Mù Lòa? |
Tác Giả: Trần Công Luận | |||
Thứ Tư, 27 Tháng 1 Năm 2010 18:10 | |||
"Sự mù lòa của những vị hữu trách và có bổn phận phải lên tiếng mà không lên tiếng... còn tệ hại hơn sự mù lòa của Linh mục Từ." Những ngày qua những người công giáo có thiện tâm khi biết được nội dung lời phát biểu của Linh mục Phan Khắc Từ đăng trên báo “lề phải” (http://www.saigon-gpdaily.com.vn/National/Society/2010/1/78222/) đều cảm thấy bức xúc và phẫn nộ trước những lời phát biểu vô lương tâm của vị Linh mục này. Nhiều người thắc mắc rằng một Linh mục được nuôi dưỡng và đào tạo đầy đủ cả về triết học, thần học, tu đức, nhân bản… trong trường Đại chủng viện nhiều năm và có cả một quãng thời gian dài làm công việc mục vụ giữa cộng đồng Dân Thánh của Chúa và các anh em Linh mục khác, và được tĩnh tâm định kỳ cùng với anh em Linh mục ở TGM với Giám mục sở tại v.v. lại có thể phát biểu một cách độc địa vô lương tâm, tiếp tay cho kẻ ác như vậy trước những biến cố đau thương mà những người giáo dân ở khắp nước đang phải gánh chịu, đặc biệt là biến cố đang diễn ra ở Đồng Chiêm! Hơn nữa những ai là người theo đạo, bất kể đạo gì, đặc biệt là các bậc Tu sĩ, Linh mục, Giám mục, Mục sư hay Tăng ni đều có thể thấy rõ tình trạng bóp nghẹt tự do tôn giáo ở nước cộng sản này. Đi tu cũng phải xin giấy phép, đến khi làm Linh mục cũng phải xin lại giấy phép và vị nào đó được Hội Thánh cất nhắc lên làm Giám mục cũng phải xin phép. Nếu chính quyền không cho thì Giáo Hội có muốn cất nhắc lên làm Giám mục cũng không được (trường hợp của Cha Vũ Ngọc Bích DCCT là một ví dụ) (http://dcctvn.net/oldsite1/chiase/9464bich.html) hoặc phải phong chức “chui”. Vậy tại sao Linh mục Từ không nhận ra điều đó, vẫn biện minh cho nhà cầm quyền rằng tự do tôn giáo được tôn trọng ở đất nước cộng sản này!? Thực ra, không phải cứ ai được đào tạo dưỡng dục đầy đủ là người ấy có thể trở thành người tốt. Giu-đa môn đệ của Chúa Giê-su là một ví dụ điển hình cho điều này. Gui-đa được Thầy Giê-su dưỡng dục nhiều năm, được ngồi đồng bàn với Thầy, được ăn chung một tấm bánh, uống chung một chén với Thầy và nhất là được sống trong tâm tình thầy – trò, cha – con và bạn hữu. Thế nhưng, vì 30 đồng bạc mà Giu-đa đã phản bội và bán đứng Thầy Chí Thánh của mình. Thế gian thời Chúa Giê-su đảo điên, gian dối. Chúa Giê-su đã nhiều lần lên án thế gian về sự gian tà giả dối của nó. Giu-đa sống trong thời đó, đi theo Thầy Giê-su chắc chắn biết được sự điêu ngoa, gian ác của thế gian. Nhưng đáng tiếc, vì 30 mươi đồng bạc đã làm ông mù lòa. Không phải cứ ai sống trong ánh sáng là có thể nhận ra ánh sáng. Nhiều người có mắt mà họ cứ ngỡ rằng họ đang sáng. Mà thực ra họ có mắt đấy những đang mù lòa vì họ “trố mắt mà không nhìn thấy gì.” Họ bị những lợi ích cá nhân dán tịt mắt họ lại và do vậy mắt họ trở nên đui mù. Vì mù lòa nên họ nói cũng theo lối mù lòa. Những lời phát ngôn cay nghiệt của Linh mục Từ chỉ có thể phát ra từ một người mù lòa. Linh mục này đã mù lòa trước đau khổ của đồng loại, đồng đạo, anh em Linh mục của mình; mù lòa trước biểu tượng Tình Yêu và Tha Thứ bị đập phá và phỉ báng; mù lòa không phân biệt đâu là thiện đâu là tà, đâu là Thiên Chúa đâu là ma quỷ. Con mắt thể lý của Linh mục Từ chắc chắn vẫn còn rất sáng bởi vì Linh mục Từ vẫn còn thấy rõ đâu là danh lợi, tiền bạc, hơn thiệt... Linh mục này chỉ mù lòa về lương tâm mà thôi. Điều gì đã làm cho một Linh mục trở nên mù lòa như vậy? Những đặc lợi mà chính quyền ban cho Linh mục này đã làm mắt ông bị che khuất và trở nên mù lòa. “LM. Phan Khắc Từ mù tịt về báo chí nhưng lại kiên trung và sẵn sàng hợp tác với cộng sản để bảo vệ vị thế và các đặc quyền cho cá nhân mà lãnh đạo cộng sản ban cho.” (http://catholicvideo.org/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=75831). Vì sự mù lòa này, Linh mục Từ đã bán đứng anh chị em đồng đạo của mình, anh em Linh mục của mình; và quay sang cổ vũ cho những hành vi ác nhân, phi luân thường đạo lý của chính quyền. Linh mục Từ mặc dù được tào đạo trở thành Linh mục – Chứng nhân của Tình Yêu và Hy Sinh mạng sống vì đoàn chiên, nhưng khi được tấn phong Linh mục, ông lại sống và làm việc trong tổ chức vô thần của đảng cộng sản. “Ông Phan Khắc Từ đã có nhiều năm là đại biểu quốc hội, giữ nhiều chức vụ trong các tổ chức ngoại vi của Hà Nội…” (http://catholicvideo.org/News800/ReadArticle.aspx?ID=76034) và hiện nay là Chủ nhiệm tờ báo Công giáo & Dân tộc kiêm Trưởng ban UBĐKCG, một tổ chức của chính phủ chuyên đánh phá các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo. Linh mục Từ sống nhờ những ân huệ mà chính quyền ban phát cho, thì phải làm theo, nói theo những gì chính quyền sai bảo đứng như câu “ăn cơm chúa phải múa tối ngày” hoặc “ăn cây nào rào cây nấy”. Linh mục Từ sống trong một tổ chức như thế nên có những phát ngôn khốn nạn như thế. Và vì thế Linh mục này có những câu phát biểu khốn nạn như nói ở trên không còn là điều khó hiểu nữa. Mọi người lên án kịch liệt những lời phát ngôn của Linh mục Từ là lẽ tự nhiên và những lời phát ngôn này đích thực đáng bị lên án. Tuy nhiên, nếu một người có những lời phát biểu như Linh mục Từ mà bị lên án như vậy thì những người, đặc biệt là những người có trách nhiệm, im lặng trước bất công, bạo quyền, im lặng trước những đau thương của con chiên, đồng đạo, của đồng loại, im lặng trước hành vi phỉ báng biểu tượng của tôn giáo... có bị lên án không? Người đời thường nói: “Im lặng là đồng lõa.” Người đồng lõa với tội ác, với hành vi báng bổ tôn giáo mà mình đang tin theo, đang rao giảng thì cũng phải bị kịch liệt lên án. Đặc biệt là những người có nghĩa vụ phải lên tiếng vì lẽ phải mà không lên tiếng thì càng phải bị lên án. Hãy hình dung hình ảnh sau: Một gia đình có nhiều người con. Trong số người con ấy có một người con khó dậy, kết bè kết đảng với lũ mất dậy, lũ ăn cướp. Lũ ăn cướp này thường xuyên đến gia đình này ăn cướp phá hoại, đánh đập những thành viên trong nhà. Đỉnh điểm của các vụ ăn cướp là chúng xông thẳng vào nhà đập bàn thờ của gia đình, đánh đập nhiều người máu chảy te tua. Bọn ăn cướp vừa ăn cướp vừa la làng. Hàng xóm hỏi có chuyện gì, thì thằng con mất dậy trả lời là không có chuyện gì, chẳng qua là mấy đứa lợi dụng thanh thế của gia đình tôi mà làm điều bậy, điều càn. Những đứa này phải bị trừng trị nghiêm khắc. Đại ca tôi là người rất tốt, giúp đỡ và tạo điều kiện cho gia đình tôi nhiều lắm. Trong khi đó ông bố vẫn im hơi lặng tiếng mặc dù ông biết mọi sự tình. Và thậm chí các con bị đánh te tua, chạy đến bố, van xin bố lên tiếng, nhưng ông bố vẫn im lặng. Làng xóm thấy vậy nghĩ thằng nhỏ gia đình kia nói đúng. Qua hình ảnh trên chúng ta có thể hiểu rằng thằng con mất dậy có những lời nói bênh vực bọn cướp là dễ hiểu vì: một là nó là khằng mất dậy trong nhà ai cũng biết (nên không chấp) và hai là nó kết bè đảng với lũ ăn cướp thì nó phải nói theo bọn cướp. Nhưng sự im lặng của người cha thật là khó hiểu. Sự lên tiếng của ông bố không chỉ là thể hiện thấy sự bất nhân thất đức cần lên tiếng mà còn là một nghĩa vụ, bổn phận của người làm cha trong gia đình. Ông là người làm chủ gia đình thì phải có nghĩa vụ chở che nâng đỡ bênh vực các con, đặc biệt là những đứa con yếu đau; bênh vực và bảo vệ những đứa con khỏi bị kẻ cướp đánh đập. Đàng này, ông lại im lặng. Đứa con kêu gào lên bố, nhờ sự trợ giúp của bố, chỉ cần một tiếng nói của bố thôi, nhưng bố vẫn im lặng. Hàng xóm sang hỏi có chuyện gì, ông vẫn im lặng. Có một đứa con vào hùa với bè lũ ăn cướp, bóp méo sự thật, thay trắng đổi đen thế mà ông bố cũng vẫn im lặng. Sự im lặng đáng sợ này chỉ có thể hiểu được rằng ông bố này cũng đang bị mù lòa. Mà không những mù lòa mà ông bố này còn điếc. Đứa con mất dậy và những kẻ cướp cho rằng những việc làm của chúng là đúng, nếu sai ông bố đã lên tiếng. Và cứ như vậy, kẻ cướp sẽ làm tiếp tục cướp phá hết lần này đến lần khác, những đứa con trong nhà chịu đớn đau hết lần này đến lần khác, bàn thờ Chúa sẽ bị đập phá và phỉ báng hết lần này đến lần khác. Trước những hành động ngày càng tàn ác của chính quyền qua những vụ như Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Bàu Sen và đến nay là Đồng Chiêm, những người giáo dân, đặc biệt là những người đang bị bách hại, khao khát người cha, người anh em của mình, đồng đạo của mình lên tiếng, không lên tiếng vì họ thì ít ra lên tiếng vì công lý và sự thật. Đặc biệt là họ khao khát mong chờ tiếng nói từ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Đáng tiếc, càng khao khát, càng chờ đợi, thì tiếng nói họ mong đợi càng trở nên nặng thinh. Những giọt nước mắt tuôn rơi, những mảnh áo thấm đẫm máu hồng, những vành tang trắng trên đầu, những tiếng than nghẹn bứ trong cổ, những tiếng kêu cứu vang thấu trời xanh, và Thánh giá bị đập phá và phỉ báng chưa đủ làm tỉnh thức những người người mà có bổn phận phải lên tiếng sao!? Điều gì đã làm cho những người có trách nhiệm phải lên tiếng lại thinh lặng như vậy? Phải chăng cũng giống như trường hợp của Linh mục Phan Khắc Từ? Cũng là một hiện tượng mù lòa? Điều gì/ai đã làm những người này trở nên mù lòa? Như đã nói ở trên, đi tu cũng phải xin phép, đào tạo Linh mục cũng phải xin phép, tấn phong Linh mục và Giám mục cũng phải xin phép. Linh mục Chân Tín có lần nói trên đài BBC London rằng: “Đào tạo Linh mục lâu nay khi vào đại chủng viện là đã được công an làm việc, rồi suốt cả quá trình học tập cho đến trước khi phong chức đều chịu sự làm việc với công an.” (http://www.scribd.com/doc/7308902/Hin-Tng-Quc-Doanh). Khi có người xin thì phải có người cho. Lẽ thường tình người đi xin phải hàm ơn người cho. Mà người cho ở đây là chính quyền. Mà chính quyền cộng sản không cho ai không cái gì, mỗi lần cho là một lần mặc cả. Từ đó sẽ có những Linh mục, Giám mục thỏa hiệp hay thậm chí đi đêm với chính quyền. Trong bài «Chế độ bê tông cốt tre », tác giả Lê Sáng đã cay đắng nhận xét rằng: «Gian trá len lỏi vào cả nhà tu – Bởi đi tu phải xin giấy phép của chính quyền cộng sản, nên không thiếu những kẻ dùng tiền, thậm chí bán rẻ lương tâm cho cộng sản để có cái giấy này… » (VietCatholic News (01 Jul 2009 17:14)). Cũng trong bài phát biểu trên BBC Linh mục Chân Tín chua chát nói rằng : «Việc cho xây nhà thờ hay cho hội đoàn này hội đoàn kia hoạt động, mà việc đào tạo vẫn như lâu nay thì Giáo Hội cũng sẽ trở thành một dạng giáo hội quốc doanh khi mà linh mục hợp tác với chính quyền và không có giáo hội độc lập.» Càng lên cao, cái ân huệ xin-cho càng lớn, càng phải thỏa hiệp nhiều, càng phải đi đêm nhiều, nhiều đến mức mà các ngài nhìn thấy vấn đề mà không dám lên tiếng, cho dù việc lên tiếng là trách nhiệm và bổn phận của mình. Thấy mà không dám phản ứng hay hành động gì có khác gì như người không thấy, nhìn mà không thấy có khác gì như người mù lòa? Đến đây chúng ta có được câu trả lời rồi về những câu hỏi: các vị có trách nhiệm và bổn phận lên tiếng có bị mù lòa không, và ai/điều gì làm cho họ trở nên mù lòa. Sự mù lòa của Linh mục Từ có thể nhận biết một cách rõ ràng. Nhưng sự mù lòa của những vị hữu trách và có bổn phận phải lên tiếng mà không lên tiếng, người ta khó nhận ra hơn, nhưng lại rất tệ hại, thậm chí còn tệ hại hơn sự mù lòa của Linh mục Từ. Giáo Hội Việt Nam vẫn đang lớn lên và đức tin được giữ vững như ngày hôm nay là nhờ hạt giống đức tin được chăm bón bằng máu đào của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và Giáo Hội Việt Nam vẫn còn có những Mục Tử sống chết vì đoàn chiên. Trong những đấng ấy, điển hình gần đây nhất phải kể đến Đức TGM HN Ngô Quang Kiệt, GM GP Vinh Cao Đình Thuyên, các Cha DCCT Việt Nam, đặc biệt là các Cha DCCT Thái Hà v.v. Các Ngài đích thực là Mục tử nhân hiền biết các chiên của các Ngài và các chiên của các Ngài biết các Ngài.
|