cương nổi loạn. Ðầu Tháng Tám, khi nghe tin dân Úc sắp mời bà Kadeer sang dự một liên hoan phim ảnh tại Melbourne trong đó chiếu một cuốn phim về cuộc đời tranh đấu của bà, Ngoại Trưởng Trung Quốc Hà Á Phi đã bãi bỏ một chuyến viếng thăm để tỏ ý phản đối. Chính phủ Tầu còn làm áp lực với ban tổ chức yêu cầu họ ngưng chiếu cuốn phim đó. Họ cũng làm áp lực lên thị trưởng thành phố Melbourne, đòi bãi bỏ việc kết nghĩa giữa thành phố này với Thiên Tân. Và họ làm áp lực cả với câu lạc bộ Báo chí Quốc gia tại thủ đô Canberra không muốn họ mời bà Kadeer đến diễn thuyết. Nhưng tất cả các áp lực đó đều vô hiệu. Và bên cạnh những la lối ồn ào đó, các bộ trưởng hai nước vẫn ký một hợp đồng, công ty PetroChina Trung Quốc mua 41 tỷ Mỹ kim khí đốt của công ty Exxon Mobil tại Úc. Dân Úc chống, cứ chống. Chính phủ Trung Quốc không bằng lòng thì rán chịu. Trong lúc chính quyền Úc bình tĩnh và cứng rắn đối với Trung Quốc như vậy, thì ở Việt Nam những ai bầy tỏ ý kiến chống đối việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa trước sau đều bị đàn áp. Ðàn áp để làm gì? Có phải vì công an bắt người Việt Nam không được mặc áo phông viết chữ bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa mà chính quyền Bắc Kinh tử tế hơn với nước Việt Nam, với đảng Cộng Sản Việt Nam hay không? Mà trong lúc chính quyền Cộng Sản chỉ lo đàn áp dân như thế, người Trung Hoa họ vẫn tiến tới. Thế giới sẽ không thèm quan tâm đến chủ quyền của Việt Nam trên những vùng đất và biển đã bị chiếm. Vì nước nào lo quyền lợi của nước đó, không ai lo giúp chuyện người ngoài, dân tộc nào cố giữ lấy chủ quyền của mình. Bây giờ người Trung Quốc đã bắt đầu sang Việt Nam đóng vai ông chủ ở Cao Bằng, Lạng Sơn; cho người Việt đóng vai làm công và chạy việc. Anh Trần lo sẽ có ngày chính người Trung Quốc cũng không thèm đóng vai ông chủ nhỏ ở Việt Nam nữa. Vì họ còn lo đầu tư ở những nơi sinh lợi hơn và lo đi chinh phục các thị trường khắp thế giới. Vậy thì người Việt Nam chúng ta phải làm gì? Ðây là một câu hỏi để mọi người Việt cùng suy nghĩ và thảo luận. Bởi vì dân Việt Nam không phải là dân hèn. Hãy coi mối lo lắng của anh Trần là tiếng chuông báo động.
|