Home Tin Tức Bình Luận Chuyện đến đã đến

Chuyện đến đã đến PDF Print E-mail
Tác Giả: Lữ Giang   
Thứ Năm, 01 Tháng 10 Năm 2009 19:42

Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 23.9.2009 về sự phá phách tu viện Bát Nhã Làng Mai ở Lâm Đồng, Thượng Tọa Pháp Cao cho biết

ba ngày trước đó một số thanh niên vào tu viện Bát Nhã giật bỏ và thu hết quần áo của quý sư cô rồi đem vứt dưới suối. Mới đây nhất công an đến kiểm tra hộ khẩu, thu chứng minh thư của mấy thầy và mời các thầy lên xã làm việc. Buổi tối có một số thanh niên đến rải truyền đơn trong tu viện. Nội dung truyền đơn nói rằng Làng Mai phải cút khỏi Bát Nhã nếu không thì sẽ gặp khó khăn tiếp.
Thượng Tọa cho biết thêm: “Từ tháng sáu đến giờ tu viện vẫn chưa có nước và chưa có điện. Chúng tôi sống như một dân quê rất bình thường. Dùng nước mưa và nước suối. Đêm đến chúng tôi dùng nến. Hiện tại các phật tử họ cũng cúng đường và tiếp thiết thức ăn cho nên sự tồn tại nó cũng được duy trì một phần nào đó.”
Được hỏi về thái độ và hướng đi sắp tới của tăng thân tại tu viện Bát Nhã sẽ như thế nào, Thượng Tọa Pháp Cao trả lời: “Hiện tại hướng đi của tăng thân là bất bạo động... các tăng thân vẫn tiếp tục tu hành, sẽ không đi đâu hết. Mình không có chỗ mà đi.”
Không ai tin rằng với phương pháp “bất bạo động” nói trên, các thân tăng Làng Mai có thể “trụ” được. Quả đúng như vậy. Theo tin của BBC, sáng 27.9.2009, một nhóm đông đảo dân đã xông vào 'tập kích' khu Rừng Phương Bối của các thầy, và khu Mây Đầu Núi của các sư cô. Họ vào đập phá và lôi hết mọi người ra. Họ quăng quần áo của các sư cô xuống sân. Các sư cô phải đứng giữa mưa từ trưa đến tối, lạnh run và đói.
Buổi chiều, họ đem một chiếc xe 50 chỗ đến đậu ở chùa, bắt các thầy và sư cô lên xe, nhưng các thầy và sư côï không chịu. Sau đó họ dẫn thầy Pháp Sỹ bắt lên xe taxi. Các sư cô vây quanh bảo vệ thầy Pháp Hội nhưng họ đánh ghê quá nên phải dạt ra, và thầy cũng bị bắt đi luôn.


 Theo RFI, các nhân chứng tại hiện trường cho biết công an và «côn đồ» tập trung lực lượng lúc 9 giờ 30 sáng và hẹn cho các tăng thân, khoảng 400 người, phải rời tu viện chậm lắm là trong hai ngày. Các ngõ vào tu viện đều bị chặn lại. Khi các toán côn đồ tấn công, đập phá thì công an đi theo, tìm bắt hai thày Pháp Hội và Pháp Sĩ.
NHÌN LẠI VẤN ĐỀ
Trong bài “Một cuộc đấu trí” phổ biến ngày 7.7.2009 chúng tôi đã tường thuật khá đầy đủ diễn tiến của cuộc tranh chấp chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng và nguyên nhân đưa tới vụ tranh chấp này. Ngày 22.9.2009, chúng tôi có nhận được bài “Vấn đề Nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã” của Thượng Tọa Thích Viên Định ở trong nước nhận định về cuộc tranh chấp nói trên. Thượng Tọa Thích Viên Định hiện là Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN của Hòa Thượng Quảng Độ. Trước khi trình bày quan điểm của Thượng Tọa Thích Viên Định, chúng tôi xin tóm lược lại nội vụ để độc giả dễ theo dõi hơn.
Giải thích về vụ tu viện Làng Mai Bát Nhã bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp, các thân tăng Làng Mai ở Pháp đã nêu ra hai lý do chính sau đây:
Lý do thứ nhất: Kể từ khi không còn được cung cấp thêm tiền bạc nữa, Thượng Tọa Đức Nghi bắt đầu trở mặt.
Lý do thứ hai: “Sư Ông Nhất Hạnh từng phát biểu trên một đài truyền hình Ý về vấn đề Tây Tạng. Nhóm thủ cựu Việt Nam sợ Trung Quốc, lời phát biểu của Sư ông làm cho Trung Quốc giận.” (Luận điệu của Sư Cô Chân Không).
Không ai tin hai lý do trên đã đưa đến quyết định đàn áp các thân tăng Làng Mai Bát Nhã.
Để chuẩn bị cho việc xử dụng lá bài Thiền Sư Nhất Hạnh trong việc xoá bỏ GHPGVNTN ở trong nước, từ 1998, nhà cầm quyền đã cho Thượng tọa Đức Nghi, ở chùa Bát Nhã, Lâm Đồng, và sau đó là Sư Cô Thích Đàm Lan ở chùa Bồ Đề, Hà Nội, qua Làng Mai ở Pháp “thọ giáo” Thiền sư Nhất Hạnh về “Pháp Môn Tiếp Hiện”, thường được gọi là “Pháp Môn Làng Mai”, và mời Đoàn Thiền Sư Nhất Hạnh và Sư Cô Chân Không về thăm Việt Nam.
Thượng Tọa Đức Nghi hứa sẽ khôi phục lại trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội do Thiền sư Nhất Hạnh lập năm 1964 và dâng tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng cho Thiền Sư Nhất Hạnh. Tu viện này đã được đổi tên thành tu viện Làng Mai Bát Nhã.
Tưởng “trúng mối”, tăng thân Làng Mai kêu gọi Phật tử trong và ngoài nước giúp đỡ 2 tỉ 800 triệu để Thầy Đức Nghi đứng tên mua 8 mẫu đất nhằm mở rộng cơ sở Làng Mai Bát Nhã, cấp cho Thầy Đức Nghi 12 tỷ 509 triệu để xây dựng tăng xá, ni xá và các loại thiền đường, và 90 ngàn Mỹ kim để xây dựng nhà dưỡng lão trên khuôn viên tu viện Bát Nhã, v.v.
Đầu năm 2005, Thiền Sư Nhất Hạnh và Sư Cô Chân Không đã dẫn một đoàn gồm 100 người về Việt Nam với sứ mạng kết hợp GHPGVNTN lại với Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước. Bản tin ngày 11.1.2005 của hãng thông tấn AFP cho biết trước khi lên đường đến Việt Nam, tại phi trường Charles De Gaulle ở Paris, Sư Cô Chân Không đã tuyên bố:
“Nhà sư (tức Sư Ông Thích Nhất Hạnh) không là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là Giáo hội đang bị chính quyền cấm không cho hoạt động từ năm 1981, vì Giáo hội này từ khước sự kiểm soát và điều khiển của Đảng Cộng sản. Hơn một năm trước đây, Công an Việt Nam đã mở cuộc đàn áp sâu rộng Giáo hội này, hàng giáo phẩm bị bắt quản chế và hàng trăm ngôi chùa bị phong tỏa.”
Khi được hỏi vì sao một số phong trào tôn giáo bị cấm hoạt động tại Việt Nam (trong đó có GHPGVNTN), Sư Cô Chân Không trả lời:
“Vì một số các Giáo hội này tàng trữ những lá cờ của chế độ cũ (sic). Còn chúng tôi, thì chúng tôi chẳng có một tham vọng chính trị nào cả”.
Báo Nhân Dân ở Hà Nội phát hành ngày 13.1.2005 cho biết Sư Ông Nhất Hạnh tuyên bố Ông đã từng đấu tranh với những thái độ căng thẳng của chính quyền một số nước phương Tây về “vấn đề tôn giáo ở Việt Nam”. Ông kể, ông đã từng nói với một số quan chức Hoa Kỳ: “Người Việt Nam muốn được giải phóng khỏi cái mà người Mỹ gọi là sự giải phóng cho người Việt Nam”.
Nhưng chuyến đi này của Sư Ông Nhất Hạnh và Sư Cô Chân Không đã thất bại vì không được Hoà Thượng Quảng Độ tiếp. Ông liền ra Huế thuyết phục được các Tăng sĩ và Phật tử của hai giáo hội ở Huế cùng “bồ tát” chung, với hy vọng sẽ dần dần tiến tới sát nhập. Tuy nhiên, khi ông đi rồi, mỗi bên ai về nhà nấy.
Thất bại trong lần thứ nhất. Thiền sư Nhất Hạnh đã trở lại Việt Nam đầu năm 2007 dưới hình thức “Trai Đoàn Giải Oan” với hy vọng rằng dưới danh nghĩa “cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh...”, các Tăng sĩ và Phật tử thuộc hai giáo hội sẽ cùng đến và ông sẽ CỘT cả hai bên lại với nhau. Nhưng phe GHPGVNTN cũng không đến.
Thấy Thiền Sư Nhất Hạnh không hoàn thành được “sứ mạng” giao phó, ngày 29.10.2008, ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã công bố văn thư số 1329/TGCP-PG lên án các hoạt động của các tăng thân Làng Mai.
Ngày 13.11.2008, công an xã Đambri, Lâm Đồng, đã áp dụng biện pháp cưởng hành để trục xuất 400 đệ tử xuất gia và tăng sinh tu học theo Pháp Môn Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã. Cuộc giằng co giữa đôi bên bắt đầu từ đó.
NHẬN ĐỊNH CỦA TT. VIÊN ĐỊNH
Dưới đây là bài nhận định dưới đề tựa “Vấn đề Nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã” của Thượng Tọa Thích Viên Định, Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo GHPGVNTN (Những tiểu mục là do chúng tôi thêm vào cho dễ đọc).
Mở đầu, Thượng Tọa viết:
“Tin Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đòi trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã, Lâm Đồng sau Đại lễ Vesak 2008 làm cho mọi người, ai cũng hồi hộp, lo lắng, đau xót, cảm thương. Và đúng như vậy, sự thật đau buồn đã xảy ra, tất cả gần 400 Tăng, Ni bị Nhà cầm quyền ra lệnh trục xuất ra khỏi chùa Bát Nhã, Lâm Đồng, hạn chót là ngày 2.9.2009. Bước đầu cuộc đàn áp là điện, nước bị cúp, phòng xá bị phá, tạo áp lực nặng nề, làm cho mọi sinh hoạt của chư Tăng, Ni trở nên vô cùng khó khăn...”
1.- Đặt vấn đề tại sao không lên tiếng
Tiếp đến, Thượng Tọa đặt câu hỏi tại sao GHPGVNTN không lên tiếng can thiệp và Thượng Tọa cũng đã tìm câu trả lời: “Cùng lúc với chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng, nhiều cơ sở của các tôn giáo khác cũng bị đàn áp làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Vì những việc này, các thành viên trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cũng được dư luận chiếu cố nhiều. Thư hỏi cũng có, điện thoại phỏng vấn cũng có, đến gặp trực tiếp cũng có, tất cả đều có chung thắc mắc rằng tại sao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất không lên tiếng can thiệp? Có người còn trách rằng, cứ ai lo phần nấy, các tôn giáo không đoàn kết, nên cộng sản dễ đàn áp là phải!
“Những thắc mắc, trách cứ này cũng đúng. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt cần phải lắng nghe, tìm hiểu, chờ đợi tiếng nói chính thức từ tổ chức, giáo phái bị đàn áp. Ngay cả các nhà lãnh đạo các giáo phái bị bức hại, đôi khi cũng quá dè dặt, không chịu lên tiếng phản kháng. Không văn thư, không lên tiếng phản kháng, thì căn cứ vào đâu để mọi người chung quanh biết đường hỗ trợ?”
2.- Không phải là thành viên của GHPGVNTN
Thượng Tọa Viên Định giải thích rõ hơn:
“Lại nữa, vị thế của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) rất đặc biệt nhạy cảm, dễ bị Nhà cầm quyền cộng sản nghi ngờ, kết tội, không phải ai cũng dám liên hệ. Ngay cả Thiền sư Nhất Hạnh, người đã có quốc tịch nước ngoài, khi về nước, năm 2005, cũng không bao giờ dùng danh xưng GHPGVNTN cùng chức vụ chính thức khi ngài cần tiếp xúc với Đức Tăng Thống, Đại Lão Hoà thượng Thích Huyền Quang và Hoà thượng Viện trưởng Viện Hoá Đạo, Thích Quảng Độ, ngài chỉ xưng hô đơn thuần là Hoà thượng Thích Huyền Quang, Hoà thượng Thích Quảng Độ, như tên những người bình thường, không chức vị gì trong Giáo Hội, trong khi đối với các vị ở Giáo Hội khác thì Ngài cẩn thận ghi đầy đủ chức vị rõ ràng. (xin xem, “Trả lời thư Thiền sư Nhất Hạnh” của Thượng tọa Thích Viên Định, Thông cáo báo chí của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế phát hành ngày 22.1.2005, tại Trang nhà Quê Mẹ, Paris: http://www.queme. net).
“Về vấn đề Dân oan đòi nhà, đòi đất, nói chung, của toàn dân, không phân biệt tổ chức, tôn giáo, đảng phái nào, GHPGVNTN đều đã lên tiếng, ủng hộ từ lâu.
“Chuyện Bát Nhã, Lâm Đồng như trên đã nói, là vấn đề xảy ra có vẻ rắc rối, tế nhị. Vừa có vẻ là chuyện nội bộ của chư Tăng tu theo pháp môn Làng Mai với Thượng toạ Đức Nghi, Trú trì chùa Bát Nhã, vừa có vẻ là chuyện xích mích nội bộ trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với Thiền sư Nhất Hạnh, lại cũng có vẻ là chuyện xính mích nội bộ của Nhà cầm quyền cộng sản về Thiền sư Nhất Hạnh. Thiền sư Nhất Hạnh là khách của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, về hợp tác với Giáo Hội và Nhà cầm quyền Cộng sản. Trong vụ này, chưa hề thấy thiền sư Nhất Hạnh trực tiếp lên tiếng như thế nào. Sự việc chưa rõ ràng nên không biết căn cứ vào đâu để hỗ trợ. Nhưng, việc Nhà cầm quyền cộng sản trấn áp chư Tăng Chùa Bát Nhã bằng cách cúp điện, cúp nước, ném đá, ném phân, ngăn chặn đường, không cho người vào tiếp tế lương thực, là một hành động đàn áp tôn giáo quá rõ ràng. Việc đàn áp kéo dài, xảy ra ngay bên cạnh. Nạn nhân lại là đồng bào, đồng đạo, ai thấy mà không tức giận, đau lòng.”
3.- Đã được cảnh cáo nhưng cứ làm
Thượng Tọa Viên Định cho biết Thiền Sư Nhất Hạnh đã được cảnh cáo rồi nhưng cứ làm:
“Không phải quí Hoà thượng trong GHPGVNTN không lên tiếng. Thực ra, quí ngài đã lên tiếng từ lâu rồi. Năm 1998, nghe tin Thiền sư Nhất Hạnh dự định về Việt Nam hợp tác với Nhà cầm quyền cộng sản, Hoà thượng Thích Quảng Độ đã viết thư đề nghị Thiền sư Nhất Hạnh, bằng những lời nhẹ nhàng, tế nhị, đại ý: “Việt Nam chưa có tự do, dân chủ, nhân quyền, đừng về hợp tác, buôn bán, làm ăn, coi chừng sập tiệm, sẽ mất cả chì lẫn chài!”
“Bất chấp lời khuyên của Hoà thượng Thích Quảng Độ, năm 2005, Thiền sư Nhất Hạnh về Việt Nam, kéo theo đoàn tuỳ tùng đông đảo lên đến 100 người. Chuyện đã lỡ, nhưng còn nước còn tát, Thượng toạ Thích Viên Định cố gắng viết một tâm thư, “Trả lời thư Thiền sư Nhất Hạnh”, phân tích lợi hại chuyến về Việt Nam không được khế thời, và tường trình cặn kẻ cho Thiền sư Nhất Hạnh biết, nhân dân Việt Nam đang bị khốn khổ vì nạn độc tài, độc đảng, nhân quyền, tôn giáo bị đàn áp rất nặng nề. Hy vọng qua thư đó, thấy rõ sự đau khổ của đồng bào Việt Nam, bị kiềm kẹp trong ách độc tài, Thiền sư sẽ đi theo con đường của GHPGVNTN, hợp cùng với các thân hào nhân sĩ và 85 triệu đồng bào, vận động cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.
“Trong tâm thư “Trả lời Thiền sư Nhất Hạnh” có đoạn nói rõ rằng: “Ngài đã ở nước ngoài lâu rồi, coi như khách, lại về Việt nam chỉ có ba tháng, nên cách đối xử cũng khác, chánh phủ tiếp Ngài như tiếp phái đoàn quốc tế tham quan vậy thôi. Nếu Ngài về ở ba năm thì vấn đề lại khác, chưa chắc được như vậy”. Thật vậy, năm 2005, phái đoàn Thiền sư Nhất Hạnh từ Pháp về, được tiếp đón trọng thể như thượng khách. Nhưng 3 năm sau, cuối năm 2008, Nhà cầm quyền cộng sản bắt đầu trở quẻ, và nay, 2009, chính thức hạ lệnh trục xuất tăng thân của Thiền sư.
4.- Thiền sư Nhất Hạnh không chính thức phản đối
Thượng Tọa Viên Định nêu vấn đề tại sao người đứng đầu Pháp Môn Làng Mai là Thiền Sư Nhất Hạnh và các chư Tăng thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt (Giáo Hội Nhà Nước) lại không chính thức lên tiếng khi biến cố Làng Mai Bát Nhã xẩy ra:
“Cho đến nay, chưa thấy Thiền sư Nhất Hạnh có phản ứng chính thức với Nhà cầm quyền, mặc dù những năm gần đây, Ngài đã có sự liên hệ thân mật với Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Có lẽ, vì vướng víu chuyện gì đó, nên Ngài còn tránh né, không tiện lên tiếng với Nhà cầm quyền cộng sản chăng?
“Gần đây, tháng 8.2009, trong bài tường trình của một Tăng sinh ở chùa Bát Nhã, có lồng vào bức thư riêng của Thiền sư Nhất Hạnh gửi Thượng toạ Đức Nghi, nội dung có tính cách thầy trò, Ngài chỉ nói chuyện phải trái, chuyện nội bộ với Thượng toạ Đức Nghi, tuyệt không có lời nào đề cập đến việc đàn áp, trục xuất của Nhà cầm quyền cộng sản đối với Tăng, Ni chùa Bát Nhã.
“Thiền sư Nhất Hạnh quên rằng, thầy Đức Nghi mặc dù là đệ tử cầu pháp của Ngài, nhưng cũng là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với chức vụ Phó Ban Trị sự Giáo Hội tỉnh Lâm Đồng, mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của Đảng cộng sản Việt Nam. Vậy, Thượng toạ Đúc Nghi vừa là đệ tử của Thiền sư Nhất Hạnh, vừa là cán bộ ngoại vi của Đảng cộng sản, chịu ân huệ của cả hai bên, bên trung bên hiếu, không biết phải chọn bên nào. Tội nghiệp cho Thầy Đức Nghi, mặc dù là trú trì, nhưng hoàn cảnh trên đe dưới búa, không thể tự chủ thì giải quyết được việc gì. Thiền sư Nhất Hạnh không trực tiếp nói chuyện với Nhà cầm quyền cộng sản, lại đi nói chuyện phải quấy với Thượng toạ Đức Nghi. Lâm vào thế khó xử, nhiều lúc Thầy Đức Nghi phải tìm cách lánh mặt khỏi chùa Bát Nhã.
“Vì, rõ ràng, qua những văn kiện của Ban Trị Sự tỉnh Lâm Đồng, của Hội Đồng Trị Sự Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nhất là những Văn thư của Bộ Nội Vụ, Ban tôn giáo về vụ chùa Bát Nhã, xem ra vấn đề còn nhiều nguyên nhân sâu xa, không phải là chuyện nội bộ của chư Tăng chùa Bát Nhã, nên Thượng toạ Đức Nghi không thể nào giải quyết được.
“Việc các nhóm du đảng, xã hội đen, dùng bạo lực ném đá, ném phân lên người, lên xe của chư Tôn đức trong Ban Trị sự Giáo Hội tỉnh Lâm Đồng thuộc nhà nước, khi đến thăm chùa Bát Nhã, trước sự chứng kiến của công an, có vị bị thương rất nặng, phải vào nằm bệnh viện, nhưng lạ một điều, mặc dù rất đau đớn, tức giận, không thấy vị Hoà thượng, Thượng toạ nào lên tiếng phản đối hành động man dã, có sự bao che của Nhà cầm quyền.
“Có lẽ chư Tăng thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt nam quen chịu nhẫn nhục, hoặc vì một lý do nào khác, không thể nói được? Câu Cảnh Sách: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”(1) bỏ đâu mất rồi? Con em, đồng đạo trong vòng tay của mình mà mình còn không dám cứu thì hy vọng gì việc cứu giúp cho ai?
“Vậy là, từ Thiền sư Nhất Hạnh đến các đệ tử của Ngài, các Hoà thượng bị đánh trọng thương, bị ném phân đầy mình, trong Ban Trị Sự Giáo Hội tỉnh Lâm Đồng đều im lặng, không ai lên tiếng phản kháng Nhà cầm quyền cộng sản trong vụ đàn áp, trục xuất chư Tăng chùa Bát Nhã, Lâm Đồng. Tất cả đều im lặng, một sự im lặng khó hiểu.
“Sự im lặng đó có thể là kết quả của việc thu phục để sử dụng của cộng sản theo phương châm của Lê-nin: “Đảng phải thông qua tôn giáo để khống chế quần chúng”, nghĩa là, cho các Tôn giáo tổ chức tu học, nhưng không được chống đối, phải biết im lặng, phục tùng, tuyên truyền cho chế độ.
“Có lẽ, chuyện hục hặc xảy ra ở chùa Bát Nhã, Lâm Đồng chỉ là một tai nạn bất ngờ, tai bay vạ gió, không ai mong muốn, trong sự hợp tác giữa Nhà cầm quyền cộng sản với Thiền sư Nhất Hạnh. Nhà cầm quyền cộng sản muốn thu phục chư Tăng chùa Bát Nhã, Lâm Đồng để sử dụng, giống như tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc.
“Tình trạng Tăng, Ni chùa Bát Nhã hiện nay như rắn mất đầu, rất dễ thu phục. Vậy là Nhà cầm quyền cộng sản đã đạt được mục đích rồi, và có thể đã làm hài lòng thượng cấp. Đó cũng là câu trả lời cho Thiền sư Nhất Hạnh và những ai mơ mộng hợp tác với Nhà cầm quyền độc tài, vô thần, cộng sản để làm văn hoá, làm giáo dục, làm từ thiện, thấy được cái kết cuộc sẽ như thế nào. Chặt rễ, chặt gốc, từ từ cây sẽ chết, chết đứng, không cần xô ngã, khỏi mang tiếng. Nếu không khéo che mắt thiên hạ như thế, thì tại sao ông Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, Michael Machalak, lại ca ngợi nhà nước Cộng sản Việt Nam “đã có tiến bộ về quyền tự do tôn giáo”, trong khi, sự thật các tôn giáo vẫn cứ bị đàn áp triền miên?
“Vừa qua, thấy bài trả lời phỏng vấn của sư cô Chân Không trên một tờ báo nước ngoài, cô nói về những cái kẹt của thiền sư: “Cái kẹt thứ hai là của mấy người ở Trung ương bị Trung Quốc ức hiếp. Sư Ông Nhất Hạnh từng phát biểu trên một đài truyền hình Ý về vấn đề Tây Tạng. Nhóm thủ cựu Việt Nam sợ Trung Quốc, lời phát biểu của Sư ông làm cho Trung Quốc giận.” Qua đó, lộ ra một phần những nguyên nhân sâu xa làm xảy ra việc đàn áp, trục xuất chư Tăng, Ni tu theo pháp môn Làng Mai của Thiền sư Nhất Hạnh, ở chùa Bát Nhã, Lâm Đồng. Đó là một chi tiết không mới lạ, nếu có dịp sẽ tìm hiểu thêm.”
Thích Viên Định
Ghi chú: (1) Câu này trích từ bài văn Cảnh sách của Ngài Quy Sơn (Quy Sơn cảnh sách văn) tức một trong năm phần phù trì luật Sa di (gồm có Kinh Di giáo, Bát đại nhân giác, các văn Khuyến phát bồ đề tâm, Cảnh sách văn, và Tỳ ni nhật dụng thiết yếu), có nghĩa: “Người xuất gia là cất bước thì muốn vượt tới phương trời cao rộng, tâm tính và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối rạng rỡ giòng giống của Phật, làm cho quân đội của ma cũng phải rúng động khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi”. PTTPGQT chú.
CHỈ LÀ CON BÀI GIAI ĐOẠN
Trong ván bài xì phé “Làng Mai Bát Nhã”, nhà cầm quyền CSVN và Thiền Sư Nhất Hạnh mỗi người nhìn về một hướng. Nhà cầm quyền muốn mượn bàn tay Thiền Sư Nhất Hạnh để xóa sổ GHPGVNTN, còn Thiền Sư Nhất Hạnh muốn mượn bàn tay nhà cầm quyền để phát triển “Pháp Môn Làng Mai” như một vết dầu loang, chiếm dần “thị trường Phật Giáo” ở trong nước. Nhưng Thiền Sư Nhất Hạnh đã thua trí nhà cầm quyền CSVN.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy cả GHPGVNTN lẫn Thiền Sư Nhất Hạnh đã bị Việt Cộng coi như một lá bài chính trị, chỉ được xử dụng trong một giai đoạn rồi loại bỏ:
(1) Trước năm 1975, sau khi bị Quân Lực VNCH đánh bại, GHPGVNTN đi theo MTGPMN và khi Việt Cộng mới chiếm xong miền Nam, Giáo Hội này tưởng mình “có công với Cách Mạng” đã tổ chức “Mừng Giải Phóng” và “Sinh Nhật Bác Hồ”, nhưng ngay sau đó GHPGVNTN đã bị liệt vào loại “Phật giáo phản động” phải bị tiêu diệt.
(2) Biết Thiền Sư Nhất Hạnh có tham vọng đưa “Pháp Môn Làng Mai” về xâm nhập ở Việt Nam, nhà cầm quyền CSVN đã giả vờ cho ông truyền bá pháp môn này với điều kiện ông phải thuyết phục được GHPGVNTN chịu sát nhập vào Giáo Hội Nhà Nước. Ông đã thất bại, nên nhà cầm quyền đã trục xuất pháp môn của ông.
Trong cuộc nói chuyện trên đài truyền hình VAN (18.7) ở Orange County vào đầu tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã khẳng định rằng dù Thiền Sư Nhất Hạnh thất bại hay thành công trong “sứ mạng” được giao phó, pháp môn của ông cũng sẽ bị trục xuất, vì ông cũng chỉ được xử dụng như một con bài giai đoạn, hết xài là bỏ.
Đây là bài học cho những ai đang mưu toan tìm kiếm tài trợ của Tòa Đại Sứ, Bộ Thông Tin và Tuyên Truyền, và Ban Tư Tưởng Văn Hoá Trung Ương Đảng, để cơ quan truyền thông của họ có thể “sống còn” ở hải ngoại.
(Ngày 28.9.2009)