Hồ sơ báo “Công Giáo và Dân Tộc” |
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục/DCVOnline | |||
Thứ Ba, 29 Tháng 9 Năm 2009 07:42 | |||
Phần I Ai là “Tứ Nhân bang” cuả Thiên Chúa Giáo VN? – Vai trò của Trần Bá Cường, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ và Huỳnh Công Minh trong đảng Cộng Sản Việt Nam.
Linh Mục Chân Tín từ trong nước đã gửi một thư phản đối Hiệp Hội Báo Chí Thiên Chúa Giáo Thế Giới (International Catholic Union of the Press, UCIP) đã tặng huy chương vàng cho báo “Công Giáo và Dân Tộc” và được anh Nguyễn Hữu Tấn Đức phổ biến ra hải ngoại. Sự tò mò của tôi là tìm hiểu xem Tây nó biết gì về báo chí Việt Nam. Họ có biết đọc chữ Việt đâu để đánh giá được một tờ báo. Vậy ai là người đã đứng đằng sau để cung cấp dữ kiện cho Hiệp Hội Báo Chí Thiên Chúa Giáo Thế Giới đi đến quyết định trao giải cho Công Giáo và Dân Tộc. Có thể lại ông Nguyễn Đình Thi, chủ tiệm sách ở Paris, cha đẻ ra tờ Công Giáo và Dân Tộc ở Paris vào năm 1969. (Chúng tôi ngờ rằng tờ Công Giáo và Dân Tộc đã thuổng lại một chủ đề Công Giáo và Dân Tộc của tạp chí Đất Nước, số 8, tháng 12, 1968), để rồi từ đó ông Trương Bá Cần tức Trần Bá Cường làm khai sinh lại cho tờ báo ở Sài Gòn sau giải phóng với số tiền cấp dưỡng của ông Thi cho tờ báo là 100.000 FF vào năm 1975. Với Nguyễn Đình Thi, những hoạt động trong bóng tối là chuyện không lạ. Chúng tôi xin trích dẫn ở đây lá thư của cấp lãnh đạo Cộng sản ở Quảng Ngãi viết cho một Linh mục để lôi kéo theo Cộng sản, trong đó nêu tên Nguyễn Đình Thi như một mẫu người đi theo họ. Trong cuộc chiến này đã có nhiều Linh mục như Linh mục Nguyễn Đình Thi v.v... và những người Thiên Chúa Giáo yêu hòa bình đã thấy rõ bọn Mỹ Thiệu, đã hưởng ứng và góp phần vào nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước. Bọn đế quốc và một số tay sai phản động đội lốt tôn giáo tuyên truyền nói xấu cách mạng, nói cách mạng là diệt đạo, thực tế điều này đã chứng minh qua lời phát biểu của Linh mục Nguyễn Đình Thi, đại diện cho những người Thiên Chúa Giáo yêu nước đã họp tại Pháp... Ký tên Hoàng Nguyên, thư đề ngày 15/05/1972. Ngoài Nguyễn Đình Thi thì tất cả người Thiên Chúa Giáo trong Nam chắc là tay sai phản động đội lốt tôn giáo cả. Riêng người Thiên Chúa Giáo ở trong nước, có hay không có huy chương vàng này cho tờ “Công Giáo và Dân Tộc” cũng chẳng ăn thua gì đến họ. Từ lúc tờ báo mới xuất hiện tháng 7 năm 1975, dân Thiên Chúa Giáo đã gián tiếp tẩy chay. Chỉ thấy cái nhan đề tờ báo Công Giáo và Dân Tộc có cái mùi khó ngửi và có cái gì gian trá trong đó. Dân tộc ở chỗ nào? Công Giáo và Cộng sản thì đúng hơn. Người dân Saigon, chỉ sau một tuần lễ “giải phóng”, từ trẻ đến già, từ trong nhà ra ngoài đường, không ai bảo ai một cách kỳ lạ, dùng ngôn ngữ như một võ khí tự thân, hết biết nói lời nói thật thà, biết nói lời gian dối. Đảng nói vậy mà không phải vậy. Dân cũng nói dzậy mà không phải dzậy. Cho nên, lời phát biểu của Giám mục Nguyễn Minh Nhật, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trả lời cuộc phỏng vấn của tờ báo Eglises d'Asie vào năm 1990 cho rằng người Thiên Chúa Giáo hết tin tưởng vào Ủy Ban Đoàn Kết Thiên Chúa Giáo và tờ Công Giáo và Dân Tộc là rất đúng, chỉ quá trễ thôi... Cái điều đó phải nói ngay từ 1975 mới phải. Phải mất 15 năm mới nói được câu đó. Cái bén nhạy của người dân thường biết ai là bạn là thù. Cái không hèn nhát, cái trực tính của thường dân, có sao nói vậy cái thật thà bản chất thường đi trước những suy nghĩ, tính toán của người trí thức. Trong số khoảng 30 trí thức xếp hàng trong danh sách những người ít nhiều liên quan với tờ Công Giáo và Dân Tộc, phải đợi một thời gian dài ngắn khác nhau mới rủ nhau bỏ cuộc. Có trí thức Thiên Chúa Giáo có cái can đảm làm thơ ca tụng, hãnh diện vì con lên đường làm nghĩa vụ quân sự đánh Cam Bốt. Có trí thức viết: Hà Nội tôi thế đó. Lối chơi chữ trở thành tối tai hại, nhất là chữ VN, vì có thể chỉ thêm một dấu huyền vào chữ tôi có thể làm hại cả một đời người. Hà Nội tồi thế đó. Nay trở thành đối lập... Có cái trí thức suy nghĩ bằng dạ dầy, sau 1975 trở thành nhà nghiên cứu sử học, nghênh ngang chỉ cho cấp lãnh đạo Cộng sản, chỗ cụ Hồ đứng ở chỗ nào trên bến tầu trên đường đi tìm đường cứu nước. Xin ngả mũ chào nhà sử học... Trí thức như Linh mục Thanh Lãng đã phản đối việc Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận đổi về Sài Gòn, trước khi qua đời một tháng đã để lại chúc thư xin lỗi Tổng Giám mục Thuận, xin tha thứ. Sau Thanh Lãng đến lượt ai đây, gấp đi, kể ra cũng đã hơi trễ rồi. Trước khi đề cập đến tứ nhân bang, chúng tôi cũng xin nêu ra một trường hợp khá đặc biệt là ông Nguyễn Nghị, trong Ủy Ban Đoàn Kết Thiên Chúa Giáo. Ông này có viết một tập sách mỏng vào năm 1992, dầy độ 20 trang có tựa đề là Lịch Sử Đạo Công Giáo tại VN. Tài liệu này nịnh đảng rồi bôi xấu đạo Thiên Chúa đến độ ông Lý Chánh Trung, đại biểu quốc hội, là người được giao cho duyệt đã tức điên lên và phê: “Nên thêm vào tên sách Lịch Sử Những Tội Lỗi Của Đạo Công Giáo”. Ông Lý Chánh Trung ghi tiếp: “Bài này là một tài liệu chính trị chứ không phải một bài nghiên cứu sử học, nếu viết để đăng trên một tờ báo chính trị thì là quyền của tác giả và của tờ báo. Nhưng không được công bố như một cuốn sách về lịch sử VN, như vậy là tội cho lịch sử, cho Giáo Hội Công Giáo và cho cả nước VN.” Ông Nguyễn Nghị, còn có gian trá trí thức là liệt kê số sách tham khảo, số sách đọc khoảng 20 tài liệu, sách vở. Nhưng trong toàn bộ tài liệu, ông không ghi chú một tài liệu nào cả làm ông Lý Chánh Trung phải ghi chú: “Chỉ có một chú thích số 2 có ghi trong bài viết.” Một nhận xét rất nhẹ nhàng thôi, nhưng đủ cho thấy tư cách trí thức và tâm địa người viết ra sao. Trong cái đám trí thức đó, còn lại tứ nhân bang, đã làm mưa, làm gió trong suốt 26 năm, trong và ngoài, nhất là trong nội bộ Thiên Chúa Giáo trên một số quyết định cũng như thư chung của Tổng Giám mục Bình. Có thể nói một phần dè dặt, Tổng Giám mục Bình đã bị vây quanh khi họ nắm chức vụ trong Ủy Ban Đoàn Kết Thiên Chúa Giáo và trong tờ Công Giáo và Dân Tộc. Nay xin được có đôi hàng về họ. Xin kể tên bốn người này: Trần Bá Cường, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ và Huỳnh Công Minh. Chúng tôi xin dùng lối tiếp cận họ với những đàn anh của họ theo Cộng Sản thời điểm 1945-1954, mặc dù hoàn cảnh xã hội chính trị có khác nhau, nhưng cách dấn thân của mỗi bên là điểm then chốt để phân biệt họ ai lý tưởng, ai gian dối. Lấy ba người là ông Phạm Xuân Kỷ, Phạm Bá Trực, ông Võ Thành Trinh. Có muốn lấy thêm cũng khó có hơn. Họ theo từ đầu, theo Cộng sản từ khi trước 1945, lúc tương lai Cộng Sản còn mờ mịt, lúc phải hy sinh tất cả, ngay cả cái mạng sống của mình. Theo thời đó đồng nghĩa với từ bỏ đạo, không phải từ bỏ mà bị loại trừ ra khỏi hàng ngũ người Thiên Chúa Giáo, bị rút phép thông công, theo tinh thần thông tư của Hội Đồng Giám Mục năm 1951. Theo như thế là mất tất cả, được gì thì chưa biết. Phải hiểu cái não trạng người Thiên Chúa Giáo thời đó cho thấy sự chọn lựa của họ là can đảm, là dứt khoát, không có đường về. Đã hẳn từ đó phải có một niềm tin, một lý tưởng, trên cả lý tưởng đạo của họ. Sự dấn thân đó có ý nghĩa trọn vẹn, trong sáng không có điểm nghi ngờ. Sau 1954, ông Kỷ, ông Trinh đều có cơ hội chọn ra đi hay ở lại. Lại thêm một thử thách nữa, vì vẫn có thể xét lại, thay đổi. Từ năm 1954, họ giữ những chức vụ trong quốc hội và trong những tổ chức có cái tên rất dài, rất khó nhớ là “Ủy ban liên lạc toàn quốc những người VN yêu tổ quốc, yêu hòa bình”, viết tắt là “Uỷ Ban Liên Lạc Công Giáo Toàn Quốc”, nhưng không hề có áp đặt, ỷ quyền hành đời uy hiếp Giám mục, Linh mục. Có căng thẳng, có mâu thuẫn, nhưng không có áp đặt. Và dù có muốn cũng không được. Ở địa phận Hà Nội Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê có cái may mắn hơn Tổng Giám mục Bình là quy tụ được một số Linh mục trí thức như Lm Chính Nguyễn Văn Vịnh, Lm Đinh Lưu Nhân, Lm Nguyễn Minh Thông, Phạm Hân Quynh, và Oánh. Họ đều là trí thức du học, có thể là bực thầy của đám tứ nhân bang. Nhưng họ lý tưởng, đạo hạnh, can đảm, hy sinh, tuân phục mặc dầu bị bách hại. Trong số bốn vị trên, Lm Vịnh chết trong tù ở trại Cổng Trời, Lm Thông 27 năm tù, hai lần lên Cổng Trời, được thả ra và chết sau đó vài năm. Lm Quynh, Oánh, đều bị quản thúc trên 20 năm. Cũng vì thế, sau biến cố 30 tháng 4, có sự khác biệt về thái độ giữa hai miền về ngày đó. Chỉ vài ngày sau Tổng Giám mục Bình đã gửi tâm thư vào ngày 05/05/1975, khuyên giáo dân phải hòa mình vào nhịp sống của toàn dân, phải nỗ lực vào việc hòa hợp, hòa giải dân tộc. Trong khi đó, tòa Giám Mục Hà Nội đợi đến hơn ba tháng sau 16/08/1975 mới đẻ được cái thông cáo của tòa Giám mục với những lời khuyên hoàn toàn đạo giáo, không nhắc nhở gì đến biến cố 30 tháng 4 và ký tên lại là người thay mặt Giám mục là Lm Trần Văn Mai. Hai bức thư, hai thái độ, hai cách ứng xử khác nhau. Cái giáo hội thầm lặng đó, với những vị trí thức vừa kể giúp chúng tôi nhìn rõ đám tứ nhân bang hơn, hiểu rõ vai trò của họ hơn. Họ cùng lắm được xếp vào loại trí thức khuynh tả, viết lách trong tờ Công Giáo và Dân Tộc ở Paris từ 1969-1975, hoặc tờ Đứng Dậy, hoặc trong Ủy Ban Thiên Chúa Giáo canh tân hòa giải. Trần Bá Cường, có thu thập được ít tài liệu miền Bắc, dựa vào đó viết ca tụng 25 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc. Đấy phải chăng là cái công đầu hiến dâng đảng. Lúc mà thời thế có vẻ đổi chiều thì có một số trí thức được Cộng sản móc nối để gia nhập một số tổ chức có mục đích khuynh đảo chế độ Sài Gòn. Cái ngọn gió đổi chiều vào những năm cuối cùng của VNCH trước khi sụp đổ, trí thức nhanh tay lẹ chân vơ chụp, tham gia vào các tổ chức trên có gì là lạ. Trong số đó, có một ông làm giáo sư dạy Sử đã tự hào: “Mình phải tham gia từ đầu chứ, để đến 30 tháng 4 thì quá muộn rồi.” Bây giờ thì không phải là quá muộn, mà quá lỡ làng rồi. Vốn liếng họ có vậy. Chừng đó thôi. Có nhiều người trước 1975, chống chính quyền, khuynh tả là cái mốt trí thức, như mốt thời trang vậy thôi. Đầu thì chống, nhưng bụng thì nhận đủ ân huệ của Sài Gòn. Theo như Nguyễn Hữu Tấn Đức, trong Tin Nhà, số 43, 2000, trong bài Prêtres et commissaires, những thành phần quạ đen, cấp tiến như họ được đảng nuôi dưỡng chăm sóc, tận tình “les favoriser matiériellement”, xin tạm dịch là vỗ béo, và cuối cùng les rassembler en une force de progrès étroitement controlés par nous (tập họp họ thành một lực lượng cấp tiến do chúng tôi kiểm soát chặt chẽ - DCV). Vậy bọn họ, chỉ là một thứ công cụ của nhà nước, bọn cung đình, bọn nâng bi nếu viết lách. Họ tự nhận được đảng nuôi dạy. Họ tự phô trương điều đó ra. Vương Đình Bích viết: “Đảng Cộng sản đã gây dựng bốn người chúng tôi làm đầu não mọi hoạt động của đảng trong giới Công Giáo”. Huỳnh Công Minh, khi được chọn làm đại biểu quốc hội đã tuyên xưng, phát thệ: “Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ.” Họ trơ trẽn hơn ba vị đàn anh họ nhiều, họ thiếu phẩm cách, ngay cả dối trá trong mọi trường hợp cần thiết để đẹp lòng nhà nước. Bù lại, họ được quyền hành ngay trên các quyết định của tòa Giám mục trong đường lối, cũng như trong những phát biểu. Họ theo dõi hành vi, thái độ Giám mục đối với nhà nước như một thứ công an chìm. Đó là công việc mà Huỳnh Công Minh đã làm với tư cách Tổng đại diện từ hơn 20 năm nay. Trong bài phỏng vấn Tổng Giám mục Bình của tờ La Vie bên Pháp, có đoạn ghi một vài câu hỏi liên quan đến việc bổ nhiệm Huỳnh Công Minh làm Phó Đại chủng viện Sài Gòn, Tổng Giám mục Bình tiết lộ cho biết việc bổ nhiệm đó đã bị Roma không tán thành. Thêm vai trò đó, Huỳnh Công Minh lại kiểm soát từng thái độ chính trị của chủng sinh và có được truyền chức hay không là tùy quyết định của ông này. Cũng vì vậy, trên 20 năm mà Sài Gòn chỉ có thêm 15 Linh mục, trong tổng số hiện có khoảng 350. Vậy thì cái số 15 đó bù khuyết được gì cho những tu sĩ đã về hưu hoặc chết. Cũng trong bài phỏng vấn, Tổng Giám mục cho biết, ít có liên lạc với cấp chính quyền Cộng sản trực tiếp, nhưng việc đó giao cho một số Linh mục trong Ủy Ban Đoàn Kết . Chừng đó dữ kiện cho thấy giáo phận nằm trong tay mấy người trong tứ nhân bang chi phối, giật dây. Người viết không đặt vấn đề ông Huỳnh Công Minh là người xấu hay người tốt, đạo đức hay không đạo đức. Nhưng việc ông vừa là ủy viên, cán bộ Cộng sản, vừa là Tổng đại diện là một điều khó chấp nhận. Khi thi hành trách nhiệm, ông sẽ rơi vào hoàn cảnh bối rối, hàm hồ, khó có quyết định đúng mức. Đó là mặt lý thuyết, mặt thực tiễn, ông là cánh tay của đảng nối dài, xen vào nội bộ giáo hội để chi phối, để kiểm soát, để bá cáo. Và trớ trêu thay, Sài Gòn, điểm mạnh và biểu tượng của người Thiên Chúa Giáo cả nước như tấm gương lại có hai giáo hội: Giáo Hội của địa phận Sài Gòn và “giáo hội Vườn Soài”. Có lẽ, đòi hỏi cấp thiết nhất hiện nay là yêu cầu nhà nước dẹp cái giáo hội vườn soài đi là vừa. Trước khi bàn về tờ Công Giáo và Dân Tộc về người Tổng biên tập tờ báo, xin nói rõ về chủ trương của Cộng sản. Ngay khi miền Nam sụp đổ, trước khi có chủ trương bắt sĩ quan đi học tập, trước khi đánh tư sản với 5 thành phần kinh tế, Cộng sản đã chủ trương ra lệnh đóng cửa toàn bộ các cơ sở văn hóa, nhà in, tiệm sách, nhà phát hành, đã ra lệnh phải quét sạch toàn bộ các ấn phẩm văn hóa ngụy. Theo Phan Cư Đệ, có 286 bài báo nhằm truy chụp, bôi bẩn, tố cáo các nhà văn, nhà báo miền Nam. Bên cạnh đó cho ra đời những sách báo là công cụ của nhà nước như tờ Sài Gòn Giải Phóng. Sau đó là Công Giáo và Dân Tộc. Đó là những loại báo bao cấp hiểu theo nghĩa nào cũng đúng. Vì vậy, từ bao nhiêu năm nay, Hội Đồng Giám mục VN chỉ xin nhà nước cho xuất bản như một bản tin liên lạc Thiên Chúa Giáo, nhưng vẫn chưa được. Cứ hứa cuội. Năm 1996 hứa cho và để Giám mục Lâm làm Tổng biên tập, nhưng không quên cài cụ Nguyễn Văn Sang làm phó. Cụ Sang làm phó thì đừng ra còn hơn bởi vì cụ nổi tiếng với cuốn sách Bước Đường Hành Hương, 2 tập, dày 710 trang. Xin trích dẫn một vài đoạn của cuốn sách: “Mấy năm gần đây, tôi được mời đi dự các cuộc mít tinh... tôi được vui mầng sung sướng nhìn xem, khiên ngắm các vị lãnh tụ của chúng ta cho thỏa lòng mong ước... Đầu tháng 8, 1979, tôi được cái vinh hạnh to lớn được thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ tiếp... Tôi vui mầng, nôn nóng đợi chờ từng giây từng phút cái vinh dự tốt đẹp đó” (Bước Đường Hành Hương, trg 114-115). Ôi chao, nghe sốt cả ruột. Xin nói rõ thêm là Hồng Y Trịnh Văn Căn cũng có một tập hồi ký xin phép in mà không được phép in.
Trần Bá Cường cũng dựa theo chính sách của đảng yêu cầu địa phận, nhà xứ, nhà in nộp tất cả tài liệu, ấn phẩm tôn giáo. Từ đó, cho người sàng lọc tài liệu nào không quan trọng thì mang bán ký bỏ túi, tài liệu nào xử dụng được hoặc có giá trị lịch sử liên quan đến giáo hội thì cất giữ lập thành thư viện riêng của ông. Một công đôi việc vừa theo đúng chính sách nhà nước, vừa thủ lợi riêng. Riêng Địa phận Sài Gòn cũng như nhà in Tân Định còn tồn trữ nhiều tài liệu quí giá, cổ xưa. Không biết, ông Cường đã chớp (chôm) được tài liệu gì làm của riêng. Ở đây chỉ nêu sự việc mà không dám đi xa hơn nữa, vì không có đủ điều kiện để biết xem ông Cường đã giữ những tài liệu nào của chung giáo hội. Nay thì chỉ có ông biết đích thực đã lấy được tài liệu gì của địa phận làm của riêng. Trong dịp viếng thăm của Hồng Y Roger Etchegaray, chủ tịch ủy ban “giáo hoàng Công Lý và Hoà Bình”, hồi tháng 7, 1989, có đem theo một thông điệp của Đức Giáo Hoàng gửi cho Hồng Y Trịnh Văn Căn và Hội Đồng Giám mục VN. Trong buổi tiếp kiến với chính quyền VN, Hồng Y Căn đã tế nhị trao bức thư đó nhờ chính quyền chuyển lại và sau đó cũng tế nhị không nhắc tới thông điệp này. Báo Công Giáo và Dân Tộc của ông Cường chỉ tóm lại bức thông điệp và cho đăng vào tháng 8, 1989, ông Cường đã nhận được chỉ thị cắt xén những chữ, những từ nào Ban tôn giáo chính phủ gạch dưới đít, xét ra không lợi cho chính quyền. Chẳng hạn bỏ những từ: thử thách, thách đố của giáo hội hay những câu: Từ ngày xảy ra những biến cố trước đây, và những từ đề cao tinh thần giáo dân như: hiên ngang kiên cường, tuyên xưng đức tin, sức sống hùng mạnh của giáo dân; Việc phong thánh tử đạo không thể không nói nên ông chỉ tóm tắt vào một vài ý thôi... Trong vụ việc này, ngôn ngữ của tòa thánh nhắm khía cạnh tác động khuyến khích trên bình diện tôn giáo. Người Cộng sản lại nhìn dưới khía cạnh chính trị, như một khuyến khích người Thiên Chúa Giáo can đảm chịu đựng những thử thách đối với chính quyền. Có tật giật mình. Tâm địa người Cộng sản là độc tài nên bất cứ cái gì cũng làm họ nghi ngại, sợ hãi bóng gió là có âm mưu, chống đối, có vấn đề. Dân sợ họ đã đành. Họ ngược lại cũng sợ dân. Ngay trong tổ chức của họ, cái tương giao cũng không lành mạnh vì nghi kỵ lẫn nhau, rình mò, cân nhắc từng cử chỉ lời ăn tiếng nói của người khác để thấy được kẽ hở. Xét lý luận, nếu Giáo Hoàng có âm mưu gì như xúi dục Thiên Chúa Giáo VN thì cần chi phải gửi một thông điệp công khai như vậy. Vậy mà cũng lò mò, vác kính hiển vi để mổ xẻ phân tích từng chữ, cắt chỗ này chỗ kia. Vụ việc đó cho thấy Vatican nhìn họ một cách thiếu thiện cảm, thiếu tin cậy. Phía chính quyền và nhất là ông Cường thì tự thấy mình có công, có khôn ngoan, che đầu này, đậy đầu kia, lén lén lút lút, cắt chỗ này, bỏ chỗ kia. Đối với ông Cường, gian dối đồng nghĩa với khôn ngoan. Trong một bài phỏng vấn Đức Tổng Giám mục của tờ La Vie bên Pháp, do nhà báo Aimé Savard (biên tập viên) và Jacques Housel (nhiếp ảnh) đã nói ở trên, ông Cường khi dịch sang tiếng Việt, cũng vẫn xử dụng chiêu thức cũ, bôi bỏ, đục, cắt xén những câu trả lời của Giám mục. Một bạn đọc của tờ báo đã thắc mắc là có nhiều đoạn bị cắt bỏ có ba chấm rồi cho vào trong ngoặc đơn. Đoạn đó nói gì và tại sao lại lược bỏ như vậy. Đây là câu trả lời của ông Cường: “Tờ La Vie có đối tượng của nó, Công Giáo và Dân Tộc cũng có đối tượng của mình. Làm báo là phải lựa chọn. Lựa chọn những cái gì thật cần thiết và hữu ích cho đối tượng mình phục vụ.” Phải thêm vào, ngay cả ăn gian nói dối. Cũng chính vì cái lối làm việc kiểu đó, gian dối, bất chấp sự thật mà ông ngồi yên ở cái ghế tổng biên tập mấy chục năm, mà chỉ cần một chút xíu sơ hở là “có vấn đề” ngay. Thử hỏi, cái ghế của ông xây bằng vật liệu gì mà bền vậy. Vào năm 1992, ông Cường nhờ ông Nguyễn Đình Đầu, phó chủ tịch Ủy Ban Đoàn Kết Thiên Chúa Giáo thành phố HCM viết một bài về Tổng Giám mục Bình cho tờ Công Giáo và Dân Tộc, ông Đầu đã viết bài nhân kỷ niệm Tổng Giám mục Bình được 82 tuổi. Trong bài viết của ông Đầu, có nhiều đoạn chỉ trích gián tiếp, hoặc đụng đến ông Cường nên ông này đã tự ý cắt bỏ theo thói quen ông vẫn làm. Ông Cường đã tự ý cắt bỏ một số đoạn mà ông Đầu không được hỏi ý trước. Hai bên đã gấu ó nhau bằng văn thư, trả lời cũng bằng văn thư. Chúng tôi xin ghi rõ một số điểm trong bài viết của ông Nguyễn Đình Đầu đã hẳn không vừa lòng ông chủ báo. Ông Đầu ghi ở một đoạn: “Trước khi Sài Gòn giải phóng, có 3 nhóm nhỏ là Công Giáo và Dân Tộc, tờ Đứng Dậy và Ủy ban canh tân và hòa giải. Hai nhóm sau hợp ý với nhau cùng hoạt động hỗ trợ Đức Tổng. Còn Công Giáo và Dân Tộc muốn đứng ngoài giữ vai trò ‘Tiên tri và phê phán’. Thí dụ khi được tin Hội Đồng Giám mục miền Nam sẽ họp với một ban trừ bị, gồm 12 Linh mục, tu sĩ, giáo dân thì một vị trong Công Giáo và Dân Tộc đã lớn tiếng cật vấn: Ai cho họp. Và đòi coi giấy phép, coi chương trình. Đức Tổng thấy truyện đâm ra lớn liền quyết định giải thể ban trừ bị.” Ông Đầu viết tiếp: Kể ra ban trừ bị được tổ chức như có ý loại trừ nhóm Công Giáo và Dân Tộc (Ban trừ bị gồm có Lm Hồ Văn Vui, Nguyễn Huy Lịch, Chân Tín, Nguyễn Văn Tuyên, nữ tu Mai Thành v.v...) Điều đó một lần nữa cho thấy nhóm tứ nhân bang lộng hành, chuyên quyền, bảo hoàng hơn vua, ép Giám mục dựa trên thế nhà nước. Từ nay cho thấy nội bộ cái Ủy Ban Đoàn Kết đã mất đoàn kết, mà thực sự nó có đoàn kết bao giờ đâu nên mới cần một ủy ban như vậy. Năm 1986, bắt đầu có phong trào đổi mới tư duy, nhiều người muốn Tổng Giám mục Bình lên tiếng về mặt đạo đức có những suy sụp khủng khiếp về mọi mặt. Ông Đầu đã chán nản than: “làm sao Đức Tổng có thể làm được gì trong khuôn khổ, thể chế đó. Vẫn cái Ủy Ban Đoàn Kết bao biện tất cả, làm sao giải quyết được những vấn đề đáng nhẽ không thành vấn đề. Đức Tổng làm gì hơn cho mối quan hệ bình thường giữa Hội Đồng Giám mục với nhà nước, giữa nhà nước VN với tòa thánh La Mã, trong một chuỗi rào cản như vậy.” Qua dẫn chứng trên, cho thấy tâm trạng ông Đầu đã ê chề, chán nản trong vai trò phó chủ tịch Ủy Ban Đoàn Kết , thành phố HCM, và điều đó đã hẳn không vừa ý ông Cường. Kể từ nay, một số trí thức Thiên Chúa Giáo như Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầu v.v... đã cho thấy dấu hiệu hết tin tưởng vào đảng, vào cách mạng. Họ ít ra còn có cái tối thiểu lương thiện trí thức, không quá hèn mạt chạy theo đảng nữa. Và đúng như nhận xét của Tổng Giám mục Bình, bọn họ không quá 5, 6 người. Cũng cái cung cách làm việc gian trá như thế, ban tôn giáo chính phủ và ông có thể ngụy tạo ra một bài phỏng vấn Tổng Giám mục Bình đăng trên Sài Gòn Giải Phóng 29/04/1995 với cái tít rất kêu “Một giáo hội phục vụ luôn luôn được đón nhận”. Một bài phỏng vấn mà ở thời điểm đó, với sức khỏe suy sụp của Tổng Giám mục Bình từ hai năm nay không thể nào có thể thực hiện được. Đồng thời cái văn phong, hay cái cách trả lời không cho thấy có gì là của Tổng Giám mục Bình cả. Dầu vậy, trong một câu trả lời của “Tổng Giám mục Bình giả” có một câu rất thấm thía như sau: Sau 20 năm hoạt động dưới chế độ Cộng sản cụ còn sợ Cộng sản nữa không. Trả lời: Vẫn còn sợ. Có lẽ, trong tất cả những thư chung, thông cáo, trả lời phỏng vấn, đây là câu trả lời hay nhất của Tổng Giám mục Bình giả. Chỉ vài tháng sau Tổng Giám mục Bình chết, một lần nữa, họ muốn lợi dụng ông một lần chót. Một lần nữa thôi, Tổng Giám mục. Cái việc chờ xem thì nay đã đến. Ông Vương Đình Bích đã gửi văn thư hạch hỏi, tố giác ông Phan Khắc Từ về những lem nhem tiền bạc, về tổ chức, về chuyên một vợ hai con của ông. Cháy nhà mới ra mặt chuột. Tiền bạc vốn tài trợ ngoại quốc ngót nghét 150 ngàn Mỹ kim. Vốn vay để thêm thu nhập cho tờ Công Giáo và Dân Tộc như xí nghiệp làm bút bi, quạt trần, đỡ đầu cho công ty Tinh Hoa vay vốn 2 tỷ để lập nhà máy may mà trồng 33 mẫu cao su, rồi đầu tư với công ty Singapore, đầu tư khách sạn Đại Kết, trường ngoại ngữ Nguyễn Trường Tộ, trường dạy nghề may và vi tính Bạch Đằng v.v... Tất cả những cơ sở làm ăn trên đều thuộc quyền quản lý hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp do ông Từ đảm trách. Tên ông là Từ mà ông chẳng từ một thứ gì: tiền bạc, quyền lực, đàn bà, cái nào ông cũng xơi tuốt. Chẳng bù cho số phận ông Thọ... cũng xuất thân từ Vườn Soài. Số Thọ mà cái gì cũng xúi quẩy cả, sống lận đận, lao đao. Lỗ lã ra sao, người ngoài ai nắm được. Đấy là cái lối làm ăn của XHCN mà bên này không hiểu được, vì nó thiếu pháp lý, thiếu minh bạch, thiếu quản lý chặt chẽ. Ông Từ đã trả lời bằng một bản kết toán vắn gọn của tất cả những cơ sở kinh tế nêu trên mà một người bình thường đọc sẽ không hiểu biết thêm được gì. Chuyện một vợ hai con thì ông lờ đi, không đả động tới. Thật trớ trêu, chúng ta đang sống trong một xã hội mà từ trên xuống dưới là gian trá, là lừa lọc, mục rữa, là hủ hóa mà một người lương thiện không có cơ may nào để sống làm người. Nhìn chung quanh, nhìn ra ngoài, nhìn vào chính bản thân, chỗ nào cũng vấy bẩn sự gian dối, lọc lừa. Cái gian dối đã nhiễm vào người, vào máu đến độ có lọc máu cũng vô ích, có thay đổi nhân sự cũng bằng thừa. Chỉ còn một cách duy nhất: Dẹp chế độ. Nói cho cùng, bọn họ bốn người với vai trò mà họ đóng đương nhiên biến họ thành những kẻ gian dối, lừa lọc chính họ, giáo hội và người Thiên Chúa Giáo. Thử nghĩ coi, đời họ, mang nhãn hiệu Thiên Chúa Giáo, họ đã làm gì cho giáo hội, hay phá giáo hội. Từ gần 50 năm nay, cái chiêu bài ủy ban đoàn kết Thiên Chúa Giáo yêu nước đã bao giờ thực hiện được đoàn kết chưa. Các tờ báo Người Công Giáo VN ở ngoài Bắc và tờ Công Giáo và Dân Tộc trong Nam đã giúp gì vào sự cải thiện mối tương quan nhà nước hay chính phủ. Hay nó chỉ gây chán nản, mất tin tưởng, nghi kỵ nhà nước. Vụ phong thánh tử đạo, vụ Lm Huỳnh Văn Nghi thêm những bằng cớ là Cộng sản nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Giải quyết vấn đề thì lại đẻ ra vấn đề, có vấn đề ngay ở chỗ không có vấn đề từ đó gây căng thẳng thường trực với Thiên Chúa Giáo. Người Thiên Chúa Giáo nhìn vấn đề phong thánh trong viễn tượng một giáo hội trưởng thành, can đảm, hãnh diện có các người con lý tưởng hy sinh cho đạo. Họ, cộng sản, nhìn việc phong thánh ở góc cạnh xã hội, chính trị, từ đó có thể gây xáo trộn, mất đoàn kết. Việc phong thánh không thể không làm cho giáo dân so sánh giáo hội hiện tại đang bị kềm kẹp, hạn chế như một hình thức mới của tử đạo. Tờ Công Giáo và Dân Tộc, theo lệnh đảng của họ mở chiến chống báng nhằm ngăn cản việc phong thánh. Việc bổ nhiệm Giám mục từ 1975 đến giờ, từ vụ Tổng Giám mục Thuận, Lm Nghi, Lm Hòa mới đây, tòa thánh đã gửi hết phái đoàn này đến phái đoàn kia, ít lắm 6 lần mà đã giải quyết được những gì. Nói cho rốt ráo, cho cùng lý, nếu chính phủ muốn tạo được tin tưởng của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo và người Thiên Chúa Giáo thì trước hết họ nên dẹp các Ủy ban đoàn kết và các tờ báo như Công Giáo và Dân Tộc. Còn nếu họ vẫn dùng các tổ chức này như công cụ để tuyên truyền, để theo dõi, để áp lực, để làm tắt mọi tiếng nói nguyện vọng Thiên Chúa Giáo thì họ cứ để như vậy. Thực tình mà nói, họ chủ trương để như vậy, tiếp tục nuôi dưỡng chúng vì nếu không cả cái tổ chức, cơ cấu còn có lý do gì tồn tại nữa. Hay nói như bà Nguyễn Thị Oanh, trong số báo Cánh Én, tháng 11, 1999: “Đất nước của sự lừa dối”. Bài báo nêu trường hợp gia đình ông Trần Văn Bô đã đóng góp 5147 lạng vàng, và kêu gọi bà con đóng góp hơn 4 triệu đồng cho kháng chiến và lại cho mượn căn nhà số 34, đường Hoàng Diệu Hà Nội ngay khi mới tiếp thu Hà Nội, năm 1954. Sau đó, ông Trịnh Văn Bố đã xin lại căn nhà, nay thì ông Bô đã chết vẫn chưa đòi được. Vợ ông, bà Hoàng Thị Minh Hồ tiếp tục đòi. Các cấp lãnh đạo từ Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đến Lê Đức Thọ, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Võ Chí Công, Lê Quang Đạo, Phạm Thế Duyệt cho đến nay Phan Văn Khải, Lê Xuân Tùng đều nhất trí trả. Ông Kiệt ký giấy trả, rồi sau đó cũng chính ông Kiệt ký giấy đình chỉ trả. Bà Oanh kết luận: “Ôi đất nước với những kẻ lãnh đạo chuyên nghề lừa dối.” Đối với các tổ chức trên, tờ báo trên, không còn gì để nói với họ hơn là: Các ông, một bọn mà cả cuộc đời là một gian dối. Tên các ông là Gian Trá...
|