Mối quan hệ Giáo Hội – Nhà Nước tại Việt Nam: Đường hướng đối thoại |
Tác Giả: J.B. An Dang /VietCatholic News | |||
Thứ Bảy, 12 Tháng 12 Năm 2009 10:45 | |||
Trong suốt hai năm qua, truyền thông nhà nước Việt Nam đã thường xuyên mô tả một số giám mục và linh mục như là "những kẻ gây rối" những người đã "kích động bạo loạn, vu cáo chính quyền, không tôn trọng đất nước, coi thường pháp luật, và xúi giục giáo dân vi phạm pháp luật" [1]. Những cáo buộc như thế lại bùng nổ trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và vị lãnh đạo cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết vào ngày 11 tháng Mười Hai nhằm biện minh cho những cuộc đàn áp thẳng tay mới đây nhằm chống lại Giáo Hội tại Việt Nam.
Phải chăng thực sự hiện đang gia tăng khuynh hướng chuộng con đường đối đầu hơn là hơn đối thoại nơi người Công Giáo Việt Nam? Một hội thảo về mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo Hội tại Việt Nam được tổ chức tại Tổng Giáo Phận Sài Gòn hôm 28 tháng 11 đã thẳng thắn bác bỏ ý niệm này. Đối đầu là chết Trường hợp của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt của Hà Nội có thể làm sáng tỏ về vấn đề này. Trong số tất cả các giám mục tại Việt Nam, vị giám mục chân chính nổi lên như là một nhà lãnh đạo với nhiều xung đột với chính quyền hơn những người khác. Tuy nhiên, gán cho ngài cái nhãn là người lựa chọn con đường đối đầu thì thật ngớ ngẩn, một kiểu luận điệu thiếu cơ sở thường được đưa ra làm bình phong mỗi khi có ai muốn buộc tội đối phương của mình. Như tuyên bố của Hội đồng Giám Mục Việt Nam khi trả lời về những cáo buộc của Ủy ban Nhân Dân thành phố Hà Nội hồi năm ngoái thì Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt không làm điều gì sai khi kêu gọi tín hữu của mình cầu nguyện một cách ôn hòa trước Tòa Khâm Sứ Hà Nội như là một đường hướng tìm kiếm đối thoại chân thành nhưng kiên quyết với chính quyền về khát vọng chính đáng của người Công Giáo khi họ không còn lựa chọn khác: đòi lại tài sản của họ vốn đã bị chính quyền chiếm đoạt bất hợp pháp. Thay vì lắng nghe người dân, ban đầu chính quyền chọn cách phớt lờ, gây nhiều căng thẳng hơn là làm sáng tỏ vấn đề, sau đó lại đi xa hơn là chiến đấu bảo vệ vị thế của mình trong khi tấn công bạo lực vào người Công Giáo. Cùng một thời điểm, dưới áp lực quốc tế, chính quyền đã hứa sẽ trả lại Tòa Khâm Sứ trước khi quanh co bội ước công khai bằng cách phá hủy tài sản đang tranh chấp với sự trợ giúp của một lực lượng hùng hậu gồm công an, an ninh, dân quân, chó nghiệp vụ thay vì trao trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của nó. Ngay sau đó, một chiến dịch bôi nhọ chống lại vị giám mục trên tất cả các phương tiện truyền thông nhà nước đã diễn ra. Tòa Tổng Giám Mục đã bị đóng cửa trong nhiều tháng. Nhân viên của ngài đã khóa trái cổng bên ngoài Tòa Giám Mục để ngăn chặn các cuộc tấn công bất ngờ của đám quần chúng tự phát của chính quyền, thường xuyên tụ tập bên ngoài, la hét các khẩu hiệu ca ngợi cộng sản và đặt vấn đề về lòng yêu nước của Đức Giám Mục Đây không chỉ là một kinh nghiệm cá nhân đầy kinh hoàng xảy đến cho vị giám mục và cho giáo dân của ngài, mà còn gây cản trở Đức Tổng giám mục trong công tác mục vụ. Sự an nguy của ngài và ngay cả mạng sống của ngài trong thời gian này đã lâm nguy nếu không nhờ vào sự yểm trợ không khoan nhượng của giáo dân cũng như sự quan tâm theo dõi của cộng đồng công giáo trên toàn thế giới. Những mưu toan này, dù âm thầm nhưng đều đặn, đã được tích lũy đến mức chính vị giám mục này còn nghĩ rằng mình nên ra đi vì lợi ích của giáo hội vì trong lúc việc đào tạo chủng sinh cũng bị giới hạn trầm trọng như việc truyền chức, bổ nhiệm hay thuyên chuyển linh mục. Ngoài ra còn gặp những trở ngại trong những sinh hoạt thông thường, đi lại, hội họp, hay khai triển những sáng kiến mục vụ mới. Đối mặt với tất cả xung đột chống lại ngài, có bao giờ Đức Tổng Giám Mục kêu gọi một cuộc biểu tình chống đối để nhắm vào những người đã đối xử bất công với ngài? Ngài có chấp nhận bất kỳ cuộc phỏng vấn nào của các hãng thông tấn quốc tế với mục đích nói lên sự thật? Cũng giống như Chúa Giêsu Kitô trước tòa phán xét của quan Phi la tô, vị tổng giám mục đau khổ này đã chọn sự yên lặng. "Tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm", Mt 26, 53. Đó không chỉ là một cảnh báo đối với các Kitô hữu trong Kinh Thánh, nhưng trong bối cảnh xã hội Việt Nam, đó còn là một nhắc nhở thiết thực cho người Công Giáo để tồn tại. Đối với họ, đối đầu có nghĩa không có gì khác hơn là tự sát. Người ta có thể thấy rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội tại Việt Nam đã rất thận trọng trong cách cư xử với chế độ độc tài. "Chúng ta cần những chỉ dẫn cụ thể từ Tòa Thánh khi đối đầu với các vấn đề nhạy cảm mà chỉ cần một sai lầm nhỏ sẽ gây ra thiệt hại to lớn cho Giáo Hội và đất nước" [2], đây là phát biểu của Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc của Giáo phận Mỹ Tho trong buổi hội thảo nói trên. "Một sai lầm nhỏ sẽ gây ra thiệt hại to lớn". Làm thế nào cảnh báo này có thể xác thực được dưới một chế độ tàn bạo như ở Việt Nam, một chế độ đưa ra những phản ứng cực đoan nhằm chống lại những người chỉ trích và bất đồng, điều đã được khắc ghi trong suốt bề dày lịch sử. Chính Nhà nước cộng sản này đã chọn biện pháp đối đầu để mọi cá nhân và tập thể phải phục tùng họ một cách hoàn toàn. Đường hướng đối thoại Để tồn tại và phát triển, Giáo Hội tại Việt Nam đã không còn chọn lựa nào khác hơn là tìm kiếm "một sự hợp tác lành mạnh" giữa Giáo Hội và Nhà nước thông qua đối thoại như khẳng định của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong huấn từ ngài dành cho các giám mục Việt Nam trong chuyến thăm Ad Limina của họ vào tháng Sáu vừa rồi [3]. Tuy nhiên, con đường dẫn đến cuộc đối thoại mang lại thành quả với chính quyền vô thần là hết sức khốn khó và đầy chông gai với vô vàn những trở ngại. Bảy ngày trước Lễ Giáng Sinh năm 1976, tại Thánh lễ bế mạc Đại hội đầu tiên của cái gọi là "Ủy ban Đoàn kết Công Giáo Việt Nam", hàng ngàn người tham đã không khỏi sửng sốt khi các linh mục đồng tế đã cố ý bỏ qua không đọc lời cầu cho Đức Giáo Hoàng, một cử chỉ cụ thể biểu tượng cho trào lưu ly giáo tách rời Vatican, một cảnh báo tinh tế về tương lai của Giáo Hội dưới sự kiểm soát của Đảng. Các linh mục này, hầu hết là thành viên của Đảng Cộng Sản, đã được Đảng ca ngợi nhiệt liệt như là "ví dụ điển hình" của "sự cộng tác tốt" rất cần thiết để bắc một nhịp cầu giữa Giáo Hội và Nhà nước Việt Nam. Đức Giám Mục Phanxicô Nguyễn Văn Sang của Thái Bình, trong bài viết của ngài được đăng trên VietCatholic News [4] ngày 10/09/2008, đã nhắc lại một câu chuyện gây sửng sốt. Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II quyết định tuyên thánh 117 vị tử vì đạo Việt Nam vào ngày 19 tháng Sáu năm 1988, Đức Cha Sang và các giám mục khác trong đó có Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, lúc đó là Tổng Giám Mục của Hà Nội, đã được triệu tập đến Bộ Nội Vụ để chứng kiến cơn thịnh nộ của Tướng Công An Mai Chí Thọ khi nói về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, miêu tả họ như là những người phản quốc, những tên tội phạm. Đức Giám Mục viết "Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn quỳ xuống ôm mặt khóc, kêu gọi vị Tướng thôi không thóa mạ nữa". Sau đó, một giám mục tại miền Nam bị buộc phải viết một lá thư gửi lên Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II để phản đối việc phong thánh. Tuy nhiên, bất chấp những áp lực mạnh mẽ của cộng sản, buổi lễ phong thánh cũng đã diễn ra trong niềm vui của người Công Giáo Việt Nam trên khắp thế giới. Những ví dụ này nêu bật một thực tế là chính quyền Việt Nam có xu hướng đồng hóa "sự hợp tác tốt" giữa Giáo Hội và Nhà Nước với sự quy phục hoàn toàn của Giáo Hội vào luật lệ của Đảng Cộng Sản. Về vấn đề này, chính quyền cho rằng lòng trung kiên của người Công Giáo đối với Tòa Thánh là mối đe dọa đối với sự thống nhất đất nước, và thường diễn giải các quyết định liên quan đến Vatican của Giáo Hội tại Việt Nam như là hành vi gây tổn hại đến chủ quyền đất nước và đến công việc nội bộ của chính quyền dưới cái cớ tự do tôn giáo. Cũng nên lưu ý rằng hiện vẫn còn liên tiếp những mưu toan thiết lập một Giáo Hội đặt dưới chỉ thị của Đảng. Cả "Ủy ban Liên Lạc những người Công Giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình", khai sinh vào tháng 3 năm 1955, và "Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam" khai sinh vào tháng Sáu năm 1975, đều được giao nhiệm vụ thiết lập một Giáo hội Công giáo do nhà nước kiểm soát. Cho đến hôm nay, trong khi Giáo Hội không được phép có tạp chí riêng của mình, thì những ủy ban này được Nhà nước trợ cấp để xuất bản các tạp chí mang danh Giáo Hội nhưng lại đưa ra một loạt các bài báo chống Vatican nhằm chỉ trích gay gắt nhắm vào Vatican và Đức Giáo Hoàng để chứng tỏ lòng trung thành của mình đối với Đảng. Trên con đường dẫn đến cuộc đối thoại có kết quả với chính quyền Việt Nam, vẫn còn nhiệm vụ đầy thách thức đối với người Công Giáo tại Việt Nam là làm sao xóa tan những đám mây định kiến và nghi ngờ trong tâm thức của chính quyền mà vẫn không làm tổn thương lòng trung kiên của họ đối với Chúa Kitô và Giáo Hội Hoàn Vũ của Ngài, cũng như không làm tổn thương đến bản sắc Công Giáo và sứ mạng của họ. Người ta cũng phải thừa nhận một trở ngại lớn là quan chức các cấp ở Việt Nam dường như chưa sẵn sàng cho cuộc đối thoại như vậy. Tờ Hà Nội Mới, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản tại Hà Nội, và các phương tiện truyền thông Nhà Nước khác đã liên tục đặt ra câu hỏi cho người Công Giáo "Họ [người Công Giáo] nghĩ họ là ai mà đòi 'đối thoại' với chính quyền chúng tôi? Với quá nhiều quyền lực trong tay, chính quyền Việt Nam dường như chưa sẵn sàng chịu đồng ý rằng "đối thoại" là một phương thức được chọn lựa để giải quyết tranh chấp với người dân của mình, bất kể họ là ai. Kế thừa sự chính sách xử lý những xung đột hay tranh chấp trong nước của quan thày và người yếm trợ của họ là Trung Quốc, họ xách nhiễu, đe dọa, bạo lực, đàn áp, và cầm tù như là cách để bịt miệng và trừng trị những ai bất đồng chính kiến và chỉ trích họ. Sáng hôm Thứ Hai 27 tháng Bảy, Cha Phaolô Nguyễn Đình Phú, linh mục của giáo xứ Dũ Lộc đã bị đánh đập tàn nhẫn bởi một nhóm công an thường phục và tay sai khi ngài trên đường đến giáo xứ Tam Tòa. Tòa Giám Mục Giáo phận Vinh đã khiếu nại khẩn cấp lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình và yêu cầu Cha Phêrô Nguyễn Thế Bính, chánh xứ Hà Lời, giáo xứ gần nhất, để đi cùng với ông Trần Công Thuật, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình, đến thăm Cha Phaolô Phú. Tại bệnh viện, ông Thuật bí mật rút lui. Ngay sau khi ông vừa đi xa, các tay du côn đã xúm vào hành hung Cha Bính một cách tàn nhẫn trước khi ném ngài từ tầng 2 của tòa nhà. Khi áp lực còn đang sôi sục, Đức Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên của Giáo phận Vinh đã kêu gọi đối thoại hòa bình. Lời kêu gọi của ngài đã bị gạt qua một bên trong khi quân đội và cảnh sát được đặt trong trình trạng báo động và triển khai dày đặc trong khu vực. Không đối thoại, cũng không một lời xin lỗi từ Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Bình. Thay vào đó, ít tháng sau, họ đã chi ra một số tiền khổng lồ để giật sập bức tượng Đức Mẹ rất lớn tại nghĩa trang của Giáo Xứ Bàu Sen, trong khi đe dọa thực hiện nhiều hành động cực đoan hơn nữa. Song song với thái độ chính quyền thiếu thiện chí làm việc với người của các tôn giáo, họ còn có những đòi hỏi bất tận về tài sản của giáo hội, khiến cho sự căng thẳng càng thêm sôi sục trong những năm vừa qua. Trong thời đại của thị trường mở cửa, giá trị đất đã tăng với tốc độ chóng mặt. Khi giá trị của tài sản tôn giáo được định giá lại, tiềm năng kinh tế của chúng rất lớn, chính vì vậy mà chính quyền phải tìm cách để giành chúng về tay mình vì lợi ích cá nhân. Nói theo lối cộng sản, khi "tất cả đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước đại diện nhân dân quản lý", chính quyền địa phương trên khắp Việt Nam đã buộc các nhà lãnh đạo tôn giáo "hiến tặng" tài sản tôn giáo. Trong hầu hết trường hợp, công tác đập phá tài sản đã sớm được khởi động trước khi các nạn nhân có thể phản ứng, để biến các tài sản này thành khách sạn, nhà hàng, và vũ trường. Theo cùng một cách thức, làn sóng các nhà thờ, tu viện, chủng viện, trường học, bệnh viện, và các trung tâm xã hội khác trong cả nước lần lượt rơi vào tay của các quan chức địa phương. Trong một loạt vụ cướp tài sản của Giáo Hội, Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt rộng 79.200 m2 là biến cố mới nhất. Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam bị buộc phải "hiến" chủng viện lớn nhất và thân yêu nhất trong trái tim của nhiều giám mục và linh mục Việt Nam cho chính quyền Đà Lạt. Đức Giám Mục cho hay hôm 25/11/2009: "Đã có 14 linh mục xuất thân từ đây được tấn phong giám mục" [5]. Trợ giúp từ Tòa Thánh Với sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản ở Đông Âu, việc tiếp cận với thị trường mở, và việc mở cửa cho Tây Phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, bắt đầu bằng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 1994, bình thường hóa quan hệ vào tháng 7 năm 1995, và việc gia nhập WTO vào tháng 11 năm 2006; công bằng mà nói đã có sự cải thiện vừa phải về tự do tôn giáo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng tự do tôn giáo vẫn còn là một kinh nghiệm rất khác từ thực tế tại Việt Nam hiện nay, và những ngược đãi công khai đôi khi vẫn xảy ra. Kể từ khi phái đoàn đầu tiên của Tòa Thánh viếng thăm vào năm 1989, tình hình Giáo Hội tại Việt Nam đã được cải thiện một phần do các nỗ lực liên tục của Tòa Thánh nhằm duy trì một cuộc đối thoại chính thức với chính quyền, bao gồm chuyến viếng thăm Việt Nam gần như hàng năm của phái đoàn Tòa Thánh Vatican. Trong viễn tượng này, vào trước cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết vào ngày 11 Tháng Mười Hai, người Công Giáo Việt Nam đã bày tỏ cả niềm hy vọng lẫn sợ hãi. Phải đối mặt những bách hại trong những năm gần đây, họ hy vọng Tòa Thánh có thể tận dụng cơ hội này để bảo vệ Giáo Hội tại Việt Nam và hỗ trợ họ nhiều hơn nữa. Mặt khác, họ cũng biết rằng chuyến viếng thăm của chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã được thiết kế cẩn thận để diễn ra vào thời điểm khi mà Việt Nam cần hơn bao giờ hết để che giấu thành tích xấu xa về vi phạm nhân quyền và tôn giáo. Bằng sự tôn trọng Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh, mà họ luôn trung tín kiên vững ngay cả khi trả giá bằng những đau khổ khôn cùng, người Công giáo Việt Nam vẫn không muốn thấy Giáo Hội hoàn vũ là một giáo hội khả tín nhất trở thành nạn nhân mới của sự dối gạt của chính quyền Việt Nam. Ngày 25 tháng Giêng năm 2007, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có một chuyến viếng thăm lịch sử đến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và các viên chức Tòa Thánh Vatican. Ba tuần sau đó, ngày 19 tháng Hai năm 2007, công an bao vây và đột kích vào Tổng Giáo Phận Huế để lục lọi văn phòng, tịch thu máy vi tính, các thiết bị điện tử, và bắt Cha Nguyễn Văn Lý, một linh mục Công Giáo. Cha đã bị cầm tù 14 năm vì bị cáo buộc phổ biến tài liệu chỉ trích những hạn chế của chính quyền về tự do tôn giáo và tự do chính trị. Cơn thịnh nộ đã không dừng lại ở đó. Giáo Hội tại Việt Nam kể từ đó phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn bao giờ hết. Thánh Lễ cho người Công Giáo ở Sơn La và rất nhiều thị trấn ở Tây Nguyên bị (chính quyền) từ chối không cấp giấy phép, ngay cả những ngày Lễ lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh. Các tu viện ở Thiên An - Huế, Vĩnh Long, Long Xuyên, và Nha Trang đã lần lượt bị chiếm đoạt và san bằng để xây dựng khách sạn và khu du lịch. Các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và giáo dân tại Thái Hà liên tục bị tấn công về thể lý. Thậm chí họ bị xét xử hình sự vì tổ chức các cuộc phản đối ôn hòa với phán quyết bất công. Ngay cả Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt cũng không thoát khỏi những mưu toan hiểm độc. Giữa những ngược đãi công khai hiện nay, điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội tại đất nước này sau chuyến viếng thăm này? Chú thích: [1] Công văn của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo gửi Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – ngày 23/09/2008 [2] Quan hệ Giáo Hội và Nhà Nước tại Việt Nam – Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc - http://vietcatholic.net/News/Html/73996.htm [3] Huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dành cho các giám mục Việt Nam trong chuyến thăm “Ad Limina” - Thứ Bảy 27/06/2009 http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/speeches/2009/june/documents/hf_ben-xvi_spe_20090627_ad-limina-viet-nam_en.html [4] Đức Giám Mục Phanxicô Nguyễn Văn Sang - http://vietcatholic.net/News/Html/58310.htm [5] Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - ngày 25/11/2009 http://vietcatholic.net/News/Html/73866.htm
|