Niềm vui mùa Giáng Sinh |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Chúa Nhật, 27 Tháng 12 Năm 2009 22:23 | |||
Năm nay tôi lại được sống giữa cảnh tuyết trắng trong những ngày lễ Giáng Sinh, một khung cảnh giúp cho những ngày lễ hội đoàn tụ với gia đình trở thành đầm ấm và thiêng liêng hơn. Nhưng nếu quý vị không yêu màu tuyết trắng thì sẽ không ai muốn phải lái xe đi tìm địa chỉ trong lúc tuyết lông ngỗng phấp phới tỏa xuống mịt mờ trong một thành phố lạ. Trước đây 10 năm nếu phải lái xe từ phi trường Chicago tới một khách sạn ở trung tâm thành phố, thì công việc sẽ nhiêu khê lắm. Chúng ta sẽ phải hỏi trước và ghi lại đường đi như thế nào. Nên có cái bản đồ chi tiết. Tới các ngã tư sẽ phải nhìn kỹ bảng tên đường (nhiều bảng tên bị tuyết rơi bao phủ) và phải tính trước nếu cần rẽ quẹo về phía nào, thì lái xe ngả về bên đó trước. Phải tránh quẹo gắt, nhất là khi đường phủ tuyết trơn trượt. Nhưng năm nay công việc lái xe không phức tạp và mệt nhọc như trước nữa. Vì trong xe đã có cái máy GPS dùng vệ tinh chỉ đường. Chỉ cần bấm cái địa chỉ nơi mình muốn đến vào máy, nó sẽ dẫn đường cho mình, từng bước một, bằng hình vẽ bản đồ hiện trên màn ảnh, và bằng lời nói. Máy còn báo cho mình biết phải đi sát lề bên phải hay bên trái trước khi đến chỗ quẹo. Dùng thử nhiều lần khi cần đi tìm địa chỉ để tới những nơi mình chưa biết, chúng ta sẽ thấy việc sử dụng máy GPS có thể giúp người lái xe tiết kiệm được khối thời giờ. Trước đây cần hỏi thăm đường, ghi chép và vẽ bản đồ, rồi tìm đọc tên đường, đổi đường nếu bị lạc, vân vân, bây giờ không cần nữa. Lái xe trong mưa tuyết tìm một khách sạn ở gần trung tâm thành phố với nhiều đường một chiều, cái máy GPS có thể giúp mình giảm được nửa số thời giờ tìm kiếm. Thử tưởng tượng trong một nước mỗi ngày có vài chục triệu người tiết kiệm được mỗi người nửa giờ, thì cả xã hội sẽ có dư ra được một triệu giờ để những người đó làm việc khác, thay vì dùng để đi tìm đường. Một triệu giờ làm việc ở nước Mỹ này sẽ tạo ra biết bao nhiêu của cải! Vài chục năm trước đây, ít người dùng những cái “máy lãnh đạo” tài xế này. Nếu có bán thì giá cũng quá mắc. Bây giờ, giá hạ xuống trung bình chỉ còn vài trăm đô la. Kỹ thuật căn bản cho máy GPS thì đã có từ mấy chục năm trước, nhưng người ta chỉ dùng trong những công việc “trọng đại,” như là để định vị trí của những hỏa tiễn, những máy bay hay tầu thủy vượt đại dương. Quân đội là nơi người ta sử dụng các kỹ thuật mới này sớm nhất, vì họ có ngân sách lớn dành cho việc nghiên cứu, sẵn sàng đầu tư nhiều tiền để chế tạo những cái máy đầu tiên. Những kỹ thuật mà chúng ta dùng hàng ngày hiện nay, như vào Internet, gửi email, vân vân, đã có từ lâu, được Bộ Quốc Phòng Mỹ khai phá sử dụng thử, hàng chục năm trước khi giảm được phí tổn sản xuất để bán cho công chúng. Nếu không có hệ thống sử dụng Internet đã phát triển thì việc sử dụng các máy GPS cũng không phổ biến được. Nhờ các nhà kinh doanh dám thử “thương mại hóa” các kỹ thuật tân tiến đó cho người dân bình thường sử dụng, cho nên xã hội mới tiến bộ được. Ðó là một “chìa khóa” tạo ra phép lạ của hệ thống kinh tế tư bản. Kinh nghiệm sử dụng máy GPS khiến tôi nhớ đến một câu hỏi được nghe trước đây ba chục năm. Một ông chú vốn đã làm công chức cao cấp ở Bộ Kinh Tế Việt Nam trong mấy chục năm, khi qua sống ở Mỹ, cụ vẫn thắc mắc: Làm sao mà guồng máy sản xuất tư bản nó chạy mãi mãi được? Mỗi ngày các cơ xưởng chế tạo ra bao nhiêu thứ, cung ứng cho tất cả mọi nhu cầu của người tiêu thụ. Sẽ tới lúc các nhu cầu đều được thỏa mãn rồi, thì sản xuất thêm nữa sẽ bán cho ai? Nhà sản xuất sẽ phải đóng cửa, nhân viên sẽ bị sa thải, họ thất nghiệp sẽ không có tiền tiêu, nhiều xí nghiệp khác sẽ phải đóng cửa theo vì không bán được hàng! Cứ như thế thì kinh tế tư bản sẽ bị khủng hoảng mãi mãi không bao giờ hết! Ngay bây giờ, cụ lo kinh tế chạy được chỉ vì các nhà tư bản “bịa ra” những nhu cầu giả tạo, bằng phương pháp quảng cáo, khêu gợi cho người ta thèm để bán hàng mà thôi! Tất cả mối lo lắng trên dựa trên một giả thiết là có lúc “mọi nhu cầu của mọi người sẽ được thỏa mãn.” Ðây là một điều đáng nghi! Trước đây 20 năm chúng ta khó tưởng tượng được là có ngày trong văn phòng nào cũng phải đặt một cái máy vi tính, tiệm giặt ủi, tiệm cơm tấm đầu phố cũng dùng máy vi tính, trong một cái máy hút bụi cũng có bộ phận vi tính. Trước đây 10 năm khó tưởng tượng những người lái xe có máy GPS tìm đường! Trước đây 5 năm khó nghĩ ra là các cụ bà 80 tuổi cũng thư từ cho nhau bằng email! Tất cả đều là những nhu cầu có thật, chứ không phải do ai tạo ra bằng quảng cáo khêu gợi! Cuộc “cách mạng tin học” đưa tới các hoạt động dùng Internet, riêng phát minh này đã tạo ra cả một “nền kinh tế” trị giá một ngàn tỷ đô la. Trước đây 40 năm, bao nhiêu người thông minh xuất chúng lo “tiên đoán” thế giới loài người sẽ sống thế nào, họ sinh ra cả một ngành nghiên cứu gọi là “tương lai học.” Nhưng lúc đó không ai đoán trước được trong đời sống kinh tế sẽ có một ngàn tỷ đô la chi tiêu vào những thứ sản phẩm gọi là Internet! Những biến đổi lớn nhất trong đời sống phần lớn do các nhà kinh doanh xướng xuất trong khi đi tìm thêm lợi nhuận, chứ không phải do nhà nước nào hoạch định ra. Trước đây 40 năm khi các công ty lớn ở Mỹ như IBM chế ngự việc sản xuất computer, những máy vi tính lớn để chật một căn phòng, thì chính phủ Nhật Bản mời các chuyên gia thượng thặng họp lại nghiên cứu chế ra loại computer thuộc “thế hệ thứ tư, thứ năm” để vượt qua các công ty Mỹ. Nhưng không một chính phủ nào hay một đại công ty nào đoán trước được cuộc cách mạng tin học với những chiếc máy nhỏ đặt trên bàn gọi là PC. Sức mạnh của kinh tế thị trường là do hàng triệu tư nhân tìm cách thỏa mãn những nhu cầu của nhân loại, khi loài người đóng vai người tiêu thụ. Hiện nay, nhiều người đã báo động dân Mỹ rằng nếu họ không chạy nhanh thì trong vòng mươi năm tới nước Mỹ sẽ bị thế giới qua mặt trong những lãnh vực gọi là “kỹ thuật sạch,” trong đó có những phương pháp tạo ra năng lượng sạch. Nhưng ngay bây giờ các doanh nhân Mỹ đã bắt đầu chạy về phía đó rồi, đặc biệt là ở tiểu bang California. Tháng trước, tuần báo TIME dành một chủ đề về tương lai kinh tế tốt đẹp của tiểu bang California, nơi chính quyền đang lo phá sản vì khiếm hụt ngân sách. Trong khi các nhà chính trị đi tìm cách thoát khỏi cảnh lúng túng do chính họ gây ra, thì giới kinh doanh tiên phong ở tiểu bang này đã bắt đầu bỏ tiền cho rất nhiều dự án nghiên cứu và sản xuất trong những ngành kỹ thuật của tương lai. Hiện nay số tiền đầu tư ở California cho lãnh vực năng lượng mặt trời và những nguồn năng lượng mới thay thế dầu lửa và than đá đang dẫn đầu thế giới. Những doanh nhân đã thành công trong cuộc cách mạng tin học trước đây 20, 30 năm, hiện giờ đang bỏ tiền đi tìm cách tiết kiệm và sản xuất năng lượng sạch: Cisco, Amazon, Google, vân vân. Xưa kia, một công ty mới lập như Google chỉ cần 25 triệu tiền vốn khởi công là hy vọng có ngày bứt phá vượt lên phía trước, để sau cùng ra trước công chúng thì trị giá bốn, năm tỷ đô la. Bây giờ muốn bước vào các kỹ thuật sạch thì cần gấp mười số tiền đó. Nhưng, tương lai cả thế giới sẽ tùy thuộc vào những sáng chế, phát minh về năng lượng sạch. Những hoạt động trong ngành này sẽ tạo ra một nền kinh tế trị giá 6 ngàn tỷ đô la, gấp 6 lần giá trị của các hoạt động về Internet bây giờ. Mà những nhu cầu về kỹ thuật sạch, năng lượng sạch, là có thật, nếu không kịp phát triển thì cả nhân loại sẽ gặp nguy. Ai đáp ứng được nhưng nhu cầu đó sẽ được thị trường tưởng thưởng, thành những Bill Gates tương lai. Trước kia guồng máy quân sự Mỹ đã làm cái nôi nuôi những kỹ thuật mới trước khi được thương mại hóa. Ngày nay ngược lại, chính quân đội Mỹ đang đi tìm các sản phẩm thông dụng trong thị trường tiêu thụ để chính họ tiết kiệm năng lượng. Mỗi ngày quân Mỹ dùng một triệu ga lông xăng dầu ở Afghanistan, một triệu khác ở Iraq. Theo tính toán của Bộ Quốc Phòng Anh thì muốn có một lít xăng dùng ở mặt trận phải tốn bẩy lít xăng khác để đem nó tới nơi! Bây giờ Bộ Quốc Phòng Mỹ đang đặt mua các “máy phát điện” không dùng dầu, xăng. Một tiểu đoàn 500 người thải ra mỗi ngày một tấn rác. Nếu dùng cách biến những rác rưởi đó thành điện thì sẽ sản xuất được 64 kilowatts, đủ điện cho một ban chỉ huy tiểu đoàn sử dụng. Một công ty mang tên Better Place mới ra đời năm 2007 ở California với viễn ảnh có ngày xe chạy điện sẽ thay thế xe hơi chạy bằng xăng, công ty này sẽ bán các bình điện, mở các “trạm điện” thế chỗ các trạm xăng để “chạc” bình hoặc thay bình mới. Viễn ảnh đó còn quá xa vời? Hiện nay công ty này đã bắt đầu bán bình điện cho công ty xe hơi Renault-Nissan; và các chính phủ Israel và Ðan Mạch đã đồng ý để họ mở một hệ thống trạm điện vào năm 2011. Bên cạnh các hoạt động phát triển năng lượng sạch, một ngành công nghiệp tương lai khác đang phát triển tại California, từ San Jose xuống tới San Diego, là kỹ thuật y khoa dùng các khám phá sinh học để chữa bệnh. Trong quý thứ ba năm 2009 ở Mỹ đã có hơn 900 triệu Mỹ kim mới “đầu tư thử” vào kỹ thuật y khoa so với 860 tỷ trong năng lượng sạch. Ðó là loại vốn đầu tư mạo hiểm, một ăn mười thua, mà hệ thống kinh tế kiểu Mỹ thịnh hành hơn ở Nhật Bản hoặc Âu Châu. Hiện nay kinh tế thế giới đang từ từ bước ra khỏi cuộc khủng hoảng bắt đầu năm 2007, tuy nhiên cơn hồi phục lần này sẽ diễn ra rất chậm chạp. Chúng ta không hy vọng năm 2009 kinh tế Mỹ sẽ lên nhanh chóng. Nhưng điều đáng mừng là ngay trong lúc kinh tế còn đang xuống thì ở ngay bên cạnh chúng ta vẫn có những ngành kinh doanh mới đang chuẩn bị xuất hiện để thỏa mãn những nhu cầu mới của loài người trong vòng một thế hệ nữa. Loài người sẽ dùng bớt xăng dầu, bớt than đá, nhờ có những nguồn năng lượng mới và hệ thống truyền điện sẽ được cải thiện để không phí phạm nữa. Loài người sẽ có những phương pháp chữa bệnh mới, và hy vọng nhiều thứ bệnh hiện nay không chữa được sẽ có cách điều trị. Khi mọi người được sống trong tự do, tự do kinh doanh và hưởng lợi, tự do thí nghiệm các ý kiến mới mà không bị ngăn chặn, cấm cản, thì xã hội sẽ tiến bộ. Nhân ngày Lễ Giáng Sinh, xin chia sẻ với quý vị những tin đáng mừng lâu dài về kinh tế để chúc quý vị những ngày sống an lành.
|