Tại Sao Người Ta Cướp Hoa? |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng / Người Việt | |||
Thứ Bảy, 09 Tháng 1 Năm 2010 08:38 | |||
Dân New York đang nổi giận khi nhật báo Times tiết lộ cửa hàng bán quần áo H&M có chính sách đem vứt bỏ những thứ hàng ế, trước khi vứt đi họ cho nhân viên cắt xé những cái áo, những găng tay để không ai còn dùng được nữa. Cửa hàng này thanh minh rằng họ cũng đã đem tặng các hội từ thiện nhiều quần áo khi không bán được. Nhưng chắc mọi người sẽ không hài lòng với lời giải thích đó. Chắc cả nước Mỹ sẽ lên tiếng phản đối. Còn người Việt Nam, người mình nghĩ gì về cảnh những thanh niên đi cướp hoa ở hội chợ Tết, suốt mấy năm liền? Có ai chịu trách nhiệm hay không? Xin kể mấy câu chuyện ở nước khác trước đã. Mấy lần đến Thái Lan, sống ở một vùng ngoại ô Bangkock hàng tháng trời, tôi sinh lòng kính trọng người dân Thái chỉ vì thấy trong những ngõ hẻm người ta hay treo những giỏ hoa phong lan trên thân cây, ngay bên ngoài hàng rào; những giỏ lan trổ bông diễm lệ, mà không ai sợ có kẻ đến lấy trộm cả giỏ hoa đem đi mất. Cũng vậy, khi sống một tuần trong một làng nhỏ ở Thụy Sĩ, thấy những quầy bán hoa không có người trông coi, ai mua hoa cứ theo giá đề mà trả tiền vào một cái hộp kim loại để trên bàn, tôi cũng ngạc nhiên và cảm phục. Một nhà khác trong làng, bán sữa và trứng gà cũng vậy, ai muốn mua cứ mở tủ lạnh ra, lấy chai sữa hay hộp trứng gà, trả tiền trong cái lon, cũng đặt trong cái tủ lạnh đó. Không ai trông nom, canh gác. Trong dân tộc nào cũng có người tốt, người xấu. Nhưng khi đến một xứ, nhìn vào cách cư xử thấy người ta tin cẩn vào tính thật thà của nhau, nghĩ chung quanh mình toàn người lương thiện, gặp người lạ nào trước hết cũng cứ giả thiết đó là một người lương thiện đã, thì mình phải công nhận người dân ở nước đó đa số họ sống có đạo lý, đó là một dân tộc đáng khâm phục. Hồi ở thành phố Montréal bên Canada, nhà tôi ở gần một vườn hoa hồng, mang tên ông Thủ Tướng Pierre Trudeau - ông là đại biểu của địa hạt Mont Royal này trong Quốc Hội. Vườn trồng rất nhiều giống hoa, đủ thứ màu kể cả những màu lạ, cây cao cây thấp, chỉ toàn là hoa hồng, xếp đặt rất khéo. Cuối Tháng Tư mỗi năm, các gốc hồng được bới ra khỏi lớp lá mục phủ kín suốt Mùa Ðông; những gốc hồng được phơi ra dưới nắng rạo rực trổ mầm non, nụ hoa lên chúm chím, rồi trong một, hai tháng, hoa bắt đầu đua nở. Một bữa tôi gặp một cô gái đang đi dạo trong vườn, lâu lâu cô nghiêng mình cúi mái tóc vàng xuống để thử mùi hương một đóa hoa. Cô hỏi: Vườn hoa này là của ai vậy? Khi biết đây là một công viên, cô lại thắc mắc: Vườn không có hàng rào, không ai canh gác, thế không sợ đêm có người đến hái trộm hay sao? Không biết trả lời thế nào, tôi chỉ nêu nhận xét là sau khi đã ở đây hàng chục năm, tôi luôn luôn thấy sau mấy tháng Hè các gốc hồng vẫn còn nguyên cành, còn hoa lá đầy đủ. Mà hình như không ai lo lắng chuyện mất trộm cả. Cô cho biết ở xứ cô thì một vườn hoa để trống như thế không thể nào tránh bị người ta hái trộm được. Cô đến từ một nước Tây phương giàu có, tôi xin miễn nói tên để tránh gieo rắc thêm thành kiến bất công về một quốc gia khác. Có thể cô ta quen sống trong một thành phố lớn với những thành phần dân chúng hỗn tạp, cho nên cô mới có những kinh nghiệm đáng buồn như thế. Chúng ta cũng không nên nuôi một thành kiến xấu về người Việt Nam mình, sau khi đọc bản tin tả cảnh người ta giành giật nhau cướp những cành hoa, những chậu hoa trong những cuộc triển lãm, hội chợ gần đây. Cảnh này đã diễn ra và được báo chí tường thuật từ năm 2007 đến năm nay, khiến nhiều người Việt cảm thấy xấu hổ lây rồi cũng sinh ra thành kiến xấu đối với đồng bào mình. Có người còn vạch ra rằng chuyện đó chỉ thấy xảy ra ở Hà Nội liên tiếp mấy năm, không thấy tại các thành phố lớn khác. Chúng ta không nên nghĩ oan về đồng bào mình, về đồng bào sống ở Hà Nội. Tôi nghĩ rằng những bạn trẻ đi cướp hoa ở hội chợ mấy năm liền đó chỉ là những nhóm thiểu số, không tiêu biểu cho người dân cả một đô thị được. Chính đám trẻ này có thể là những thanh niên cũng được gia đình giáo dục, hàng ngày họ không sống như vậy. Họ đua nhau cướp giật hoa giống như tham dự một trò chơi, trong lúc ham vui vì tranh đua với chúng bạn, họ không biết, hoặc biết mà không có ý thức được rằng đi cướp hoa như vậy là một hành động xấu. Nói chung, lấy cái gì không phải của mình là một hành động xấu. Họ ít có dịp được thấy những tấm gương tốt để noi theo vì xã hội bây giờ đang gặp lúc đi xuống. Có thể chỉ vì cả xã hội đã làm họ mất đi ý thức bén nhậy về cái xấu và cái tốt, thiện và bất thiện. Nhưng nếu có người chỉ bảo, khi biết có những xã hội nơi người ta có lối sống lành mạnh, thanh cao hơn, chính những thanh niên đó vẫn có khả năng quay trở về, lại thành những người công dân lương hảo. Mười lăm năm trước đây, ở một khu phía Nam thành phố Los Angeles đã có cảnh cướp phá, hôi của, sau khi mấy người Mỹ gốc Phi Châu biểu tình phản đối cảnh sát ngược đãi một thanh niên cùng màu da. Trước đó mấy chục năm, ở New York cũng có cảnh như vậy. Khi trông thấy hình ảnh những người đàn ông, đàn bà cười tươi như đi xem hội, cùng nhau khiêng những chiếc tủ, chiếc giường cướp lấy từ cửa hàng đi ra, nghễu nghện bước đi trên lề đường ở New York, chúng ta có cảm tưởng như nền đạo lý của cả một nhóm người, hoặc cả một thành phố đang tan rã. Trông như loài người đang quay trở lại thời man dã, hết đường cứu chữa! Và từ đó, chúng ta phát sinh những thành kiến, phân biệt chủng tộc, thành kiến rất bất công. Sau vài chục năm, nhớ lại và nghĩ lại, chúng ta phải thấy rằng chính hoàn cảnh xã hội chung quanh chia phần trách nhiệm về những vụ cướp bóc và bạo loạn đó. Khi con người thoát được ra khỏi hoàn cảnh sống trong u tối, tuyệt vọng và hết niềm tin, thì người ta ai cũng có thể quay trở lại sống như những con người lương hảo. Trong cuốn tiểu thuyết “Beloved” (Cưng Yêu) của nhà văn Toni Morrison (giải Nobel Văn Chương) có nhân vật Baby Suggs, một phụ nữ da đen nô lệ vào giữa thế kỷ 19 ở Mỹ. Bà sống trong xã hội những người nô lệ da đen trong các đồn điền. Họ bị chủ nhân coi như súc vật, như đồ vật, những cái máy làm việc để chủ nhân khai thác sinh lời, những tài sản được mua, bán, dùng làm vật cầm thế, đem cho người khác thuê sử dụng, không phải là những con người. Người đàn bà sinh con chỉ được gần con ba tuần rồi phải ra đồng làm việc, có khi không còn được thấy đứa con của mình nữa. Phần lớn các đứa con không biết bố là ai. Người chồng bị đem bán đi thì người vợ gá nghĩa với người khác. Bà mẹ có 8 đứa con, với 6 người đàn ông khác nhau. Khi bị đối xử như súc vật, người ta cũng tập thói quen sống như súc vật. Baby Suggs may mắn được bán cho hai vợ chồng trại chủ tốt. May mắn được bán cùng một đứa con trai 10 tuổi. Giá bán thằng bé cao hơn giá bà mẹ vì bà bị tật ở hông, chân đi không vững (như một con chó chỉ có 3 chân, Suggs tự mô tả). Khi làm việc cho bà chủ tốt bụng, lâu lâu Suggs cũng ăn cắp vài món thừa đem về cho con ăn, hay một mảnh khăn mầu cho chính mình. Ðứa con lớn lên xin làm việc thêm trong những ngày được nghỉ, lấy tiền chuộc mẹ. Một nô lệ đàn ông khỏe mạnh thời đó bán được khoảng 900 đô la. Baby Suggs cuối cùng được chủ nhân bán chịu, cho nợ hơn 100 đô la, bà được ký giấy trả tự do. Tự do để làm gì, Baby Suggs tự hỏi, khi một mụ nô lệ đã ngoài 60 tuổi, chân bước không vững, loạng quạng như một con chó 3 chân? Nhưng ngay sau khi được “giải phóng,” thành một con người tự do, Suggs nhìn hai bàn tay của mình. Một ý nghĩ chợt đến: Những bàn tay này bây giờ thuộc về mình. Ðây là tay MÌNH (in nghiêng trong sách).” Tự nhiên, Suggs đưa tay sờ lên ngực: Tim mình đập. Ðây là nhịp đập của trái tim CỦA MÌNH. Trở thành một con người tự do, ông chủ đưa tới gặp hai người da trắng chuyên giúp đỡ các nô lệ được giải phóng, Suggs được họ giới thiệu đi làm phụ bếp ở một quán ăn. Ðược trả lương. Ðây là một điều hoàn toàn mới lạ đối với một người từng làm thân nô lệ: Làm việc, rồi được trả lương! Suggs dành dụm tiền bạc, nuôi ba đứa cháu, và khi có thời giờ thì giúp đỡ người khác. Bà trở thành một bà mẹ của bao nhiêu người da đen tự do khác. Ngôi nhà bà trở thành nơi người ta đến xin bà cố vấn, hoặc họ tới chỉ để gặp gỡ trò chuyện với nhau, nhắn tin cho những người ở xa. Ngôi nhà trở thành nơi che chở, giấu diếm và nuôi nấng những người nô lệ trốn chủ từ xa tới. Bà trở thành một cột trụ của “cộng đồng” da đen trong làng, trở thành một người giảng đạo vào những chiều Chủ Nhật, mặc dù không có nhà thờ mà Suggs cũng không biết đọc để học Thánh Kinh. Một con người có thể hoàn toàn thay đổi, tự tạo một nhân phẩm cho chính mình, khi hoàn cảnh sống thay đổi. Những người bị đối đãi như súc vật thì dần dần có thể cũng sống theo lối cầm thú. Một người tự do, tự ý thức được giá trị của mình, thì sẽ trở nên một con người có giá trị. Tại sao người ta đi ăn cướp hoa? Chúng ta có thể tự hỏi, chính mình có thể có lúc cũng xúm lại giành giật mấy cành hoa, mấy bông hoa trong hội chợ hay không? Hoàn cảnh nào có thể đưa mình tới những hành động ăn cướp như vậy? Khi nào thì chúng ta giữ được ý thức đạo đức, và khi nào thì bỗng dưng chính mình lại cư xử như kẻ bất lương? Khi nào thì chúng ta cảm thấy mình là người có giá trị, có phẩm cách, và khi nào thì bỗng dưng không cần nghĩ tới tư cách, đến giá trị của mình nữa? Tại sao người dân ở ngoại ô Montréal không bẻ trộm hoa trong công viên, ở ngoại ô Bangkok không lấy trộm chậu kiểng trong ngõ hẻm? Tại sao người Thụy Sĩ tin nhau đến mức không cần trông coi cửa hàng bán hoa, bán sữa? Khi dậy học ở Montréal tôi gặp mấy sinh viên người Mã Lai, họ cũng khoe ở vùng quê xứ họ có những quầy bán trái cây bên đường không cần người trông coi, giống như vậy. Những câu hỏi trên đây nêu ra chỉ để cùng suy nghĩ. Chúng ta đều biết có câu trả lời, nhưng chỉ khi nào cả xã hội cùng tự vấn, tự tra hỏi, thì mới tìm được những câu trả lời thiết thực. Nhiều người cho là cảnh các bạn trẻ cướp hoa xẩy ra là tại thiếu giáo dục gia đình. Nhiều người cho là vì nhà trường đã xuống dốc. Nhưng vì đâu mà cả gia đình lẫn học đường đều thất bại? Phải nhìn vào toàn cảnh xã hội nước ta. Như Giáo Sư Hoàng Tụy mới nhận xét về giáo dục trên tạp chí Tia Sáng vào Tháng Mười năm 2009: “...Muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới.”
|