Những thiên đường mù tan rã |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Bảy, 07 Tháng 11 Năm 2009 09:32 | |||
Trước đây 20 năm, năm 1989, những chế độ cộng sản do Lênin và Stalin dựng lên đã nhanh chóng sụp đổ khắp Âu Châu, như những lâu đài do trẻ em đắp lên bằng cát trên bãi biển bị sóng trào xóa mất. Nhưng hai mươi năm sau khi bức tường Berlin bị đập vỡ, khi nhìn lại, điều làm chúng ta ngạc nhiên không phải là tại sao chủ nghĩa Cộng Sản đã bị xóa bỏ nhanh đến thế. Ðáng ngạc nhiên hơn nữa là tại sao các chế độ Cộng Sản lại sống được lâu như vậy, hơn 70 năm ở Nga và 40 năm ở các nước Ðông Âu? Và sau khi loài người biết rõ sự thật, chúng ta còn thắc mắc tại sao những ý nghĩ không tưởng đến mức điên rồ như vậy lại thu hút được hàng trăm triệu người tin theo trong hơn một thế kỷ để gây tội tình khổ ải cho hàng tỷ người khác, trong đó có hàng trăm triệu người bị chết oan chỉ vì những chính sách kinh tế không tưởng? Ðó là những câu hỏi đáng suy nghĩ trong tuần lễ đầu tháng Mười Một này. Ðặc biệt là cho những người nạn nhân của chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Chúng ta sẽ bắt đầu bàn về câu hỏi thứ hai. Năm 1975 khi cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam, các cán bộ quản giáo lên mặt giảng về “chủ nghĩa Mác Lê nin vĩ đại.” Những người miền Nam phải bó tay, buông súng vì hết đạn năm đó, không ai có thể ngờ rằng chưa đầy 15 năm sau chính họ mới là kẻ cuối cùng lại chiến thắng trên mặt trận tư tưởng; còn những kẻ huênh hoang về những “dòng thác cách mạng” mới thất bại ê chề! Cái chủ nghĩa “bách chiến bách thắng” của họ hiện nguyên hình chỉ là những ảo tưởng do các lãnh tụ độc tài vẽ vời, lợi dụng để nô lệ hóa các đảng viên và dân chúng. Một nửa loài bị bịt mắt, buộc phải sống trong “những thiên đường mù,” như một ẩn dụ của Dương Thu Hương, cho tới khi những thiên đường đó tự tan ra thành mây khói. Một bạn trẻ người Long Xuyên năm 1978 sắp đến tuổi phải đi bộ đội để được đẩy sang chết ở chiến trường Campuchia, đã được cha mẹ cho đi vượt biên. Vượt biển bất thành, anh bị một cán bộ trong tỉnh, tuổi vào hàng cha chú mắng một trận. Ông cán bộ dọa: “Anh đừng tưởng anh chạy sang Thái Lan, sang Mỹ là thoát nhé! Bánh xe Cách mạng sẽ tiến tới Thái Lan, sẽ giải phóng nước Mỹ, lúc đó anh chạy đi đâu? Hai chục năm sau, cậu thanh niên đó đã vượt biên lại có dịp trở về nước. Ông chú cấp ủy cũ nay đã quên hết cái bánh xe lịch sử cũ vì rõ ràng nó đang quay ngược chiều, ông chỉ tìm cách tranh thủ vơ vét để tự mình tư bản hóa! Những người thực sự theo chủ nghĩa Mác xít, vì đọc và nghiên cứu các sách vở của Karl Marx, là những nhà nhà trí thức mơ mộng và những thanh niên trẻ người non dạ. Những người như Tạ Thu Thâu, Trương Tửu, Trần Ðức Thảo ở nước ta thành thật tin vào hệ thống tư tưởng do Karl Marx dựng lên, mà họ biết qua sách vở. Sự thật là chỉ vì họ yêu giấc mơ lớn của Marx, giải phóng giai cấp vô sản và cả loài người, cho nên tin tưởng dễ dàng vào các lý luận của ông ta. Tạ Thu Thâu đã bị bọn cộng sản đệ tam đồ đệ của Stalin hạ sát ngay năm 1946. Còn Trương Tửu và Trần Ðức Thảo mỗi người ngậm một nỗi đau khổ suốt đời, chứng kiến “bọn tiếm vị” nhân danh chủ nghĩa Marx nhưng trong hành động thì phản bội ông thầy. Các lãnh tụ cộng sản thắng thế chỉ nhờ vào các thủ đoạn gian hùng do Stalin huấn luyện. Chính bọn họ không hề nghiên cứu Karl Marx bao giờ. Ông Hồ Chí Minh đã nói rằng ông không có một tư tưởng nào ngoài tư tưởng Mác Lênin. Nhưng ông cũng chỉ tiếp nhận được những cặn bã của chủ nghĩa Mác Lênin, qua những sách tóm tắt giáo khoa dậy cán bộ ký tên Stalin, mà ông Hồ đã cặm cụi dịch sang tiếng Việt khi trốn trong hang Pắc Bó. Phần lớn những người khác theo cộng sản chỉ vì mê say những khẩu hiệu tuyên truyền của Lênin và Stalin và choáng váng trước sự thành công của họ trong việc cướp chính quyền và củng cố chế độ độc tài đảng trị. Nếu nghiên cứu và đọc kỹ Karl Marx, thì người hơi tinh ý một chút cũng phải nhận ra ngay là chính “Cuộc cách mạng Tháng Mười” đã chứng tỏ những điều Marx tiên đoán đều sai hết. Và cuộc toàn thắng của Mao Trạch Ðông ở nước Trung Hoa kinh tế lạc hậu lại càng cho thấy tư tưởng của Marx vừa lầm lẫn vừa vô vị trong việc giải thích lịch sử. Karl Marx đoán rằng sau khi giới tư bản “làm xong nhiệm vụ lịch sử” công nghiêp hóa đời sống kinh tế rồi, những mâu thuẫn nội tại sẽ làm cho nó sụp đổ. Giai cấp vô sản trưởng thành sẽ đứng lên làm cách mạng để tiến tới Chủ nghĩa Xã Hội. Trong thực tế, các chế độ mang danh “Mác xít” đã được thành lập ở những nước hoàn toàn ngoài dự đoán của Marx. Nước Nga năm 1917 và Trung Quốc năm 1949 vẫn là những xã hội nông nghiệp chưa được kỹ nghệ hóa đến mức, giai cấp tư bản chưa thực sự thành hình và tại cả hai nước không hề có những giai cấp vô sản giác ngộ như Marx mô tả. Tại Việt Nam đã có người nhìn thấy thực trạng xã hội như vậy. Từ năm 1940 Phan Bội Châu đã từng nhấn mạnh rằng ở nước ta lúc đó không hề có giới tư bản, cũng không có giai cấp vô sản. Vì thế cụ Phan khuyên người mình không nên theo chủ nghĩa cộng sản. Cụ Phan chỉ tìm hiểu chủ nghĩa “Mã Khắc Tư” qua các sách chữ Hán, nhưng cụ có đủ óc tỉnh táo và lòng mẫn cảm để nhìn thấy cái chủ nghĩa cộng sản đó không phù hợp với nhu cầu cách mạng của dân tộc Việt Nam. Chỉ những người mù lòa vì mơ mộng, vì không tưởng, mới chạy theo chủ nghĩa đó. Những người cộng sản đầu tiên ở nước ta đã được khích lệ thêm khi họ nhìn thấy cuộc đảo chính Bôn Sơ Vích ở Nga thành công. Họ không biết rằng chính việc xây dựng chế độ cộng sản ở nước Nga đã là một biến cố phủ nhận tư tưởng Karl Marx rồi. Nhưng bài học quan trọng nhất đối với họ ở Mát Cơ Va là được Stalin nuôi, dạy, huấn luyện các kỹ thuật tuyên truyền, kỹ thuật cướp chính quyền và củng cố quyền lực bằng một hệ thống kiểm soát các đảng viên bằng chủ nghĩa lý lịch, kiểm soát mọi người dân một cách chặt chẽ qua chế độ tem phiếu, hộ khẩu. Năm 1945 ở nước ta những người cộng sản “quốc tế” đã thắng thế các người theo chủ nghĩa dân tộc “quốc gia,” chỉ vì họ nắm vững các thủ đoạn đó. Và năm 1975 cũng giống như vậy. Phần lớn những cán bộ cộng sản Việt Nam về, kể cả những người đã leo lên hàng lãnh đạo, đều học chủ nghĩa cộng sản theo lối đọc truyền đơn, chủ yếu là học những khẩu hiệu của Stalin do Hồ Chí Minh đem về. Họ học Mác Xít theo lối các nhà Nho thời xưa học thuộc các khẩu hiệu “tu, tề, trị, bình,” hoặc “tam cương, ngũ thường,” vân vân. Rồi cứ như thế, cứ học thuộc lòng là đủ, ai thuộc nhiều khẩu hiệu là giỏi. Trong hồi ký của Ðoàn Duy Thành, ông kể một cuộc tranh luận giữa giới lãnh đạo cao nhất trong đảng, Ðỗ Mười bị mọi người vặn cho đuối lý, không biết nói gì hơn, chỉ khẳng định: “Có như thế mới là Bôn Sơ Vích!” Mọi người không ai hiểu ông ta nói gì cả, nhưng nghe khẩu hiệu đó rồi thì đều im lặng cả! Các lãnh tụ và đảng viên đều nhắm mắt hô khẩu hiệu. Họ tập thói quen nhắc lại các khẩu hiệu để phát biểu; lâu ngày quen, dùng việc hô khẩu hiệu thay thế cho hành động suy nghĩ; từ đó nhắm mắt tin vào đảng, vào lãnh tụ là những người gần như chiếm độc quyền đặt khẩu hiệu mới. Hồ Chí Minh chỉ cần nói, “Ðồng chí Stalin nói như thế! không bao giờ nhầm cả,” là tất cả hết thắc mắc! Giống hệt các hủ nho đời xưa hô “Ðức Khổng Tử đã nói” để bịt miệng thiên hạ. Với khí cụ đó, thằng ngồi trên bắt nạt kẻ nằm dưới, chỉ dùng các khẩu hiệu. Lên lớp nhau, chỉ cần múa mép khoe mấy thuật ngữ, mấy danh từ là đủ chứng tỏ mình thông thái, đáng làm thầy và sai khiến thiên hạ. Lối ăn nói ba hoa đó ngay cả khi thay đổi tư bản hóa cũng vẫn còn! Ông Ðoàn Duy Thành từng làm bí thư Hải Phòng, đã leo lên đến chức phó thủ tướng và được Lê Duẩn để ý chuẩn bị sẽ lên làm tổng bí thư, chẳng may bị Ðỗ Mười phá đám đành chịu thua. Khi đã vỡ mộng làm lớn rồi, ông Thành vẫn còn trung thành với đảng mặc dù chính ông đã nhận ra sự trống rỗng của cả chủ nghĩa lẫn chế độ cộng sản. Cũng như hầu hết các đảng viên cộng sản khác, ông Thành không biết “chủ nghĩa xã hội” nó là thế nào bởi vì chỉ biết qua các khẩu hiệu mà thôi. Ông thú nhận sự hiểu biết của mình về Mác xít, tóm tắt trong một câu: “Chỉ biết là phải làm cho mọi người sung sướng!” Muốn cụ thể hơn, ông giải thích: “...hoặc như Marx nói hàng hóa phải nhiều như nước chảy ra, mới tiến lên cộng sản được.” Tin tưởng vào một chủ nghĩa như vậy thì chẳng khác gì một tín đồ của một tôn giáo tin vào cõi thiên đường, cực lạc. Không thể gọi là một lý thuyết, một chủ nghĩa được, nhất là lại tự xưng là một chủ nghĩa khoa học! Bởi vì chỉ cần nhắm mắt tin mà không được thắc mắc, không đảng viên nào dám hỏi: “Làm cách nào để hàng hóa phải nhiều như nước chảy?” Marx không nói vì Marx không nghĩ đến vấn đề đó. Mà cả tập đoàn lãnh đạo cộng sản trong gần một trăm năm cũng không biết làm cách nào! Khi kinh tế các nước cộng sản sụp đổ vì trì trệ quá lâu, các lãnh tụ chỉ còn các tìm đường xoay trở lấy, được đâu hay đó. Vì không thể dùng các khẩu hiệu của Stalin mà làm ra cơm gạo được nữa! Ông Ðoàn Duy Thành lấy làm hãnh diện khoe ông là một người đầu tiên áp dụng phương pháp “khoán sản trong nông nghiệp” ở nước ta, khi Ðặng Tiểu Bình cũng thay đổi bên Trung Quốc. Nhưng dù muốn áp dụng phương pháp đó ở địa phương mình, ông Thành cũng không dám làm, vì biết Trường Chinh là người “chống khoán sản” mạnh nhất, sau cuộc thí nghiệm ở Vĩnh Phú khiến một bí thư tỉnh bị trù dập. Trong những năm đầu thập niên 1980 miền Bắc bị nạn đói, nhiều nông dân ở Thanh Hóa đã chết đói. Nhưng lập trường của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản vẫn kiên cố giữ vững khẩu hiệu “tập thể hóa,” ai nói khác là mất hết địa vị, quyền lợi bao năm mới giành được. Ðảng không chấp nhận cho nông dân được tự do canh tác và hưởng các thành quả do sức lao động của mình tạo ra. Ðoàn Duy Thành rất đau đớn khi viết: “Ðói thì đói, nhưng chỉ sợ mất lập trường, mất chủ nghĩa xã hội...” Ông thú nhận tiếp: “mà chủ nghĩa xã hội thì có ai mà hình dung ra được cụ thể như thế nào?” Ðó là nỗi đau lòng của một cán bộ cộng sản sống trong thiên đường mù, hết lòng tin vào chủ nghĩa dù không biết nó đưa mình đi đâu! Dù muốn giữ lòng tin của một tín đồ, nhưng Ðoàn Duy Thành vẫn phải nhìn ra sự thật, cảnh đau lòng mà đảng Cộng Sản đã gây ra cho nước ta: “Một nước nông nghiệp lại thiếu lương thực, đành chịu chết đói, chỉ vì sợ mất chủ nghĩa xã hội, (sợ) phá vỡ hợp tác xã!” Tấn thảm kịch của một nửa nhân loại, trong đó có đồng bào Việt Nam chúng ta, là do những kẻ đi xây thiên đường mù gây ra. Năm 1989 những thành trì của chủ nghĩa cộng sản ở Âu Châu đã sụp đổ khi mọi người sống trong đó đều tỉnh mộng, tự mở mắt ra và tự giải thoát lấy mình. Chưa bao giờ một hệ thống tư tưởng và tổ chức chính trị bị vỡ tan tành mà không một ai thương tiếc, không một ai thắp cho một nén hương như vậy. Chỉ tội nghiệp cho Karl Marx! Ví thử như chủ nghĩa của ông không bao giờ được đem ra sử dụng làm lợi khí tuyên truyền và củng cố chế độ cộng sản thì tới giờ này chắc ông vẫn được lịch sử coi là một nhà tư tưởng lớn không may mắn. Năm 1989 lịch sử nhân loại thay đổi, những điều ông suy nghĩ, ấp ủ suốt một đời cuối cùng hiện nguyên hình chỉ là những giấc mơ hão huyền vẽ ra bằng ngụy biện. Ông mơ mộng chỉ vì mang thiện chí của một người trí thức ước mong trở thành một “thánh tiên tri” mới. Tiếc là đến giờ này ông vẫn chưa được nhắm mắt, vì còn những nhóm lãnh tụ độc tài ở Trung Hoa, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam, vẫn lợi dụng tên của ông để củng cố quyền hành và lợi lộc của họ chủ nghĩa đó chỉ còn là những khẩu hiệu trống rỗng để tiếp tục thống trị và bóc lột những người khác.
|