Home Tin Tức Bình Luận Vải Thưa Không Che Nổi Mắt Thánh

Vải Thưa Không Che Nổi Mắt Thánh PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Trần   
Thứ Bảy, 17 Tháng 4 Năm 2010 07:16

Làm gì có chuyện nhân dân lao động được làm chủ cái gì ở Việt Nam 

Bây giờ đã hết 10 năm dầu của Thế kỷ 21, thời đại của khối óc con người muốn đi nhanh hơn  thời gian, vậy mà những người  Cộng sản Việt Nam trong Quân đội vẫn ngu ngơ nghĩ rằng cứ nói dối mãi thì người nghe sẽ tin là có thật.

Hãy bắt đầu đọc “thợ viết” , Tiến sĩ Cao Đức Thái múa bút trên Báo Quân đội Nhân Dân ngày 30-01-2010 : “Cương lĩnh 1991 viết: Xã hội XHCN là xã hội “ Do nhân dân lao động làm chủ…”. Nhà nước ta là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Trên lĩnh vực chính trị -xã hội, chính sách của Đảng là “đại đoàn kết dân tộc”, “Củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.”

Chỉ câu ngắn này thôi mà Thái đã nói điêu 3 điều :

Thứ nhất,  không làm gì có chuyện nhân dân lao động được làm chủ cái gì ở Việt Nam.  Dưới quyền cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam, thành phần lao động là lớp người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội, nhưng lại phải ngày đêm đầu tắt mắt tối lao động nuôi cán bộ, đảng viên. Họ cũng là lớp bị đảng cho ăn bánh vẽ nhiều hơn bất cứ thành phần nào trong xã hội và bị trù dập, đán áp dã man nhất.
Bằng chứng cũng đã hiện ra trong các Cuộc đình công tự phát chống các Công ty nước ngòai đã  đối xử bất công, bóc lột sức lao động, vi phạm các hợp đồng lao động diễn ra ở nhiều nơi trong nước trong mấy năm gần đây.

Trước tình trạng này, đáng nhẽ ra các Công đòan phải lãnh đạo cuộc đấu tranh bênh vực quyền lợi cho người lao động, nhưng rất tiếc, nói như Tác giả Trần Vương trên Báo Điện tử Bauxite Việt Nam ngày 11-04 2010 : “ Công đoàn Việt Nam –Cái bóng mờ của người lao động”.

Ông Trần Vương viết: “Một tổ chức Công đoàn phải hội đủ những tiêu chí căn bản sau đây:

- Thứ nhất. Tổ chức Công đoàn là một tổ chức hoạt động “độc lập” với Chính quyền. Chính quyền không thể “chỉ thị” hay “ra lệnh” cho tổ chức này. Lãnh đạo các đảng phái đang nắm quyền không thể “chỉ thị” cho các tổ chức này.

- Thứ hai. Tổ chức Công đoàn là một tổ chức hoạt động “độc lập” với giới chủ nhân, hay những ai hưởng lợi từ các công ty mà thành viên của tổ chức Công đoàn đang làm việc.

- Thứ ba. Chính phủ không trả lương cho những người làm trong một tổ chức Công đoàn. Lương bổng của nhân viên thuộc tổ chức Công đoàn được trích từ tiền nguyệt liễm do thành viên của tổ chức Công đoàn đóng hàng tháng.

- Thứ tư. Tổ chức Công đoàn được thành lập để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong một hoặc nhiều công ty cùng hoạt động trong một lĩnh vực nào đó. Như Công đoàn thợ tiện, Công đoàn thợ lắp ráp xe hơi, v.v. ở Mỹ. Lãnh đạo của Công đoàn đại diện cho tập thể người lao động để đứng ra đấu tranh với giới chủ, đem về quyền lợi cho thành viên trong tổ chức của mình. Tổ chức Công đoàn chỉ đấu tranh và bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia trong tổ chức Công đoàn đó.”

Rất tiếc những điều kiện lý tưởng này chỉ có thể tìm thấy ở các Quốc gia có Dân chủ và Tự do vì người dân thật sự làm chủ đất nước của họ. Ngược lại ở Việt Nam Cộng sản, “nhân dân lao động” lúc nào cũng chỉ có hai bàn tay trắng và muôn đời không bao giờ ngóc đầu lên được vì họ không  được đảng cho  quyền “làm chủ đất nước”.

Tác gỉa Trần Vương viết tiếp : “ Nhìn sơ qua bốn tiêu chí căn bản trên đây thì tổ chức Công đoàn của Việt Nam chưa bao giờ là một tổ chức Công đoàn đúng nghĩa vì:

- Công đoàn Việt Nam chưa bao giờ hoạt động độc lập với chính quyền.

- Công đoàn Việt Nam là một bộ phận của công ty.

- Những người làm công tác Công đoàn ăn lương nhà nước.

- Công đoàn Việt Nam chưa thực hiện được chức năng quan trọng nhất là đứng ra đấu tranh với giới chủ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Như vậy, không chỉ riêng ở Việt Nam, mà tất cả các quốc gia đi theo con đường XHCN đều chưa có tổ chức Công đoàn đúng nghĩa.”

Thứ hai,  khi khoe rằng ở Việt Nam có “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.

Nhưng đảng đã tự ý cầm  quyền kể từ ngày thành lập đảng tháng 3 năm 1930 kia mà.  Khi nói “Nhà nước của nhân dân” mà dân chưa hề được cầm lá phiều bầu ra nó, nhưng lại phải chấp nhận nó như một “ân huệ” được đảng ban cho rồi lại trao cho đảng “lãnh đạo giúp” thì có phản động, phản dân chủ không ?

Hơn nữa, đảng cũng không chấp nhận có một đảng thứ hai hoạt động ở Việt Nam để tranh cử dân chủ, tự do với đảngh cấm quyền. Đảng cũng chiếm độc quyền thông tin báo chí, không chấp nhận cho ra báo tư nhân để tránh phải cạnh tranh thì các quyền dân chủ, tự do quy định trong Hiến pháp có gía trị gì không ?

Thứ ba, khi Thái viết điều không hề có là “chính sách của Đảng là “đại đoàn kết dân tộc”, “Củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất”, nhưng chưa bao giờ đảng đòan kết được dân tộc. Chính sách kỳ thị giai cấp; người ngòai đảng và người trong đảng; cách đồi xử giữa các Tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo, địa phương Nam-Bắc hãy còn ngổn ngang sau 35 năm thống nhất và cai trị cả nước.

Đối với tổ chức đựơc gọi là “Mặt trận dân tộc thống nhất” mà bây giờ gọi là Mặt trận Tổ quốc cũng không đại diện cho ai. Bởi vỉ, thành viên của Tổ chức này đều  do đảng cho phép lập ra và chi tiền nuôi cán bộ điều hành theo ý muốn của đảng, nên nó chỉ xứng đáng được  gọi là “Tổ chức ngoại vi của đảng”.  Nhiệm vụ duy nhất của Mặt trận là bảo đảm vững chắc quyền cai trị độc tài và độc tôn cho đảng, qua các cuộc lựa chọn ngưòi ra ứng cử các cấp chính quyển và Quốc hội. Thậm chí nếu một ứng cử viên không được Mặt trận “chấm mắt” và  không muốn đi  theo giáo điều, phản dân chủ của đảng thì dù có tài mấy cũng đừng hòng đắc cử.

Bằng chứng đã xẩy ra cho hai người nổi tiếng :  Tiến sỹ Lê Kiên Thành, con Trai trưởng  Cố Tổng Bí thư đảng Lê Duẩn và Tiến sỹ Luật  Cù Huy Hà Vũ, con Trai Nhà thơ Cù Huy Cận và  cũng là Cháu ruột của Nhà thơ Xuân Diệu. Hai ông đã bị loại bỏ khi ra tranh cử Quốc Hội.

AI TRAO QUYỀN LÃNH ĐẠO CHO ĐẢNG ?

Tưởng ba hoa chích choè như thế đã đủ, ai ngờ Thái còn “thừa thắng xông lên” qua lý luận trơ trẽn, dối trá : “So với nhiều quốc gia, nền tảng chính trị của chế độ ta có những nét đặc sắc về lịch sử, cơ cấu..: Thứ nhất, xét về mặt lịch sử hệ thống chính trị của xã hội mới ra đời trước khi cách mạng thành công.  Thứ hai, về cấu trúc,  hệ thống chính trị  của xã hội ta bao quát rộng rãi các lực lượng xã hội, theo nguyên tắc bình đẳng . Thứ ba, về mối quan hệ, các tổ chức của hệ thống chính trị thực hiện các chức năng của mình đồng thời có sự phân công phối hợp. Thứ tư, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được quy định trong Hiến pháp….

… Hiến pháp 1992 đã quy định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” (Điều 2). “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân. Nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân…” (Điều 3).”

Điều  quan trọng không có thật ở đây là là ai  đã viết ra Hiến pháp để trao quyền lãnh đạo vĩnh viễn cho đảng như ghi trong Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 : “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4) ?

Sở dĩ đảng có quyền này là do Quốc hội bỏ phiếu chấp thuận, nhưng Quốc hội cũng là người của đảng được Mặt trận Tổ quốc chọn cho dân bỏ phiếu cho có hình thức dân chủ theo chủ trương “đảng cử dân bầu” .

Như vậy có khác gì một cầu thủ đá bóng  mà kiêm luôn chức trọng tài  thổi còi khi ra sân thi đấu ?

Chưa xong, thợ viết Cao Đức Thái còn cương thêm “câu hát ”  theo kiểu những người làm trò bán thuốc dạo để coi thường sự  hiểu biết của người đọc : “Điểm đột phá trong tư duy pháp lí của chúng ta,  thứ nhất  là quy định của Hiến pháp: Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền. Điều đó có nghĩa pháp luật - sự thể hiện ý chí của toàn dân, giữ vị trí tối thượng. Thứ hai, đó là sự mở rộng các quyền và lợi ích của mọi người, trong đó có các quyền về sở hữu, quyền tự do sản xuất, kinh doanh (trong nền kinh tế thị trường). Thứ ba, đó là không ngừng nâng cao quyền làm chủ, quyền tham gia quản lí Nhà nước và xã hội của người dân. “

Một khi đã tự nhận là “nhà nước pháp quyền” thì phải biết  thượng tôn luật pháp. Đằng này luật pháp ở Việt Nam không dành cho người nghèo, trong khi Quan tòa lại chỉ biềt giáng án nặng cho các bị cao tép riu còn quan lớn có tội lại được hưởng đủ thứ ân huệ. Nếu có đi tù thì cũng được đối đãi như khách  đi nghỉ mát có đủ tiện nghi trong nhà giam từ nơi ở đến chế độ lao động, ăn nghỉ.

Có nhiều cán bộ cấp cao phải vào tù vì tham nhũng hay tha hóa, mất phẩm chất, thậm chí  có cán bộ đã lợi dụng chức vụ bỏ tiền mua dâm với cháu gái vị thành niên mà khi ngồi trong trại giam vẫn được đối xử như khi chưa mất chức!

Nếu đảng và nhà nước không tin đây là chuyện có thật thì cứ đến Văn phòng của Luật sư Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội, hay lục lại chồng báo cũ  để tìm cho ra nhẽ trắng, đen.

Còn chuyện nhà nước CSVN “không ngừng nâng cao quyền làm chủ, quyền tham gia quản lí Nhà nước và xã hội của người dân” hay  “nâng cao chức năng “giám sát phản biện xã hội" của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên”  chẳng qua cũng chỉ là những câu chữ nước bọt, không phản ảnh tình hình thực tế trong đời sống  xã hội bây giờ.

Nhưng đến khi Thái lý luận kiểu con Bọ xít rằng : “Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta chẳng những phù hợp với  nguyện vọng và ý chí của dân tộc Việt Nam mà còn phù hợp với pháp luật quốc tế. Luật quốc tế về quyền con người quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc có quyền quyết định thể chế chính trị của mình …” (Điều1). Điều đó có nghĩa các dân tộc hoàn toàn có quyền quyết định chế độ xã hội, hệ thống chính trị, Hiến pháp và pháp luật, trong đó có vai trò của đảng cầm quyền” thì qủa nhiên đã  hết thuốc chữa.

Bởi vì chỉ có trong một nước độc tài, đảng trị và mọi thứ người dân muốn, kể cả những quyền cơ bản đã ghi trong Hiến pháp và Luật pháp cũng phải thực hiện qua chế độ “xin – cho”. Cho nên khi Thái viết “Vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng ta chẳng những phù hợp với  nguyện vọng và ý chí của dân tộc Việt Nam mà còn phù hợp với pháp luật quốc tế” thì ai đọc cũng nhận ra cái lưỡi cong cong, nhiều đường lắt léo của  Cao Đức Thái.

Nhưng dù Thái và báo Quân đội Nhân dân có phù phép cách mấy cũng không thể lấy vải thưa mà che được mắt thánh của nhân dân.  Người dân không nói không phải vì không biết những điều nói dối của đảng mà họ muốn im lặng và  kiên nhẫn để xem những loại  tuyên truyền láo khóet  như thế tồn tại được bao lâu trong thời đại điện tóan hiện nay.