Viết cho ngày nhà giáo Việt Nam |
Tác Giả: LM Giuse Tạ Xuân Hòa | |||
Thứ Sáu, 20 Tháng 11 Năm 2009 07:26 | |||
Người Việt nam có câu: ăn quả nhớ kẻ trồng cây, hay uống nước nhớ nguồn. Đây là một truyền thống tốt đẹp của người dân Việt nam. Hôm nay là 20/11, ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày này nhắc ta nhớ đến công lao của những người thầy đã dạy dỗ ta nên người. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Nếu như một chữ hay nửa chữ cũng là thầy thì ngày hôm nay phải là ngày chúng ta biết ơn nhau. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên. Những người ta gặp gỡ trong cuộc đời, ai cũng có thể dạy cho ta một cái gì đó và họ xứng đáng làm thầy của ta. Không những chỉ có con người mà cả thiên nhiên hoa lá hay động vật cũng có thể là thầy dậy cho ta. Hiểu như thế thì ngày hôm nay quả là ngày quan trọng, ngày nhắc nhở ta làm người là như thế nào. Tuy nhiên, ngày hôm nay vẫn là ngày dành riêng cho những người thầy dậy học. Nghề nhà giáo là một nghề cao quý vì đó là nghề giáo dục con người. Có người đã nói rất hay rằng nghề nhà giáo là nghề đi vào vĩnh cửu. Những gì ta truyền cho học sinh hôm nay sẽ còn tiếp tục được truyền lại cho những thế hệ kế tiếp và cứ như thế cho đến vô cùng. Một nghề cao quý như thế cho nên những người làm nghề đó, nếu muốn trở thành những người thầy đích thực cũng phải là những con người xứng đáng. Vậy nhà giáo đích thực là gì?
Nhà giáo đích thực theo tôi nghĩ không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn cả niềm đam mê và phong cách sống. Người thầy đích thực không bằng lòng với việc dậy kiến thức mà còn phải giúp cho học trò làm người. Người thầy đích thực không chỉ bằng lòng với việc lên lớp giảng dạy, hết giờ thì về cho tròn bổn phận mà còn phải đánh thức những tiềm năng nơi học trò, giúp học trò phát huy tất cả những tài năng mà Tạo hóa đã ban tặng. Có còn không hình ảnh người thầy đích thực trong xã hội Việt Nam hôm nay? Câu trả lời của tôi là còn. Tôi vừa đọc loạt bài viết về nhà giáo, nhà văn Trần Thị Nhật Tân và đứa con tinh thần “Dòng Xoáy” của bà. Đọc xong, tôi cảm thấy có một cái gì đó nhói đau trong tâm hồn. Tôi thấy bà là người thầy đích thực. Bà đã sống thật trung thực. Bà muốn truyền cho học sinh tất cả những gì bà có để giúp học sinh phát triển. Mặc dù bị guồng máy xã hội đẩy ra bên lề và phải sống một cuộc đời vô cùng khổ sở, nhưng bà đã không bao giờ thỏa hiệp với gian dối. Bà quyết tâm đấu tranh đến cùng. Bà mong muốn một nền giáo dục lành mạnh, một nền giáo dục mà ở nơi đó người ta không phải che đậy điều gì. Người ta có quyền nói thật và sống thật với tất cả niềm đam mê của mình. Học không phải đón nhận thụ động mà là chủ động sáng tạo. Tôi chưa được đọc tác phẩm “Dòng Xoáy” của bà nhưng qua các bài bình luận thì tôi thấy bà quả là một phụ nữ can trường. Ngày 25/06/1989, chính cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi thư cho bà. Trong thư có đoạn “Tôi không rõ Trần Thị Nhật Tân là nam hay nữ? “Thị” ắt phải là nữ rồi, nhưng lời văn lại làm cho tôi nghi là nam. Tôi sẽ rất vui sướng nếu tôi lầm to. Vì nữ tác giả quả là một cô Lý xinh tươi, nhưng rất cương trực, đấu tranh dũng cảm không lùi bước trước những tiêu cực, những ác độc của một bè lũ có chức, có quyền (mà xã hội ta cũng đang còn đầy rẫy), một cô giáo Lý thông minh, sáng tạo, có tư duy mới, đồng thời rất thương yêu học trò, quyết lòng đào tạo các cháu thành con người mới xã hội chủ nghĩa.” Hai mươi năm đã trôi qua, giờ chắc không còn ai hy vọng vào con người mới xã hội chủ nghĩa nữa. Hai mươi năm, bè lũ có chức có quyền mà Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói tới vẫn còn đó. Hai mươi năm sau, một nữ thạc sĩ trẻ cũng đã bị cho thôi việc chỉ vì đã dám dạy thật, dám truyền tất cả tâm huyết cho học trò. Đó là trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, một người Công giáo, dạy văn ở trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm tỉnh Quảng Nam đã bị buộc thôi việc tháng 6 vừa qua, chỉ vì đã dám nói thật, dám giới thiệu cho học trò những webside ở nước ngoài như Talawas, hopluu, tienve... Cô đã bị kết tội xuyên tạc sự thật và cấu kết với bè lũ phản động chống lại nhà nước. Trả lời phỏng vấn của đài RFA, cô Hạnh nói rằng Cô không có tội gì. Cô khẳng định rằng Sự thật, cái đẹp vẫn luôn tồn tại dù cho người ta có cố tình xuyên tạc. Vâng, sự thật và cái đẹp là vĩnh cửu. Đó là những giá trị trường tồn. Dù con người có cố tình che đậy hay xuyên tạc thì sự thật vẫn muôn đời là sự thật. Ngày hôm nay sẽ có nhiều những bông hoa, nhiều cánh thiệp, nhiều lời chúc mừng và có khi cả quà tặng được trao cho các thầy cô giáo. Trong tất cả những món quà đó, có bao nhiêu phần trăm đến từ tấm lòng biết ơn chân thành hay chỉ là một thủ tục cần phải có. Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào các thầy cô giáo dạy thật và sống thật mới có thể nhận được tấm chân tình của học trò. Tôi mừng vì xã hội Việt nam vẫn còn nhiều Nhà giáo như Bà Nhật Tân, như cô Bích Hạnh và còn nhiều người mà tôi chưa biết, họ đã và đang góp phần làm trong sạch hóa xã hội. Họ chính là những ngọn nến sáng soi vào bóng đêm của gian dối và hèn nhát. Họ chính là những người tạo nên dòng xoáy, xoáy sâu vào tâm hồn con người để lay tỉnh lương tri. Nhưng con số này ít quá. Đứng trước một cơ chế cồng kềnh với bao nhiêu chân rết, những đợt sóng nhỏ chẳng ăn thua gì. Tôi muốn kết thúc vài suy tư về ngày nhà giáo hôm nay bằng vài ước mơ. Tôi ước mơ cho các nhà giáo được trả thù lao tương xứng để họ không còn cần phải dạy thêm hay tìm cách kiếm tiền. Tôi ước mong cho các nhà giáo được tự do truyền bá tư tưởng giúp học trò biết tự mình nhận định và phân tích ngõ hầu tạo cho mình một nhân cách. Tôi ước mơ cho có nhiều nhà giáo can đảm sống thật như nhà giáo Nhật Tân và Bích Hạnh để lời dậy không mâu thuẫn với chính cuộc sống của họ. Và nếu như tất cả mọi người đều sống thật thì mọi cái tiêu cực sẽ biến mất. Để làm được điều đó thì chúng ta phải bắt đầu bài học đầu tiên trong cuộc đời là bài học làm người như lời của đạo diễn Trần Văn Thủy trong phim « Chuyện Tử Tế »: « Hãy hướng con trẻ và. .. cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi dang hoặc siêu phàm ».
|