Đài BBC đã có cuộc trao đổi với nhà quan sát thời sự Lê Hồng Hà, người từng giữ vị trí cao trong Đảng, về hội nghị này cũng như các vấn đề mà Đảng Cộng sản đối diện trong những năm tháng trước Đại hội XI tới.
Sau đây là nhận định của ông Lê Hồng Hà:
Hội nghị 11
"Vấn đề nhân sự, theo tôi trong hội nghị lần này họ chưa bàn đến. Phải tới gần đại hội, người ta mới bàn đến vấn đề này. Các kỳ đại hội trước, phải tới hội nghị 12, 13, 14 người ta mới bàn về nhân sự.
Kỳ này, theo tôi hiểu, hội nghị 10, 11, 12, Trung ương chỉ bàn văn kiện là chính. Chuyện nhân sự chắc phải tới nửa sau năm 2010.
Trong hội nghị TW 11, người ta cũng không bàn tới vấn đề đối ngoại như một số đồn đoán. Quan hệ với Trung Quốc là vấn đề bàn riêng, lịch trình, ký kết vv... cũng là chủ đề riêng, không liên quan gì tới hội nghị 11.
Hội nghị TW lần này có năm vấn đề quan trọng và hai vấn đề phụ thêm.
Các vấn đề quan trọng là Cương lĩnh; Kế hoạch phát triển 10 năm tới; Đề cương Báo cáo chính trị tại Đại hội; Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng và Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển 2009-2010.
Hai vấn đề thứ tiếp là Dự án hạt nhân Ninh Thuận và Dự án thủy điện Lai Châu.
Ngần ấy vấn đề mà Trung ương họp có năm ngày thì chắc thảo luận không được kỹ càng. Tuy nhiên cũng cần nhớ là chủ đề văn kiện đã thảo luận từ hội nghị 10 và sẽ còn thảo luận trong hội nghị 12 nữa.
Không những thế, người ta còn tổ chức nhiều hội thảo khoa học để tìm thêm chứng lý cho văn kiện.
Bản thân tôi, khi đọc văn bản hội nghị 10 và 11, thì tôi có hai cái buồn.
Cái buồn thứ nhất là các hội nghị này đánh giá tình hình không đúng, không rõ.
Thứ hai, tôi cho rằng khả năng tạo chuyển biến trong Đại hội XI có lẽ sẽ hạn chế, khó khăn lắm.
Về đánh giá tình hình thế nào cho đúng, tôi nghĩ Việt Nam đang nằm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế-chính trị-xã hội-tư tưởng toàn diện.
Chứ không chỉ suy giảm kinh tế như các vị lãnh đạo nhận định.
Xã hội hiện nay vô cùng nhiều vấn đề, đạo đức băng hoại, phạm pháp, tham nhũng tăng. Giáo dục cũng khủng hoảng lớn.
Còn về mặt chính trị thì chưa bao giờ có một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nói là thực hiện nghị quyết Đại hội, được Bộ Chính trị thảo luận, mà lại bị các tầng lớp nhân dân phản đối như vụ bauxite. Từ trước đến nay chưa hề có tiền lệ.
Tình trạng khủng hoảng toàn diện lại xảy ra khi toàn bộ đất nước đang đứng trước nguy cơ bị Bắc thuộc.
Những hành động bành trướng và lấn chiếm của Trung Quốc phải nói rất ngang ngược, nhưng thái độ của các cơ quan lãnh đạo, những người có trách nhiệm, lại bạc nhược, khuất phục.
Điều này làm nhân dân vô cùng bức xúc.
Không đánh giá đúng, rõ ràng tình hình thì sẽ làm khủng hoảng tiếp tục tăng lên.
Đấu tranh đổi mới
Đã là khủng hoảng, thì phải có cách giải quyết.
Ở các nước khác khi khủng hoảng, thông thường sẽ xảy ra đảo chính, lật đổ chính phủ này thay bằng chính phủ khác.
Nhưng Việt Nam thì lại khác.
Ở Việt Nam, tôi phân ra làm hai thời kỳ: 1940-1975 và 1975 tới bây giờ.
Trong thời kỳ đầu, nhân dân Việt Nam giải quyết các vấn đề khủng hoảng của nước mình bằng khởi nghĩa, cách mạng, bạo lực và trường kỳ kháng chiến.
Còn từ 1975 trở lại đây, nhân dân VN đang tìm phương thức khác để đẩy xã hội tiến lên.
Phương thức này, theo tôi nghĩ, là: Khủng hoảng - Đổi mới - Phát triển.
Rồi Tái khủng hoảng - Tái đổi mới - Tái phát triển.
Phương thức của nước Việt Nam hiện nay là vấn đề đấu tranh đổi mới. Đổi mới mạnh, đổi mới triệt để chứ không phải đổi mới giả vờ, mị dân.
Ở nước VN đã, đang và tiếp tục diễn ra cuộc đấu tranh đổi mới.
Nó đã diễn ra từ 1975 trở đi.
Chủ trương của đảng Cộng sản cầm quyền là hợp tác hóa, phải cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, đưa kế hoạch hóa tập trung... Nhưng các tầng lớp nhân dân người ta đấu, người ta đưa khoán hộ để phá tanh bành mô hình hợp tác xã.
Đảng định xóa bỏ tầng lớp tư sản thì tầng lớp doanh nhân trong mấy chục năm qua đã hình thành và phát triển ghê gớm, con số doanh nhân nay lên tới 300.000.
Đảng định kế hoạch hóa tập trung, nhưng rồi phải thừa nhận cơ chế kinh tế thị trường, dù thêm vào chữ "định hướng xã hội chủ nghĩa".
Trong đời sống chính trị xã hội đang diễn ra cuộc đấu tranh dưới hình thức Đổi mới, và trong cuộc đấu tranh này, trên nhiều lĩnh vực, người dân đã chiến thắng.
Trở lại với lý tưởng của ông Hồ
Cuộc đấu tranh này nhằm hai mục tiêu.
Mục tiêu thứ nhất: biến đổi hướng phát triển của đất nước. Lâu nay Đảng CS muốn đưa đất nước đi vào thời kỳ quá độ lên CNXH, suốt từ đại hội 4 c̉ủa Đảng. Bây giờ người dân người ta muốn đấu tranh để đảng thôi cái phương hướng đó đi, thay vào bằng hướng đi mà ông Hồ Chí Minh đã nêu lên.
Trong di chúc của mình, ông Hồ chỉ nói tới một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh, chứ đâu có nhắc tới khát vọng xây dựng một nước Việt Nam XHCN?
Bản di chúc được ông Hồ sửa đi sửa lại hàng năm từ 1965 tới 1969, một lãnh tụ như ông, không thể nói là ông quên.
Người ta muốn tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trở lại thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; và tên đảng từ Đảng Cộng sản Việt Nam trở lại thành đảng Lao động, rồi trở lại hiến pháp Việt Nam 1946...
Mục tiêu thứ hai: chấm dứt thái độ bạc nhược, hèn nhát, khuất phục Trung Quốc. Phải hiên ngang lại để bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên mục tiêu đấu tranh đổi mới thứ hai này không được nhắc tới trong các kỳ hội nghị, cho nên tôi chắc tới Đại hội XI người ta cũng sẽ lờ đi. Và đó là một trong các lý do tôi nghi ngờ khả năng chuyển biến mạnh của Đại hội XI.
Nhưng có thể họ sẽ lùi đôi chút trong nội dung văn kiện ở Đại hội.
Nội dung thời kỳ quá độ lên CNXH, công hữu hóa, kế hoạch hóa tập trung, xóa bỏ kinh tế thị trường, chuyên chính vô sản và chủ nghĩa Mác Lênin phải là thống soái. Văn kiện kỳ này có thể họ sẽ "lùi" một số điểm.
Nhưng Đảng sẽ "lùi" đến đâu thì còn phải chờ mới biết.
Tôi chỉ mong họ thôi ý muốn đưa Việt Nam vào thời kỳ quá độ lên XHCN đi, thì Việt Nam mới có thể tiến lên được."