Trước tòa bà Trần Ngọc Sương nhất mực nói mình vô tội. Bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa ( Nguồn www.vietnamnet.vn) Tòa tỉnh Cần Thơ y án bà Trần Ngọc Sương, nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu 8 năm tù giam trong vụ án vẫn đang gây rất nhiều tranh cãi tại Việt Nam.
Bà Sương bị buộc tội lập quỹ trái phép trong thời gian làm giám đốc nông trường. Trong phiên sơ thẩm cách đây ba tháng, tòa án Huyện Cờ Đỏ tuyên bà 8 năm tù giam, yêu cầu nộp trả cho nông trường 4,3 tỷ đồng.
Trong phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ lý do kháng cáo và y án 8 năm tù đối với bà Trần Ngọc Sương. Cạnh đó ông Đặng Thế Hưng, nguyên kế toán trưởng của Nông trường Sông Hậu cũng bị y án 4 năm tù.
Trong quá trình điều tra cũng như xét xử, bà Sương luôn nói rằng mình vô tội và phủ nhận toàn bộ cáo trạng.
Báo Việt Nam đưa tin luật sư của bà Sương sẽ gửi đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát NDTC xin giám đốc thẩm bản án.
Vụ án bà Trần Ngọc Sương đang chia rẽ dư luận Việt Nam.
Bộ trưởng Công an Việt Nam được báo Việt Nam trích lời đang yêu cầu công an tỉnh Cần Thơ “báo cáo” sớm với mục đích “thẩm tra toàn bộ tiến trình” điều tra vụ án.
“Trước những vụ án có nhiều luồng dư luận, đây là việc làm cần thiết,” ông Lê Hồng Anh nói. “Nếu phát hiện sai sót thì phải sửa.”
Bên lề cuộc họp quốc hội sáng 23/11 tại Hà Nội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm lắng nghe các luồng ý kiến thông tin để xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.”
Từng nổi tiếng là doanh nhân xông xáo, lãnh đạo một doanh nghiệp được cho là “điển hình,” bà Trần Ngọc Sương đã được tặng danh hiệu anh hùng lao động.
Bà cũng là người Việt Nam đầu tiên được vinh danh người phụ nữ ấn tượng Châu Á Thái Bình Dương.
Chia rẽ
Một nhà báo kỳ cựu xin không nêu tên ở Hà Nội cho BBC Việt Ngữ hay hôm 23/11 rằng vụ xử bà Trần Ngọc Sương đang gây ra tranh cãi lớn ở trong nước.
Theo ông, hiện còn rất nhiều rủi ro về pháp luật, rủi ro về môi trường làm ăn tại Việt Nam.
“Tôi cho rằng đây là vấn đề phức tạp, cần nhìn nó ở mức độ lớn hơn, đó là luật pháp Việt Nam trong 10 năm qua đã thay đổi rất là nhiều, tiêu chí đánh giá người kinh doanh cũng thay đổi rất nhiều. Vụ này là khó lắm không phải dễ đâu.”
Về chuyện lập quỹ riêng, nhà báo có lối nói thẳng thắn từ Hà Nội nói thêm: Ở VN nếu mà nói một người nào đó không lập quỹ để đem biếu quan lớn, thì chắc là không có.
“Vì ai cũng phải làm cái đó, vì người ta nấp ở chỗ nọ chỗ kia, người ta đứng ở góc độ nọ, góc độ kia người ta biếu.
“Cái thứ hai nữa là khi làm lãnh đạo người ta phải có cái quyền tự chủ tài chính của họ. ở VN không cho tự chủ, thì như vậy rõ ràng là, nếu như bảo bà có quỹ đen để hoạt động thì hầu như tất cả các cơ quan đều có.”
Và ông nhắc đến một thực tế, theo ông là “đáng buồn”, là đang từ anh hùng trở thành tội đồ trong thời gian ngắn.
“Tình hình ở Việt Nam, cái cơ chế nó thay đổi, cái làm ăn nó đòi hỏi con người ta phải rất là linh hoạt. Lúc được khen người ta gọi bà là “anh hùng”. Hết khen rồi thì thành tội phạm.”
Báo Việt Nam đưa tin khá đầy đủ về vụ án Trần Ngọc Sương. Bên cạnh các bài tường thuật về phiên tòa, một số báo còn đăng ý kiến phản hồi của độc giả.
“Tôi tin rằng rất nhiều người đứng về phía cô,” độc giả Cẩm Vân viết trên vnexpress.net. “Theo như tôi được biết thì quỹ đen đó là quỹ đời sống, công khai, nhằm chăm lo cho cuộc sông của nông trường viên. Cô lấy được đồng nào mà lại mang tội chiếm đoạt tài sản?!”
Và: “Hãy nhìn xem những gì cô Sương đã làm cho nông trường? Đó là những cánh đồng trù phú, trường học, việc làm cho bà con...Thử hỏi xem hiện cô có gì trong tay? Không chồng con, nhà cửa!””
Độc giả Thanh Nam tin rằng, “Bộ Công an vào cuộc sẽ kết luận đúng người đúng tội hơn.” Ông luôn coi bà Sương là một thần tượng.
“Phải thấy rằng cô ấy công nhiều hơn tội, một người nông dân "chân đất" hy sinh cả tuổi thanh xuân cho nông dân, giờ đây qua bao năm tháng thăng trầm, đến cái nhà cũng không có, không chồng, không con cái, vậy thì cái gọi là "quỹ đen" kia cô ấy sử dụng vào đâu?”
|