Đại Việt Bên Đại Tống và Cao Ly |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa | |||
Thứ Hai, 08 Tháng 3 Năm 2010 12:02 | |||
Lịch sử ngàn năm trong địa dư Đông Á...
Nhớ về ngàn năm trước, khi từ Hoa Lư Lý Thái Tổ lập đô tại Thăng Long vào năm 1010, rồi nước Đại Việt ra đời, chúng ta cùng nhìn ra ngoài xem các nước khác xoay trở ra sao.... Nhà Tống này tồn tại được hơn ba trăm năm - từ 960 đến 1279. Nhưng chỉ có trăm năm đầu là mạnh. Trong một chuỗi dài sáu triều đại là Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh, thì Đại Tống là đế quốc yếu nhất. Nhìn lại chuyện ngàn năm trước, chúng ta thấy ra hai cuộc chạy đua để đổi loạn ra trị. Xuất phát từ thời tao loạn, Thái tổ Triệu Khuông Dẫn của nhà Đại Tống tập trung quyền lực vào trung ương ở kinh đô Khai Phong tại phía Bắc và tước đoạt binh quyền của các địa phương. Quyền lực trung ương rất mạnh thì đem lại sự ổn định - và phát triển văn hoá cùng kinh tế. Nhưng lại làm suy yếu ảnh hưởng vương triều tại các vùng phiên trấn hay biên ngoại. Đó là mâu thuẫn lớn của triều đại này và cũng là mâu thuẫn của Trung Quốc ngày nay. Nói về thành tựu thì Trung Quốc đời Tống đã mở đầu thiên hạ với cuộc "cách mạng kỹ nghệ" - khi loài người chưa nghĩ ra chữ "kỹ nghệ" hay "công nghiệp". Họ phát minh ra thuốc súng và cả súng hỏa mai, họ mở ra kỹ thuật ấn loát, họ cải tiến kỹ nghệ luyện kim để sản xuất thép ngày một nhiều và tinh xảo hơn. Họ mở mang kỹ thuật đóng tầu và hàng hải và cho bành trướng thương mại. Nhờ vậy, khi mà Âu Châu mới chỉ có thị trấn thì đời Tống đã có các thành phố lớn. Hàng Châu, sau này là kinh đô Nam Tống, có tới nửa triệu dân trong khi Paris hay các kinh đô khác của Âu Châu chỉ có chừng chục vạn. Constantinople tỏa sáng kia mà cũng mới chỉ có ba chục vạn dân thôi. Về văn hoá, nhà Tống cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc so với nhà Đường, nên thơ phú, hội họa đã trở thành sinh hoạt phổ biến còn rộng rãi hơn trong dân gian. Nhưng then chốt nhất, tầng lớp ưu tú của họ đào sâu tư duy về Khổng học và nâng tư tưởng Khổng giáo lên trình độ... chuyên chế. Phật giáo bị đẩy lui, Khổng giáo trở thành tư tưởng chính thống mà chủ quan hơn. Lý học của Tống nho là hệ thống tư tưởng cực đoan nhất vì chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ vương quyền. Trước tiên là bảo vệ Hoàng đế và Hoàng gia. Nhà Đại Tống bị uy hiếp nặng nhất là từ phía Tây và phương Bắc. Ở biên vực phía Nam, nhà Tống cũng bị các nước gọi là phiên trấn hay chư hầu đánh cho tơi tả. Một tộc trưởng Cao Bằng là Nùng Trí Cao mà vua Lý của ta đã tha chết về sau còn lập ra nước Đại Lịch rồi Đại Nam! Họ Nùng này cầm quân đánh vào Nam Tống để đòi chức Tiết độ sứ khiến triều đình rung chuyển, Đại tướng Tống là Địch Thanh phải giật mình! Nhà Cao Ly này tồn tại khá lâu, lâu hơn nhà Lý của ta chỉ có tám đời vua. Nhưng trải qua 33 đời vua, nhà Cao Ly thường xuyên bị loạn và không chống nổi ngoại xâm nên phải thần phục nhà Nguyên của Mông Cổ, là trường hợp không xảy ra cho Đại Việt vào đời Trần. Và cũng là bài học cho nước ta vào đời nay... Trước hết, trong khi Đại Việt phải xoay trở với nội loạn từ các thời Đinh, Lê qua nhà Lý thì nhà Cao Ly bị tộc Khiết Đan (Khất Đơn hay Khitan) xâm chiếm từ năm 939 đến 1019. Sau đó là nhiều đợt tấn công của tộc Nữ Chân - tiền thân của nhà Kim, nhà Thanh. Khi bị Khiết Đan xâm chiếm, nhà Cao Ly phải nhượng bộ đến độ đoạn giao với Đại Tống! Mười năm sau, năm 1009, khi Lý Công Uẩn lên ngôi ở nước ta thì tại Triều Tiên, tướng Khai Triệu giết vua Cao Ly Mục Tông và tạo cơ hội cho Khiết Đan tràn xuống. Khang Triệu bại trận và bị tử hình. Vua Cao Ly là Hiền Tông phải bỏ kinh đô Khai Thành mà chạy. Năm 1018, Khiết Đan lại tấn công lần nữa, lần này bị thảm bại. Đành dừng. Nhưng, tộc Nữ Chân tại miền Bắc lại lớn mạnh và hết thần phục nhà Cao Ly mà bắt đầu nhòm ngó. Nội tình nhà Cao Ly thật ra thường xuyên có loạn, giữa các võ tướng với văn thần, giữa các vương hậu hay vương tướng họ Lý với hoàng gia Cao Ly, cho nên nhiều lúc triều đình vỡ đôi. Sau vụ nổi loạn của tướng Lý Tư Khiêm năm 1126, triều Cao Ly suy sụp hẳn. Việc võ quan phế lập ngôi vua xảy ra nhiều lần cho tới năm 1179 mới tạm yên nhờ viên tướng Khương Đại Thăng. Nhưng họ Khương này qua đời thì loạn vẫn hoàn loạn. Phải nói thêm rằng trong ba chục năm chiến đấu chống ngoại xâm thì dân Cao Ly đã kháng cự rất anh hùng. Nhưng triều đình ở trên thì rất yếu. Nếu so sánh thì ta hiểu ra công lao của Trần Thủ Độ khi xoá bỏ nhà Lý mục nát để kịp dựng lên triều Trần. Công và tội với xã tắc cần được xét ở đó hơn là từ quan điểm "trung quân" với riêng nhà Lý! Trong giai đoạn ngoại thuộc, nhà Cao Ly còn cố gắng cải cách một lần nữa, dưới thời Cung Mẫn Vương, nhưng chính sự mục nát trong triều đã gây ra thất bại. Trong khi nhà Nguyên bị suy yếu trước sự nổi dậy của Chu Nguyên Chương rồi bị đuổi khỏi Trung Nguyên năm 1368 thì Cung Mẫn Vương lại bị một nam thiếp - nói cho dễ hiểu là "kép đực" - ám sát năm 1374. Việc quật khởi không thành, nhà Cao Ly bị một viên tướng là Lý Thành Quế phế bỏ để xưng vua là Thái tổ Triều Tiên vào năm 1392. Nhà Cao Ly chấm dứt từ đó và dù có 33 đời vua thì thực quyền cũng chẳng bao nhiêu. Và ngày nay, trong cuộc đua với Đại Hàn, Việt Nam coi như đã tụt hậu, rồi cứ trôi dần vào "Trật tự Trung Hoa". Là công lao hắc ám của đảng Cộng sản Việt Nam sau 80 năm hiện hữu... Đấy mới là cách nhớ xứng đáng và thực tế về "ngàn năm Thăng Long"!
|