Những gì sẽ xảy ra nếu Đức Cha Kiệt phải ra đi? |
Tác Giả: Mặc Giao | |||
Thứ Hai, 07 Tháng 12 Năm 2009 21:11 | |||
Trong thời gian gần đây, tin đồn Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt bị ép buộc hay tự ý xin từ chức đã được tung ra, khiến nhiều người thắc mắc và âu lo. Việc Đức Cha Kiệt từ chức, nếu xảy ra, sẽ là một dấu hiệu khuất phục của Giáo Hội Công Giáo trước đòi hỏi của nhà cầm quyền Cộng sản, vì nhà cầm quyền, sau vụ tòa Khâm Sứ cũ và Thái Hà, đã công khai yêu cầu giới hữu quyền của Giáo Hội “xử lý nghiêm minh” Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Vì chưa có lời đính chánh chính thức nên sự thắc mắc và âu lo của giáo dân vẫn còn nguyên vẹn. Cụ thể, ngày 6-9-2009, một số linh mục và giáo dân đã gửi thư cho Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, thỉnh cầu một số vấn đề, trong đó vấn đề đầu tiên được nêu ra là “Việc Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội xin từ chức”: “Cho đến giờ phút này, sự việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt từ chức, thực hư như thế nào thì không ai biết rõ, vì chưa có một thông tin chính thức. Ông bà ta đã từng nói: “Có lửa mới có khói”. Chắc hẳn phải có một điều gì đó đang xảy ra. Vậy cứ giả xử lời đồn thổi về việc Đức TGM Ngô Quang Kiệt xin từ chức là có thật, thì quyền chấp nhận đơn từ chức này thuộc về quyền quyết định tối hậu của Đức Giáo Hoàng… và nếu Đức Giáo Hoàng chấp thuận, thì theo chúng con nghĩ, sẽ là một việc vô cùng đáng tiếc và có thể rất tai hại cho Cộng Đoàn Dân Chúa tại Tổng Giáo Phận Hà Nội nói riêng và toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa nước Việt Nam nói chung. Giáo sĩ cũng như giáo dân Hà Nội một lòng tin tưởng và gắn bó với vị mục tử của mình, Đức TGM Ngô Quang Kiệt, đã dám sống chết với đoàn chiên. Nếu Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt phải ra đi, tức khắc sẽ gây nhiều xúc động và tạo thêm nhiều chia rẽ trầm trọng trong Giáo Hội CGVN kể cả Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại. Vì vậy chúng con khẩn thiết kính xin Đức Cha trình bầy vấn đề này với Đức Giáo Hoàng để Ngài được rõ và xin Ngài không chấp nhận đơn từ chức của Đức TGM Ngô Quang Kiệt, nếu thực sự Đức Cha Kiệt đã có nộp đơn xin từ chức”. Những người ký đầu tiên dưới lá thư này là LM Phạm Sơn Hà ở Đức và hai LM Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Văn Thông ở Hòa Lan, sau đó là rất nhiều giáo dân VN tại Đức và Hoa Kỳ. Lá thư được phổ biến rộng rãi để lấy chữ ký ở khắp nơi. Nếu thư này được phổ biến ở Việt Nam, tôi chắc nhiều giáo dân cũng sẽ ký. Một sự việc đáng ghi nhận khác: Ngày 8-9-2009, trong lễ tấn phong tân Giám Mục Phát Diệm Nguyễn Năng, giữa một rừng người tham dự buổi lễ, người ta thấy những biểu ngữ rất lớn ghi những hàng chữ: - Đức Tổng Giám Mục Hà Nội vị mục tử nhân lành Như vậy là giáo dân Hà Nội, đặc biệt là giáo dân gốc giáo phận Vinh sinh sống ở Hà Nội, đã vác biển ngữ từ thủ đô về trưng tại Phát Diệm nhân ngày đại lễ, có đủ mặt văn võ bá quan đạo đời và nhiều chục ngàn người dự, để bày tỏ tâm tình và ước vọng của họ cho mọi người thấy rõ. Ban tổ chức buổi lễ cũng ưu ái cho họ căng biển ngữ ở những địa điểm dễ thấy nhất để mắt người và ống kính các máy chụp hình, quay phim có thể ghi nhận rõ ràng. Việc từ chức của Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã trở thành một vấn đề nhậy cảm, nhất là đối với giáo dân Hà Nội. Nhậy cảm đến nỗi khi Đức Cha Kiệt đi nghỉ ở Dòng Châu Sơn, Ninh Bình, mệt mỏi sau nhiều ngày lễ lạc, linh mục Chánh Văn Phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội cũng phải ra thông cáo chính thức ngày 12-09-2009 để mọi người đều biết, khỏi hoang mang khi thấy Đức Cha vắng mặt ở Hà Nội. Vì vậy, giả dụ có một vị nào khác được cử về thay Đức Cha Kiệt trong giai đoạn này, chắc chắn vị đó sẽ gặp nhiều khó khăn vì chủ chăn mới sẽ gặp một đoàn chiên còn qúa nặng tình với vị chủ chăn cũ và thất vọng trước hành động đầu hàng của Giáo Hội đối với yêu sách của nhà cầm quyền trong việc thay người lãnh đạo tinh thần của họ. Tòa Thánh và Hội Đồng Giám Mục VN có muốn tổng giáo phận Hà Nội rơi vào tình cảnh như thế không? Tôi nghĩ rằng tin đồn thay thế Đức Cha Kiệt không phải là vô căn cứ. Trước hết về phía nhà cầm quyền. Họ muốn giải quyết cho dứt vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà. Họ không muốn vụ này còn âm ỉ như đống than hồng chỉ chờ một cơn gió là lại bùng lửa lên. Ngày nào Đức Cha Kiệt còn ở Hà Nội thì đống than vẫn chưa tàn. Họ không muốn thấy một lãnh đạo tôn giáo ở ngay giữa thủ đô đương cự với họ về công lý và tài sản. Họ có thói quen áp đặt và ra lệnh, không có thói quen đối thoại và nghe lời phê bình. Họ thích làm cha thiên hạ, nên không thể chấp nhận việc họ ra lệnh mà người khác không nghe. Thêm vào đó là thái độ sợ mất mặt kiểu mấy hương lý kỳ hào nhà quê đỏ mặt tiá tai cãi lý sự cùn để dành lẽ phải về mình. Vì thế họ đã xuyên tạc Đức Cha Kiệt trên các cơ quan truyền thông nhà nước, cho côn đồ chửi rủa và đòi giết Đức Cha. Cuối cùng họ đã chính thức yêu cầu Giáo Hội xử phạt Đức Cha. Về phía Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, có nguồn tin cho rằng nhiều vị không hài lòng về thái độ cứng rắn của Đức Cha Kiệt, cho rằng thái độ này chỉ gây thêm khó khăn cho Giáo Hội, nhất là sự khó khăn có thể lan lây tới những giáo phận do các vị cai quản mà từ lâu nay đã có sự cộng tác “tốt đạo đẹp đời”. Nhiều vị cũng nghĩ rằng nếu Đức Cha Kiệt còn trụ ở Hà Nội thì Giáo Hội Công Giáo VN sẽ mất một ghế hồng y, vì nhà nước cộng sản sẽ không bao giờ chấp thuận cho Đức Cha Kiệt làm hồng y giáo chủ Hà Nội. Do đó, các vị này có thể kín đáo bầy tỏ quan điểm với Tòa Thánh để yêu cầu Tòa Thánh quan tâm tới những “thiệt hại” cho Giáo Hội Việt Nam nếu Đức Cha Kiệt vẫn tiếp tục tại chức ở Hà Nội. Cuối cùng, thái độ của Tòa Thánh cũng có những điều mâu thuẫn dễ gây thắc mắc. Trước hết, Tòa Thánh tỏ thái độ không nhượng bộ trước những đòi hỏi vô lý của chính phủ Hà Nội. Phái đoàn Tòa Thánh do Đức Ông Pietro Parolin cầm đầu chỉ họp với Thứ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Quốc Cường một phiên tại Hà Nội ngày 16-2-2009 và hai bên đã hủy bỏ phiên họp thứ nhì được dự trù vào ngày hôm sau 17/2. Không bên nào công bố lý do việc hủy bỏ phiên họp, nhưng có nhiều phần chắc là cuộc thảo luận đã gặp bế tắc vì vấn đề thay thế Đức Cha Kiệt. Tuy nhiên, cộng sản nắm được điểm yếu trong lập trường của Tòa Thánh. Đó là Tòa Thánh rất mong muốn thiết lập bang giao với Hà Nội. Các đại diện ngoại giao của Tòa Thánh không bỏ lỡ cơ hội nào mà không nói tới việc này. Riêng Đức Ông Pietro Parolin còn “hồ hởi” loan tin, ít nhất hai lần, Đức Giáo Hoàng có thể thăm viếng Việt Nam trong một tương lai gần. Cả hai lần đều bị Hà Nội phủ nhận. Cộng sản dùng miếng mồi bang giao để nhử kể từ khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng yết kiến Đức Giáo Hoàng Bênêdictô 16 tại La Mã năm 2007. Mục đích của họ là muốn Tòa Thánh ảnh hưởng trên các giám mục VN, nhất là những vị có lập trường kiên cường, để các ngài có thái độ hòa hoãn, dễ thương và cộng tác với chế độ cộng sản. Người ta không thể hiểu tại sao Tòa Thánh lại “kết” việc bang giao qúa mặn đến thế? Phải chăng có bang giao là có thể giải quyết được mọi chuyện, kể cả chuyện cộng sản tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo? Hãy nhìn bang giao giữa những quốc gia Nga Sô, Trung Quốc với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. Họ có liên hệ ngoại giao không gián đoạn, họ đều tuyên bố chiến tranh lạnh đã chấm dứt, nhưng họ vẫn luôn luôn tìm cách chơi gác nhau nếu không nói là phá nhau trong mọi trường hợp, vẫn duy trì hàng chục ngàn hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử nhắm vào nhau. Bang giao để sẵn có đường giây nói chuyện khi cần, để dễ thăm dò nhau, để gia tăng việc làm ăn buôn bán, nhưng không hết cạnh tranh và thù nghịch. Chúng ta đừng nghĩ rằng nhà cầm quyền Hà Nội sẽ đổi chính sách về tôn giáo khi có bang giao với Vatican. Đường lối đối ngoại của Tòa Thánh do Phủ Quốc Vụ Khanh (tức Bộ Ngoại Giao) Tòa Thánh hoạch định và thi hành. Một nhân vật Việt Nam, Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung mới được bổ nhiệm chức vụ đặc trách Đông Nam Á sự vụ tại Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh. Lần đầu tiên Đức Ông Dung tham gia phái đoàn điều đình với Hà Nội trong phiên họp tháng 2 đầu năm 2009. Với chức vụ hiện tại, Đức Ông là người có trách nhiệm theo dõi hồ sơ Việt Nam. Người ta chưa biết lập trường của Đức Ông ra sao. Dĩ nhiên Đức Ông phải tuân theo lập trường của Tòa Thánh, nhưng Tòa Thánh chắc chắn cũng phải quan tâm tới những nhận định và đề nghị của Đức Ông. Liệu có ai gần gũi Đức Ông để trình bầy thực trạng của Giáo Hội Việt Nam và ước vọng của giáo dân Việt Nam, hay chỉ có đại sứ của Hà Nội tại Rome đi lại làm làm “lobby”? Chắc chắn Tòa Thánh không hy sinh Giáo Hội Việt Nam, nhưng nếu Tòa Thánh có chính sách thích hợp với Hà Nội, kể cả việc thay thế Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt để đổi lấy bang giao thì hậu qủa sẽ ra sao? Trong trường hợp Đức Giáo Hoàng chấp nhận sự từ chức của Đức Cha Ngô Quang Kiệt vì bất cứ lý do gì, hậu qủa sẽ vô cùng tai hại. Tai hại đầu tiên là sự thất vọng lớn lao của giáo dân Việt Nam khắp nơi, cả trong lẫn ngoài nước, không chỉ riêng Hà Nội, về việc các cấp thẩm quyền Giáo Hội đã bỏ qua ý nguyện của giáo dân để làm vui lòng nhà cầm quyền cộng sản. Dù thực tâm Giáo Hội không chủ trương như vậy và có những lý do thầm kín không tiện nói ra, nhưng sự thất vọng và mất tin tưởng của giáo dân sẽ xảy ra không thể tránh và từ đó sẽ nảy sinh những hành động và lời nói chống đối, tạo sự chia rẽ ngay trong nội bộ Giáo Hội, làm mất sự hiệp thông và cảm thông giữa đoàn chiên và các chủ chăn. Trong khi đó những người cầm quyền cộng sản ngồi rung đùi cười vì họ được hưởng món qùa “bất chiến tự nhiên thành”, kệ cho cha con trong Giáo Hội gấu ó lẫn nhau, tự làm suy yếu nội lực, nhà nước khỏi mang tiếng đàn áp. Thế là tiêu tùng tất cả hào khí đấu tranh cho công lý và tự do, là dập tắt những ngọn lửa đã bùng lên ở Thái Hà, Tam Tòa và sẽ không còn ngọn lửa nào khác có thể nhen nhúm trong tương lai. Điều tệ hại hơn nữa là các thành phần nhân dân thuộc các tôn giáo khác đang theo dõi cuộc đấu tranh của giáo dân Công Giáo với nhiều hy vọng và chờ đợi nhập cuộc cảm thấy họ đã đặt hy vọng và cảm tình lầm chỗ. Họ có thể nghĩ rằng Giáo Hội Công Giáo coi trọng quyền lợi và sự “tiện nghi” của riêng mình hơn quyền lợi của dân tộc và hơn cả lý tưởng cao đẹp của đạo. Chúng tôi không phóng đại và bi thảm hoá vấn đề trong việc nêu những hậu qủa có thể xảy ra như trên. Chúng tôi cũng không qúa đề cao vai trò của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt. Nhưng dù sao cũng phải công nhận Đức Cha Kiệt đã trở thành biểu tượng của một chủ chăn chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm, vu khống và nhục mạ để bảo vệ đoàn chiên và Giáo Hội, chưa nói tới những mục tiêu cao rộng khác. Vì thế, sự ra đi của Đức Cha, nếu có, sẽ gây nhiều thiệt hại chẳng những cho Giáo Hội Công Giáo mà còn cho cả cuộc đấu tranh cho công lý và tự do của toàn dân Việt Nam. Chúng tôi ước mong Tòa Thánh, các vị giám mục Việt Nam và chính Đức Cha Kiệt hãy nghĩ tới những hậu qủa này. Chúng ta cũng cần nâng đỡ tinh thần và cầu nguyện cho Đức Cha Kiệt. Ngài hiện bị nhiều thứ áp lực, có nhiều điều phải suy nghĩ. Vì vậy Ngài mới thường đến Dòng khổ tu Châu Sơn ở Nho Quan, Ninh Bình để tĩnh tâm, cầu nguyện và “giải stress”. Các linh mục và giáo dân khởi xướng bức thư gởi Đức Cha Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục VN ngày 6-9-2009, cũng như những giáo dân căng biểu ngữ trong lễ tấn phong Giám Mục Phát Diệm đã có phản ứng nhanh và đúng lúc. Nhiều người đã nghĩ tới vấn đề nhưng còn lay hoay, chưa tìm ra cách thức hành động. Chúng ta phải làm mọi cách, phải lấy thêm nhiều sáng kiến, để các thẩm quyền Giáo Hội, từ thấp nhất tới cao nhất, từ địa phương tới trung ương nhìn ra sự trầm trọng của vấn đề và hành động một cách khôn ngoan, hợp tình hợp lý. Một khi Đức Giáo Hoàng chấp nhận đơn từ chức của Đức Cha Kiệt, việc xoay lại tình thế sẽ rất khó khăn. Dù sao chúng ta cũng phải giữ niềm hy vọng, vì ngoài ơn Chúa Thánh Thần, chúng ta còn có những bằng chứng để mong rằng việc này sẽ không xảy ra. Bằng chứng thứ nhất là thư ngày 25-09-2008 của Đức Cha Chủ Tịch Nguyễn Văn Nhơn, thay mặt Hội Đồng Giám Mục VN, trả lời Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hà Nội, trong đó có đoạn: “Qúy Ủy Ban có kiến nghị Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “xem xét, xử lý và đề nghị xử lý nghiêm minh theo qui định của Giáo hội đối với Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, linh mục Vũ Khởi Phụng, các giáo sỹ Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Thật, Nguyễn Ngọc Nam Phong”. Sau khi xem xét, chúng tôi thấy các vị này không làm bất cứ điều gì ngược lại giáo luật hiện hành của Giáo hội Công giáo”. Bằng chứng thứ hai là trong những ngày 6, 7, 8, 9 tháng 10, 2009 vừa qua, chúng ta thấy hình ảnh của Đức Cha Kiệt và các đức cha khác xuất hiện đầy dẫy trên các phóng sự, từ lễ tấn phong Đức Cha Năng ở Phát Diệm đến lễ tạ ơn của Đức Cha Đệ ở Thái Bình, hết Đức Cha Năng thăm Thanh Hóa, lại lễ an táng Đức Cha Trọng ở Nam Định. Chỗ nào cũng thấy các ngài vui vẻ, vô tư (insouciant) như không có chuyện gí xảy ra. Chỗ nào cũng thấy khung cảnh huy hoàng, giáo dân đông nghẹt, diễn nguyện uốn éo đủ kiểu, những lẵng hoa cao hơn đầu người. Ai dám nói Giáo Hội Việt Nam có vấn đề?
|