Vài nhận định về lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng tại Hungary liên quan đến Giáo hội |
Tác Giả: Alfonso Hoàng Gia Bảo | |||
Thứ Ba, 22 Tháng 9 Năm 2009 14:24 | |||
Như chúng ta được biết hôm 19/9 đài VOA cho biết trong chuyến Âu du, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng khi đến Hungary đã tuyên bố "Việt Nam sẽ không nhượng bộ Công giáo về vấn đề đất đai". Có thể nói lời tuyên bố này tựa như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt những ai đang ‘vun vén’ cho mối quan hệ Việt Nam- Vatican với hy vọng sẽ có nhiều điều tốt đẹp sắp diễn ra, trong đó có việc Hà Nội ‘không phản đối’ Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 sẽ sang thăm Việt Nam vào năm 2011 nhân kỷ niệm 350 năm ngày thành lập hai giáo phận đàng Ngoài và đàng Trong, là việc mà trước đó không lâu nhiều người tỏ ý hoài nghi khi cho rằng Hà Nội sẽ không bao giờ dám qua mặt Bắc Kinh trong quan hệ với tòa thánh Vatican. Tưởng cũng nên nhắc lại việc Bắc Kinh từng cử nguyên dàn nhạc giao hưởng quốc gia sang Vatican biểu diễn chiêu đãi ĐGH Bêneđictô XVI hồi tháng 5/2008, với hy vọng việc làm vui lòng Ngài như vậy sẽ mời được Đức Thánh cha sang dự lễ khai mạc thế vận hội 2008 nhưng đã không đem lại kết quả.
Sự khó hiểu trong lời tuyên bố của ông Dũng còn là ở chỗ nó được đưa ra “sau cuộc thảo luận về vấn đề thương mại với Thủ tướng Hungary Gordon Bajnai.” Mà chúng ta biết quan hệ giữa Việt Nam và Vatican thuần tuý là về tinh thần đâu có dính dáng gì đến vấn đề thương mại, để mà cạnh tranh với Hungary. Vậy lý do gì đã khiến ông Dũng bỗng dưng lại ‘dại mồm dại miệng’ đưa ra những lời đe nẹt Vatican rất dễ gây ra những bất lợi cho mục chuyến đi kinh tế của ông ta đến các quốc gia Châu Âu như vậy? Hơn nữa bản thân ông Dũng dẫu sao cũng đã từng là ‘người quen’ của Đức Giáo Hoàng đương nhiệm Bênedictô 16 cơ mà? Rất tiếc là ký giả của VOA Stefan Bos đã không cho chúng ta biết thêm chi tiết hoàn cảnh nào đã ông Dũng đã đưa ra lời tuyên bố ‘hùng hồn’ trên. Tuy nhiên, cho dẫu tình huống này xảy ra khi ông ta bị báo giới truy vấn về chuyện Việt Nam đàn áp công giáo trong một cuộc họp báo, chắc rằng căng thẳng cũng không thể bằng chuyện ông Tổng thống George Bush bất ngờ bị ‘ăn giày’ tại Iraq để ông Dũng lú lẩn quên rằng mặc dù Hungary trước kia có thời là đồng minh nhưng bây giờ Đông Âu đã thay đổi hoàn toàn, một lời tuyên bố ‘sặc mùi’ cướp bóc cộng sản như vậy chắc chắn sẽ chẳng còn được chính phủ Châu Âu nào ưa chuộng. Còn với dân chúng Đông Âu, họ càng có lý do để căm ghét ông ta hơn. Vả lại ông Dũng hoàn toàn có quyền khước từ trả lời viện lý do câu hỏi ‘lạc đề’, hoặc chỉ trả lời một cách chung chung chiếu lệ mà chẳng ai có quyền bắt bẻ ông ta cả. Vậy sao ông ta đã không làm thế mà lại bỗng dưng đi ‘nổi dóa’ với người công giáo, qua đó còn đụng chạm đến cả mối quan hệ với tòa thánh Vatican? Có thật là Hà Nội đã lại bất ngờ ‘trở cờ’ không cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với tòa thánh Vatican không? Mấy điều nêu ra sau đây cho thấy hoàn toàn không có chuyện này, mà ngược lại chỉ cho thấy lời phát biểu trên của ông thủ tướng là rất… ‘bốc đồng’ kiểu dân quê Nam Bộ, hứng lên là nhậu ‘chết bỏ’ sáng tối quên hết chuyện đồng áng: 1. Công văn số 1878 / BXD-QLN ra ngày 04/09 do Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam ký yêu cầu 23 tỉnh thành báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo vì cho rằng đang có những ‘diễn biến hết sức phức tạp’ (mà điều này thì không thể là giả được). Tuy nhiên, những ai hiểu biết rõ về tình hình thì đều biết, nói như thế hoặc nói «việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo của các địa phương đang gặp nhiều khó khăn" là hoàn toàn không chính xác. Mà phải nói là hoàn toàn bế tắc mới đúng. Do tình trạng quản lý hành chính ở Việt Nam sau ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ đã thành ‘rừng nào cọp nấy’ khiến ngay cả ông Phan Văn Khải trước lúc về hưu cũng đã từng phải than thở ‘trên bảo dưới chẳng chịu nghe’. Công văn của Bộ XD lần này đã là lần thứ 2 chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm. Trước đó, vào ngày 08/12/2008 Bộ Xây dựng cũng đã từng ban hành công văn số 2437/BXD-QLN đề nghị địa phương khẩn trương rà soát, thống kê và tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo tại địa phương và báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 30/12/2008 để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên 23 tỉnh thành là những ‘con nợ’ đất đai tài sản đối với giáo hội với trên 2500 cơ sở đang bị chiếm dụng đều ‘làm lơ’ nhưng cũng chẳng thấy ai bị khiển trách. Ngược lại Bộ XD còn phải xuống nước ban hành tiếp cái công văn năn nỉ lần này cho chúng ta thấy rõ về tình trạng vô chính phủ đang hiện diện ngay trong lòng bộ máy công quyền Csvn. Chính lý do này mà việc giải quyết vấn nạn ‘đất tôn giáo’ trở nên vô phương cứu chữa. Trước tình hình bi đát ấy nhưng vì không thể tiếp tục cất cái ngòi nổ trong nhà, Csvn bề ngoài ra phải kêu gào cho ra vẻ quan tâm đến công bằng nhưng từ đáy lòng họ, nếu có thật lòng muốn trả, cũng chẳng biết lấy đâu ra để trả. Vì chẳng thà mất lòng giáo hội dẫu sao cũng an toàn hơn việc làm mất lòng hàng ngàn quan chức 23 tỉnh thành, không ít người đang ở trong Bộ chính trị để chuốc lấy những rủi ro lớn hơn. Vậy làm sao Csvn có thể hoá giải được bế tắc này mà vẫn không làm sức mẻ đoàn kết nội bộ đảng nhờ trên dưới ‘ăn đồng chia đều’ như nhau? Theo chúng tôi chỉ còn bằng mỗi một con đường duy nhất, đó là bằng ‘cây gậy’ Vatican! (xin lưu ý đây là cách diễn giải giả định nhìn bằng nhãn quan của Csvn) Vì mọi người chưa thể quên vụ Tòa Khâm Sứ khi lên đến đỉnh điểm hồi đầu năm 2008: Chính quyền thủ đô Hà Nội đã ‘bó tay’ khi bức tối hậu thư của bà phó tịch Thanh Hằng chẳng giải quyết được việc gì ngoài việc chuốc lấy sự mất mặt, bởi manh động như kiểu Thiên An Môn họ lại chẳng dám. Giữa lúc bế tắc ấy thì chỉ bằng một bức thư ngắn từ Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Vatican (chức vụ tương đương thủ tướng) gửi Đức TGM Ngô Quang Kiệt vào ngày 30/1/2008, trong đó Ngài nêu «...nếu cứ tiếp tục tụ họp như vậy có thể chỉ gây thêm lo âu, vì, như thường thấy trong các trường hợp tương tự, việc không kiểm soát được tình hình và biến những buổi tụ họp ấy thành bạo động trong lời nói cũng như hành động là một nguy cơ thực sự » lập tức mọi chuyện trở nên êm thắm. Nếu bất cứ ai thoát hiểm trong tình huống như vậy sau khi hoàn hồn cũng đều phải nhớ xem đấy là nhờ ‘ơn phước’ nào thì việc Csvn nay có tiếp tục chọn lấy ‘cây gậy’ tòa thánh làm ‘kim chỉ nam’ hành động đối phó lại nguy cơ giáo oan cũng là lẽ đương nhiên. Có lẽ nhờ vậy mà kể từ sau vụ TKS chúng ta thấy Csvn càng thêm tích cực đi tìm lối thoát bằng con đường này và đã giúp cho quan hệ Việt Nam và Vatican được trở nên nồng ấm hơn bao giờ hết. 2. Nhưng nếu lập luận Csvn cần tòa thánh như vậy thì tại sao trước tin cuối năm này đến lượt ông Chủ tịch Nguyễn Minh Triết sẽ yết kiến giáo hoàng ông Dũng lại nỡ đi làm chuyện ‘thọt gậy bánh xe’ bằng một tuyên bố như vậy mà không sợ sẽ gây ra thêm trắc trở cho chuyến đi của ông Triết? (cũng cần biết hôm 19/9 khi ông Dũng đưa ra tuyên bố này thì ông Triết cũng đang ở Mỹ để tham dự họp tại LHQ, nơi cũng vốn rất nhạy cảm với những chuyến thăm viếng và những lời tuyên bố ‘vớ vẩn’ của các quan chức CSVN) Câu trả lời là không giống như các nước dân chủ tự do đa đảng, hậu trường chính trị của các nước độc tài cộng sản luôn là những đề tài ‘đau đầu’ mà ngay cả với các chuyện gia cỡ như ông Carl Thayer đôi khi cũng chỉ làm ‘thày bói’ không hơn không kém, bởi khi thì chúng ta ù tai hoa mắt trước đầy rẫy những thông tin hỏa mù, khi thì cũng đành ngó lên trời trước cảnh cửa chốt then cài trong nhà ‘dạy nhau’ của đảng Csvn. Tuy nhiên quan hệ giữa hai đồng chí cùng từ miền Nam ra là Ba Dũng và Sáu Phong (tức Nguyễn Minh Triết) thời gian gần đây có nhiều ‘trắc trở’ bị lộ ra bên ngoài là chuyện có thật 100% được nhiều người biết. Trong một bài viết hồi giữa năm nay, nhà báo Huy Đức cũng có nêu mới xung đột này trong bài viết nhan đề ‘Chị Hai Thủ tướng’, có các đoạn như sau: vào sáng 17.4.2009, một người thân của đương kim Thủ tướng cũng đã bị “áp giải ra khỏi hiện trường” khi chính quyền huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 280ha cao su còn lại ở xã An Tây để làm khu công nghiệp (KCN). Anh Huỳnh Ngọc Sang, người tự giới thiệu đang quản lý vườn cao su (185ha) cho bà Hai Tâm, người chị ruột của Thủ tướng, kể: Lực lượng cưỡng chế với khoảng 150 người, đã “đưa đi” ít nhất 3 người trong đó có “ông Hai”, chồng bà Tâm. Vườn cao su kể trên thuộc 642ha đất cao su vốn của công ty quốc doanh Sobexco. Trước đây, do làm ăn thua lỗ, Sobexco đã được tỉnh Bình Dương cho phép “bán vườn cây không gồm quyền sử dụng đất” để trả nợ, với giá bình quân 50 triệu/ha. Tiến trình mua bán kéo dài tới năm 2001, thì có những thay đổi, giấy tờ mua bán được ghi là “bên A (Sobexco) chuyển nhượng vườn cây cao su gắn liền với quyền sử dụng đất”. Hơn 40 người mua vườn cây cao su ở đây về sau được cấp sổ đỏ. Tháng 6-2006, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho rằng việc cấp “sổ đỏ”cho 40 hộ này là trái luật. Cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ nhưng tỉnh vẫn cho phép công ty XNK Bình Dương thực hiện dự án xây dựng KCN An Tây trên khu đất này. Số đất mà 6 năm trước đó tỉnh “bán” với giá 50 triệu đồng/ha, nay để làm KCN, XNK Bình Dương, một công ty quốc doanh, đền bù với giá 1tỷ/ha. Chỉ trong vòng từ tháng 7 đến tháng 10-2007, công ty XNK Bình Dương đã chi ra hơn 500 tỷ để đền bù cho chủ của những vườn cao su ấy.” (hết trích). http://www.blogosin.org/?p=865 Tỉnh Bình Dương ai cũng biết đó là lãnh địa của ‘anh Sáu Phong’ hoạt động từ trước 1975. Sau ‘giải phóng’ tiếp tục gắn bó với nơi này (trước khi về TP.HCM làm bí thư thành ủy). Nhắc đến Bình Dương ngày nay ai cũng biết đến cái tên ‘Dũng Lò Vôi’ quyền lực và giàu sang tột bực là chủ nhân của ngôi chùa Đại Nam kỳ vĩ bậc nhất Đông Nam Á, là chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần và đồng thời là người đã ‘đầu tư’ giúp chủ tịch Triết sang Singapore chữa bệnh ung thư tuyến tiền liệt hồi năm 2004. Lãnh địa của chủ tịch Triết với ‘sân sau’ tên tuổi rành rọt như vậy mà gia đình thủ tướng lại dám ngang nhiên xâm phạm vào thì chuyện ‘cơm không lành canh chẳng ngọt’ xảy ra cũng là điều dễ hiểu. 3. Lý do cuối cùng đó là do căn bệnh ‘sĩ ‘ mà mọi chế độ cộng sản mắc phải: Vừa nghèo, vừa dốt nhưng lại luôn cho mình là ‘đỉnh cao trí tuệ’. Lối suy nghĩ bệnh hoạn này đã dẫn đến hậu quả hành xử của họ đôi khi trở nên rất ‘khó hiểu’, ‘chẳng giống ai’. Mình cần người ta nhưng lại phải luôn ra vẻ ‘bất cần’ kênh kiệu v.v… Điều này phản ánh một sự khác biệt rất căn bản giữa dân chủ và độc tài. Đó là trong khi các nước dân chủ tự do, đảng đương quyền phải luôn cố lèo lái đất nước đi đúng vào quĩ đạo, lộ trình mà họ đã vạch ra. Bởi đó là danh dự, uy tín vì gắn liền với những điều họ hứa hẹn với cử tri ngay từ lúc tranh cử. Nhờ có những đường lối chính sách rõ ràng minh bạch như vậy, mà người dân những nước này họ luôn biết rõ con thuyền quốc gia do đảng cầm quyền lèo lái đang đưa họ đi về đâu? Trong khi ấy ở các nước cộng sản độc tài như Việt Nam mình chuyện lại xảy ra hoàn toàn ngược lại: ai yêu nước, quan tâm đến vận mạng dân tộc phải nhọc công theo dõi quan sát mọi động thái nhà cầm quyền, từng cử chỉ lời nói của các quan chức v.v… từ đó mới có cái để dùng làm căn cứ suy đoán xem đâu là chủ trương, đường lối của họ. Tóm lại là các nhà lãnh đạo cộng sản thích thấy dân chúng phải vào vai ‘thầy bói mù’ hơn là tạo cho họ cơ hội được làm những người bạn đồng hành sáng mắt, tay chân lành lặn hầu có thể giúp nhà nước điều hành và kiểm soát đất nước tốt hơn. Như việc nhờ quan tâm sớm phát hiện và loại bỏ các các hiện tượng tiêu cực trong xã hội mà 16 nhà phản biện IDS vừa bị tước quyền đang làm dở dang. Mà cũng chẳng dễ gì đoán đúng bởi một chế độ bản chất vốn đã không thích sự minh bạch, họ luôn có thừa sự gian manh để ‘cắt đuôi’ bất cứ muốn đeo bám theo dõi bằng cách ‘sáng tác’ ra những lối hành xử đầy bất ngờ, không nằm trong bất cứ sách vở lý thuyết trị dân nào cả (về điều này ông TT.Thiệu đã nói một câu thật để đời: “đừng nghe CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm”) Trong khi các chính đảng, chính khách ở các nước tự do dân chủ họ cần dân chúng nghĩ về họ càng đơn giản, câu chữ họ sáng sủa bao nhiêu thì các đảng viên ‘thiên tài’ của ta lại muốn những điều ngược lại bấy nhiêu. Kiểu tuyên bố ‘giở quẻ’ của ông Dũng vừa qua tại Hungary có thể xem là đặc trưng cho lối hành xử ‘ba phải’ tiền hậu bất nhất, vừa đánh vừa đàm. Hoặc tệ hơn nữa là cố tình làm cho dân chúng trở nên ‘mù lòa’ trước những những toan tính của họ, mà thường vì thiếu minh bạch nên thường phải lo tạo ra thêm nhiều kịch bản với nhiều ‘options’ đen tối khác nhau hầu còn có đường thoát thân khi sự việc lỡ không thành. Sàigòn, 22/9/2009
|