Những con chim nhồi bông |
Tác Giả: Trương Thế | |||
Thứ Bảy, 05 Tháng 12 Năm 2009 15:59 | |||
Mấy hôm nay, trên mạng có nhiều bài viết bàn về Đại Hội Việt Kiều vừa được tổ chức trong nước. Đặc biệt bài của TS Nguyễn Hữu Liêm - nơi giữa đại hội việt kiều: một nỗi bình an, với rất nhiều phản hồi, làm tôi chợt nhớ đến một truyện ngắn mà tôi đã đọc được cách đây hơn 25 năm. Truyện ngắn có tên là "Cái giá của một niền tin” và được đăng trên tờ Văn nghệ Quân Đội (nếu tôi không lầm). Sau khi đọc xong tôi có đưa tờ báo cho một nhà văn có tên tuổi và hỏi ý kiến ông ta về truyện ngắn nầy, thì ông ta bảo rằng: "Người viết truyện nầy là một nhà văn giỏi; nhưng người cho đăng truyện nầy còn giỏi hơn“. (Có lẽ truyện nầy được đăng trước thời điểm ông Nguyễn Văn Linh nói chuyện cởi trói cho văn nghệ sĩ). Nay thấy nội dung câu chuyện có ít nhiều phù hợp với chuyện Đại Hội Việt Kiều đang được bàn tán, tôi xin kể lại câu chuyện nầy để quí độc giả xem chơi, và cũng để tặng anh Nguyễn Hữu Liêm, người mà tôi đã có cơ hội một lần được gặp và rất ái mộ cái uyên bác về triết học của anh khi nghe anh nói chuyện. Câu chuyện mà tôi kể lại đây, vì viết theo trí nhớ sau hơn 25 năm, nên có thể tôi quên đi nhiều chi tiết và vì khả năng viết lách của tôi còn kém nên không lột tả hết nội dung của truyện ngắn như chính tác giả đã viết ra, tôi xin tác giả thứ lỗi và cho phép tôi kể lại câu chuyện nầy. Chuyện kể như thế nầy: “Tháng Tư năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra với nhiều thuận lợi không ngờ. Trên đường từ Tây Nguyên xuống đồng bằng tiến về thành phố Sài Gòn tiểu đoàn chúng tôi chưa bao giờ gặp nhiều may mắn như thế. Các ổ đề kháng của địch trên đường hành quân của chúng tôi đã tan rã nhanh hơn dự tính. Vì thế chỉ trong vòng mấy mươi ngày mà tiểu đoàn chúng tôi dã về đến sát vòng đai của Thành phố. Sau nhiều ngày hành quân gần chạy không ngừng nghỉ, chân các chiến sĩ bị bỏng rộp cả lên, nhưng ai cũng háo hức chờ đợi ngày tiến vào Sài Gòn, cứ điểm cuối cùng của kẻ địch. Bỗng dưng tiểu đoàn chúng tôi được lệnh phải đổi hướng hành quân – đi về phía bờ biển ở hướng đông. Thất vọng hiện ra trên từng khuôn mặt của các chiến sĩ trong tiểu đoàn, vì không được cùng các đơn vị khác về tiếp thu thành phố. Nhưng lệnh trên thì phải thi hành. Đến bờ biển và khi tiểu đoàn đã lo đủ thuyền bè thì chúng tôi lên thuyền ra khơi tiến chiếm một hòn đảo cách bờ biển chừng 70 hải lý. Thế là tiểu đoàn chúng tôi bỗng dưng biến thành “lính bộ đánh thuỷ” như những lính trẻ nói đùa. Khi đặt chân lên đảo chúng tôi mới biết rằng đảo không lớn lắm. Tuy thuộc chủ quyền của nước ta, nhưng từ trước đến nay hình như đảo chưa có dấu chân người. Chỉ có một loài chim lạ sinh sống ở đây. Chim, vâng rất nhiều chim. Môt loại chim hầu như không thấy ở đất liền. Chim làm tổ trên những lùm cây thấp, làm tổ ngay ở những hốc đá trên bãi biển. Còn trứng chim thì nơi nào cũng có, chim đẻ trứng tràn lan khắp đảo. Loài chim nầy rất dạn dĩ. Có lẽ loài chim nầy không biết rằng giữa chim và người vốn có cái quan hệ thù địch, nên chim chẳng biết sợ người. Chim có thể đậu trên vai, trên đàu các anh lính như thể chim được nuôi thuần thục trong nhà. Về phần lính ta, cả tháng trời chỉ biết có lương khô Trung quốc, bây giờ đột nhiên có trứng chim, thịt chim là một cải thiện tươi sống vô cùng quí báu. Buổi sang chỉ cần đi một vòng bãi biển là đã có trứng chim đựng đầy chiếc mũ tai bèo. Còn thịt chim ư? Chỉ cần đưa bàn tay ra với một ít lương khô bóp vụn thì thế nào cũng có một hai chú chim thơ ngây sà xuống cánh tay. Lính ta chỉ cần ngoặt bàn tay lại là túm được chú chim ngay. Thôi thi đủ các món ăn bằng thịt chim được chế biến. Chim ba món, chim bảy món, chim rang mặn, chim nướng than củi, chim xào chua ngọt... Và chỉ cần một tuần thôi thì loài chim thơ ngây kia nhìn ra mối hiểm hoạ từ lớp ngươi vừa đến đảo. Chim đã biết sợ người, chim bắt đầu bỏ đảo bay đi nơi khác. Bay sang các đảo lân cận, nơi không có bóng dáng những con người hung ác. Đến ngày thứ mười kể từ khi tiểu đoàn chúng tôi đến đảo thì trên đảo không còn bóng dáng một con chim. Mấy ngày sau, trong lần chào cờ buổi sáng, chính trị viên tiểu đoàn đã phê bình chúng tôi một cách nghiêm khắc về việc bộ đội chúng tôi đã làm cho chim bỏ đảo ra đi, rằng hành động ấy là phá hoại thiên nhiên, phá hoại môi trường sống, rằng chúng tôi đã làm một việc không đúng với ý chí và tình cảm của người cộng sản chân chính. Cuối cùng thì đồng chí ấy bảo rằng bắt đầu từ giờ trở đi, không một ai được phép giết chim nữa, và hạn cho chúng tôi trong vòng một tuần lễ phải làm sao đem được đàn chim trở về. Những ngày sau, chúng tôi đã làm nhiều cách để dụ đàn chim: rải lương khô, cơm sấy ra bãi biển để làm mồi; nấp hết vào lều để chim không thấy bóng người mà đáp xuống đảo. Nhưng tất cả mưu kế đều bị thất bại. Không một bóng chim nào dám trở về. Cái hạn một tuần lễ của chính trị viên tiểu đoàn sắp hết rồi. Sáng sớm ngày cuối cùng của tuần lễ mà chính trị viên tiểu đoàn đã hạn định, một vài cậu dậy sớm, ra khỏi lều đã reo lên: Chim trở về - Chim trở về. Chúng tôi vội vã ra ngoài nhìn về phía lùm cây thấp ở cuối bãi. Rõ ràng đã có hai cánh chim về đậu ở đây. Nhưng mà ơ kìa! hai con chim đậu đó đã lâu mà sao không thấy cử động? Dùng ống dòm nhìn thật kỹ thì mới nhận ra đây không phải là hai con chim sống. Ai đó đã để đây hai con chim đã chết rồi. Hai con chim bị rút ruột nhồi bông, nhưng mới nhìn thì tưởng là còn sống. Tuy rằng đây là chim bị rút ruột nhồi bông nhưng cũng có tác dụng: tạo niền tin cho bầy chim đã bỏ đảo ra đi. Bầy chim ra đi nhưng vẫn nhớ thiết tha tổ cũ, chúng vẫn bay lòng vòng gần đảo chúng tôi đóng quân. Nay thấy có hai cánh chim đậu ở tổ cũ. Hai cánh chim đậu đó như một mối bình an. Niền tin đã trở về, chúng lần lượt bay về đậu tổ cũ. Đến chiều thì chim trở về khá đông. Cả bọn chúng tôi thở phào. Lịnh của chính trị viên tiểu đoàn đã được thực hiện đúng thời hạn. Nhưng thưa các bạn độc giả, câu chuyện đến đây chưa hoàn toàn chấm dứt. Tiểu đoàn đã có lệnh cấm không được tiếp tục giết chim. Thế mà ai đó trong tiểu đoàn đã tiếp tuc trái lệnh làm việc nầy. Tiểu đoàn mở cuộc điều tra truy tìm thủ phạm nhưng không mang lại kết quả. Hầu hết chúng tôi trong tiểu đoàn cho đến bây giờ vẫn không biết ai đã làm việc nầy. Hầu hết? Vâng hầu hết - Trừ hai người. Đó là Đồng chí Chính Trị Viên và tôi – là người viết truyện. Số là, đêm hôm trước khi cái hạn một tuần sắp qua, vì khó ngủ nên tôi dậy thật sớm và đi xuống mé biển. Trời còn tối lắm. Trong tranh tối tranh sáng tôi chợt nhận ra một bóng người đang lúi húi cởi bỏ quần áo ngoài nhét vào gộp đá rồi xuống nước bơi qua một hòn đảo, cách đảo chúng tôi ở chừng vài cây số, nơi có nhiều chim đang ngủ trên đó. Tôi nán lại ở bờ biển chờ xem người đó là ai? Lúc người đó bơi trở về tôi mới nhận ra chính là thủ trưởng của tôi - Đồng chí chính trị viên - vốn là một cựu tướng về bơi lội. Lận trong cạp quần của anh là hai con chim đã bị bẻ gãy cổ. Lên bờ anh nhân ngay ra sự có mặt của tôi. Gọi tôi lại anh bảo tôi hứa phải giữ kín câu chuyện nầy, không được kể cho ai biết. Giữ lời hứa với anh, tôi chưa hề kể với ai cái bí mật nầy. Tôi chỉ viết lại đây để các độc giả có được vài phút giải trí. Câu chuyện của tôi đến đây là hết. Trong tôi còn vấn vương với câu hỏi: Không biết nỗi bình an của anh Nguyễn Hữu Liêm ở Đại Hội Việt kiều có giống nỗi bình an của những con chim nhồi bông trên hoang đảo hay không?
|