Người Mỹ và Đồng Minh |
Tác Giả: Đoàn Hưng Quốc | ||||
Thứ Hai, 12 Tháng 4 Năm 2010 04:38 | ||||
Một vấn đề được nhắc đến nhiều vì còn là vết thương sâu đậm trong lòng các cựu quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, rằng Mỹ chẳng những đã bỏ rơi mà còn bán đứng đồng minh trong những ngày tháng dẫn đến 30 tháng 04 năm 1975. Câu chuyện đầy cay đắng bởi vì trang lịch sử chưa khép lại, mỗi người là một nhân chứng sống của các mảnh vỡ cuộc đời, gia đình ly tán, tù đày cải tạo, một thế hệ đã đánh mất tuổi trẻ qua cuộc chiến tương tàn. Nhiều lần đã có người nhắc đến câu “Làm kẻ thù của Mỹ đã khó, nhưng làm bạn của Mỹ lại còn khó hơn” – tôi không biết rõ ai là tác giả của lời nói này nhưng vài người cho là của cố tổng thống Phi-Luật-Tân Ferdinand Marcos. Người trong cuộc khó có cái nhìn bình tĩnh khách quan về lịch sử cho dù từ hai miền Nam hay Bắc. Sách vở nghiên cứu của Hoa Kỳ chỉ phản ảnh cái nhìn của người ngoại quốc, và đa số chỉ nhắc thoáng qua các đóng góp hy sinh xương máu của bạn đồng minh. Qua bài này tôi xin đóng góp một cách nhìn khác bắt nguồn từ phương pháp khoa học: nếu một sư kiện không thể bị phân tách thì chúng ta có thể dùng một hiện tượng tương tự để so sánh và suy đoán kết quả. Chúng ta hãy nhìn vào hai cuộc chiến mà Hoa Kỳ đã tham dự và có lúc gần bỏ rơi tại Iraq và Afghanistan để so sánh với chiến tranh Việt Nam. *** Một điều khác biệt rõ ràng nhất là chính tôi (và nhiều đọc giả) bây giờ đã là dân Mỹ. Kinh tế gia đình, công ăn việc làm, tương lai con cái gắn liền với thịnh suy của Hoa Kỳ. Như đại đa số người dân Mỹ tôi không có liên hệ tình cảm nào với vùng Trung Đông, cũng như hàng trăm triệu người dân Mỹ trước đây không hề biết đến Việt Nam. Người Mỹ gốc Việt chia ra hai khuynh hướng – nhất là dưới thời Bush, một số ủng hộ và số khác phản đối quyết định chiến tranh. Nhưng dù theo hay chống thì ai nấy cũng đều ngao ngán khi thấy tiền của binh lính đổ vào ào ạt mà tin xấu cứ đến dồn dập, và Hoa Kỳ một lần nửa sa lầy vào cuộc chiến không lối thoát. Không một người Mỹ gốc Việt nào ủng hộ các nhà lãnh đạo tại Iraq và Afghanistan. Họ chỉ là đồng minh vì Hoa Kỳ không có sự chọn lựa. Ông Mallawi của Iraq liệu có thật sự xây dựng dân chủ hay chỉ muốn lợi dụng đa số người Shiite để thanh toán thiểu số Sunni? Ông Karsai có thật sự ái quốc hay chỉ lợi dùng sự can thiệp của Hoa Kỳ để xây dựng một chế độ tham nhủng và gia đình trị? Người Mỹ tham chiến tại Trung-Á với một quân đội tình nguyện khác với chế độ quân dịch trong chiến tranh ở Đông Dương. Số con em các gia đình Mỹ gốc Việt đi lính còn ít, và cho dù báo chí có làm rầm rộ thì mức tử vong vẫn trong quân đội rất thấp so với chiến cuộc Việt Nam. Tôi không biết liệu quan điểm của cử tri Mỹ gốc Việt sẽ thay đổi thế nào nếu chế độ quân dịch vẫn tiếp tục, khi đó con em của mình không có sự chọn lựa nhưng vẫn phải tham gia vào chiến sự ở các vùng đất xa lạ với những người đông minh không đáng tin cậy, và cũng không thấy ngày chiến thắng. Sẽ có ai đi tham dự các cuôc biểu tình chống chiến tranh? Nhưng rồi tôi lại nghĩ đến những người thường dân Iraq & Afghanistan, những người lính và viên chức nhà nước do Hoa Kỳ đào tạo, họ sẽ trả giá cho những quyết định chính trị bằng xương máu và tương lai của chính họ và gia đình giống như hàng trăm vạn gia đình trong Nam ngoài Bắc trước đây – chỉ khác một điều là quyền lợi của họ và những người Mỹ gốc Việt có rất ít tương đồng mà cũng không có tình cảm thân thương. Nếu quân đôi Mỹ rút ngày hôm nay, chính quyền Afghanistan và ngay cả Iraq sẽ sụp đổ nhanh chóng. Hai dân tộc sẽ rơi vào tay các nhà cầm quyền và hệ thống chính trị tệ hại hơn nhiều – cho dù so với hiện tại đầy những khuyết điểm như tham nhủng bè phái gia đình trị. Hàng triệu người sẽ đi tỵ nạn nhưng không có nơi dung dưỡng vì một phần thế giới đã mệt mỏi, phần khác Âu-Mỹ không thể nào dám nhận vào một số đông trong đó không khỏi có những tay khủng bố lẩn lộn. Những nông dân Iraq và Afghanistan theo du kích để chống ngoại xâm; nhưng từ đó các nhà cầm quyền quá khích và chuyên chế sẽ dựng lên nếu Mỹ rút. Một số sẽ thoái hoá vì quyền lực sinh sát trong tay, một số khác sẽ tiếc nuối vì đã lầm đường không xây dựng nền dân chủ như bài học miền Nam ngày trước. Dân Mỹ trong đó có những người gốc Việt sẽ nghĩ chúng ta đã cho họ cơ hội với giá rất đắt bằng xương máu và tiền của đổ ra trên mảnh đất xa xôi, nhưng có lẻ chúng ta sẽ không cảm thấy một trách nhiệm tinh thần nào cả. Ngày xưa người ta có câu “Ôn Cố Tri Tân” học việc xưa để hiểu chuyện ngày nay; còn tôi thì lại mượn hoàn cảnh bây giờ để phần nào tìm hiểu tâm lý và những quyết định của người dân và chính quyền Mỹ 35 năm trước đâỵ. © Đoàn Hưng Quốc
|