Tại sao đảng cộng sản vẫn bảo thủ? |
Tác Giả: Ngô Nhân Dụng | |||
Thứ Ba, 13 Tháng 4 Năm 2010 12:18 | |||
Cuốn Một Trăm Chuyện Ngụ Ngôn kể chuyện có một anh chăn cừu thật thà chất phác. Một hôm có một người từ thành thị tới làm quen, rồi dần dà kết bạn với anh. Một thời gian sau, người bạn thành phố quay trở lại báo tin: Anh đã có vợ rồi! Chị ấy may mắn đã mang thai! Anh nông dân mừng rỡ, lại đưa thêm mấy món đồ quý cho người bạn thành phố để giúp anh nuôi vợ. Một thời gian sau nữa, kẻ gian thành phố trở lại, báo tin: Vợ anh đã đẻ con trai rồi! Anh chăn cừu sung sướng quá, lại đưa thêm của cải cho người bạn đem đi giúp nuôi vợ và con anh. Tháng sau, người bạn thành phố mặt mũi buồn rầu quay trở lại báo tin: “Cháu nhỏ nó chết rồi, sinh được mấy ngày đã chết.” Anh chăn cừu nghe tin đau đớn, khóc lóc thảm thiết! Câu chuyện Mục Dương Nhân trên, chuyện số 30 trong Bách Dụ Kinh, cốt ý răn người đời không nên sống bằng ảo ảnh. Vì trên đời nhiều người cũng sống trong ảo tưởng như anh chăn cừu này. Không thiếu người cứ tưởng mình đang có vợ có con sống ở làng bên, dù chưa bao giờ gặp mặt. Mỗi lần đọc dự thảo cương lĩnh mới của đảng Cộng Sản, không thể nào không nhớ đến anh chăn cừu trên. Bản thông cáo sau phiên họp trung ương đảng Cộng Sản chuẩn bị cho Ðại Hội Mười Một (năm 2011) vẫn khẳng định: “Ði lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta.” Cũng không khác gì người bạn thành phố bảo anh chăn cừu: Anh đã có vợ rồi, vợ anh ở làng bên đó! Ðảng Cộng Sản đã đem Chủ Nghĩa Xã Hội giới thiệu như cô vợ đẹp, gán cho anh chăn cừu kia. Người dân trong nước ta và các đảng viên cộng sản đã phải đóng vai anh chăn cừu này, tin là vợ và con này có thật mặc dù chưa bao giờ được thấy mặt. Mọi người đã chịu cho đảng Cộng Sản lừa, trước là tự nguyện nghe theo, sau thì bất đắc dĩ, trong bụng không tin nhưng không dám cãi. Vì đã lọt vào tròng rồi, không thể nào tự cởi trói cho mình được. Cộng Sản nói, “Ði lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta,” thì chúng ta thách thức đảng Cộng Sản hãy tổ chức trưng cầu dân ý, xem có bao nhiêu phần trăm người dân muốn thực hiện chủ nghĩa xã hội? Nhưng trước khi làm cuộc trưng cầu ý kiến đó, người dân cũng muốn mở một cuộc phỏng vấn tất cả các đồng chí trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản, xin hỏi các ông các bà rằng cái gọi là chủ nghĩa xã hội đó nó là cái gì? Muốn làm cái chủ nghĩa xã hội đó thì làm ra sao? Cứ để mỗi ông, mỗi bà trong Bộ Chính Trị ngồi một phòng riêng ngẫm nghĩ, có sách vở đầy đủ để nghiên cứu, rồi viết ra cho bà con coi họ hiểu cái chủ nghĩa xã hội nó như thế nào! Nó là một ảo tưởng. Ðó là những ước mơ, mỗi người mơ một cách. Chỉ ở các nước sống dân chủ tự do mới có những đảng Xã Hội đưa ra các chương trình quản trị quốc gia mang tính chất xã hội chủ nghĩa, nhưng rất cụ thể và có giới hạn, để cho các cử tri lựa chọn, bỏ phiếu. Nếu thắng cử, họ sẽ đem ra thực hiện các chương trình đó trong thời gian được dân tín nhiệm. Còn ở các nước cộng sản, khẩu hiệu “tiến tới chủ nghĩa xã hội” chỉ có nghĩa là tất cả mọi người phải cúi đầu chịu cho đảng cộng sản cai trị; và các đảng viên thì phải cúi đầu để cho các lãnh tụ quyết định thay cho mình. Riêng đối với đảng Cộng Sản Việt Nam, kể từ khi khối Liên Sxô và Ðông Âu sụp đổ thì khẩu hiệu “Tiến tới chủ nghĩa xã hội” có hai nghĩa. Ðối với bên trong thì nghĩa là bảo vệ quyền lợi cho các đảng viên đang làm kinh tế quốc doanh, trong khi vẫn cho các đảng viên khác đi làm kinh tế thị trường để tự tư bản hóa. Ðối với bên ngoài, sau khi mất chỗ dựa vào “tổ quốc Liên Xô” của ông Lê Duẩn, thì từ thời Nguyễn Văn Linh Cộng Sản Việt Nam phải tiến tới gần, càng ngày càng gần Trung Quốc, gần đến mức bây giờ ngạt thở cũng không cởi bỏ ra được! Cuộc họp của trung ương để chuẩn bị Ðại hội Ðảng vừa rồi lại nêu lên một khẩu hiệu vô cùng bảo thủ, phản tiến bộ, “chống đổi mới” đến cùng, đó là khẩu hiệu “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.” Khẩu hiệu này chứng tỏ ban lãnh đạo đảng Cộng Sản vẫn không dám buông khu vực quốc doanh ra. Ðối với họ, đó là nội dung có ý nghĩa nhất của những chữ “tiến tới chủ nghĩa xã hội!” Tại sao đảng Cộng Sản vẫn bảo thủ như vậy? Vì nếu không bảo vệ kinh tế quốc doanh, họ sợ bị đa số chống đối. Vì trong số những ủy viên trung ương và cán bộ sẽ đi dự đại hội 11 sắp tới phần lớn hiện vẫn thủ lợi được nhờ hệ thống tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước, họ không thể rời tay được. Những đơn vị kinh tế nhà nước này không thể nào sống nổi nếu được trao cho cán bộ bằng cách tư nhân hóa; vì sau đó phải cạnh tranh trên thị trường ngang hàng với tư nhân, trong nước gọi là “giao đấu trên sân chơi bằng phẳng.” Khẩu hiệu “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” cốt để làm yên lòng những thành phần trên, hiện chiếm đa số trong đảng Cộng Sản. Chúng ta đều biết đây là thành phần ăn bám, ăn hại kinh tế quốc dân như thế nào. Ngoài ra còn thành phần các đảng viên đi làm ăn riêng, góp vốn của mình mà kinh doanh, rồi thành công, thì họ cũng vẫn quen dựa vào uy quyền của đảng để thắng lợi. Ngay cả các tư nhân ngoài đảng, muốn làm ăn cũng phải đi mua chuộc thứ uy quyền này, mua lẻ bằng cách hối lộ, hoặc mua sỉ là gia nhập đảng. Ða số các doanh nhân tư đó cũng muốn bảo vệ chế độ cộng sản. Nếu bỏ mất chỗ dựa là uy quyền của đảng thì họ không thể cạnh tranh ngang hàng với các doanh nhân tư, thuần túy, ngoài đảng, trong đó có những người nước ngoài. Ðối với các người đang kinh doanh riêng, nhờ là đảng viên hay mua được đảng mới trở nên giàu có, chắc chắn họ đều muốn kéo dài tình trạng “sân chơi lệch” này! Ðã “đầu tư” nhiều vốn kiếng để tạo được chỗ dựa lấy uy quyền, tội tình gì mà gì họ phải chấp nhận “giao đấu trên sân chơi bằng phẳng” với người ngoài, để phí mất số tiền đã đầu tư? Ngay ở một nước dân chủ tự do, tôn trọng luật pháp cũng vậy. Nếu có những doanh nhân ở Mỹ đang được lợi nhờ một đạo luật ưu đãi mình (thí dụ, dành một số vụ thầu cho người gốc thiểu số) thì các doanh nhân đó cũng chỉ muốn bảo vệ đạo luật đó mãi mãi, dù nó không còn lý do tồn tại nữa. Tình trạng này không khác gì người gốc Mã Lai đang được hưởng những đặc quyền kinh tế, ưu đãi hơn các người gốc Hoa và gốc Ấn, chính phủ Mã Lai Á không thể nào xóa bỏ những đạo luật đặc quyền đó, mặc dù chúng làm cho kinh tế toàn dân phát triển chậm hơn. Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang dựa vào những thành phần bảo thủ đó để tồn tại. Ðó là những lý do khiến đảng Cộng Sản sẽ tiếp tục giữ lập trường bảo thủ, “đến chết cũng không chừa.” Gần đây, ông Ngụy Kinh Sinh, một nhà tranh đấu dân chủ Trung Hoa đến thăm nhật báo Người Việt. Trong cuộc nói chuyện ở tòa báo, ông Ngụy nhắc lại mấy lần rằng: Không thể nào trông đợi có chuyện đảng Cộng Sản Trung Quốc tự từ bỏ độc quyền chính trị mà họ đang nắm trong tay. Thời Ngụy Kinh Sinh còn trẻ, ông nghĩ việc đó có thể xẩy ra, cứ tranh đấu giúp đảng Cộng Sản tự cải tiến và cải cách, họ có thể sẽ biến thành một đảng chính trị bình thường, chấp nhận tranh đua bình đẳng với các đảng chính trị khác. Nhưng sau 30 năm tranh đấu, ở trong nước rồi ở nước ngoài, bây giờ Ngụy Kinh Sinh cho đó là một ảo tưởng. Chúng ta cũng có thể tin Cộng Sản Việt Nam cũng giống như vậy. Ðám lãnh tụ nắm quyền dựa vào đám đảng viên đang giàu nhất và quyền hành mạnh nhất. Tất cả đám người đó sống bám vào cơ chế hiện tại, hoặc kiếm ăn dễ dàng nhờ cơ chế hiện tại. Họ không dại gì mà tự phá bỏ các đặc quyền, đặc lợi đang hưởng. Ông Ngụy Kinh Sinh tin rằng chế độ cộng sản ở nước ông sẽ chỉ sụp đổ khi nào người dân Trung Hoa, với sự thúc đẩy của giới trí thức và thanh niên, đứng lên đòi cộng sản phải thay đổi triệt để hơn. Một cuộc cách mạng như vậy không nhất thiết gây đổ máu. Nhưng không ai còn hy vọng chế độ cộng sản sẽ tự cải tiến để chấp nhận các luật giao đấu tự do dân chủ, trong chính trị cũng như trong kinh tế. Người dân Trung Quốc và Việt Nam đều đã được các lãnh tụ cộng sản “cưới vợ giúp” từ hơn 70 năm nay, không khác gì anh chăn cừu trong Bách Dụ Kinh. Cô vợ hiện không biết mặt mũi ra sao đó, gọi là Chủ nghĩa Xã hội! Trung ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam mới họp, dự thảo cương lĩnh cho Ðại hội XI của đảng vào sang năm, cho biết “Khát vọng của nhân dân ta vẫn là Tiến lên chủ nghĩa xã hội.” Như vậy Ðảng muốn chú chăn cừu vẫn phải tiếp tục tỏ ra mừng rỡ, vì được báo tin vợ con chú vẫn chưa chết! Nhưng thử nhìn vào thực tế thì thấy, còn đảng Cộng Sản là còn bảo vệ kinh tế quốc doanh, là còn bóc lột toàn dân để nuôi mãi một đám người ăn bám. Chủ trương bảo thủ của đảng Cộng Sản chỉ có nghĩa là chủ trương tiếp tục bóc lột dân để nuôi dưỡng đảng. Khoảng gần 100 tập đoàn công ty doanh nghiệp nhà nước này mỗi năm sử dụng hơn 50% tổng số vốn đầu tư, vì được các ngân hàng thương mại của nhà nước ưu đãi; nhưng họ chỉ sản xuất ra khoảng 30% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa. Cứ kéo dài các đơn vị quốc doanh này tức là bắt cả nước đóng góp tiền nuôi các đảng viên cộng sản, không biết đến bao giờ mới hết nợ! Khi nào ý thức được điều này, chú chăn cừu sẽ thức tỉnh và đặt câu hỏi: Bà vợ xã hội chủ nghĩa đâu? Mặt mũi nó thế nào? Khi đó, chú chăn cừu sẽ đứng dậy. Triệu con người không thể sống bằng ảo tưởng mãi mãi!
|