Home Tin Tức Bình Luận Vì sao TQ chưa có phát minh vĩ đại?

Vì sao TQ chưa có phát minh vĩ đại? PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Sáu, 30 Tháng 10 Năm 2009 21:03

Trung Quốc bỏ nhiều tỉ đôla để thành lập các đặc khu nghiên cứu,

nhưng đến nay vẫn chưa có một thành tựu to lớn đến mức những ai bên ngoài nước này phải háo hức sử dụng. Trong phần hai của loạt bài, phóng viên Mary Kay Magistad của chương trình The World tìm hiểu đâu là những trở ngại cơ cấu khiến sức sáng tạo ở đây chưa thể thăng hoa.


CapitalBio có nhiều sáng chế được thương mại hóa

Một trong những câu chuyện thành công trong nỗ lực thúc đẩy sáng tạo của Trung Quốc là công ty CapitalBio.

Keith Mitchelson là phó chủ tịch về tiếp thị và là nhân viên nước ngoài duy nhất của CapitalBio.

Ông nói CapitalBio đang theo đuổi một công nghệ mà sẽ cho phép bác sĩ dùng các thẻ sinh học trong bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm mà lâu nay phải được làm bởi các cỗ máy lớn, mất thời gian chờ đợi.

Đầu tư tiền bạc

Ông nói: “Nếu bạn có thể giảm bớt các loạt bộ phận để đưa chúng vào một thiết bị nhỏ gọn, đặt cạnh bệnh nhân trong phòng khám, rồi bạn lấy mẫu máu, và phân tích trong thời gian ngắn, và có ngay dữ liệu trong lúc chăm sóc bệnh nhân.”

Công nghệ ấy vẫn đang làm dở. Nhưng từ khi CapitalBio khai trương như một công ty tư nhân chín năm trước, họ đã được cấp 92 bằng sáng chế mới, và đa số đều được thương mại hóa.

CapitalBio được đặt trong Đặc Khu Khoa học Trung Quan Thôn của chính phủ.

Nó ở cùng chỗ tại Bắc Kinh nơi các đại học hàng đầu của Trung Quốc được xây. Thực tế, CapitalBio là công ty con của Đại học Thanh Hoa.

Xia Yangqi, phó giám đốc khu khoa học này, nói rằng ông hy vọng một Bill Gates của Trung Quốc sẽ xuất hiện từ nơi đây.

Ông nói nhiều công ty, cả Trung Quốc và nước ngoài, đã mở trung tâm nghiên cứu và phát triển ở đây, và tổng giá trị sản xuất đã tăng 15 lần, lên tới 150 tỉ đôla, trong 10 năm qua.

Rõ ràng Trung Quốc đã đạt tiến bộ kinh tế to lớn trong mấy năm gần đây. Đa số người dân nay có mobile phone, kể cả những nông dân. Số lượng người Trung Quốc lên mạng còn nhiều hơn ở Mỹ. Và khi công nghệ mới xuất hiện ở nơi khác, người Trung Quốc nhanh chóng sao chép hay biến cải cho thị trường nội địa.

Nó xảy ra nhanh tới mức một số người Trung Quốc có thể lầm lẫn khi được hỏi ai đã sáng tạo ra công nghệ.

Viên chức của Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc, Lu Yonglong, đã nhầm như thế khi tôi hỏi ông về những sáng chế quan trọng của Trung Quốc mấy thập niên qua.

Ông nói: “DVD. Thế hệ DVD đầu tiên được phát triển ở Trung Quốc. CDMA. Và cả ổ đĩa flash.”

Thực ra, DVD được một nhóm công ty Nhật, châu Âu và Mỹ sáng chế. Một người Israel đã làm đĩa flash. Nhưng quả thực, người Trung Quốc đã sớm nắm bắt hai công nghệ này. Và những sáng tạo gia ở đây đã tìm ra cách cải thiện công nghệ cho thị trường Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc nộp hơn 800.000 bằng sáng chế, và được cấp gần 200.000.

Ít đột phá

Vấn đề là rất ít sáng chế nào trong đó mang tính chất đột phá.

Trung Quốc có đông người dùng internet nhất thế giới

Yin Xintian là người đứng đầu phân ban luật pháp của văn phòng sáng chế Trung Quốc.

Ông nói: “Trong lịch sử Mỹ, Thomas Edison đã làm ra bóng đèn và thay đổi cuộc sống. Ngày nay ở Trung Quốc không có những phát minh tầm cỡ như vậy.”

Ông tin rằng sẽ có nhiều phát minh quan trọng hơn ra đời, khi mà ngày càng nhiều người Trung Quốc nắm bắt kiến thức và tiêu chuẩn quốc tế.

Trung Quốc đặt sáng tạo thành ưu tiên vì lý do đơn giản – nó đem lại tăng trưởng bền vững hơn.

Duncan Clark, chủ tịch công ty tư vấn BDA ở Bắc Kinh, chỉ ra rằng iPod làm tại Trung Quốc nhưng nước này không kiếm được tiền từ nó.

Ông nhận xét: “Cứ một iPod bán ra với giá 200 đôla, có lẽ khoảng 5 đôla là ở lại Trung Quốc. Vì thế Trung Quốc rất đúng khi nói họ không muốn chỉ là công xưởng nơi đẻ ra ô nhiễm, bất ổn lao động.”

Nhưng ông Clark cũng nói Trung Quốc không hẳn đã đúng khi bàn về giải pháp. Chính phủ bỏ nhiều tiền vào các khu khoa học, các nhà nghiên cứu được lệnh phải sáng tạo theo thời biểu, phải nộp đơn sáng chế, viết bài khoa học nếu muốn nhận tiền tài trợ.

Điều đó dẫn tới số lượng, nhưng không nhất thiết là chất lượng. Sức ép đã khiến một số nhà nghiên cứu đạo văn, làm giả số liệu, làm ẩu.

Một vấn đề nữa là các phòng thí nghiệm của chính phủ vất vả theo kịp nhu cầu khách hàng.

Thêm nữa, một số cố gắng của chính phủ lại đi theo khẩu hiệu “Sáng tạo Trung Quốc cho Trung Quốc”.

Clark nói điều này là sai lầm. Ông dẫn ra ví dụ Trung Quốc tốn tiền cho tiêu chuẩn riêng về broadband tốc độ cao cho điện thoại di động.

Thực tế, theo Clark, kế hoạch đã thất bại thảm hại vì không ai ở ngoài lại sản xuất điện thoại sử dụng tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Liu Jiren là chủ tịch và tổng giám đốc của công ty IT và phát triển phần mềm lớn nhất của Trung Quốc, Neusoft.

Thay đổi cách nghĩ?

Ông nói với người nghe ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên rằng đã tới lúc Trung Quốc thay đổi cách nghĩ.

“Đặc biệt với các công ty Trung Quốc, chúng tôi luôn muốn tự làm riêng. Nhưng ta không có đủ lực, thời gian, tài năng. Nếu ta có thể tích hợp tài nguyên toàn cầu cùng những người khác, ta cũng có thể chia sẻ thành công, chia sẻ rủi ro.”

Chúng tôi luôn muốn tự làm riêng. Nhưng ta không có đủ lực, thời gian, tài năng.
Liu Jiren

Những doanh nhân như ông Liu nói chính phủ cần tập trung cho việc cải thiện môi trường để sáng tạo.

Hãy tăng bảo vệ tài sản trí tuệ, để những nhà sáng chế được tưởng thưởng cho những gì họ tạo ra, chứ không phải là bọn sao chép. Cải thiện hoạt động của thị trường chứng khoán để các công ty mới có được tiền mặt. Và hãy hiểu biết hơn nhu cầu và sức mạnh của khu vực tư nhân.

Khoảng cách trong hiểu biết đó hiện rõ khi một phóng viên Trung Quốc hỏi Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ Wang Gang tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

“Các công ty tư nhân nhỏ không có khả năng sáng tạo bằng các công ty lớn. Bộ trưởng sẽ làm gì để giúp họ. ”

“Chúng tôi khuyến khích họ làm việc với các đại học, khuyến khích đại học mở vòng tay đón nhận. Chúng tôi đặc biệt chú ý các doanh nghiệp tư nhỏ hơn, vì khả năng sáng tạo của họ thấp hơn. ”

Câu trả lời đã khiến James Turley, chủ tịch và tổng giám đốc của Ernst & Young, phản ứng.

Ông nói: "Kinh nghiệm của tôi trên thế giới không giống như cái tiền đề câu hỏi.”

Ông nói chính những doanh nghiệp nhỏ, tư nhân lại sáng tạo hơn các công ty lớn, quan liêu.

Ông lên tiếng: "Sự huyền nhiệm của tiến bộ là khi chúng ta có thể kết hợp viễn kiến của các doanh nhân lanh lẹ với quyền lực của cộng đồng khoa bảng và khu vực công. ”

Bộ trưởng Wang gật đầu lịch sự nhưng không có vẻ bị thuyết phục.

Tiến bộ là khi kết hợp viễn kiến của các doanh nhân lanh lẹ với quyền lực của cộng đồng khoa bảng và khu vực công
James Turley

Vì rốt ra, khi nhà nước độc đảng của Trung Quốc quyết định sẽ làm việc gì, thường thì họ sẽ làm được.

Đảng Cộng sản đã tiến bước dài từ quá khứ Mao cứng nhắc, nhưng có những thói quen khó bỏ, như thiếu lòng tin vào khu vực tư, muốn để khu vực công dẫn dắt.

Để Trung Quốc đi đầu về sáng tạo, nước này sẽ phải làm nhiều hơn, chứ không chỉ là xây cơ sở hạ tầng và cho ra những kỹ sư.

Trung Quốc sẽ phải nghĩ lại những xác tín cũ, và tìm ra những cách mới để tưới tắm cho rễ cây sáng tạo.

The World là tạp chí radio mỗi tuần một giờ, được hợp tác thực hiện bởi WGBH/Boston, PRI, và BBC World Service.