Riêng ở Việt Nam, cho đến nay các đài báo im thin thít. Ngày hôm nay 9-11-2009 là ngày kỷ niệm chẵn 20 năm ngày sập đổ bức tường Berlin. Cả nước Đức mở hội lớn, cả châu Âu cùng náo nức kỷ niệm, toàn thế giới chung vui với sự kiện lịch sử tuyệt vời này. Có thời gian dài nhìn lại và suy ngẫm, mọi người thấy rõ thêm ý nghĩa rộng lớn của sự kiện chấn động toàn cầu này. Chính vì thế mà tổ chức kỷ niệm ở Berlin, trong toàn nước Đức được cả thế giới quan tâm hào hứng theo dõi. Riêng ở Việt Nam, cho đến nay các đài báo im thin thít. Các nhà lãnh đạo thông tin ở Việt Nam cứ như muốn bắt toàn dân nghĩ rằng không hề có cái ngày lịch sử bức tường Berlin bị đổ sập, dù cho có thì không được nghĩ đến cái ngày họ cho là đen đủi tai hại ấy. Họ thực hiện cái gọi là sàng lọc thông tin, là thông tin có định hướng. Họ khôn, nhưng thật ra là dại. Vật cấm thành hấp dẫn.
Ngày 3-11 vừa qua, có một tin được tất cả các hãng thông tấn lớn trên thế giới loan tin và đăng tải, đó là sự kiện bà Thủ tướng Đức Angela MERKEL đọc một bài diễn văn http://danchimviet.com/articles/1651/1/Din-vn-ca-th-tng-Merkel--trc-lng-vin-Hoa-K-ngay-31109/Page1.html lịch sử trước 2 viện của Quốc hội Hoa kỳ, nhân sắp đến ngày kỷ niệm 9-11 nói trên. Cho đến nay, không tờ báo nào ở Việt Nam đưa tin này.
Cũng trong dịp này, các báo trên thế giới đều đưa tin rộng rãi về bà A.Merkel, vị thủ tướng "kép", 2 lần liên tiếp (năm 2005 và 2009) được Quốc hội liên bang bầu vào chức Thủ tướng, có nhiều quyền lực nhất trong nước Đức thống nhất. Họ gọi bà là "bà thủ tướng thép" do tính kiên định chính trị của bà, đồng thời chỉ rõ "nữ tính" tế nhị, chân tình, giản dị dễ mến của bà.
Vì sao các nhà lãnh đạo thông tin báo chí Hà Nội lại che che, giấu giấu, không cho công dân Việt, phụ nữ Việt, trí thức Việt biết về bà thủ tướng A.Merkel, về tiểu sử lý thú và bài diễn văn cảm động của bà, cùng với lễ kỷ niệm lớn 9-11 nói trên mà bà A.Merkel đang là nhân vật trung tâm?
Các bạn hãy tiếp nhận vài thông tin liên quan về bà, sẽ hiểu được cái lý do vì sao ấy.
Trước Quốc hội Hoa kỳ, bà A.Merkel kể rằng bà sinh ra ở tỉnh Brandenbourg thuộc phía Bắc nước Cộng hoà Dân chủ Đức trước đây, vào năm 1954, sau khi Chính phủ Đông Đức được thành lập được 5 năm. Cha bà là mục sư của đạo Tin lành theo phái Luther, mẹ bà là giáo viên nhưng không được dạy học. Từ bé, A.Merkel phải vào đoàn thiếu niên Ernst Thaleman, và sau đó là đoàn thanh niên tự do(!) Đức đều do đảng CS mang tên "Đảng xã hội Thống nhất Đức" lập nên. Bà học giỏi, 14 tuổi được giải Olympic Toán quốc tế, sau đó vào Trường Đại học Tổng hợp Leipzig, tốt nghiệp khoa vật lý, rồi về làm việc tại Viện Hóa-Lý thuộc Viện Hàn lâm khoa học Berlin.
Trước khi bức tường Berlin sập đổ, cô cán bộ vật lý A.Merkel tuy có những băn khoăn về tự do tôn giáo, tự do công dân do bố là mục sư và mẹ có tín ngưỡng sâu đậm, nhưng cô chỉ say mê khoa học, không hoạt động chính trị.
Bà kể rằng ngày 9-11-1989, bà sống ở gần bức tường, bị cuốn hút mãnh liệt bởi biển người tận cùng hứng khởi, Đông Tây ôm chầm lấy nhau, hôn nhau, ca hát, khóc cười, nhảy múa thâu đêm suốt sáng, kéo dài hàng tuần lễ... chính sự kiện lớn ấy đã thôi thúc bà dấn thân hoạt động chính trị.
Cô trí thức 34 tuổi sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức từ khi chào đời đã thấm hiểu từ trong xương tủy sự hủy diệt tự do và chà đạp nhân phẩm là bi thảm ra sao, liền gia nhập Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc CDU, trở thành phó Chủ tịch CDU, rồi Bộ trưởng Thanh niên, Bộ trưởng Môi trường trong chính phủ Liên bang. Bà được toàn dân Đức, cả phía Tây và phía Đông cũ quý mến, tin yêu do tính ngay thật, thẳng thắn, yêu nước thương dân, trong sạch. Bà sống dản dị, không chút màu mè, phấn son, không xức nước hoa xa xỉ, không đồ trang sức ở cổ, tay, đi làm bằng chiếc xe Audi nhỏ, uống nước chè có vị bạc hà, trong phòng làm việc của Thủ tướng liên bang không có một đồ vật trang trí, tranh, tượng, ảnh lớn nào.
Chính Thủ tướng Helmut Koln hồi ấy đã phát hiện ra những phẩm chất chính trị và nhân văn ở A.Merkel, bồi dưỡng và giới thiệu cho chính giới và cử tri toàn quốc một nhân tài quý hiếm, được đa số công nhận rộng rãi, để Cộng hoà Liên bang Đức có một nữ thủ tướng đầu tiên là phụ nữ, lại rất trẻ, khi nhận chức 51 tuổi, năm nay 55 tuổi, được dân Đức tin yêu, toàn thế giới quý trọng.
Sáng 3-11 vừa qua, bà A.Merkel hoàn toàn chinh phục 2 viện Quốc hội Hoa kỳ trong một bài nói rất có tâm và có tầm, nhắc lại những nét nổi bật của thế giới từ sau thế chiến II, sự chia cắt phũ phàng của thế giới, sự căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, niềm vui toàn cầu 20 năm trước khi bức tường Berlin sập đổ.
Bà khẳng định nguyện vọng tự do của con người là tất thắng, là không gì ngăn cản nổi.
Bà chỉ rõ hiện có những bức tường đen tối còn tồn tại, nhưng tất yếu nó sẽ phải đổ, đột nhiên đổ nhưng không bất ngờ. Bà nhắc lại lời tổng thống Clinton sau ngày 9-11-1989: "Mọi chuyện đều có thể xảy ra, không gì có thể cản trở chúng ta tiến về phía trước!" Cả đoạn cuối bài diễn văn, bà Thủ tướng Đức dành để ca ngợi Tự do của các dân tộc với những hình ảnh xúc động đến lãng mạn. Bà nói đến âm thanh của những hồi chuông Tự do vang động trên đất Mỹ và châu Âu, khẳng định:" tự do là quy luật của cuộc sống kinh tế - xã hội ngày nay. Chỉ có tự do con người mới có sáng tạo!"
Mong rằng đông đảo anh chị em ta, đồng bào ta ở trong nước đọc được bài diễn văn lý thú và bổ ích này. Mong rằng các cô Công Nhân, Thanh Thuỷ, Thanh Nghiên, Bích Khương... ở trong nước có dịp nghe và biết về người phụ nữ số 1 trong 100 phụ nữ xuất sắc nhất thế giới, do tạp chí Hoa kỳ FORBES bình bầu mỗi năm. Suốt 5 năm nay, FORBES đều ghi A.Merkel là nhân vật phụ nữ số 1, chưa ai vượt qua. Một tấm gương khích lệ chị em tự tin dấn thân cho Tự do Bà đã chọn lựa một trí thức gốc Việt - nạn nhân chiến tranh - để giao chức bộ trưởng y tế liên bang, bộ trưởng trẻ nhất trong nội các thứ 2 của bà.
Chính vì thông điệp tự do mạnh mẽ sâu sắc và lôi cuốn như trên mà những nhà lãnh đạo thông tin toàn trị chủ trương sàng lọc thông tin, thông tin có định hướng, chỉ muốn bịt mắt bịt tai dân chúng trong dịp kỷ niệm lịch sử 20 năm đổ sập bức tường Berlin, che che giấu giấu về người Phụ nữ số 1 nổi bật trên cát bụi của bức tường đổ nát ấy.
|