Home Tin Tức Bình Luận Reuters nêu các rủi ro chính trị VN

Reuters nêu các rủi ro chính trị VN PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Chúa Nhật, 11 Tháng 10 Năm 2009 20:17

Hãng tin Reuters vừa ra nhận định Việt Nam dù đã tạm qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng vẫn là nước có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

 

Đánh giá “Năm rủi ro chính trị cần phải theo dõi kỹ ở Việt Nam” bài của Andrew Marschall và John Ruwitch hôm 8/10/2009 nêu tham nhũng là vấn đề số một.

Các vấn đề tiếp theo gồm tính thiếu hiệu năng của bộ máy chính quyền; tỷ giá hối đoái; bất ổn xã hội và môi trường.

Theo Transparency International, Việt Nam đứng thứ 121 trên 180 quốc gia về tham nhũng.

Reuters nhận xét tuy chính phủ nhận thức được mức nghiêm trọng của nạn tham nhũng nhưng trên thực tế, các kế hoạch phòng chống đưa ra thực hiện đều "hụt hơi"; một số nhà báo bị bắt vì đưa tin về các vụ tham nhũng lớn.

Việt Nam coi việc chống tham nhũng là quốc sách, là sự nghiệp quan trọng liên quan đến sự sống còn của chế độ.
Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền
Điểm yếu kém thứ nhì là hiệu năng của bộ máy, bởi “Ngoài tham nhũng, việc thiếu minh bạch và tính chịu trách nhiệm của quan chức cùng gánh nặng quan liêu đang ảnh hưởng tới năng lực hoạch định và áp dụng chính sách của chính phủ”.

Ngoài ra, vấn đề tỷ giá hối đoái cứng nhắc đang bị coi là tạo áp lực tăng dần đối với nền kinh tế.

Ảnh hưởng của tình trạng thay đổi khí hậu đối với tăng trưởng kinh tế và biện pháp xử lý của chính quyền cũng là điều Reuters khuyến nghị cần quan tâm.

Các chủ đề xã hội nhạy cảm


Đáng chú ý là Reuters coi các vấn đề xã hội, như đình công, biểu tình phản đối và tôn giáo, như một chủ đề lớn mà các nhà đầu tư cần chú ý.

Theo Reuters, cách thu hồi đất và nạn tham nhũng của quan chức nông thôn là nguyên nhân khiến bất ổn bùng nổ tại vùng quê.

Trong lúc đó, con số các vụ đình công, biểu tình phản đối và tranh chấp ngày một nhiều đang tác động đến doanh nghiệp nước ngoài.


Chủ đề biển đảo với Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ với các vụ bất ổn xã hội
“Dù chưa có chỉ dấu lan rộng, bất ổn xã hội là nguy cơ thách thức chế độ từ phía dưới lên”.

Ngoài ra, bài viết cũng đề nghị chú ý đến vai trò của Giáo hội Công giáo vốn từng tham gia vào đôi ba vụ phản đối đất nhà thờ bị chính quyền thu sau 1954.

"Dù chính thức né tránh chính trị, Giáo hội Công giáo La Mã có 6-7 triệu tín đồ và được tổ chức khá tốt."

Đặc biệt, bài viết nêu ra mối liên hệ giữa bất ổn xã hội và các vụ tranh chấp lãnh thổ ngoài Biển Đông.

"Đây là vấn đề có tính tâm lý rất nóng ở Việt Nam, nơi mối nghi ngờ với Trung Quốc rất cao."

"Bất cứ một hành động xác lập chủ quyền nào của Trung Quốc ngoài các hải đảo hoặc hành động bị cho là thể hiện sự yếu kém của phía Việt Nam trong lĩnh vực này, đều có thể khơi dậy các cuộc biểu tình được ủng hộ rộng rãi".

Nếu như các vụ việc này thường được truyền thông trong nước không nhắc tới hoặc đưa tin theo chiều hướng giảm nhẹ, thì Reuters đánh giá "các nhóm đặc quyền và thành phần bảo thủ trong chính phủ đang tập trung vào chủ đề an ninh hơn cả", thậm chí tới mức làm tổn thương tới các nỗ lực cải cách.