Về chuyến đi Việt Nam của DB Mỹ Cao Quang Ánh |
Tác Giả: Trần quang Hạ | |||
Thứ Ba, 19 Tháng 1 Năm 2010 08:47 | |||
Suy nghĩ về buổi họp báo của dân biểu Cao Quang Ánh Trong phỏng vấn sau lễ thuyên thệ nhậm chức ngày 06/01/2009, dân biểu Cao Quang Ánh thừa nhận tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt nam là điều đáng quan tâm. Chuyến đi lần nầy ông Cao Quang Ánh đã thực hiện lời nói đó, ông có đề cập vấn đề trên với các viên chức cao cấp nhất phía Việt Nam. Là cử tri Mỹ gốc Việt, tôi xin bày tỏ một ít suy nghĩ chung quanh vấn đề đã được nhiều người quan tâm, dựa theo bản tin của Jonathan Tilove đăng trên DCVOnline ngày 15/01/2010. Bài báo viết: Bên cạnh việc đề cập tới các vấn đề nhân quyền, lần này ông Cao trở về quê hương với một sứ mạng mới nhằm giúp đỡ chính quyền Việt Nam, Lào và Kampuchia tháo gỡ một số lượng lớn đạn dược chưa nổ còn sót lại từ cuộc chiến Việt Nam, mà vẫn tiếp tục gây thương vong cho dân chúng, đặc biệt là trẻ em. Về công tác tháo gỡ mìn bẫy, thế giới và chính phủ Mỹ cũng đã làm từ nhiều năm nay. Quan sát thực tế có thể gia tăng thêm những nổ lực nhân đạo, rõ ràng là một việc làm tốt. Nhưng có điều ông Ánh có thể không biết, đó là ở Việt Nam dân chúng cũng đã tự nguyện làm công việc nầy ngay sau ngày chiến tranh chấm dứt, họ cưa cắt những trái bom chưa nổ để bán thuốc bồi và sắt vụn. Một trái đạn có thể đổi được dăm bữa ăn đạm bạc nhưng cũng có thể lấy mạng cả gia đình một cách thảm khốc. Ở vùng quê nghèo Việt Nam, sinh mạng trẻ em không quan trọng bằng sinh mạng người lớn. Lao động chính chết đi đồng nghĩa với thảm hoạ theo sau của cả gia đình, vì thiếu ăn bệnh tật, vì đói khát hay bơ vơ không nơi nương tựa. Đây chính là khác biệt xã hội và văn hoá giữa những quốc gia giàu nghèo, đặc biệt Việt Nam, nơi mà người dân bị bỏ mặc trong tệ quan liêu, tham nhũng. Bom Mỹ & Mìn Việt Cộng Nguồn: DCVOnline tổng hợp Đấu tranh với đảng cộng sản để thủ tiêu mầm mống độc tài, nguồn gốc của đói nghèo bất công xã hội. Không làm được việc nầy, mọi nổ lực nhân đạo vẫn trở nên vô nghĩa. Tháo gỡ thêm một số bom mìn sẽ cứu thêm nhiều mạng người vô tội, nhưng không cứu được hàng chục phụ nữ bị bán qua biên giới mỗi ngày, không cứu được hàng trăm trẻ em bị lùa qua Kampuchia làm nô lệ tình dục.Khi đi thăm những nơi được phép, ông Ánh không thể gặp những hoàn cảnh như thế nên không hiểu được tại sao dân quê vẫn nghèo mặc dù kinh tế vẫn phát triển 8 đến 10 chấm mỗi năm. Chữ “trẻ em” thường được dùng theo lối người Mỹ là tôn trọng trẻ em trong môi trường đầy đủ của họ. Còn chữ trẻ em sử dụng ở đây mang tính chất lên án tội ác Mỹ, một lối tuyên truyền thời chiến tranh. Ông Cao Quang Ánh phát biểu, Hoa Kỳ đã trút hàng triệu tấn bom trên đất Lào, Kampuchia và Việt Nam; đa số dưới dạng “bom chuỗi” mà có khoảng 30 phần trăm chưa phát nổ. Tôi đã nghe những câu như thế không biết bao lần khi còn ở trong nước. Có điều mỗi lần như thế, tôi cứ thắc mắc: bom Mỹ giết người đã đành, nhưng bom đạn Liên Xô, Trung Quốc mang vào miền Nam sao không nghe nhắc tới? Không lẽ bom Mỹ ác độc gây thương vong cho dân chúng, còn đạn pháo “của ta” nhân đạo, chẳng giết chết người nào? Có điều gì đó không công bình khi nhắc đến chiến tranh một cách phiến diện. Chúng ta cần nhắc đến nó trong tinh thần vô tư, thí dụ học hỏi lịch sử để thế hệ mai sau không phạm sai lầm như thế nữa. Trên cương vị một người làm chính trị, ông Ánh không thể không biết câu phát biểu nầy có lợi cho chế độ độc tài. Ở các nước dân chủ, các cơ quan từ thiện hoạt động theo lương tâm, còn ở chế độ độc tài, hoạt động nhân đạo phải phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng. Chủ trương đúng thì dân nhờ, chủ trương sai dân chịu. Tất cả vấn đề lương tâm, nhân đạo đưa ra bởi chính quyền thực chất không vì nhân đạo mà vì lợi ích tuyên truyền là chính. Người ta lý giải tuyên truyền đường lối Đảng chẳng có gì sai cả, vì đảng làm ra đường lối để phục vụ nhân dân. Phục vụ đường lối đảng tức phục vụ nhân dân. Có thể ông Ánh đã hiểu rõ tinh thần nầy nên phát biểu câu trên trong khuôn khổ vì lợi ích cuối cùng là cho người dân Việt, nếu như thế thì suy diễn của tôi có thể sai. Để minh hoạ chủ trương tuyên truyền bằng mọi giá của chế độ cộng sản, tôi lấy thí dụ gần đây nhất. Nhiều nước đáp ứng nhanh việc cứu trợ động đất ở Haiti, người ta cử quân đội, toán cứu hộ đáp máy bay đến thủ đô Port-au-Prince một hai ngày sau tai nạn. Toán cứu trợ Trung Quốc bước xuống máy bay với lá cờ to đùng, khổ lớn che phủ cả cầu thang máy bay. Những toán cứu trợ khác không mang cờ xí rườm rà như thế vì mục đích của họ là cứu giúp, chứ không phải quảng cáo. Rõ ràng chế độ độc tài làm việc gì cũng có tính toán, ngay cả trong chuyện nhân đạo cứu giúp người lâm nạn. Ông Ánh nói: “Chính quyền Việt Nam không muốn cấp giấy nhập cảnh cho tôi vì họ cảm thấy rằng chuyến viếng thăm của tôi có thể trở thành một chấn động. Để có được giấy nhập cảnh, tôi đã phải đến và rời Việt Nam một cách lặng lẽ.” Khi ra điều kiện như thế có nghĩa họ đã bàn bạc thiệt hơn và chuẩn bị thương lượng một khi ông Ánh từ chối. Ông Ánh đi Việt Nam nhà nước có lợi nhiều hơn ông không đi. Có thể họ sẽ nhân nhượng để ông đi thăm một số nơi như Bát Nhã, Tam Toà hay gia đình Ls Lê Công Định... (dĩ nhiên những màn dàn dựng sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng nếu việc này xảy ra). Đáng tiếc điều kiện nầy đã được chấp nhận dễ dàng, chắc ngoài dự tính ngay cả của chính phủ Việt Nam. Việt Nam cần ông Ánh nhiều hơn việc ông Ánh cần visa nhập cảnh. Đi hay không đi, ông vẫn phục vụ quyền lợi dân chúng khu vực 2 bang Louisiana. Chuyến công du 3 nước Đông Nam Á chỉ là sự thăm viếng, tìm hiểu giúp đỡ nước nghèo là chính. Nếu ông từ chối những điều kiện phi lý đó, việc không đi Việt Nam sẽ là lời tố cáo hùng hồn chuyện nhà nước đang đàn áp tôn giáo và bóp nghẹt tiếng nói dân chủ. Tác động nầy chắc chắn có lợi cho tiến trình vận động dân chủ hoá đất nước. Việt Nam muốn mở rộng diện du học qua Mỹ, Việt Nam không cấm cản người dân du học. Lâu nay con số SV qua Mỹ chưa cao là do phía sứ quán Mỹ phỏng vấn khó hoặc chưa có nhiều học bổng Mỹ cấp cho SV Việt Nam. Việc nầy có thể được làm một cách hiệu quả ngay ở Mỹ mà không phải đi lại xa xôi như thế. Cất công đến đó là để ủng hộ nhân quyền. Tiếng nói của một dân biểu Mỹ có thể không thay đổi tình trạng đàn áp người dân, nhưng rõ ràng sẽ cổ võ tinh thần rất nhiều cho những người đang vận động dân chủ. Quốc hội Châu Âu, Tổ chức Nhân Quyền Thế Giới, tổ chức Nhà Báo Không Biên Giới... đã nhanh chóng và tích cực lên tiếng cho Việt Nam. Dân biểu Loretta Sanchez, Trần Thái Văn cũng từng tố giác rất mạnh mẽ. Ủng hộ việc dân chủ hoá một đất nước 85 triệu người không còn là vấn đề của người Việt mà là vấn đề lương tri của tất cả những người yêu chuộng lẽ phải. Ở Việt Nam không có chuyện đàn áp tôn giáo hay bịt miệng nhân quyền mà quan chức cấp cao nhà nước không biết. Tất cả việc làm đều có chỉ đạo từ trên xuống dưới theo một qui tắc chặt chẽ về an ninh chính trị. Việc gặp để “bày tỏ” ý nguyện nhân quyền là việc làm không tới đâu, nếu không nói là ngây thơ và hài hước. Cuối cùng là cảm tưởng của tôi sau những thông tin về cuộc họp báo. Sự e ngại của gia đình dân biểu họ Cao tỏ ra không có lý và rất “tiểu tư sản”. Người cha ông bị cải tạo chẳng ăn nhập gì chuyện thời sự bây giờ cả, đó là chuyện quá khứ. Nói chuyện nầy với viên chức nhà nước, ông Ánh trông đợi gì nếu không phải sự thương xót ở những người chiến thắng? Giả sử họ có xin lỗi chuyện quá khứ thì chuyện hiện tại đàn áp nhân quyền có thay đổi được chăng? Vả lại, ông Ánh đã thừa nhận “hàng triệu tấn bom trút xuống thời chiến tranh, vẫn còn giết hại dân chúng và trẻ em”, thì việc cha ông ở tù 7 năm không còn là điều vô lý nữa.
|