Không có thành tích bất hảo, nhất định không phải là người của Đảng |
Thứ Năm, 12 Tháng 11 Năm 2009 04:20 | |||
Bớt xén chế độ Với mục đích tạo điều kiện chăm sóc, điều trị phục hồi chức năng cho 413 người bị tàn tật vận động tại hai huyện Quỳnh Lưu và Tương Dương (Tương Dương:105 người; Quỳnh Lưu: 308 người), tháng 1/2006, Dự án phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng do một tổ chức nước ngoài tài trợ với tổng số vốn là 4.491.705.000 đồng đã được triển khai. Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Vinh là đơn vị được UBND tỉnh Nghệ An giao làm chủ dự án. Theo quy định, mỗi cộng tác viên sẽ được hỗ trợ 60.000 đồng/tháng, hướng dẫn viên 150.000 đồng/tháng và mỗi gia đình có con tàn tật trong quá trình tập luyện phục hồi chức năng sẽ được trợ cấp 100.000 đồng/tháng/cháu (gồm đường sữa và tiền mặt). Hai mẹ con cháu Hoàng Đức Triệu đã bị bớt khẩu phần đường, sữa... Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án này, một số cán bộ của Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Vinh và BQL cấp huyện đã bớt xén chế độ. Chị Nguyễn Thị Tiên có con là Hoàng Đức Triệu bị tàn tật ở xóm Tân Phong, Quỳnh Phương cho biết, hai năm đầu, thỉnh thoảng được nhận đường sữa thuốc bổ và tiền. Chỉ 3 tháng đầu năm 2009 gia đình chị mới nhận được 100.000 đồng/ tháng. Chị Chu Thị Liên, ở khối 7, thị trấn Cầu Giát cho biết: "Con trai chị là cháu Đoàn Thanh Quân, 6 tuổi, đối tượng được hỗ trợ của dự án. Trong 2 năm 2007 và 2008 chị cũng chỉ nhận được 3kg đường và sữa và 50.000 đồng/tháng". Bất bình hơn, tiền trợ cấp nhiều cộng tác viên, hướng dẫn viên, nhiều người tàn tật cũng không được nhận đúng quy định. Rất nhiều bệnh nhân ở các xã của huyện Tương Dương cả năm chỉ nhận được 150.000 đồng. Đặc biệt, tại các xã Quỳnh Hậu, Tiến Thủy, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu, Ngọc Sơn huyện Quỳnh Lưu, chế độ hướng dẫn viên có nơi 42.500 đồng, có nơi lại 90.000 đồng. Sai phạm "lộ mặt" Trước những việc làm thiếu minh bạch, Sở LĐ-TB&XH quyết định thành lập đoàn thanh tra. Tại các biên bản bàn giao hiện vật cho huyện Quỳnh Lưu, năm 2007 huyện này nhận 4 đợt đường, sữa với tổng số lượng: Đường - 7.342kg; sữa - 8.784 hộp nhưng trên thực tế, số hàng chuyển về huyện để phát cho bệnh nhân chỉ có 3 đợt với số lượng: 3.916kg đường và 2.772 hộp sữa. Thành tiền là 51.185.000 đồng. Tại Tương Dương, trên sổ sách chứng từ ghi chuyển về địa phương 17 đợt đường sữa với số lượng: Đường là 7.606kg; sữa- 6.558 hộp. Tuy nhiên, trên thực tế huyện chỉ thực nhận 2 đợt với số lượng 1.155kg đường và 945 hộp sữa. Thành tiền là: 16.600.000 đồng. Đặc biệt, năm 2007, huyện đã nhận 4 đợt tiền cấp phát với tổng số 304 triệu đồng. Thế nhưng kiểm tra số tiền nhập vào quĩ là: 186 triệu đồng; vẫn còn 118 triệu đồng, chưa nộp vào quĩ nhưng đã phát cho các đối tượng 39 triệu đồng, còn thiếu 79.050.000 đồng. Ngày 27/9/2008, bà Nguyễn Thị Lam, Kế toán trưởng vội vã "ôm" 230 triệu đồng ra nộp cho thủ quỹ BV Đa khoa Quỳnh Lưu. Đồng thời, cũng nhanh chóng nộp về huyện Tương Dương 42.520.000 đồng vào ngày 12/10/2008. Ngoài những sai phạm như lập hồ sơ, giả mạo chữ ký đối tượng để làm chứng từ thanh toán, cấp phát không đầy đủ cho đối tượng tại cấp huyện, Đoàn thanh tra đã kiến nghị truy thu số tiền chi sai nguyên tắc và lập chứng từ khống là 222 triệu đồng gồm tiền thăm quan du lịch: 28.400.000 đồng; tiền chi điện thoại: 7.000.000 đồng; tiền xăng dầu 11.460.000 đồng... Trao đổi với PV, ông Bùi Nguyên Lân, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện Sở đã chính thức quyết định thi hành kỉ luật đối với ông Nguyễn Minh Công - Giám đốc Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Vinh vì đã buông lỏng quản lý tài chính để xảy ra sai sót, gây hậu quả nghiêm trọng; cách chức kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Lam. Kiến nghị thu hồi 216 triệu đồng trả về dự án (gồm 50 triệu đồng chi sai nguyên tắc, 165 triệu đồng lập chứng từ khống). Được biết, Công an tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo phòng CSĐTTP về Quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) vào cuộc để làm rõ vụ việc.
|