Họ đáng sợ lắm |
Tác Giả: Lê Phan / Người Việt | |||
Thứ Ba, 24 Tháng 11 Năm 2009 18:13 | |||
Họ đều cảm thấy người Hoa và Trung Quốc đáng sợ. Ðó là phản ứng của hai người tôi quen về Trung Quốc và người Hoa. Một là một người Việt sống ở Âu Châu, một là một phóng viên người Anh của đài BBC. Họ không có gì chung nhau cả, nhưng họ đều cảm thấy người Hoa và Trung Quốc đáng sợ. Ðầu tiên là người bạn Việt. Hôm nọ, tới thăm vừa đúng lúc ông đang ngồi xem tivi chiếu về chuyến công du của Tổng Thống Barack Obama đi Á Châu. Lắc đầu khi thấy tổng thống có vẻ quá gượng nhẹ và lịch sự khi nói đến “không muốn áp đặt chế độ của mình lên bất cứ một quốc gia nào khác,” ông bạn tôi lầm bầm bảo “Mình không muốn nhưng họ cứ nhất định lấn lên thì sao?” Ngạc nhiên tôi hỏi: - “Tại sao anh nói vậy? Trung Quốc đâu đã ở cái thế để làm mình sợ.” Lập tức ông nhảy dựng lên: - “Sao không sợ. Họ đáng sợ lắm.” Rồi ông giải thích: - “Ðây nhá cứ lấy chuyện giò chả.” Không hiểu tôi hỏi lại: “Chuyện giò chả?” Ông trả lời: - “Ðúng vậy. Anh chị biết đấy, hồi trước, chúng mình ăn giò chả của các công ty Việt Nam bên Pháp bán sang. Giò chả ngon mà mua đâu cũng có. Cứ ra siêu thị Tàu là có. Nhưng vài năm nay, bỗng nhiên không tìm đâu ra những loại giò chả của Việt Hưng, Phú Quốc ở tiệm Tàu nữa. Họ ra một thứ của họ. Ăn vào chán ngán vì giở quá. Lúc đầu một số tiệm vẫn có cả hai, dần dà chỉ còn có thứ của họ. Muốn ăn giò chả phải tìm lên xóm Việt Nam vào các tiệm Việt Nam mới có. Gần đây tôi hỏi mới biết thế ra là một công ty bên Pháp đã chung nhau với một công ty bên Anh này sản xuất giò chả. Và không những họ không mua hàng của các công ty Việt Nam mà còn ép các siêu thị Tàu khác không mua hàng của Việt Nam nữa.” - “Nhưng đó chỉ là kinh doanh. Tư bản nào mà chả vậy.” - “Không. Tư bản làm ăn có lúc lấn áp nhau nhưng không nhỏ nhen đến như vậy!” Có lẽ ông bạn Việt của chúng tôi hơi quá khích. Nhưng sau đó tôi đọc được một bài của một ông bạn khác ở BBC. Ðó là Damian Grammaticas, cựu phóng viên đài BBC ở Hồng Kông, nay đang ở Bắc Kinh. Với cái tựa đề tương đối nhẹ nhàng, “Sự gia tăng quốc gia chủ nghĩa ở Trung Quốc làm Âu Châu lo ngại,” Damian nói đến mối lo của một số quan sát viên về việc nếu Trung Quốc mạnh hơn thì họ sẽ hành động thế nào. Với việc Bắc Kinh tiếp tục tăng cường khả năng quân sự, một số người sợ là quốc gia chủ nghĩa đang ngày càng trở thành một thế lực đáng ngại. Ðể chứng minh cho luận cứ đó, Grammaticas kể lại là trong một câu lạc bộ nhạc rock ở khu trường đại học Bắc Kinh, Lưu Lợi Tân đang tập hát. Và tiếng hát của ông là tiếng hát của phong trào quá khích. Lời của bản nhạc mới nhất của ông, tên là Rock City, đã quá khích đến nỗi chính phủ Bắc Kinh cũng phải cấm. Lời bản nhạc nói “Ðài Loan là của chúng ta. Tây Tạng là của chúng ta. Dung nhượng với Hoa Kỳ và Nhật Bản là một sự sỉ nhục.” Những người như ông Lưu đang là tiếng nói của một chủ nghĩa quốc gia quá khích hiện đang ngày càng trở thành một thế lực đáng kể và gia tăng ở Hoa Lục. Họ thường chỉ trích chính quyền là quá yếu, không dám đứng lên để bảo vệ cho quyền lợi của Trung Quốc. Và luôn luôn, họ có thái độ thù nghịch với Hoa Kỳ và Nhật Bản, và tin là mọi quốc gia khác trên thế giới đều muốn ngăn cản sự thăng tiến của Trung Quốc. Grammaticas cũng nhắc đến một cuốn sách mà năm nay đã được coi là best seller. Ðó là một cuốn sách mang tựa đề “Trung Quốc không hài lòng”, một tuyển tập những bài của một nhóm chủ trương quốc gia quá khích. Cuốn sách bán ra 800,000 ấn bản rồi và hiện đang còn chờ tái bản. Một trong những người đóng góp cho cuốn sách này, ông Vương Tiểu Ðông, đã viết trong cuốn sách “Nếu anh không tôn trọng chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh anh.” Khi nhà báo hỏi ông muốn nói gì thì ông ta giải thích “Nếu có một quốc gia hùng mạnh, và nếu bạn không tìm cách làm hài lòng quốc gia đó, bạn sẽ gặp vấn đề. Ðó là lối Hoa Kỳ hành xử.” Và khi nhà báo hỏi là ông có nghĩ Trung Quốc cần một quân đội mạnh và sẵn sàng lâm chiến hay không, ông ta trả lời “Dĩ nhiên rồi. Một quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc cần có một quân đội hùng mạnh, một quân đội có thể chinh phục bất cứ một ai ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Ðó phải là viễn ảnh vĩ đại của chúng tôi.” Cựu phụ tá thứ trưởng phụ trách Ðông Á sự vụ dưới thời Tổng Thống Clinton, bà Susan Shirk thì nhận xét là một sự tập hợp của Trung Quốc ngày càng mạnh lên về quân sự và sự gia tăng quốc gia quá khích là một nguy cơ. Bà Shirk nói “Nó tạo một nguy cơ, triển vọng không cao lắm, nhưng là một nguy cơ, là một ngày nào đó, các lãnh tụ Trung Quốc sẽ cảm thấy là để cho dân chúng thấy họ mạnh, họ phải đe dọa Nhật Bản hay Ðài Loan, và họ có thể cảm thấy là họ không thể lùi bước nếu họ muốn bảo vệ sự ủng hộ của quần chúng, hay xa hơn nữa, họ còn có thể lo cho chính vị thế chính trị của họ. Thành ra theo tôi, đó là một kịch bản rất nguy hiểm.” Grammaticas kết luận là năm nay, chiến lược quốc phòng Hoa Kỳ diễn tả tình hình ở Trung Quốc là một thách thức toàn cầu phức tạp. Một Trung Quốc với một làn sóng ngầm quốc gia quá khích và một quân đội hùng mạnh lại còn là một triển vọng đáng ngại hơn cho Hoa Kỳ. Ðọc xong tôi email Grammaticas và hỏi anh “Này anh bạn, anh tính hù dọa ai đó. Trung Quốc đâu đủ mạnh để làm gì.” Và câu trả lời anh gửi lại là “Just you wait (Cứ chờ xem)”. Lời khẳng định của anh bạn làm tôi cũng hơi chột dạ. Ngay đến một người nổi tiếng là tự tin và bình tĩnh như ông Ðặng Tiểu Bình còn dùng đến vũ lực để “dạy cho Việt Nam một bài học.” Ông Ðặng còn có đủ chính nghĩa và tự tin để chống lại việc dùng “giặc ngoài” chống lại “thù trong.” Ngày nay, một khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, chuyện rồi sẽ xảy ra khi nền kinh tế trưởng thành hơn, khi sự sinh tồn của chế độ có thể lâm nguy vì suy thoái kinh tế, thì việc chọn giải pháp dùng ngoại xâm để trấn an dư luận nội bộ có thể xảy ra lắm thay.
|