Home Tin Tức Bình Luận 50 năm trước: Hà Nội khởi xướng cuộc chiến Việt Nam

50 năm trước: Hà Nội khởi xướng cuộc chiến Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Uwe Siemon-Netto   
Thứ Năm, 25 Tháng 3 Năm 2010 11:47
Một tên cán bộ Việt Cộng răn đe họ “đây là hậu quả cho bất cứ ai cộng tác với ngụy quyền Sài Gòn.”
 

 Binh chủng Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
              (Hình: Hội Quân Y Nhảy Dù)

Tết 2010 đánh dấu một cộc mốc quan trọng cho người Mỹ gốc Việt. Theo số liệu của Cơ Quan Thống Kê Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau), cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã lên tới con số 1.6 triệu và trở thành cộng đồng thiểu số gốc Á Châu lớn thứ hai toàn nước Mỹ (sau người Trung Hoa*). Ðối với họ, năm 2010 cũng chứa đựng một khía cạnh đau buồn bởi vì là kỷ niệm thứ 50 của một biến cố khiến họ phải bỏ xứ lưu lạc đến bến bờ này. Năm 1960, cộng sản Bắc Việt thành lập “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,” gọi tắt là Việt Cộng. Ðiều này đã mở màn cho một cuộc chiến mà hậu quả là nỗi đau đớn chưa nguôi cho hàng chục ngàn người đã từng nếm trải ngục tù cộng sản. Một công trình nghiên cứu y khoa dựa trên nhóm 200 người sống sót đã từng bị hành hạ cho thấy 64% đã biểu lộ những sự hư hại rõ rệt về thần kinh.

Khám phá của Richard F. Mollica, bác sĩ tâm thần của trường Ðại Học Harvard và các cộng sự viên đã minh họa một điều là mặc dù người Mỹ cố quên đi chiến tranh Việt Nam, hậu quả cuộc chiến này vẫn luôn còn đó. Rất nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ không thể quên được sự đón tiếp tồi tệ khi họ trở về Mỹ và bị phỉ báng là những “tên sát nhân trẻ em.” Uất ức vì sự phản bội của đồng hương, hàng ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ đã phải tự tử.

Trong khi đó, dư luận Hoa Kỳ không hề nhắc đến số phận của các cựu chiến binh miền Nam Việt Nam đang sinh sống trên đất nước này. Bây giờ mới rõ ra là họ cũng chịu đựng đau đớn bởi những vết thương vô hình sau khi bị bỏ rơi vào tay bạo ngược. Ðiều này không có gì ngạc nhiên cả. Suốt chiều dài lịch sử, các chiến binh luôn luôn phải gánh chịu hai loại tổn thương - về thể xác gây ra bởi vũ khí và về tinh thần do những ám ảnh đau thương, đặc biệt là nỗi đau bị bỏ rơi ngay tại quê hương của mình.

Hẳn nhiên có nhiều cựu chiến binh miền Nam Việt Nam với những vết thương như vậy trong đám đông nồng nhiệt đầy tiếng pháo đón chào “Năm Canh Dần” vào sáng Chủ Nhật đầu năm. Họ có thể không để lộ ra nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, Bác Sĩ Mollica đã khám phá ra là những vết thương vẫn luôn còn đó.

Khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, những nhà phê bình chính sách Hoa Kỳ đã đồng lòng vào sự bịa đặt rêu rao bởi những tư tưởng gia quá khích và một số bộ phận của truyền thông. Họ cho là Washington và những “tay sai tham nhũng” tại Sài Gòn đã tạo ra cuộc chiến Việt Nam. Ðến nay đã có đầy đủ bằng chứng để chỉ mặt đích danh thủ phạm: đó là Hồ Chí Minh. Dưới cái tên Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh là một thành viên cốt cán của Cộng Sản Quốc tế (Comintern) với nhiệm vụ rõ rệt là áp dụng chủ thuyết Lê-Nin-Nít vào Việt Nam. Hồ Chí Minh đã theo đuổi không mệt mỏi sứ mạng được giao, ngay cả sau khi Hiệp Ðịnh Geneve 1954 tạm thời chia đôi đất nước với Bắc Việt theo Cộng Sản và miền Nam Việt Nam theo khối Tây Âu.

Vài tháng trước kỳ đại hội Ðảng Lao Ðộng lần thứ ba, Quốc Hội Bắc Việt đẻ ra tổ chức Việt Cộng vào tháng 9 năm 1960. Ðiều này chứng tỏ giới lãnh đạo cộng sản đã chuyển từ giai đoạn “khuấy động và tuyên truyền,” giai đoạn đầu của chiến tranh du kích vẽ ra bởi Võ Nguyên Giáp, sang thành “đấu tranh bạo động,” giai đoạn hai của chiến lược này. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn tổng công kích với hình thức chiến tranh qui ước mà thế giới đã được biết qua màn hình TV hàng ngày.

Vào tháng 1, 1960, chính quyền Sài Gòn ghi nhận hàng ngày một số lượng trung bình khoảng 7 “hành vi” khủng bố tại các vùng tiền đồn Việt Nam. Danh từ “hành vi” mà phát ngôn viên quân sự loan báo hàng ngày cho giới báo chí trong “bản tin vào lúc 5 giờ” nghe có vẻ tầm thường nhưng thực chất là những hành động ghê tởm mà số lượng tăng lên nhanh chóng thành hàng trăm và hàng ngàn vụ mỗi ngày.

Ðầu năm 1965, bản thân người viết làm nhân chứng cho một “hành vi” như vậy tại một ngôi làng đã được một toán Việt Cộng chiếu cố đêm hôm trước. Gia đình trưởng làng gồm cha mẹ và 11 người con bị treo cổ chết trên cây. Toàn làng bị bắt buộc phải chứng kiến cuộc tắm máu này. Trong khi đó, một tên cán bộ Việt Cộng răn đe họ “đây là hậu quả cho bất cứ ai cộng tác với ngụy quyền Sài Gòn.” Vị trưởng làng đã trung thành với chính quyền miền Nam Việt Nam trước đó.

Những ký ức như vậy không bao giờ phai mờ được, thì làm sao có thể quên được sự chịu đựng của những cựu chiến binh và công chức miền Nam Việt Nam đã trải qua khi đất nước họ bị đồng minh bỏ rơi và lọt vào tay cộng sản. Nhắc lại lần thứ 50 ngày thành lập tổ chức Việt Cộng cũng là dịp để tỏ lòng tri ân những người đồng minh cũ của Hoa Kỳ, những người đã bỏ mình ngoài biển cả trốn chạy chế độ cộng sản, và đồng thời cho những người đã không ngừng làm kinh ngạc người Mỹ với sự siêng năng, cần cù và lòng trung thành với đất nước này.

Ðã từng chịu đựng sự chế nhạo, nay họ xứng đáng được kính trọng và nhớ ơn sâu sắc. Rất mong năm Canh Dần này sẽ là một năm hạnh phúc và thành công cho tất cả những “Sài Gòn nhỏ” trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.

(Người dịch: Duy Anh. Bản gốc tại www.uwe-thebeat. org)

(*) Phần thêm của người dịch:

Giáo Sư Uwe Siemon-Netto, Ph.D gốc người Ðức, nguyên tổng biên tập về tôn giáo của United Press Internationa, hiện là bình luận gia quốc tế và một nhà thần học (không phong chức)của đạo Lutheran. Ông là sáng lập viên của Center for Lutheran Theology and Public Life (CLTPL) và chủ tịch của tổ chức “Tthe League of Faithful Masks” đặt bản doanh tại Capistrano Beach và trường Concordia University Irvine, California.

Với tư cách một nhà báo, ông chuyên về những đề tài liên quan đến niềm tin, xã hội và ngoại giao. Ông hiện là cộng tác viên thường trực của tờ “The Atlantic Times,” một tờ báo tiếng Anh hàng đầu của giới báo chí Ðức tại Mỹ.

Ông đã từng là phóng viên tường thuật những sự kiện lịch sử quan trọng như vụ xây dựng bức tường Bá Linh năm 1961, hoạt động của Liên Hiệp Quốc, phong trào nhân quyền tại Mỹ, vụ ám sát TT John F. Kennedy, cuộc chiến Việt Nam (trong thời gian 5 năm), cuộc chiến 6 ngày Ả Rập-Do Thái, và Cách Mạng Văn Hóa tại Trung Cộng.

Trong thời gian làm phóng viên chiến trường tại Việt Nam, ông đã chứng kiến tội ác Việt Cộng tại Huế kỳ Mậu Thân 1968, trong đó một số người quen của ông là 3 bác sĩ người Ðức cùng với vợ của một người đang làm việc thiện nguyện tại trường Y Khoa Huế đã bị thảm sát.