Đọc ''Lên tiếng hay Không lên tiếng'' |
Tác Giả: Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm | |||
Thứ Hai, 18 Tháng 1 Năm 2010 11:37 | |||
Non một tuần sau vụ Đồng Chiêm, nay ta đã có bài “Lên tiếng hay không lên tiếng” đề ngày 13-01-2010 của Ban Biên Tập WHĐ trên trang mạng của HĐGM/VN. Như thế là sau non một tuần chờ đợi, sau khi “trang điện tử của HĐGM/VN nhận được nhiều thư góp ý và một thắc mắc thường được nêu lên là: tại sao HĐGM không lên tiếng ?”, ta đã có được câu trả lời. Người viết bài này không có cao vọng làm một bài phân tích tỉ mỉ văn thư nói trên, mà chỉ xin đưa ra mấy nhận xét. Tiêu chí Hiệp thông Ông bà ta vẫn nói “máu chảy ruột mềm”. Trước những biến cố đau thương đã xảy đến qua các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà… và nay là Đồng Chiêm, việc đầu tiên mọi người chờ đợi là sự hiệp thông, là lời cầu nguyện. Ở đây, chỉ nói đến riêng chuyện Đồng Chiêm. Tất cả các giám mục giáo tỉnh Hà Nội, với một giám mục giáo tỉnh Huế, đã có thư hiệp thông. Các giám mục khác thì không. Tiêu chí của Năm Thánh 2010, cũng như mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh, dừng lại nơi lằn ranh địa lý. Một câu nói, một lá thư, đâu tốn kém gì mà phải để cho người người thắc mắc. Sao có thể chấp nhận thái độ lạnh lùng cách dễ dàng như thế được ! Đất địa phương nào, địa phương đó lo Dựa theo bài “Lên tiếng hay không lên tiếng”, có vẻ như nguyên tắc đề ra là: chuyện địa phương nào, địa phương đó lo. Tại sao chấp nhận để cho Nhà Nước “bẻ đũa từng chiếc” mà không có được một tiếng nói chung, khi tất cả mọi địa phương đều có chung vấn đề đất ? Tại các nước khác, các HĐGM có Uỷ Ban Công Lý Hoà Bình để có thể trợ giúp HĐGM, mà ở Việt Nam thì không. Nếu HĐGM chưa bao giờ đặt vấn đề thì đừng đổ lỗi cho Nhà Nước. Còn nếu Nhà Nước không chấp nhận thì cũng nên nói cho bàn dân thiên hạ biết để khỏi thắc mắc và phiền trách các giám mục. Để biện minh cho sự thinh lặng của các giám mục, bản Lên tiếng có nhắc đến bản “Quan điểm…” công bố ngày 27.9.2008. Nhưng đâu phải chỉ cần ra một văn bản với vài ba trang giấy là giải quyết được vấn đề. Không chỉ là chuyện đất Bản “Lên tiếng” cũng như bản “Quan điểm” đều nhấn mạnh đến đất, trong khi ngay từ đầu, người khởi xướng phong trào cầu nguyện để đòi đất, là Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, đã minh định: mục tiêu nhắm tới là công lý hoà bình, mục tiêu này đã được nhắc lại trong các buổi cầu nguyện khắp nơi. Vậy thì đất nhà thờ, đất tôn giáo chỉ là khởi điểm cho một mục tiêu cao hơn, rộng hơn, vượt xa khỏi ranh giới những mảnh đất nhà thờ. Nét đặc thù của vụ Đồng Chiêm Có vẻ như bản “Lên tiếng” cố tình không đề cập đến nét đặc thù của vụ Đồng Chiêm là: Cây Thánh Giá bị đập phá, biểu tượng thiêng liêng nhất của Ki-tô giáo bị xúc phạm trầm trọng. Đây quả là một chuyện động trời, khiến bất cứ Ki-tô hữu nào cũng sững sờ và đau xót, nhưng lại chỉ có các giám mục giáo tỉnh miền bắc với một giám mục giáo tỉnh miền trung lên tiếng. Còn tất cả các vị khác thì hoàn toàn lặng thinh. Đây mới là điều gây thắc mắc và bất bình cho mọi Kitô hữu. Khi đánh vào Thánh Giá Đồng Chiêm, chính quyền cộng sản Việt Nam đã muốn làm một phép thử nhằm đo sức mạnh của khối Công Giáo Việt Nam. Và nay thấy thái độ của các giám mục trong vụ việc này, chính quyền có thể kết luận rằng nếu không hẳn là một con cọp giấy, thì Công Giáo Việt Nam cũng chỉ là một con cọp con chưa đến tuổi mọc răng. Đất là của toàn dân, tôn giáo cần thì phải xin Những thửa đất tranh chấp, đất tư nhân hay đất tôn giáo, thường là đất sở hữu cách hợp pháp trước khi có cộng sản tại Việt Nam. Dưới chế độ cộng sản, trên nguyên tắc, theo Hiến pháp, đất đai thuộc về toàn dân, cá nhân cũng như bất cứ một tổ chức nào, chẳng hạn tôn giáo, có nhu cầu thì phải xin. Nhưng đã nói chuyện “đi xin” thì được hay không tuỳ ở người cho, và đây là mấu chốt của vấn đề. Nhưng làm sao tìm được một giải pháp căn cơ cho vấn đề ? Vào năm 2002, tiếp theo sau Hội nghị thường niên, HĐGM/VN đã đưa ra một Thư ngỏ gửi các cơ quan lập pháp của Nhà Nước Việt Nam (xem tài liệu đính kèm), trong đó các giám mục phản bác cơ chế xin-cho của chế độ cộng sản hiện nay. Đứa con vô thừa nhận Lẽ ra văn kiện này phải là niềm vinh dự cho Giáo Hội Việt Nam, vì là một đóng góp có ý nghĩa cho Dân tộc, như chìa khoá để giải quyết tận gốc bao nhiêu vấn đề xã hội. Nhưng đây lại không phải là giải pháp được Nhà Nước độc tài chấp nhận. Và chắc cũng vì thế mà trong những năm gần đây, hầu hết các giám mục không buồn nhắc đến văn kiện này nữa. Có vào trang mạng của HĐGM/VN để tìm cũng không thấy. Và thế là Thư ngỏ 2002 một thời nổi đình nổi đám, nay thành ”đứa con vô thừa nhận”. Giải pháp cho mọi vấn đề Đến đây ta dễ dàng nhận ra giải pháp cho mọi vấn đề. Tự do tôn giáo không thể là một cái gì riêng lẻ. Phải có tự do cho hết mọi người thì mới có tự do tôn giáo. Khi linh mục Nguyễn Văn Lý nói: “Tự do hay là chết”, thì nhiều người trề môi bảo ngài làm chính trị. Nhưng nay nhìn lại, đã đến lúc ta phải khiêm tốn nhận rằng Nguyễn Văn Lý là người đã tìm được chìa khoá cho mọi vấn đề cốt lõi liên quan đến sự sống còn của Dân Tộc Việt Nam hôm nay. Người viết bài này không hề muốn “làm chính trị”, mà chỉ ghi lại suy nghĩ của mình từ những vấn đề thời sự. Kết luận “Chia để trị” hay “bẻ đũa từng chiếc” là sách lược của mọi chế độ độc tài. Khi chủ trương “chuyện địa phương nào, địa phương đó lo”, HĐGM/VN đã sa vào bẫy. Và trong hoàn cảnh đó mà mong đối thoại, là tự ru ngủ mình. Làm sao đối thoại khi ở vào thế yếu, khi bị coi thường, thay vì được kính nể ! Nếu nhìn rộng ra hơn, ta phải công nhận rằng: mọi vấn đề liên quan đến tôn giáo chỉ có thể có được một giải pháp căn cơ, nếu các tôn giáo biết cùng nhau ngồi lại. Cuối cùng thì những người có tôn giáo cũng sẽ chỉ thành công, nếu có sự hỗ trợ từ phía nhân dân, nghĩa là nếu các tôn giáo có được tiếng nói chung với cả cộng đồng dân tộc. Từ đó chúng ta khám phá ra rằng: phương châm “Đồng hành với Dân Tộc” hay “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc” (xem tài liệu đính kèm) đích thực là chiếc đũa thần cho mọi giải pháp. Với điều kiện: đó không chỉ là một nguyên tắc trừu tượng, một chủ trương trên giấy, nhưng đích thực là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của người Công Giáo Việt Nam. Bao lâu vì chăm chú “lo chuyện đạo” mà chúng ta lạnh lùng với các tôn giáo bạn, xa rời quần chúng nhất là đại đa số dân nghèo, hững hờ với vận mạng Dân Tộc, thì Đồng Chiêm chưa phải là điểm dừng. Sài-gòn, ngày 15 tháng 01 năm 2010 Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm ----------------------------------------------- 1. Trong tâm tình biết ơn Anh chị em thân mến, Anh chị em hãy cùng chúng tôi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về Hội nghị các giám mục toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội, thủ đô Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam chúng ta, từ 24-4 đến 1-5-1980. Kể từ lúc thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960, và nhất là từ ngày nước nhà được thống nhất, chúng ta đều ước mong có cuộc họp này. Toà Thánh và riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II mỗi khi có dịp cũng luôn bày tỏ một tâm tình như vậy, diễn tả ý muốn của chính Công đồng Vatican II. Vì thế chúng ta thành thật biết ơn Chính Phủ đã giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho Đại hội này. Chúng tôi cũng cám ơn anh chị em đã cầu nguyện nhiều cho Đại hội này được thành công tốt đẹp. 2. Một tuần lễ làm việc Chúng tôi vui mừng được gặp nhau, và trong suốt một tuần lễ làm việc, chúng tôi được dịp hiểu biết tình hình giáo phận trong cả nước. Nhờ đó chúng tôi thấy rằng, mặc dù sống xa nhau, tâm hồn chúng tôi vẫn là một, và cùng chia sẻ những nỗi âu lo, niềm phấn khởi và nguyện vọng của toàn thể Dân Chúa trên đất nước thân yêu này. Trong tinh thần hợp nhất ấy, chúng tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ nhiều về nhiệm vụ của Giáo Hội chúng ta trong giai đoạn lịch sử này. Chúng tôi đã duyệt lại nội quy và đặt lại cơ cấu của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới khoá V về “các chức năng của gia đình Kitô giáo trong thế giới hôm nay”, và việc các giám mục Việt Nam đi viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô tại Toà Thánh Roma năm nay theo quy định của Giáo luật. Trước khi bế mạc Đại hội, chúng tôi đã vào lăng kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đã đến yết kiến Thủ tướng Chính phủ. 3. Ý nghĩa việc đi Roma Việc đi viếng mộ các Tông đồ và việc tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới tại Roma nói lên hai đặc tính của Hội Thánh Chúa Kitô là phổ quát và hợp nhất, đồng thời thể hiện tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm của các giám mục đối với Hội Thánh toàn cầu. Xin anh chị em cầu nguyện nhiều để chúng tôi hoàn thành tốt đẹp sứ mạng này. 4. Tổ chức Hội đồng Giám mục Việt Nam Chúng tôi cũng phải cùng nhau gánh vác mọi trách nhiệm của chức vụ giám mục trong tinh thần tập thể và đồng trách nhiệm. Bởi thế, việc thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam là để phục vụ anh chị em đắc lực hơn, vì như ý Công đồng Vatican II, Hội đồng Giám mục là nơi quy tụ các vị lãnh đạo Giáo Hội trong một quốc gia hay một lãnh thổ để hợp nhất với nhau thi hành mục vụ theo thể cách và phương thức thích hợp với hoàn cảnh (GM 30,1). ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ A. MỘT HỘI THÁNH VÌ LOÀI NGƯỜI 5. Ánh sáng từ một thông điệp Anh chị em thân mến, Bước vào giai đoạn mới này của dân tộc, chúng tôi muốn nhìn vào gương Đức Phaolô VI khi người mới làm giáo hoàng. Trong thông điệp đầu tiên của người nhan đề “Giáo Hội Chúa Kitô”, người đã suy nghĩ nhiều về sứ mạng của Hội Thánh trong thế giới hôm nay. Mối bận tâm chính của người xoay quanh 3 tư tưởng lớn. Tư tưởng thứ nhất là đã đến lúc Giáo Hội phải có một nhận định sâu xa về chính mình, phải suy gẫm về mầu nhiệm của mình. Tư tưởng thứ hai là “đem bộ mặt thực của Giáo Hội ngày nay đối chiếu với hình ảnh lý tưởng của Giáo Hội như Đức Kitô đã thấy, đã muốn và đã yêu như bạn thánh thiện và tinh tuyền của mình” (Ep 5,27), từ đó “sinh ra một ước muốn quảng đại và bức thiết là phải canh tân”. Còn tư tưởng thứ ba như là kết luận của hai tư tưởng trên, nói về những quan hệ phải có giữa Giáo Hội và thế giới (GHCK 9-14). Đức Thánh Cha nhận định thêm rằng, ba đề tài trên cũng là mối bận tâm của mọi thành phần Dân Chúa. Vậy chúng tôi giới thiệu những đề tài ấy với anh chị em để chúng ta tâm niệm hằng ngày. 6. Hội Thánh là Dân Thiên Chúa Công đồng dựa vào lịch sử cứu chuộc để tìm hiểu và trình bày bản chất của Hội Thánh. Trong chương trình cứu chuộc loài người, Thiên Chúa đã lấy giao ước quy tụ một dòng dõi làm dân riêng của Người. Và qua lịch sử dân ấy, Người đã mạc khải chính mình Người và ý định cứu chuộc của Người cho toàn thể nhân loại. Nhưng dân ấy chỉ là hình bóng và là công cuộc chuẩn bị cho dân mới của Thiên Chúa, sẽ được quy tụ bằng giao ước mới mà Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập bằng Máu Thánh Người. Dân giao ước mới này chính là Hội Thánh Chúa Kitô, quy tụ mọi người từ khắp mọi nơi mọi nước trên trần gian, vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Chúa Thánh Thần nối kết họ nên một khi giải phóng họ khỏi tội lỗi và ban cho họ được làm con cái Thiên Chúa. Họ có giới răn mới là bác ái yêu thương (Ga 13,34) và ngay từ buổi đầu, họ đã là một cộng đoàn có tổ chức với những phận vụ khác nhau do chính Chúa Giêsu Kitô đã thiết lập hầu mưu ích cho toàn Nhiệm Thể (GH 18). Mục đích của dân mới là “phát triển Nước Chúa cho tới khi hoàn tất” (GH 9,3). 7. Hội Thánh vì loài người Dân cũ có sứ mạng đón nhận ơn cứu chuộc cho cả nhân loại. Dân mới có sứ mạng đem ơn cứu chuộc đến từng dân tộc và từng người qua mọi thời đại, như lời Công đồng Vatican II: “Dân mới được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được Người sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và như muối đất” (Mt 5,13-16; GH 9,2). Người sử dụng họ làm khí cụ cứu rỗi, bởi vì “Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ và thiếu liên kết, nhưng muốn quy tụ họ thành một dân để họ nhận biết chính Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện” (GH 9,1). Do đó, mục tiêu cuối cùng trong mọi sinh hoạt của Hội Thánh là đưa loài người và tất cả thực tại của thế giới loài người đến thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý của Thiên Chúa. Theo ý nghĩa này, Công đồng gọi Hội Thánh là “Bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (GH 1). Bởi vậy, sứ mạng của Hội Thánh không những là đem Phúc Âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế (TĐ 5). Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ đối với sứ mạng của Hội Thánh, và ngược lại không có sinh hoạt nào của Hội Thánh không liên quan tới tất cả cuộc sống con người. Lời rao giảng Tin Mừng và các cử hành bí tích đem ân sủng của Thiên Chúa vào đời sống con người, còn sinh hoạt trần thế của tín hữu đem thực tại của con người đến với Thiên Chúa. Do đó đối với người tín hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân, và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe doạ (MV 43). Tóm lại, sứ mạng của Hội Thánh là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ tất cả loài người. Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích trong thông điệp “Đấng Cứu Chuộc Con Người” rằng: “Con người là con đường của Hội Thánh”. Nghĩa là tất cả mọi con đường của Hội Thánh đều dẫn tới con người (ĐCCCN 14). Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội Thánh và xã hội trần thế, vì “dù tin hay không tin, con người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này” (MV 21,6). B. HỘI THÁNH TRONG LÒNG DÂN TỘC 8. Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô Để sống trung thành với bản chất và sứ mạng của Hội Thánh như vừa nói ở trên, chúng tôi đề ra đường hướng mục vụ sau đây: chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam. Trước hết, chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô nghĩa là: - Gắn bó với Chúa Kitô và hợp nhất với Hội Thánh toàn cầu. - Gắn bó với Đức Giáo hoàng, vị đại diện Chúa Kitô, người được Chúa giao trách nhiệm “chăn dắt đoàn chiên của Người” (Ga 21,15-18), và “làm cho anh em vững mạnh” (Lc 22,32). - Gắn bó với nhau trong tình huynh đệ theo kiểu mẫu Hội Thánh thời sơ khai: “Chỉ có một tấm lòng, một linh hồn, không một người nào nói là mình có của riêng nhưng đối với họ, mọi sự là của chung” (Cv 4,32; 2,42). - Trung thành với tinh thần của Công đồng Vatican II là tinh thần cởi mở, đối thoại và hoà mình với cộng đồng xã hội mình đang sống. Để đạt mục đích ấy, trước hết chúng ta phải không ngừng hoán cải lương tâm và thay đổi cách sống của mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng đoàn Dân Chúa trong Hội Thánh ở Việt Nam sao cho phù hợp với Phúc Âm hơn. Công việc này chúng ta thực hiện nhờ lắng nghe Lời Chúa, lãnh nhận các bí tích, chuyên cần cầu nguyện và thành tâm kiểm điểm đời sống (LBTM 15). 9. Gắn bó với dân tộc và đất nước Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới” (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa. Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính: - Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc. - Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc. 10. Cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc Về nhiệm vụ thứ nhất là tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc, chúng tôi muốn khẳng định rằng: yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm, như Công đồng nhắc nhở: “Các người Kitô giáo từ mọi dân tộc tụ họp trong Hội Thánh, không phân cách với những người khác về chế độ, cũng như về tổ chức xã hội trần gian, nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thật sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước” (TG 15). Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà Nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc. Trong công cuộc phục vụ quê hương, Phúc Âm cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh để khắc phục các khó khăn và các xu hướng cá nhân ích kỷ, nêu cao tinh thần phục vụ của bác ái phổ quát, hướng tới cảnh “Trời Mới Đất Mới” (Kh 21,1), trong đó tất cả đều hoà hợp hạnh phúc. Và khi phải phấn đấu xoá bỏ những điều tiêu cực, chúng ta có ơn của Chúa Kitô Phục Sinh để mặc lấy con người mới công chính và thánh thiện. 11. Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc Về nhiệm vụ thứ hai là xây dựng trong Hội Thánh một lối sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc. Chúng tôi muốn thực hiện điều Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong lễ nghi và văn hoá riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người” (GH 17,1). Muốn thế, một đàng chúng ta phải đào sâu Thánh Kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của đức tin, đàng khác, phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước, để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc. Rồi từ đó, chúng ta vận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hoá và xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên quê hương và trong cộng đồng Hội Thánh này. NGỎ LỜI VỚI CÁC THÀNH PHẦN DÂN CHÚA 12. Ngỏ lời với giáo dân Với anh chị em giáo dân, chúng tôi muốn nói lên lòng cảm phục tâm hồn đạo đức của anh chị em trong việc đọc kinh cầu nguyện, hiệp dâng thánh lễ và lãnh nhận các bí tích. Chúng tôi cảm ơn anh chị em xưa nay vẫn một lòng kính yêu, vâng phục, giúp đỡ chúng tôi và các người làm việc tông đồ. Chúng tôi xin dựa vào Công đồng để nói với anh chị em rằng: Ơn gọi của anh chị em là nên thánh giữa đời bằng cách sống Phúc Âm của Chúa Kitô trong các phận sự trần thế (GH 31; MV 43). Nhờ anh chị em, Giáo Hội hiện diện ngay trong xã hội và góp phần xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Nghĩa vụ cao cả của anh chị em là sống làm người tín hữu trung thành của Hội Thánh Chúa Kitô và làm người công dân tốt của tổ quốc. Để giúp anh chị em chu toàn nghĩa vụ đó, chúng tôi đặc biệt nhắc nhở anh chị em vài điểm sau đây: Anh chị em hãy tin vào ơn Chúa Thánh Thần đã được đổ xuống trong lòng để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện của anh chị em: cầu nguyện riêng, cầu nguyện chung trong gia đình và trong xứ đạo, và nhất là anh chị em hãy đào sâu đức tin bằng việc học và dạy giáo lý ngay trong gia đình của mình. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong Tông huấn về việc dạy giáo lý, đã lưu ý chúng ta rằng: “Việc dạy giáo lý trong gia đình đi trước, kèm theo và phong phú hoá mọi hình thức dạy giáo lý khác” (DGL). Gia đình của anh chị em phải trở nên như một trường học về đức tin, một nơi để cầu nguyện, một môi trường sống bác ái yêu thương và rèn luyện tinh thần tông đồ để làm chứng nhân cho Chúa (Cv 22, 42; 1, 8 GH 11; TĐ 11; LBTM 71). Nhưng trước tiên gia đình của anh chị em phải được xây dựng theo phép đạo. Chúng tôi tha thiết kêu gọi anh chị em thanh niên quan tâm vun trồng tình yêu trong sạch, và khi lập gia đình, liệu cho hôn nhân của mình chan chứa phúc lành của Thiên Chúa. Các nỗ lực để xây dựng gia đình Công giáo theo tinh thần Phúc Âm phải đồng thời làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình, và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của Tổ Quốc. Nhờ hiện diện và sinh hoạt tích cực giữa đời như vậy, anh chị em sẽ làm sáng danh Chúa và góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng đất nước. 13. Ngỏ lời với các tu sĩ Đối với các tu sĩ nam nữ, chúng tôi đánh giá cao sự hiện diện và đóng góp của anh chị em trong đời sống của Dân Chúa. Giáo Hội qua mọi thời luôn quý trọng ơn gọi tu sĩ như một dấu hiệu chứng tỏ sự trưởng thành và sức sống phong phú của Hội Thánh tại các địa phương. Do đó chúng tôi muốn nói với anh chị em: hãy xác tín về ý nghĩa và giá trị cao quý của ơn gọi mình. Dầu sinh hoạt bên ngoài có thay đổi, sứ mạng đặc biệt của anh chị em vẫn luôn là “hiện thân của một Hội Thánh muốn hiến mình cho đường lối triệt để của các Mối Phúc Thật”, và anh chị em “dùng chính cuộc sống của mình làm dấu chỉ cho tinh thần sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và anh em đồng loại” (LBTM 60; GH 44). Chính anh chị em sẽ tự thấy được rằng đường hướng mà chúng tôi vạch ra cho cả Hội Thánh ở Việt Nam: sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc với tinh thần sẵn sàng phục vụ, phù hợp cách riêng với ơn gọi của anh chị em. Do đó, anh chị em hãy nêu gương cho giáo dân bằng việc tích cực đi vào con đường ấy. Chúng tôi đặc biệt kêu mời anh chị em hãy quan tâm tuân giữ Luật dòng, rồi cùng nhau tìm ra, qua suy nghĩ chung và đối thoại, một thế quân bình lành mạnh cho đời sống tận hiến của mình: làm sao dung hoà giữa lao động và cầu nguyện, giữa việc hoà mình vào các sinh hoạt xã hội - không chỉ vì kế sinh nhai, nhưng nhất là để làm chứng nhân cho Chúa - và sự trung thành với đời sống cộng đoàn, dung hoà giữa các tổ chức riêng của mỗi hội dòng và sự hội nhập vào đời sống của Giáo hội địa phương trong sự hiệp thông với cộng đồng Dân Chúa và Hàng Giáo phẩm. 14. Ngỏ lời với các linh mục Sau hết, đối với các linh mục, triều cũng như dòng, là những cộng sự viên gần gũi nhất của Hàng Giám mục, chúng tôi cám ơn anh em vẫn tận tuỵ phục vụ cộng đồng Dân Chúa. Anh em hãy lấy làm hãnh diện vì anh em đang được lòng tin tưởng, mến yêu của đoàn chiên. Chính Chúa Thánh Thần đã cùng với anh em trực tiếp hình thành nên đoàn chiên hiện nay. Anh em hãy tiếp tục làm công việc cao quý ấy trong sự hiệp thông mật thiết với Hàng Giám mục chúng tôi. Thư Chung này vạch ra đường hướng rõ rệt: chúng ta hãy làm cho mọi tín hữu biết sống Phúc Âm trong tinh thần yêu mến và trung thành với Hội Thánh, trước hết bằng chính đời sống của chúng ta. Công đồng Vatican II lưu ý: “Trong những đức tính cần thiết hơn cả cho chức vụ linh mục, phải kể đến tâm trạng này là bao giờ cũng sẵn sàng tìm ý muốn của Đấng đã sai mình chứ không phải tìm ý riêng” (LM 15). Anh em hãy áp dụng những lời này tiên vàn cho việc rao giảng Lời Chúa và cử hành Phụng vụ Thánh, là những phương tiện mà Chúa Giêsu Kitô muốn dùng, xuyên qua thừa tác vụ linh mục của anh em, để xây dựng Nhiệm Thể Người một cách đặc biệt. Trong những gì liên quan tới đường hướng mục vụ và đời sống phụng vụ của Giáo Hội, anh em hãy thống nhất hành động với nhau và với Hàng Giám mục vì lợi ích của Dân Chúa, bởi vì anh em là những “nhà giáo dục đức tin” (LM 6; DGL 64). Anh em cũng hãy làm cho Chúa Giêsu Kitô hiện diện thật sự giữa đoàn chiên, khi anh em phục vụ các tín hữu cách tận tâm và khiêm tốn (LM 15). Nhất là được nhìn nhận như là người đại diện chính thức của Hội Thánh tại địa phương, anh em hãy trở nên hình ảnh của Chúa Cứu Thế, vị Mục Tử hiền lành và khiêm nhường, để cống hiến ơn cứu độ cho mọi người. Xin anh em hãy cùng với chúng tôi đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn: là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào. KẾT LUẬN 15. Quá khứ, hiện tại và tương lai Anh chị em thân mến, hơn ai hết, các giám mục chúng tôi ý thức về giới hạn trong khả năng và tài đức của mình trước nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và Tổ Quốc. Anh chị em hãy cầu nguyện nhiều cho chúng tôi. Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu, đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình. Đừng nhìn quá khứ với mặc cảm và phán đoán tiêu cực. Lịch sử luôn pha lẫn ánh sáng và bóng tối, cũng như đời sống những người con của Chúa vẫn có cả ân sủng và tội lỗi. Nhưng dựa vào tình thương của Chúa Cha, dựa vào Lời ban sự sống của Chúa Giêsu Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn nhìn vào hiện tại và tin tưởng ở tương lai. Chúng ta có giáo lý của Công đồng Vatican II như luồng gió mát của Chúa Thánh Thần thổi trong Hội Thánh; chúng ta tự hào là công dân nước Việt Nam anh hùng độc lập thống nhất; và trong đà phát triển chung của cả nước, chúng ta được tình đồng bào thông cảm và giúp đỡ trong khối đại kết dân tộc, nên chúng ta hãy hân hoan chu toàn sứ mạng vinh quang của mình. Rồi đây với ơn Chúa giúp và hoàn cảnh cho phép, chúng tôi hy vọng sẽ có thể dần dần đề ra những công việc cụ thể để hết thảy chúng ta cùng làm, mỗi người tuỳ cương vị khả năng của mình, hầu góp phần xây dựng Tổ Quốc và Giáo hội Việt Nam. Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, Thánh cả Giuse và các Thánh Bổn mạng của Hội Thánh Việt Nam, ban muôn phúc lành cho anh chị em. Hà Nội, ngày 1 tháng 5 năm 1980 ----------------------------------------- “Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI), vì lẽ con người là mục đích, là cứu cánh, là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội. Từ chân lý căn bản này về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, nảy sinh những nhu cầu, những đòi hỏi bức thiết phải đáp ứng để xây dựng và phát triển một xã hội nhân bản, một xã hội không làm què quặt và hủy hoại con người. Những đòi hỏi bức thiết đó là: I- Xóa giảm những khuyết tật hiện hữu của xã hội; II- Phát huy những giá trị nhân bản làm cho con người ngày càng trở nên người hơn, sống xứng với phẩm giá của mình hơn. I. XÓA GIẢM NHỮNG KHUYẾT TẬT HIỆN HỮU CỦA Xà HỘI 1. Khuyết tật thứ nhất là hiện tượng tha hóa con người. Sự tha hóa con người xuất hiện và lớn dần trong xã hội hiện nay: - khi chủ nghĩa tiêu thụ đưa đẩy con người vào trong một mạng lưới những thỏa mãn hời hợt, giả dối; - khi lao động được tổ chức nhằm bảo đảm tối đa cho lợi nhuận mà không lưu tâm cải thiện đời sống và thăng tiến phẩm giá người lao động; - khi diễn ra sự đảo ngược giữa phương tiện và mục đích: con người vốn là mục đích của sự phát triển thì lại bị biến thành đơn thuần là phương tiện sản xuất; - khi tự do được coi như là quyền được làm bất cứ điều gì mình thích, bất cứ điều gì mà cảm tính của mình cho là có lợi trước mắt cho bản thân, cho phe phái, đang khi tự do đích thực là quyền làm những gì mà lương tâm thấy được phép làm vì công ích, vì lợi ích của thế hệ hiện tại và mai sau. Thực tế cuộc sống hiện tại cho thấy: khi tách lìa chân lý về con người với nhân phẩm và nhân quyền của họ, tự do trở thành sự tùy tiện hoặc ngẫu hứng của những kẻ có quyền thế. 2. Khuyết tật thứ hai là cơ chế bất công và tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình. Cơ chế xin-cho là một cơ chế bất công và tha hóa con người vì những lý do sau đây: - Cơ chế xin-cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền mà Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân dưới dạng những cái phép, đồng thời biến Nhà Nước từ một tổ chức có chức năng phục vụ công ích trở thành một chủ nhân ông nắm các quyền tự do của người dân và ban phát các phép tự do lại cho họ thường theo sự tùy tiện chủ quan hơn là theo những tiêu chuẩn khách quan. Như thế cơ chế xin-cho vừa đi ngược lại công ích và xóa đi các quyền tự do của người dân, vừa bôi đen hình ảnh của một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Đó là điều làm tha hóa con người. - Theo thông tin của báo chí, cơ chế xin-cho còn là nguyên nhân làm thất thoát 50% các nguồn thu vào công quỹ, và làm thất thoát 50% phần còn lại khi phải chi ra cho công ích. Điều này có nghĩa là 5% hoặc 7% dân số là những người có thế lực và quyền lực thì hưởng 75% từ công quỹ quốc gia (trong con số 75%, có 50.000 tỷ đồng/năm của riêng ngành xây dựng), phần còn lại của dân số là hơn 70 triệu dân chỉ hưởng được 25%. Thực tế này tạo ra một tình trạng bất công trầm trọng trong xã hội và không ngừng làm gia tăng hố sâu cách biệt giàu nghèo trong lòng một dân tộc. Chính vì thế mà tham nhũng một cách có hệ thống quy mô trong xã hội ngày nay không những là một quốc nạn, song còn là một tội ác đối với đất nước và dân tộc. II. PHÁT HUY NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN BẢN LÀM CHO CON NGƯỜI NGÀY CÀNG TRỞ NÊN NGƯỜI HƠN, SỐNG XỨNG VỚI PHẨM GIÁ CỦA MÌNH HƠN 1. Phát huy phẩm giá con người. Điều này đòi hỏi trong các quan hệ xã hội phải quan tâm tôn trọng con người như là trọng tâm của mọi hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, nghĩa là các sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội phải hướng đến sự phát triển và thăng tiến con người toàn diện cả mọi mặt vật chất, tinh thần và tâm linh. Khi một trong ba mặt thiếu phát triển, con người trở nên hụt hẫng, què quặt, dị tật. 2. Phát triển xã hội và thăng tiến con người trên nền tảng chân lý. Một xã hội được coi là có trật tự và phù hợp với nhân phẩm khi đặt nền tảng trên chân lý. Chân lý căn bản trong quan hệ giữa người với người là mọi người đều bình đẳng về nhân phẩm. Chân lý này đòi hỏi phải gạt bỏ mọi kỳ thị và phân biệt đối xử, phải xóa đi những hình thức chuyên chế, phải loại trừ mọi gian dối xảo trá ngày nay đang tràn lan trong mọi lãnh vực của cuộc sống con người và xã hội. 3. Phát huy tình liên đới trong mọi sinh hoạt gia đình và xã hội. Tình liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người, tôn trọng các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của con người, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa. Tình liên đới đòi hỏi phải nhìn xa hơn bản thân của tổ chức, của phe phái để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, cho sự thăng tiến của con người và gia đình. 4. Phát huy tính phụ đới. Tình liên đới trong sự tôn trọng các quyền tự do của con người đòi hỏi tổ chức xã hội phải mang tính phụ đới. Tính phụ đới là một đặc tính của tổ chức xã hội trong đó một tập thể cấp cao không can thiệp vào nội bộ của một tập thể cấp thấp, không làm mất thẩm quyền và tính tự lập của nó, song tạo điều kiện giúp nó phối hợp hoạt động của mình với những hoạt động của tập thể khác nhằm mưu cầu công ích. Do đó, con đường phát huy tính phụ đới đòi hỏi: Chính quyền tạo điều kiện cho các cá nhân và tập thể công dân sử dụng các quyền của con người. Trong các quyền đó, phải kể đến quyền bình đẳng, quyền và bổn phận chu cấp cho các nhu cầu vật chất, tinh thần và tâm linh của cuộc sống con người, gia đình và tập thể, quyền sáng kiến và tham gia các hoạt động phát triển xã hội, thăng tiến con người và gia đình, cả việc củng cố nền tảng pháp lý của cộng đoàn chính trị trong một quốc gia. Dành cho mình độc quyền hay một quyền hành quá lớn trong các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội, đó là con đường dẫn đến chuyên chế và độc tài, quan liêu và bao cấp, áp bức và bất công, là những tệ nạn làm tha hóa con người. Tính phụ đới theo nghĩa trên là nền tảng để xây dựng một xã hội dân chủ, một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân. Thiếu nền tảng này, Nhà Nước với chức năng phục vụ công ích trở thành một cỗ máy thống trị độc tài, và nhân dân từ địa vị làm chủ đất nước trở thành phương thế phục vụ cho cỗ máy đó. Đó là điều làm tha hóa con người và phân hóa xã hội. 5. Phát huy ý thức và thiện chí phục vụ công ích. Trước hết công ích đòi hỏi phải tôn trọng con người, tôn trọng nhân phẩm và các quyền tự do của họ. Do đó, chức năng phục vụ cho công ích đòi buộc chính quyền: (1) tạo điều kiện bảo đảm cho mọi công dân hưởng những nhu yếu sao cho xứng hợp với phẩm giá con người; (2) xóa bỏ những luật lệ bất công và những biện pháp trái với luân thường đạo lý trong truyền thống văn hóa của dân tộc, vì lẽ đây là những cơ chế và biện pháp làm tha hóa con người. Cơ chế xin-cho là một điển hình về luật lệ bất công. Phá thai hằng năm hơn cả triệu trường hợp là một điển hình về biện pháp trái với luân thường đạo lý mà những hậu quả đã và đang diễn ra không biết đưa tương lai dân tộc đi về đâu. Kính thưa Quý Vị, Là những người yêu mến quê hương, ai trong chúng ta cũng mong muốn xây dựng Việt Nam thành một đất nước giàu đẹp, văn minh, giàu tính nhân bản. Chính trong tinh thần đó, chúng tôi xin gửi đến Quý Vị thư ngỏ này. Kính chúc Quý Vị luôn an lành, mạnh khoẻ và thành đạt. Trân trọng kính chào,
|