Tham Nhũng trong lòng chế độ Cộng Sản VN: Căn bệnh mãn tính |
Tác Giả: Phanxicô Xaviê | |||
Thứ Năm, 01 Tháng 4 Năm 2010 00:07 | |||
Hãng Reuters mới đây đã dẫn lời bà Ngozi Okojo Iweala, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, cho biết tham nhũng khiến các nước đang phát triển thiệt hại từ 20 đến 40 tỉ USD mỗi năm, và ngày càng có nhiều thị trường và trung tâm tài chính mới nổi trở thành nơi chứa chấp số tài sản bị đánh cắp đó. VN bị đánh cắp bao nhiêu ? Không thể nói chính xác được nhưng cứ nhìn vào bảng xếp hạng của Tổ chức minh bạch Quốc tế về “cảm nhận tham nhũng” ở VN cũng có thể hình dung được phần nào. Từ hạng 80 vào năm 2001, VN đã rơi xuống vị trí 121 vào năm 2008 trong tổng số 180 nước được xếp hạng. Rõ ràng tình trạng tham nhũng ở VN vẫn diễn biến phức tạp. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, một đại biểu đặt vấn đề “phòng chống tham nhũng ở địa phương còn hạn chế, liệu đó có phải là : vừa đá bóng, vừa thổi còi ?” Ông Dũng đã không trả lời thẳng vào vấn đề, mà tránh né bằng câu nói chung chung “ UBND phải làm theo chức năng và pháp luật “ ! Khi ông Nguyễn Tấn Dũng còn đang khẳng định tại diễn đàn Quốc hội : “Công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, song tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những thủ đoạn tinh vi, phức tạp.” thì Thanh tra Chính phủ cũng vừa công bố thông tin về tiêu cực vừa xảy ra tại dự án xây dựng Khu Trung tâm Thương mại Vũng Tàu. Kết quả thanh tra cho thấy UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khi lập dự án xây dựng Khu Trung tâm Thương mại Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng đến khi triển khai thì tự ý điều chỉnh cục bộ dự án đến 3 lần. Việc điều chỉnh nhằm biến hàng ngàn mét vuông đất “vàng” của dự án thành đất xây nhà ở liền kề để kinh doanh mà rất nhiều lô đất trong số đó lọt vào tay quan chức hoặc thân nhân của họ. Trong đó có những lô mới mua năm 2003 với giá hơn 1,4 tỉ đồng, đến tháng 10-2007 đã được bán lại với giá 7 tỉ đồng - quả là một cách tham nhũng kín đáo, tinh vi nhưng siêu lợi nhuận. Hay như tuyến dân cư Đông Kênh Mới dài khoảng 1km, đến nay còn nhiều nền nhà bỏ hoang, cỏ phủ um tùm. Trong khi đó, nhiều người dân không có đất làm nhà, phải dựng tạm chòi lá trên những thửa đất bỏ hoang ấy để ở. Chỉ vào vách chòi rách nát, cột tràm sắp đổ, một người dân tạm cư ở đây, rầu rĩ nói :” Ở được ngày nào hay ngày nấy. Nhà tôi có 7 anh em thì đã hết 5 người đang ở đậu trên những nền đất bỏ không ở đây.” Tuyến dân cư Đông Kênh Mới thuộc ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới được xây dựng vào năm 2003 có 49 nền nhà, trong đó có 21 nền được bố trí không đúng đối tượng theo danh sách UBND huyện Tri Tôn đã duyệt. Nổi cộm là các ông Trình Văn Dũng (nguyên chủ tịch hội Người cao tuổi của xã, qua đời năm 2007), Võ Hoàng Sơn (cán bộ), Võ Văn Phường (cán bộ) và Lê Thành To (cán bộ quĩ nghiệm thu) dù không có nhu cầu nhưng vẫn được bố trí nền, sau đó bán lại cho người khác để hưởng chênh lệch. Báo chí từng thông tin về những vụ tương tự xảy ra tại các tỉnh thành như Kiên Giang, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Hải Phòng…Thậm chí có những dự án dành để tái định cư cho dân nghèo cũng bị hàng loạt quan chức “nhảy” vào xí phần như trường hợp kể trên. Phải chăng UBND các cấp đã làm đúng “theo chức năng và pháp luật” như lời ông Dũng đã nói ? Liệu có cách nào chấm dứt được hành vi tham nhũng thông qua các dự án liên quan đến quy hoạch đất đai, nếu không sớm xóa bỏ luật “sở hữu toàn dân” về đất đai. Những thầy thuốc giỏi bao giờ cũng tìm đúng căn nguyên gây bệnh chứ không chỉ điều trị theo triệu chứng.
|