Câu chuyện ngôn ngữ |
Tác Giả: Lê Phan / Người Việt | |||
Chúa Nhật, 29 Tháng 11 Năm 2009 21:20 | |||
Một trong những điều đã gây nhiều tranh cãi trong chuyến công du của Tổng Thống Barack Obama đến Trung Quốc là chuyện phiên âm tên tổng thống sang tiếng Hoa. Khi tổng thống đến Trung Quốc, Tân Hoa Xã loan tin là Tổng Thống Áo-Ba-Mã tới thăm Trung Quốc, trong khi ở Ðài Loan, báo chí loan tin Tổng Thống Úc-Ba-Mã đến thăm Hoa Lục. Tòa Bạch Ốc muốn chọn Úc-Ba-Mã vì nói đọc ra gần với Obama tiếng Anh hơn, nhưng có lẽ vì nó phát xuất từ cách phiên âm của Dân Quốc ở Ðài Loan nên Hoa Lục không chịu. Vấn đề khó khăn của việc phiên âm tên tổng thống chỉ phản ảnh một vấn đề mà thực ra có nguồn gốc chính trị hơn là ngôn ngữ. Cứ lấy cái tên thủ đô của đất nước này. Từ nhiều năm nay, chính quyền Hoa Lục cương quyết đòi gọi tên thủ đô của họ phiên âm sang tiếng Anh là “Beijing” chứ không phải là “Peking”. Bắc Kinh, đọc theo âm Hán Việt chính là ý nghĩa của cả hai tên. Beijing là phiên âm theo Quan thoại, thổ ngữ của vùng Hoa Bắc trong khi Peking là phiên âm theo thổ ngữ của vùng Hoa Nam. Thành ra chính quyền hiện nay, vốn lập đô ở miền Bắc và chọn tiếng Quan thoại làm ngôn ngữ chính, đã cương quyết đòi phải phiên âm thủ đô của họ theo tiếng Quan thoại, tức là Beijing. Nhưng tổng thống sẽ sửng sốt nếu đột nhiên chính quyền đòi ông phải gọi thành phố Hong Kong là Xianggang. Ðó thưa là phiên âm Hương Cảng theo Quan thoại, trong khi Hong Kong, như chúng ta thường biết đến, là phiên âm theo tiếng Quảng Ðông. Vì Quảng Ðông vốn là nơi mà người Âu thường cập bến tới trước hết ở Hoa Lục nên tiếng Quảng vốn thường là thổ ngữ thông dụng trong việc phiên âm tiếng Hán. Chả thế mà người Pháp vẫn gọi Bắc Kinh là Peking. Nhưng có lẽ vì mặc cảm, Trung Cộng cương quyết đòi những người sử dụng tiếng Anh phiên âm tên thủ đô của họ là Beijing. Mà quả thật việc cương quyết đòi gọi là Beijing không có ý nghĩa gì cả. Cho đến bây giờ họ vẫn chấp nhận cho Tây phương, dầu là tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng nào khác, gọi quốc gia họ là “China”. China thực ra là tiếng đọc trại của tên nhà Tần tức là nhà Qin cách đây 2,200 năm. “Qin” đọc theo âm Quan thoại là “chin”. Nhà Tần là đế triều đầu tiên ở Hoa Lục có liên hệ với thế giới bên ngoài, qua việc buôn bán với vùng mà ngày nay là Trung Á và Trung Ðông, và vì thế cái tên Qin đọc trại ra là Chin hay China, đã trở thành địa danh cho vùng đất này. Người Hoa tự nhận quốc gia của họ là Zhongguo, đọc theo âm Hán Việt là Trung Quốc. Tên này là một sự ngộ nhận của một dân tộc vốn rất kiêu hãnh bởi họ nói họ là “quốc gia ở trung tâm” mà tiếng Anh thường dịch là “The Middle Kingdom”. Nhưng không thấy chính quyền Hoa Lục đòi đổi cái tên “China” thành “Zhongguo”. Vả lại hầu hết các địa danh tên tiếng Hoa được phiên âm sang tiếng Anh, tiếng Pháp, hay tiếng Bồ Ðào Nha, đều dựa trên lối đọc của người Quảng Ðông. Một nhà bình luận của tờ The New York Times đã đặt vấn đề như thế này “Nếu China muốn có được sự chính xác hơn trong việc phiên âm thì đã đến lúc họ đừng dùng những danh từ như Mei-guo (Mỹ hay Mễ Quốc), Ying-guo (Anh Quốc) hay Fa-guo (Pháp Quốc) để chỉ Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Mà nào phải chỉ có ở Hoa Lục. Người Korea, mà tiếng Việt phiên âm là Cao Ly, nay đã quen được người ngoại quốc gọi tên nước họ phát xuất từ một tiểu vương quốc ở bán đảo này cách đây một ngàn năm. Mà thật ra như vậy cũng tốt vì nếu không người Tây phương sẽ gặp nhức đầu khi phải phân biệt giữa Hankook (tiếng Việt là Hàn Quốc) hay Choson (Triều Tiên). Một bên là Hàn Quốc tư bản dân chủ và một bên là Triều Tiên Cộng Sản độc tài. Nam Hàn, hay đúng Ðại Hàn Dân Quốc, nói là họ không chấp nhận cái tên Triều Tiên là vì tên này là do Nhật Bản đặt cho nước họ khi Nhật đô hộ họ. Bắc Hàn, hay đúng hơn, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên, lại cho Triều Tiên là đúng. Nhưng trở lại Hoa Lục, người Tây Tạng hẳn là không đồng ý với cái tên mà người Hán đặt cho quê hương của họ. Xi-zhang, phiên âm sang tiếng Việt là Tây Tạng, có nghĩa đen là “miền Tây bí ẩn”, với ẩn ý đây là một vùng đất phía Tây của đế quốc Hán. Tibet, phiên âm tiếng Anh của vùng đất này, có lẽ phát xuất từ tiếng Ả Rập hay tiếng Thổ, cũng chẳng giống gì tên của người đất này họ vùng đất của họ, vốn là “Bod”. Nhưng dầu sao nó cũng không có tính cách chính trị như Xi-Zhang (Tây Tạng). Và hãy thử tưởng tượng dân tộc Uighur nghĩ sao khi người Hán gọi quê hương của họ là Xin-jiang (Tân Cương) tức là vùng biên cương mới. Thực ra họ muốn được gọi là East Turkestan (Ðông Turkestan), vốn là cái tên mà hồi xưa người Tây phương gọi vùng đất của họ. Còn chuyện quốc gia mà Tổng Thống Obama đã gọi là Burma nữa. Burma, hay Bama, thực ra cũng chỉ là một cách đọc dân dã của cái tên Myanmar, tức là tên của dân tộc sống chính ở vùng châu thổ sông Irrawaddy. Ðây là cái tên mà chính quyền quân phiệt hiện đang cầm quyền cả quyết là thế giới phải gọi họ. Nhưng thực ra tuy tên này được sử dụng từ thế kỷ thứ 13, nhưng chỉ là để chỉ sắc tộc Myanmar, mà chúng ta phiên âm từ chữ Hán sang gọi là dân tộc Miến. Trong nhiều năm, nhiều vương quốc cai trị vùng đất này và không ai dùng tên này cả. Mãi đến thế kỷ 19, khi lãnh thổ của vương quốc chỉ còn thâu hẹp vào châu thổ sông Irrawaddy thì lúc đó triều vua cuối mới tự gọi mình là Myanmar. Nhưng vì nó có tính cách chính trị, cái tên này đã bị những ai chống chế độ bác bỏ. Vì thế tổng thống đã nhất định gọi quốc gia đó là Burma. Ðiều nực cười nhất là Hà Nội ngày nay nhất định gọi quốc gia đó là Myanmar trong khi Miến Ðiện thực ra chỉ là phiên âm từ chữ Hán của cái tên đó. Vả lại trên vùng đất đó, ngoài dân tộc Miến còn có rất nhiều dân tộc khác và họ không muốn lãnh thổ của họ được đặt tên bằng tên của chỉ có một sắc tộc. Nói cho cùng dầu có gọi là gì chăng nữa thì cũng chỉ là một cái tên. Chỉ tại người ta cho nó một ý nghĩa chính trị nên mới thành vấn đề. Tôi còn nhớ nhà báo Như Phong đã nhất quyết gọi Bắc Kinh là Bắc Bình, Peiping, vì theo ông tên đó mới thực sự làm Hoa Lục đau đớn. Thôi thì hãy theo Shakespeare, bông hồng dầu gọi tên gì thì cũng thơm vậy.
|