Thế nào là Văn Minh? |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Bảy, 09 Tháng 1 Năm 2010 18:20 | |||
Muốn biết trình độ tinh thần của một xã hội, hãy coi nguyên nhân nào gây ra những cuộc tranh chấp giữa người với người. Tục ngữ ta có câu “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù.” Thù ghét nhau vì những cuộc hôn nhân bất thành, hoặc vì tranh giành nhau những mảnh ruộng đất, đó là những mối thù lớn. Ruộng đất gây tranh tụng về kinh tế, còn chuyện hôn nhân liên quan tới danh giá của một gia tộc. Nền văn minh làng xã của chúng ta đề cao danh giá, danh giá một giòng họ cũng lớn bằng hoặc còn quan trọng hơn cả quyền lợi kinh tế. Ở nước Mỹ chúng ta thường thấy các nhà chính trị đem nhau ra tố cáo tội này tội nọ để hất cẳng lẫn nhau. Có người đang được ông tổng thống mời làm bộ trưởng thì bị tố là đã từng thuê một di dân bất hợp pháp giữ con cho mình. Thực ra một người Mỹ khi thuê mướn nhân viên thì không có bổn phận phải điều tra xem người đó có giấy tờ hợp pháp hay không; đó là việc của nhà nước. Nhưng chính trị gia kia bị coi là có tội vì đã không đóng thuế an sinh xã hội cho người làm. Vừa tội trốn thuế, lại thêm tội bóc lột sức lao động của di dân! Thế là phải xin ông tổng thống rút tên mình ra. Có mấy người được ông Obama mời vào nội các nhưng phải rút lui sau khi bị tố giác đã từng quên đóng thuế. Có người Mỹ đã được đề cử làm Thẩm phán Tối cao nhưng phải rút lui vì bị người trong đảng mình tố đã có lúc “nghiêng ngả” không giữ đúng lập trường chống phá thai. Vừa rồi lại có mấy nhà chính trị nổi danh bị tố giác về tội ngoại tình, phải từ bỏ giấc mộng làm ứng cử viên tổng thống. Nếu nước Pháp cũng theo phong tục đó thì chắc các ông tổng thống phải từ chức hết. Nghe mấy chuyện đó thì chúng ta biết phong hóa cả nước Mỹ nó như thế nào. Kể chuyện nước người ta để suy ngẫm về chuyện nước mình. Ở Việt Nam, chúng ta không có những chính trị gia theo nghĩa bình thường, vì chỉ có một đảng được quyền làm chính trị. Nước ta chỉ có các quan chức, các cán bộ tranh giành nhau địa vị, để có quyền và sinh lợi. Vậy các quan chức này thường viện những lý do nào để tranh giành, hất cẳng lẫn nhau? Báo Người Việt trong tuần rồi thuật lại một bản tin trên từ các báo Pháp Luật và Dân Trí ở trong nước kể chuyện một quan chức quận Hà Ðông bị mất chức (một chức thanh tra hái ra tiền) vì lỡ tổ chức tiệc cưới cho con trai đặt dư hai mâm cỗ vượt qua quy định của đảng Cộng Sản. Rất nhiều độc giả đã chăm chú đọc tin trên và viết thư bầy tỏ ý kiến. Chỉ có chuyện 2 mâm cỗ mà mất chức! Tưởng nước nhà đã đổi mới rồi, thế mà vẫn còn chuyện các đồng chí dình dập nhau, chờ cơ hội ám hại nhau, và hất cẳng nhau được chỉ vì hai mâm cỗ! Chẳng khác gì chuyện chốn đình trung trước đây 100 năm! Nếu quý vị không biết hoặc đã quên câu chuyện trên, xin quý vị tìm đọc lại trong báo Người Việt ngày Thứ Ba tuần qua. Một đảng viên cao cấp tên là Nguyễn Hữu Dàng tổ chức tiệc cưới cho con, hai bên nhà trai nhà gái mỗi người mời 40 mâm cỗ. Nhưng ông Dàng đặt thêm 2 mâm nữa. Năm, bẩy tháng sau ông bị đảng ủy quận Hà Ðông tố cáo tội vi phạm “nếp sống văn minh” và bị mất chức thanh tra xây dựng, một chức vụ được các báo mô tả là “hái ra tiền!” Phần lớn thư góp ý của quý vị độc giả Người Việt đọc câu chuyện trên đã chú ý tới cảnh “chạy chức” và mua quan bán tước trong xã hội Cộng Sản, như tờ báo trong nước đã phân tích. Nhưng câu chuyện này có một khía cạnh đáng chú ý khác, là quan niệm của đảng Cộng Sản Việt Nam về một xã hội văn minh. Thế nào là Xã Hội Văn Minh? Ðó là những chữ được viết rất long trọng trong cương lĩnh của đảng Cộng Sản từ hàng chục năm nay. Họ đang tiếm quyền “lãnh đạo nhà nước và xã hội” của cả nước ta. Họ quan niệm về xã hội văn minh như thế nào, cái đó sẽ ảnh hưởng đến tương lai dân tộc. Chính quyền một nước cũng có thể xây dựng nếp sống văn minh, trong một chừng mực giới hạn. Chính sách giáo dục, văn hóa của quốc gia có ảnh hưởng tới nếp sống hàng ngày của dân chúng. Trong mục này tuần trước chúng tôi đã nhắc đến kinh nghiệm ở Singapore, “Lâu lâu, thể chế và pháp luật cũng ảnh hưởng đến đạo đức con người; giống như dân Singapore đã tập được thói quen không xả rác, không vẽ bậy lên tường” sau khi có luật trừng phạt rất nặng. Bởi vì, khi bị luật pháp ràng buộc mãi, dù không muốn thì tính tình người ta dần dần cũng thay đổi, các thói quen sống hàng ngày cũng đổi. Nói như vậy lại nhớ đến các xứ Ðức, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, là những nơi tôi không thấy người dân xả rác ngoài đường. Một độc giả đã góp ý kiến rằng ở các nước đó người ta phạt tội xả rác rất nặng cho nên người dân mới giữ sạch sẽ. Nhân đây xin cải chính. Tôi đã hỏi người dân mấy xứ này, ở nước họ không có luật lệ cấm xả rác như ở Singapore. Có hai đường lối cai trị cổ truyền ở Ðông Phương. Dùng hình luật để xây dựng “Nếp Sống Văn Minh” là chủ trương của Pháp gia; các ông Lý Quang Diệu, Mao Trạch Ðông đều theo Hàn Phi Tử. Còn ở các nước Nhật, Thụy Sĩ, họ thiên về lối Nho gia: “phú chi, giáo chi.” Làm sao cho dân đủ ăn đủ mặc rồi giáo hóa họ; những người cầm quyền, các bật trưởng thượng nêu gương và khen người đạo đức thì dân sẽ bắt chước. Cứ như thế, xã hội sẽ dần dần văn minh hơn. Ðảng Cộng Sản Việt Nam theo lối Mao Trạch Ðông, uốn nắn đảng viên và dân chúng bằng những quy định đến cả cách ăn ở của người ta. Khi đọc bản tin trên báo Pháp Luật trong nước chúng ta mới biết đảng Cộng Sản Việt Nam muốn áp dụng “Nếp Sống Văn Minh” cho cán bộ một cách nghiêm ngặt, không khác gì Singapore cấm dân nhai kẹo cao su. Nghiêm đến mức họ quy định cán bộ làm đám cưới không được mời quá 40 mâm cỗ. Mời 41 mâm là kém văn minh. Chỉ vì ông Nguyễn Hữu Dàng làm sai quy định đó cho nên mới mất cái ghế hái ra tiền! Nhưng chúng ta vẫn không khỏi thắc mắc tại sao đảng Cộng Sản đã dùng quyền lãnh đạo xã hội để đi quy định những chuyện bắt cán bộ phải theo, như làm đám cưới thì không được làm quá 40 mâm cỗ? Bộ không có chuyện gì thiết thực hơn, quan trọng hơn để đưa vào chương trình xây dựng “Nếp Sống Văn Minh” hay sao? Có quy định nào bắt bước các cán bộ phải biết nói những lời như “xin lỗi,” hay “cảm ơn” hay không? Có luật nào bắt các ông thanh tra mấy ngày phải đi tắm một lần hay không? Chuyện giữ thân thể sạch sẽ cũng biểu hiện nếp sống văn minh lắm chứ? Người lãnh đạo có thói quen hay rửa tay chắc sẽ thấy có ý thức phải giúp cho dân chúng chung quanh mình sống sạch sẽ hơn! Trong những quy định xây dựng xã hội văn minh, những xã, thôn văn hóa, thế nào người ta cũng ghi đủ các quy tắc sống vệ sinh, giữ sạch sẽ. Nhưng trong một chế độ đã hư hỏng đến tận xương tủy thì bất cứ chính sách, luật lệ, quy định nào cũng chỉ là bánh vẽ, chỉ nói mà không cần thực hiện. Chúng trở thành những võ khí người ta dùng để tấn công nhau, tranh giành quyền lực với nhau. Ngay luật đi đường cũng vậy, luật về vệ sinh nơi công cộng cũng vậy. Cuối cùng, mọi thứ luật lệ có mục đích tốt đẹp tới đâu cũng chỉ tạo cơ hội cho những người có quyền trong tay tham nhũng. Và giữa giai cấp chiếm độc quyền cai trị thì họ sử dụng các quy định lẩm cẩm đó để chờ cơ hội hất cẳng nhau. Nhắc lại một chuyện cũ để suy ngẫm. Năm 2008, có triển lãm hoa anh đào Nhật tại khu triển lãm Giảng Võ, Hà Nội vào Tháng Tư. Tổng cộng 300 cành hoa anh đào nhỏ kết thành 3 cây hoa anh đào lớn. Nhưng ngay trong ngày khai mạc, nhiều người đã xúm vào bẻ cành, vặt hoa chung đem về làm của riêng. Sang năm 2009, một lực lượng đông hơn 500 công an cảnh sát cầm dùi cui, được lực lượng dân phòng của phường Liễu Giai điều động giúp, để bảo vệ 6 sáu cây hoa anh đào giả sân vận động Quần Ngựa ở Hà Nội, trước khi cho dân coi hoa thật. Những người Nhật Bản tặng hoa chắc phải ngạc nhiên vì chưa thấy quốc gia nào phải dùng đến bấy nhiêu người để bảo vệ mấy cây hoa giả! Ðạo lý, văn minh của người dân nước đó đã xuống đến như thế nào? Trước cảnh dân Hà Nội nước trước bẻ hoa như vậy, nhà thơ Hoàng Hưng đã nhận xét: “Rõ ràng đây là chuyện mang tính tất yếu, bản chất, hệ thống, sự hư hỏng từ bên trong con người Việt Nam sau một quá trình dài tích tụ phát triển đã lên đến đỉnh cao.” Cái “đỉnh cao” đó là do một chế độ độc tài tạo ra. Khi một đảng nắm độc quyền cai trị hơn nửa thế kỷ thì tình trạng hư hỏng tất nhiên sẽ xẩy ra. Nhà thơ gọi đó là “tính tất yếu.” Một guồng máy độc tài áp bức lúc nào cũng đi kèm theo một hệ thống gian dối, phô bầy một nếp sống giả trá. Khi đảng độc tài đó lại muốn chỉ huy tất cả mọi mặt trong đời sống người dân, nắm độc quyền từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, nghệ thuật, cho đến phong tục, cách ăn mặc nữa, nói năng nữa, thì sự hư hỏng của nhóm người nắm quyền đó sẽ tác hại đến nền móng tinh thần, đạo lý của cả xã hội. Nó hư từ trong bản chất, nó phổ biến từ trên xuống dưới một cách có hệ thống. Nó tích tụ từ hơn nửa thế kỷ nay trong nước Việt Nam, làm hư hỏng, mục nát cả nền móng tinh thần của xã hội. Người Việt Nam yêu nước đều phải tự hỏi nếu cứ tiếp tục như vậy thì tương lai dân tộc sẽ đi về đâu? Bởi vậy, những nhà trí thức như Hoàng Hưng, Nguyễn Huệ Chi, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Quang A, vân vân, đã phải lên tiếng đòi đảng Cộng Sản phải bớt độc tài đi. Không một ai trong những người này tính đến chuyện sẽ lên cầm quyền thay thế cho các ông lý ông xã trong Câu Lạc Bộ Ba Ðình. Nhưng trông thấy nền móng tinh thần của đất nước bị phá hoại suốt nửa thế kỷ, ai cầm lòng được? Các tờ báo ở trong nước như Pháp Luật đã tường thuật câu chuyện mất chức vì hai mâm cỗ, dù không bình luận cũng cho thấy một hình ảnh về cách sống của đám cán bộ, quan chức Cộng Sản. Người đọc chắc đều hiểu nghĩa bóng ở đằng sau câu chuyện. Trong tay đảng Cộng Sản Việt Nam, một chính sách nghe rất tốt đẹp như “xây dựng xã hội văn minh” cũng trở thành một trò múa rối nhảm nhí. Và mọi quy tắc, luật lệ của đảng đều được các quan chức cán bộ lợi dụng để tranh giành quyền hành, lợi lộc. Sự hư hỏng đến từ bản chất, trong hệ thống, và tích tụ mấy thế hệ rồi. Dân tộc Việt Nam còn phải chịu đựng cái nạn này cho tới bao giờ?
|