Dịch Loạn Ngôn Hay Là Căn Bệnh “Năm 2030” |
Tác Giả: Hà Văn Thịnh/Đại Học Khoa Học Huế | |||
Thứ Năm, 15 Tháng 10 Năm 2009 08:04 | |||
Thời gian gần đây, càng ngày càng có nhiều người thích loạn ngôn theo cách ưa chi nói nấy. Đáng buồn nhất là hầu hết những người đó đều có trình độ Tiến sĩ hoặc hơn. Phải chăng nền giáo dục nước nhà đã đẻ ra quá nhiều TS mắc bệnh hoang tưởng? Đất nước thì nghèo, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, bí bét; hàng chục triệu nông dân đang đói khổ, GDP cho 90 triệu người chưa đến 80 tỷ USD (để dễ so sánh, Hoa Kỳ là 15.000 tỷ, Trung Quốc là 4.300 tỷ USD…), Trung Quốc chà đạp lên chủ quyền Việt Nam, hành hạ ngư dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam như chốn không người; vậy mà các vị TS cứ thích nói chuyện trên trời, các vị lãnh đạo thì ngồi thả bong bóng! Thì ra trí thức và lãnh đạo thời nay còn xa dân, “lãng mạn” hơn cả thời xa xưa nữa. Thế nhưng, đó chỉ là mặt phụ của vấn đề. Cái mà ta cần tìm hiểu ở đây là vì sao lộng ngôn? Vì sao cái gì cũng ăn theo 2030? Vì sao cứ trăm hoa đua nở sự nhầm lẫn vô cùng chân thành của tầng lớp “tinh hoa” trí thức Việt như thế? Tội lộng ngôn trước tiên là do không biết mà nói là biết, hiểu ít mà nói hiểu nhiều, TS giấy mà cứ tin TS thật. Cái “biết” chắc chắn là biết sẽ về hưu, không phải chịu trách nhiệm, nên nói rồi nghĩ dân sẽ quên, chẳng ai truy cứu nữa! Hình như vì định hướng chiến lược của lãnh đạo khi nào cũng 2020 hoặc 2030 nên đã kích cầu đột biến “tư duy ăn theo” xa xót đến tủi sầu! Thật ra, với tư duy một nhiệm kỳ phổ biến như hiện nay, không lộng ngôn mới coi là sự lạ. Tội lộng ngôn sở dĩ nảy nòi ngang ngược là vì chẳng có ai coi đó là… tội! Nói láo không mất tiền là căn bệnh lâu đời của Việt Nam. Cứ tự huyễn tưởng coi mình là nhất và tin rằng thế giới đi lùi cho… kịp mình, đã biến những cái đầu thông thái nửa vời thành sự thậm danh khó hiểu. Lấy đại một cái mốc nào đó (năm 2030 chẳng hạn) rồi vẽ rồng vẽ rắn và mơ giấc mơ của Chử Đồng Tử quả là cách tốt nhất để lảng tránh thực tại đau buồn. Còn nhớ, một nữ sinh viên thay mặt cho hàng ngàn sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nôi, trong diễn từ đáp lời Tổng thống Bill Clinton (11.2000) đã hùng hồn tuyên bố rằng Việt Nam sẽ là một quốc gia giàu mạnh. Nói như thế chẳng khác gì một gã ăn mày đứng bên xe Mercedes rồi khuyên ông nhà giàu đang ngồi trên xe cách thức kiếm tiền. Tại sao không chờ đến lúc giàu xong rồi hãy nói có phải tốt hơn không? Qua truông thì chưa mà đã hăm dọa cọp, là cái lý làm sao? Một trong những “chức năng” của tôn giáo là xoa dịu nỗi đau của con người, để cho con người sống thoát được bằng cách “đền bù bằng hư ảo”: Ngày mai tốt hơn, kiếp sau sẽ khá hơn, cứ cố gắng chịu đựng thêm một chút mà sống… Bối cảnh của lộng ngôn bây giờ cũng thế. Không ai muốn nhìn thấy cuộc khủng hoảng trầm trọng về lý tưởng, đạo đức, văn hóa; sự băng hoại về nhân cách của vô khối lãnh đạo, sự nhắm mắt cố tình đui mù của vô số trí thức ngậm miệng nhận lương… Dân tộc và giống nòi không là gì hết khi căn nhà của mình, túi tiền của mình quan trọng hơn. Thậm chí, ngay cả quốc thể bị sỉ nhục cũng còn im hơi lặng tiếng rồi mở “bản nhạc” của người ra để tự ru mình: Sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan. Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Chỉ thiếu một vế nữa thôi mà người viết bài này nghĩ là nên bổ sung rồi gửi sang… Tàu: Lịch sử tương xâm, tình cảm tương thù, bá quyền tương thích và, hiện tại… tương nhau! Tại sao không nói về kỳ hạn diệt trừ tham nhũng là năm bao nhiêu? Loại bỏ kẻ ngu dốt, bất tài ra khỏi vị trí là năm hai ngàn không trăm ba mươi mấy? Sao không nói khi nào thì nông dân hết khổ, khi nào công nhân khỏi bị cái đói đuổi chạy vòng quanh? Khi nào trường đại học trở thành diễn đàn của chân lý và những ý kiến phản biện không bị quy chụp là phản động?… Có lẽ, cách tốt nhất là tìm đọc kho tàng truyện cổ tích Việt Nam!
|